Lãnh đạo Techcombank cho biết, sản phẩm cho vay mua nhà để ở không phải là sản phẩm duy nhất được cung cấp đến khách hàng, mà ngân hàng còn tiếp tục bán chéo thêm nhiều sản phẩm khác...
Tuần trước, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - TCB) đã có buổi gặp mặt nhà đầu tư để thông báo về tình hình hoạt động các tháng đầu năm cũng như kế hoạch kinh doanh thời gian tới.
Thông tin tại sự kiện, lãnh đạo Techcombank cho biết ngân hàng này vẫn đang đứng đầu thị trường về cho vay mua nhà, đồng thời phân khúc này sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy mảng bán lẻ của ngân hàng thời gian tới.
Trước đó, trong một báo cáo do Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) thực hiện hồi đầu tháng 10 năm ngoái, các chuyên gia cho biết cho vay phát triển bất động sản và cho vay mua nhà đóng góp 40% tổng dư nợ cho vay của Techcombank. Xét riêng về cho vay mua nhà, Techcombank chiếm 16% thị phần, đứng thứ 2 trong hệ thống sau BIDV. Riêng về phân khúc cao cấp và sang trọng, Techcombank nắm 31% thị phần trên thị trường Hồ Chí Minh và Hà Nội. Giá trị bình quân mỗi khoản vay là khoảng 2,6 tỷ đồng. BVSC nhận xét, sự tập trung vào lĩnh vực cho vay bất động sản xuất phát từ mô hình kinh doanh theo chuỗi của Tehccombank với sự thành công đặc biệt của chuỗi giá trị trong ngành bất động sản với Vingroup cùng hàng loạt dự án nhà ở của tập đoàn này trong những năm vừa qua.
Do đang đứng đầu về cho vay phát triển bất động sản và mua nhà để ở, trong khi Chính phủ đang yêu cầu siết chặt cho vay đối với các lĩnh vực rủi ro đã làm dấy lên lo ngại về tình hình hoạt động của Techcombank thời gian tới.
Trả lời băn khoăn này hôm 28/5 vừa qua, bà Lê Thị Bích Phượng, Giám đốc Khối Dịch vụ Ngân hàng và Tài chính cá nhân (PFS) của ngân hàng cho biết, hiện Techcombank tập trung vào việc cho vay mua nhà để ở và đây cũng là một trong những phần trọng tâm của Techcombank chứ không phải bất động sản nói chung.
Đề cập đến những rủi ro khi cho vay mua nhà, bà Phương nói, hiện ngân hàng luôn tuân thủ và hoạt động kinh doanh dựa trên chính sách và quy định của Ngân hàng Nhà nước. "Trên thực tế thì NHNN vẫn muốn hướng các ngân hàng đến các nhu cầu đời sống tài chính chính yếu và đặc biệt là hạn chế rủi ro cho khách hàng cũng như ngân hàng. Vì thế, chúng tôi tập trung vào nhu cầu mua nhà để ở, đồng thời chúng tôi cũng tập trung vào những phân khúc với rủi ro thấp dựa trên những mô hình tính toán Expected loss - tức là những rủi ro, những khả năng thất thoát có thể phát sinh trong tương lai, thay vì việc chỉ đánh giá, nhìn nhận những rủi ro, thất thoát đã xảy ra trong quá khứ. Đây cũng là một trong những điểm quan trọng trong mô hình đánh giá rủi ro cũng như kiểm soát các danh mục cho vay của TCB" – bà Phương nói.
Lãnh đạo Techcombank cho biết thêm, sản phẩm cho vay mua nhà để ở không phải là sản phẩm duy nhất được cung cấp đến khách hàng, mà ngân hàng còn tiếp tục bán chéo thêm nhiều sản phẩm khác, từ giao dịch thanh toán đến bảo hiểm, hay những sản phầm cho vay mua ô tô, v.v… để giúp ngân hàng có thể duy trì và tăng trưởng doanh thu khi cho vay đối với những nhóm khách hàng này. "Đó là cách thức mà Techcombank đang quản lý những doanh nghiệp mà ngân hàng cho vay trên từng phân khúc dựa trên nguyên tắc khách hàng là trọng tâm."
Ông Nguyễn Lê Quốc Anh – Tổng giám đốc ngân hàng thì khẳng định, định hướng siết lại tín dụng bất động sản của NHNN không ảnh hưởng đến những khách hàng mà Techcombank cho vay và cũng không ảnh hưởng đến doanh thu của nhà băng này. Bởi lẽ khi nhìn vào doanh thu của ngân hàng thì không chỉ dựa vào bảng cân đối, không dựa vào dư nợ mà còn dựa trên nhiều dịch vụ tài chính đa dạng dành cho toàn thể các phân khúc khách hàng.
CEO của Techcombank cung cấp thêm thông itn, doanh thu lãi từ cho vay mua nhà hiện chỉ chiếm chưa đến 15% tổng doanh thu của khối PFS, và chiếm khoảng 7% doanh thu toàn ngân hàng nên dù có siết chặt cũng sẽ không ảnh hưởng tới doanh thu chung của ngân hàng trong thời gian tới.
Theo Hằng Kim
Trí Thức Trẻ