Chủ tịch Unilever Việt Nam: Trong lĩnh vực marketing, công nghệ là cơ hội hay thách thức tùy vào sự lựa chọn của bạn, và data chính là "nhiên liệu" cho tương lai

Nếu chúng ta yêu thích công nghệ và xem nó như công cụ tốt nhất để tăng hiệu suất marketing thì đó là cơ hội, ngược lại, nếu chúng ta ‘sợ hãi’ và lựa chọn đứng ngoài cuộc, thì rõ ràng công nghệ chính là thách thức.


Nếu chúng ta yêu thích công nghệ và xem nó như công cụ tốt nhất để tăng hiệu suất marketing thì đó là cơ hội, ngược lại, nếu chúng ta ‘sợ hãi’ và lựa chọn đứng ngoài cuộc, thì rõ ràng công nghệ chính là thách thức.

Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), Unilever cực kỳ nhạy cảm với các xu hướng mới trong lĩnh vực marketing, những chia sẻ của bà Nguyễn Thị Bích Vân – Chủ tịch Unilever Việt Nam, trong một sự kiện gần đây, đã chứng minh điều đó.

Theo vị Chủ tịch này, thì mục tiêu của marketing ở thời đại nào cũng giống nhau – giúp doanh nghiệp bán được nhiều hàng hóa, nâng cao uy tín thương hiệu và thu hút nhiều khách hàng tiềm năng, chỉ là phương cách để thực hiện điều đó khác nhau mà thôi.

Do càng ngày, những mong đợi và đòi hỏi của người tiêu dùng với những gì mà họ tiếp nhận – sử dụng ngày càng cao hơn cùng phức tạp hơn, nên trong tương lai, phương cách thực hiện marketing cũng sẽ rất khác, đến một thời điểm nào đó, dữ liệu – data sẽ đóng vai trò quyết định cùng dẫn dắt trong hoạt động marketing.

Thế nên, nếu chúng ta yêu thích công nghệ và xem nó như công cụ tốt nhất để tăng hiệu suất marketing thì đó là cơ hội, ngược lại, nếu chúng ta ‘sợ hãi’ và lựa chọn đứng ngoài cuộc, thì rõ ràng công nghệ chính là thách thức.

 

Mong đợi và đòi hỏi của người tiêu dùng ngày càng cao cùng phức tạp

Theo bà Melissa Nguyễn – Giám đốc Quốc gia về Giải pháp khách hàng của Google tại Việt Nam và Thái Lan, thì 64% người dùng smartphone mong đợi nhận được thông tin phù hợp với ngữ cảnh và tình huống của họ, 38% người dùng smartphone xem video trên YouTube để nghiên cứu về sản phẩm.

Bên cạnh đó, càng ngày người tiêu dùng càng ít kiên nhẫn hơn thể hiện qua sự tăng trưởng về việc truy cập tìm kiếm "near me" tăng gấp 3 lần trong 2 năm gần đây, 98% doanh thu của các cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam thu về từ việc bán hàng offline.

Những số liệu trên đã chỉ ra rằng: việc mua hàng vẫn diễn ra ở offline nhưng các thông tin từ online - trực tuyến sẽ dẫn đến quyết định mua hàng của họ.

"Càng ngày, mong đợi của người tiêu dùng ngày càng cao: họ hiếm khi chú tâm vào một thứ mà thường chú tâm vào rất nhiều thứ cùng một lúc, họ cũng không muốn xem quảng cáo trực tiếp – thường chặn các loại quảng cáo truyền thống như banner. Hiệu quả quảng cáo trên truyền thông báo chí khá mơ hồ, những tay chơi mới với những phương thức marketing sáng tạo tiếp tục phá vỡ những phương cách và quy tắc cũ.

