Đại diện Minh Phú (MPC): Con gà nguyên liệu đi vào và thành phẩm đi ra, dù cũng là thịt gà nhưng xuất xứ khác nhau, không phải nuôi ở đâu là xuất xứ ở đấy!

Khi doanh nghiệp nhập nguyên liệu sau đó chế biến ra thành phẩm, thì lượng giá trị gia tăng đạt được đã đủ để thay đổi xuất xứ. Ví dụ như một con gà nguyên liệu đi vào khâu sản xuất, sau đó đi ra thành thành phẩm, tất nhiên đều là thịt gà nhưng mà con gà nguyên liệu và gà thành phẩm có xuất xứ hoàn toàn khác nhau, không hẳn nuôi ở đâu thì là xuất xứ ở đấy, Luật sư đại diện Minh Phú (MPC) dẫn chứng.

Được gỡ bỏ hoàn toàn thuế chống bán phá giá tại Mỹ sau hơn 2 năm, vua tôm Minh Phú (MPC) mới đây lại bị cáo buộc có khả năng đã nhập khẩu tôm đông lạnh từ Ấn Độ, chế biến ở mức tối thiểu và xuất sang thị trường Hoa Kỳ với xuất xứ tôm Việt Nam. MPC hiện vẫn chưa chính thức nhận được bất kỳ thông tin hay yêu cầu gì từ CBP cũng như bất kỳ cơ quan nào của Chính phủ Hoa Kỳ liên quan đến cáo buộc và yêu cầu nói trên.

Nhập khẩu tôm Ấn Độ từ những năm 2003-2004 cho đến hiện tại

Chia sẻ sâu hơn về câu chuyện xuất xứ và chống bán phá giá, Chủ tịch MPC – ông Lê Văn Quang – cho biết: "Nhìn chung, nếu mà nói chính xác MPC nhập tôm Ấn Độ từ năm 2003-2004, thời điểm này nguồn nguyên liệu thiếu hụt nên phải nhập khẩu và Ấn Độ cũng chưa bị áp thuế chống bán phá giá tại Mỹ. Sau đó bắt đầu từ khoảng tháng 8/2004, Việt Nam bị Mỹ kiện và áp thuế chống bán phá giá tôm, chung với thị trường Ấn Độ".

Cho đến hiện tại, MPC vẫn phải nhập khẩu tôm từ Ấn Độ nhằm bổ sung nguyên liệu chế biến, bù đắp cho sự thiếu hụt tôm nguyên liệu tại Việt Nam. Theo thống kê sơ bộ tính đến hiện tại của Tập đoàn, lượng tôm nhập khẩu từ Ấn Độ chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ (khoảng 10%) trong tổng lượng tôm nhập đầu vào của MPC.

Giải quyết công ăn việc làm cho người lao động là bài đau đầu nhất tính đến nay của MPC, người cầm cương nói. Với số lượng lao động tính đến cuối năm 2018 lên đến 13.492 người cùng hệ thống 15 công ty con công ty liên kết, để lúc nào nhân viên cũng có việc làm, thu nhập cao thì Tập đoàn phải duy trì sản xuất, do đó MPC phải nhập khẩu nguyên liệu tôm.

Giải thích thêm, luật sư cho biết mùa vụ quy hoạch tôm thường diễn ra sau 3-6 tháng, có những mùa tôm rất ít, thông thường những mùa này thì thị trường vẫn có nhu cầu, áp lực của MPC lúc này phải liên tục sản xuất, đồng thời để người dân có công ăn việc làm, dẫn đến tình trạng phải nhập.

Việc nhập khẩu tôm không chỉ dừng lại ở bài toán lao động, mà còn xuất phát từ yêu cầu của đối tác, khác hàng. Hiện, tôm nguyên liệu chủ yếu MPC nhập từ Ấn Độ, các nước khác chỉ đạt số lượng nhỏ không đáng kể. Tuy nhiên, những năm gần đây phát triển mô hình 234 đem lại sản lượng khá tốt, MPC đang hướng đến việc hạn chế nhập nguyên liệu từ bên ngoài, nếu đối tác có yêu cầu thì mới cân nhắc nhập.

Không phải nuôi ở đâu là xuất xứ ở đấy!

Đại diện Minh Phú (MPC): Con gà nguyên liệu đi vào và thành phẩm đi ra, dù cũng là thịt gà nhưng xuất xứ khác nhau, không phải nuôi ở đâu là xuất xứ ở đấy! - Ảnh 1.

Luật sư đại diện của MPC, bà Đinh Ánh Tuyết (góc tay phải).

Trở lại với cáo buột từ Nghị sỹ LaHood, luật sư đại diện MPC khẳng định thực chất câu chuyện liên quan đến xuất xứ hàng hoá, liên quan đến vấn đề "Liệu tỷ lệ chế biến ở Việt Nam có đủ để chuyển đổi cái tôm nguyên liệu xuất xứ từ Ấn Độ sang tôm nguyên liệu từ Việt Nam hay không?"

