Những tâm sự "mỏng" nhưng thay đổi cuộc đời của một freelancer: Đi làm công sở và làm việc tự do khác biệt nhiều đến thế nào?

Tôi làm freelance cũng được một thời gian tương đối rồi. Và đây là một vài chân lý cuộc đời freelancer đã dạy dỗ mà tôi "trầy da tróc vảy" mới học được.


Tôi làm freelance cũng được một thời gian tương đối rồi. Và đây là một vài chân lý cuộc đời freelancer đã dạy dỗ mà tôi "trầy da tróc vảy" mới học được.

1. Chi phí thuê một nhân viên fulltime thường gấp 2-3 lần mức lương thực tế mà doanh nghiệp phải trả cho họ

Tôi thường nói thẳng điều này với các khách hàng cằn nhằn về mức giá tôi đưa ra cao hơn so với mặt bằng chung họ trả cho nhân viên. Tuy nhiên, nếu là chủ doanh nghiệp, hãy nghĩ đến lợi ích khi thuê freelancer, đó là doanh nghiệp sẽ chỉ cần trả mức giá ấy cho một người để hoàn thành toàn bộ công việc, không có bất cứ đòi hỏi tăng lương theo thời gian hay độ phức tạp nào nữa.

2. Nếu khách hàng hứa hẹn về thời gian cộng tác là 6 tiếng mỗi ngày, nghĩa là bạn sẽ mất 8 tiếng để xong việc

Và dĩ nhiên bạn chẳng được trả thêm tiền cho 2 tiếng thêm vào này để chỉnh sửa hay giải quyết các phản hồi của khách hàng đâu. Chính vì thế, để không bị thiệt thòi hay mất thời gian khi cộng tác, tôi thường tính chi phí theo ngày hơn là theo tiếng.

3. Đừng bao giờ quên cho bản thân thời gian nghỉ ngơi

Ai cũng có thể bị kiệt sức và cảm giác này thật sự không dễ chịu chút nào. Với những người làm freelancer, một khi rơi vào tình trạng kiệt sức, bạn sẽ mất đến cả tuần, thậm chí một vài tháng để phục hồi cũng như lấy lại năng lượng. Vì thế, dù tham công tiếc việc đến đâu, cũng hãy dành thời gian nghỉ ngơi. Tốt nhất là, hãy tính cả ngày nghỉ phép trong bất cứ hợp đồng cộng tác nào của bạn với khách hàng nữa nhé!

Những tâm sự mỏng nhưng thay đổi cuộc đời của một freelancer: Đi làm công sở và làm việc tự do khác biệt nhiều đến thế nào? - Ảnh 1.

4. Bạn là một đơn vị kinh doanh cá thể, không phải kẻ đi làm thuê

Khi thương lượng thì chuyện phải nhún mình là đương nhiên. Nhưng đừng bao giờ quên rằng bạn đang tham gia vào một giao dịch giữa hai bên công bằng về tư cách cộng tác, trách nhiệm cũng như quyền lợi. Khách hàng không có quyền ép buộc hay quyết định số giờ làm việc và số tiền trả cho bạn nếu bạn thấy không hợp lý. Họ có thể đề xuất và bạn mới là người quyết định cuối cùng.

5. Những yêu cầu vô lý sẽ phải trả một mức giá vô lý

Nguyên tắc của tôi là, khẩn cấp/cần gấp tương đương với việc thêm 30% vào tối thiểu 2h tiền công. Nếu tôi phải bỏ ngang công việc hiện tại để đáp ứng cái sự gọi là khẩn cấp của bạn, bạn phải bù cho tôi tối thiểu 2h thời gian và công sức đáng nhẽ ra tôi dành cho dự án khác. Hãy để khách hàng hiểu rằng, nếu yêu cầu thật sự khẩn cấp, họ nên vui vẻ chấp nhận mức giá. Còn nếu không, hãy vui vẻ và lịch sự xếp hàng theo đúng trật tự đi nào!