Ngoài ra, mọi thứ trong thế giới số liên tục phân mảng và thay đổi nhanh chóng, người tiêu dùng có thói quen sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị như smartphone – table – laptop, lĩnh vực bán lẻ bị phân mảng có offline – online và omni-channel, công nghệ thông tin khiến hành vi tiêu dùng giữa thành thị và nông thôn ngày càng bị phân cực, thêm số lượng lớn doanh nghiệp khởi nghiệp gia nhập cuộc chơi bán lẻ", bà Nguyễn Thị Bích Vân nhấn mạnh vấn đề.

Theo đó, ngành marekting trong tương lai sẽ rất khác ngành marketing trong quá khứ. Các chiến dịch marketing trong quá khứ thường trao phần thưởng đầu vào thông qua KPI, đánh vào phân khúc đại chúng chung chung, không tối ưu hóa theo thời gian thực, truyền thông cũng đại chúng, làm báo cáo nghiệm thu chỉ sau khi chiến dịch hoàn tất.

Ngược lại, markerting trong tương lai sẽ theo 5P: Performance - chú tâm vào hiệu suất, Precision - thông điệp chính xác tới khách hàng mục tiêu, Present  - theo hiện tại – thời gian thực, Personalizatio - cá nhân hóa, Prediction - dự đoán trước được kết quả thông qua số liệu tức thời thu về.

 

Dữ liệu chính là "nhiên liệu" cho hoạt động marketing trong tương lai

Với quy tắc 5P, khách hàng sẽ trung thành hơn với sản phẩm và thương hiệu, giúp thúc đẩy tăng trưởng cho doanh nghiệp; khi họ cảm thấy nó hữu ích, có sự đồng cảm, có sự hồi đáp tương tác qua lại, cảm giác như thể được nhãn hàng đặc biệt quan tâm riêng, khiến liên kết giữa cả hai chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, để có thể thực hiện được 5P, các doanh nghiệp phải dựa vào dữ liệu - data. Data chính là ‘nhiên liệu’ cho các marketer trong tương lai!

Tuy nhiên, có ‘nhiên liệu’ mà không có ‘cỗ máy’ để sử dụng thì ‘nhiên liệu’ đó cũng trở nên vô dụng. Theo nữ lãnh đạo của Unilever Việt Nam, thì có 3 bước để tạo nên ‘cỗ máy’ để sử dụng data: đầu tiên là phải tái thiết lại cơ cấu tổ chức, thứ hai là tìm kiếm nhân tài và thứ 3 chính là ứng dụng các loại công nghệ khác nhau để khai thác hiệu quả data mà chúng ta có.

Tất nhiên, khi các phương cách marketing thay đổi thì nhiệm vụ của các marketer cũng như dịch vụ marketing cũng thế. Trong tương lai, các marketer phải tiếp tục thực hiện xuất sắc các phương cách marketing hiện đại cơ bản, tập trung vào hiệu suất, đo lường được các chỉ số quan trọng, đừng thử nghiệm mà hãy bắt đầu ngay lập tức, luôn có tư duy mở trong việc học tập cũng như từ bỏ kiến thức cũ.

Mặt khác, các doanh nghiệp trong ngành marketing hãy thử thách những mô hình dịch vụ marketing đang có, chủ động ứng phó với những thay đổi – tiến bộ của công nghệ cũng như thói quen tiêu dùng, tạo ra các dịch vụ phục vụ cho hoạt động marketing trong tương lai.

Đã đến lúc, các doanh nghiệp Việt - đặc biệt là ở mảng tiêu dùng, cần phải hòa mình vào dòng chảy của thời đại để bắt kịp tương lai, bởi "đứng im là cách đi lùi nhanh nhất trong thời đại thay đổi thần tốc ngày nay".


Quỳnh Như

Theo Trí Thức Trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/chu-tich-unilever-viet-nam-trong-linh-vuc-marketing-cong-nghe-la-co-hoi-hay-thach-thuc-tuy-vao-su-lua-chon-cua-ban-va-data-chinh-la-nhien-lieu-cho-tuong-lai-a94032.html