Trong đó, tỷ lệ 10% tôm nguyên liệu từ Ấn Độ theo luật sư đại diện của MPC – bà Đinh Ánh Tuyết - là không ảnh hưởng gì nhiều đến cáo buộc chống bán phá giá tôm, thực tế các thị trường khác thì việc nhập khẩu nguyên liệu là chuyện bình thường; chưa kể con số này còn cho thấy việc nhập khẩu tôm nguyên liệu từ Ấn Độ thực tế không để phục vụ thị trường Mỹ. Bởi vì tỷ trọng nhập không đáng kể, trong khi tỷ trọng MPC xuất khẩu sang các thị trường khác hiện đạt hơn 60%.

"Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ điều tra ở Việt Nam, và theo thông lệ khi có một cáo buộc xuất phát từ đơn vị này đó thì cơ quan Mỹ sẽ tiến hành điều tra. Và công tác điều tra sẽ bao gồm nhiều khâu nhiều vấn đề", bà Tuyết nói.

Kể từ thời điểm bắt đầu bị điều tra chống bán phá giá những năm 2003-3004, MPC luôn theo dõi kỹ công tác sản xuất, do đó việc Tập đoàn có thể xác định chính xác liệu rằng tôm nguyên liệu nhập từ Ấn Độ có đi sang thị trường Mỹ hay không là rất rõ. "Nếu nói có sự nhầm lẫn về xuất xứ là không thể xảy ra", bà Tuyết khẳng định.

Tức, tôm nhập khẩu từ Ấn Độ là tôm nguyên liệu, và tôm nguyên liệu này phải qua chế biến ở Việt Nam thì mới được xuất đi các thị trường khác. Chúng ta phải tách bạch tôm nguyên liệu và tôm thành phẩm, tôm nguyên liệu nhập vào, chúng ta phải bóc bỏ, bao bột, chiên rán… qua rất nhiều khâu cuối cùng mới cho ra tôm thành phẩm.

Mặt khác, khi doanh nghiệp nhập nguyên liệu sau đó chế biến ra thành phẩm, thì lượng giá trị gia tăng đạt được đã đủ để thay đổi xuất xứ. Ví dụ như một con gà nguyên liệu đi vào khâu sản xuất, sau đó đi ra thành thành phẩm, tất nhiên đều là thịt gà nhưng mà con gà nguyên liệu và gà thành phẩm có xuất xứ hoàn toàn khác nhau, không hẳn nuôi ở đâu thì là xuất xứ ở đấy, vị luật sư dẫn chứng.

Bổ sung, đại diện MPC cho rằng từ trước đến nay ai cũng biết Mỹ là một trong những thị trường kiểm soát vấn đề chống bán phá giá rất ngặt nghèo, cho nên thông thường tất cả các sản phẩm có nguyên liệu từ quốc gia khác thì công ty sẽ xuất đi các thị trường khác chứ không xuất vào Mỹ, đây là mấu chốt quan trọng của MPC. Trong trường hợp có xuất sang thị trường Mỹ thì tỷ trọng chế biến tại Việt Nam cũng đủ để chuyển đổi xuất xứ.

Vẫn đang nhận được rất nhiều đơn hàng từ Mỹ

Cuối cùng, về thị trường xuất khẩu MPC cho biết đang từng bước đa dạng hoá, giảm dần sự phụ thuộc vào Hoa Kỳ. Dù năm 2016, MPC đã được bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá nhưng doanh nghiệp không hề đẩy mạnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ, mà vẫn tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt thị trường châu Âu và các nước lân cận.

Ghi nhận, giai đoạn 2004-2005 tỷ trong xuất qua Mỹ của Tập đoàn đạt hơn 70%, tuy nhiên kể từ khi bị áp thuế chống bán phá giá thì MPC có nỗ lực giảm tỷ trọng tại quốc gia này. Dù số tuyệt đối có thể tăng theo sự tăng dần của kim ngạch xuất, tỷ trọng tại Mỹ giảm đáng kể. Tính đến quý 1/2019, lượng tôm xuất khẩu sang Hoa Kỳ của MPC chỉ đạt khoảng 33% trên tổng lượng xuất khẩu, giảm so với tỷ trọng trên 41% của năm 2015.

Đại diện Minh Phú (MPC): Con gà nguyên liệu đi vào và thành phẩm đi ra, dù cũng là thịt gà nhưng xuất xứ khác nhau, không phải nuôi ở đâu là xuất xứ ở đấy! - Ảnh 2.

Hiện, dù bị cáo buộc bởi Nghị sĩ, ông Quang cho biết hoạt động xuất sang Mỹ của MPC vẫn diễn ra bình thường, thậm chí có nhiều đơn hàng hơn. Bởi, thông lệ mọi năm thì tầm tháng 7-9, khách hãng Mỹ mới đặt nhiều. Riêng năm nay kể từ tháng 5 nhu cầu tại đây đã tăng rõ rệt, theo Chủ tịch lý giải, do giá tôm xuống quá thấp dẫn đến Ấn Độ bán giá thấp, người nuôi không có lời nên không thả thêm. Kết quả, giá tôm quay đầu tăng tại Ấn Độ, do đó Mỹ quay sang mua tôm tại Việt Nam.

Trí Thức Trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/dai-dien-minh-phu-mpc-con-ga-nguyen-lieu-di-vao-va-thanh-pham-di-ra-du-cung-la-thit-ga-nhung-xuat-xu-khac-nhau-khong-phai-nuoi-o-dau-la-xuat-xu-o-day-a94955.html