6. Có giờ làm việc cụ thể và nghiêm ngặt

Điểm khác biệt lớn nhất giữa đi làm công sở và làm việc tự do chính là thời gian làm việc. Là một freelancer nghĩa là bạn sẽ làm việc cả ngày nhưng không ổn định và phân bố thời gian rất lẻ tẻ. Trong như các nhân viên fulltime sẽ là 8 tiếng đều đặn từ 8h sáng đến 5h chiều, từ thứ hai đến thứ sáu. Nhưng để làm việc hiệu quả cũng như khiến khách hàng cảm nhận được sự chuyên nghiệp, hãy có một thời gian làm việc cố định. Ưu điểm của việc này chính là, nếu khách hàng có "mè nheo" yêu cầu bạn làm nhiều hơn với những yêu cầu khẩn cấp như trên chẳng hạn, bạn có thể danh chính ngôn thuận đòi thêm chi phí phát sinh ngoài giờ. Một công đôi việc đúng không?

Những tâm sự mỏng nhưng thay đổi cuộc đời của một freelancer: Đi làm công sở và làm việc tự do khác biệt nhiều đến thế nào? - Ảnh 2.

7. Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm

Lỗi lầm tệ hại nhất của một kẻ làm freelancer là thất hứa về deadline. Nếu có bất cứ vấn đề gì phát sinh và cảm thấy khó có thể hoàn thành công việc đúng hạn, hãy báo cáo lại ngay với khách hàng để họ hiểu về thực trạng và bớt kì vọng. Bởi rất có thể vấn đề của bạn có thể kéo theo rắc rối cho cả quy trình. Trao đổi rõ ràng và càng sớm càng tốt. Ai cũng hiểu rằng công việc là trên hết và sẽ thông cảm với bạn để mọi thứ được hoàn thành thôi.

8. Đừng để nghèo thì đi đôi với hèn

Nếu bạn ngửi thấy mùi bất ổn ở một dự án, đừng nhận! Cuối cùng bạn chỉ nhận lại được nỗi thất vọng và mệt mỏi mà thôi. Và những điều ấy thì có bao nhiêu tiền cũng không thể giải quyết nổi. Nguyên tắc của tôi là thà không có khách còn hơn là phải phục vụ những vị khách khó ưa. Với những dự án như thế, bạn luôn thiệt hại hơn là lợi nhuận mang về.

9. Dù bạn giỏi đến đâu, cũng luôn có người thay thế

Nếu cảm thấy đuối sức hay không thể đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, hãy tìm đến những người cùng ngành để chia việc hoặc gợi ý khách hàng tìm người phù hợp hơn. Bạn không phải thiên tài nên đừng quá kỳ vọng về bản thân để rồi chính khách hàng cũng ảo tưởng về bạn. Cố gắng làm những việc mà bạn không có khả năng chỉ càng gây ra những lỗi lầm ngớ ngẩn khiến bạn mất uy tín mà thôi. Trong khi sự thẳng thắn và cởi mở luôn khiến bạn được đồng sự và khách hàng tôn trọng.

Những tâm sự mỏng nhưng thay đổi cuộc đời của một freelancer: Đi làm công sở và làm việc tự do khác biệt nhiều đến thế nào? - Ảnh 3.

10. Công việc này quan trọng với bạn hơn là khách hàng

Thứ khách hàng quan tâm là doanh nghiệp của họ. Họ giao việc cho bạn là để họ có thời gian điều hành mọi thứ mà thôi. Còn với bạn, công việc này, dự án này là tất cả những gì bạn có. Vì thế, dù trong quá trình làm việc, khách hàng có lơ đãng hay không cập nhật thường xuyên, thậm chí là trả lời mail chậm hoặc lâu chuyển khoản, đừng có cáu nhặng lên và khó chịu. Bạn chỉ là một trong hàng đống khoản họ chi tiêu hàng tháng, họ chỉ thực sự để tâm khi bạn gây ra một tổn thất lớn mà thôi. Và dĩ nhiên, đó là điều chẳng ai mong muốn cả.

Cuộc đời làm freelancer của bạn thì sao? Bạn đã làm bao lâu và rút ra chân lý gì? Hãy cùng chia sẻ nhé!


Bùi Thảo

Theo Trí Thức Trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/nhung-tam-su-mong-nhung-thay-doi-cuoc-doi-cua-mot-freelancer-di-lam-cong-so-va-lam-viec-tu-do-khac-biet-nhieu-den-the-nao-a94285.html