CEO Hồ Nhân: Nhà công nghệ sinh học ở Nanogen

Sau 20 năm ở nước ngoài, ông Hồ Nhân trở về Việt Nam điều chế các sản phẩm sinh học đặc trị các căn bệnh hiểm nghèo.

Năm 2010, Nanogen, một công ty nhỏ của Việt Nam bị tập đoàn đa quốc gia Roche tố cáo vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ với thuốc điều trị viêm gan siêu vi B và thuốc điều trị viêm gan siêu vi C. Sự kiện xảy ra chỉ bảy ngày sau khi hai sản phẩm của Nanogen được cơ quan nhà nước cấp phép đăng ký. Roche không đưa được bằng chứng thuyết phục song vụ kiện lại khiến cho Nanogen được chú ý tới.

Theo tính toán của ông Hồ Nhân, tổng giám đốc công ty công nghệ sinh học dược Nanogen, thuốc điều trị viêm gan siêu vi B và C do công ty sản xuất, với giá chỉ bằng 1/3 sản phẩm nhập ngoại cùng loại, hiện chiếm 80% thị phần. Dãy sản phẩm thuốc sinh học đặc trị của công ty này hiện đã được mở rộng thêm các sản phẩm điều trị bệnh thiếu máu, tăng bạch cầu để hỗ trợ bệnh nhân khi hóa trị, xạ trị, ghép tủy.

CEO Hồ Nhân: Nhà công nghệ sinh học ở Nanogen - ảnh 1

Ông Hồ Nhân, tổng giám đốc công ty công nghệ sinh học dược Nanogen. Ảnh: Lê Quang Nhật.

Tự nhận là “linh hồn của công ty,” ông Nhân cho biết có 20 năm nghiên cứu công nghệ sinh học ở nước ngoài trước khi về nước, lập công ty sản xuất thuốc sinh học trị liệu. Sự xuất hiện của các công ty như Nanogen, khiến cho BMI, trong báo cáo về ngành dược Việt Nam năm 2011, nhận định: “Ngày càng khó khăn hơn cho các công ty đa quốc gia chen chân vào thị trường mới nổi.”

“Đó là bước ngoặt,” ông Hồ Nhân nói về cột mốc năm 2010, lúc Nanogen vừa mới xây dựng nhà máy tại khu Công nghệ cao TP.HCM (quận 9) và được cấp phép lưu hành hai sản phẩm đầu tiên nhưng lại xảy ra vụ kiện với Roche. “Chi phí là một vấn đề. Lúc đó chúng tôi tự hỏi liệu mình có phát triển nổi ở trong nước nữa hay không?”

Hơn một nửa nhân viên dự định phải thôi việc sau khi ăn Tết xong. Ông khẳng định mình không vi phạm quyền được bảo hộ trí tuệ sản phẩm của Roche. Việc Roche không đưa ra bằng chứng chứng minh sự vi phạm bản quyền, cộng với thuốc tiêm Pegnano của Nanogen bán với giá 1,5 triệu đồng mỗi liều, chỉ bằng 1/3 giá thuốc nhập, khiến Nanogen có thời điểm “sản xuất không đủ bán,” theo lời ông Nhân.

Theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ người bị bệnh viêm gan siêu vi B và C cao trên thế giới, ở mức tương ứng là 15-20% và 4-5%. Nếu không ngăn ngừa và có giải pháp điều trị kịp thời, người mắc bệnh có nguy cơ bị xơ gan và ung thư gan. Nhắc lại việc đảo ngược tình thế từ chỗ sắp thu hẹp công ty đến phát triển ngoài dự đoán, ông Nhân bình luận: “Trong binh pháp Tôn Tử, có kế ‘man thiên quá hải’ – giấu trời qua biển – mà Khổng Minh từng sử dụng để thu tên của quân Tào trong trận Xích Bích.”

Không lâu sau khi Roche kiện Nanogen, công ty Việt Nam này đâm đơn kiện lại Roche, hàm ý nói xấu đối thủ trong một hội thảo. Nhìn lại chuyện này, ông Nhân nhận xét: “Không ngờ xì căng đan lại PR tốt cho mình như vậy.”

Sau khi đạt công suất tối đa 1 triệu sản phẩm/năm, Nanogen đang xây dựng nhà máy mới được cho biết là có công suất gấp 10 lần hiện tại và vốn đầu tư 50 triệu đô la Mỹ, nằm cạnh nhà máy hiện tại trong khu Công nghệ cao TP.HCM. Dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2015, nhà máy sẽ sản xuất các loại thuốc mới như thuốc điều trị viêm thấp khớp và các loại thuốc trị ung thư như ung thư bạch cầu ác tính, đường ruột, phổi. Các thuốc này, theo ông Nhân, đang được công ty thử nghiệm lâm sàng.

Doanh thu khi các loại thuốc chữa trị ung thư này đi vào thị trường, theo ông Nhân ước tính, sẽ tăng trưởng gấp 10 lần hiện tại. Trong danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả đang được xây dựng lại mà sở Y tế TP.HCM vừa trình lên bộ Y tế, có thuốc trị ung thư của Nanogen.

Ông Nhân không tiết lộ doanh thu của công ty năm 2013 nhưng cho biết, tỉ suất lợi nhuận tại thị trường nội địa khoảng 50%. Ngoài ra, ông còn nhượng quyền phân phối thuốc của Nanogen tại nước ngoài, mức lợi nhuận cao hơn bốn lần so với bán trong nước.

Tiềm năng của chế phẩm sinh học đặc trị nằm ở khả năng biến các tế bào trở thành các lò sinh học sản xuất ra các sản phẩm theo mong muốn của con người. Chẳng hạn, việc sản xuất ở quy mô công nghiệp insulin dùng để chữa bệnh đái tháo đường; tạo ra kích tố sinh trưởng để chữa bệnh lùn bẩm sinh hay các loại interferon chống virus, ung thư và chữa trị các bệnh di truyền của con người.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng: Mong muốn Hoàn Mỹ - ảnh 3

CÁC CÔNG TY NHẬP KHẨU THUỐC VỀ BÁN NGON LÀNH, GIỜ TÔI SẢN XUẤT ĐƯỢC THUỐC BÁN Ở ĐÂY, LỢI NHUẬN CỦA HỌ GIẢM.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng: Mong muốn Hoàn Mỹ - ảnh 3

Giáo sư Nguyễn Quang Thạch, khoa công nghệ sinh học, đại học Nguyễn Tất Thành nhận định rằng, chế phẩm sinh học đặc trị sẽ giúp giảm áp lực rất nhiều cho hệ thống chăm sóc sức khỏe trong tương lai. Chế phẩm sinh học đặc trị, theo ước tính của tổ chức EvaluatePharma, sẽ chiếm một nửa kinh phí dành cho thuốc vào năm 2020 trên toàn thế giới, khoảng 160 tỉ đô la Mỹ. Tại Việt Nam, năm 2013, thuốc công nghệ sinh học đang chiếm khoảng 5% thị phần, tương đương 175 triệu đô la Mỹ năm ngoái, theo ông Nhân, và có mức tăng trưởng 20 - 30%/năm.

Do trình độ công nghệ cao và chi phí đầu tư lớn, chế phẩm sinh học đặc trị thường là sân chơi của các tập đoàn đa quốc gia. Ông Lê Hoài Quốc, trưởng ban quản lý khu Công nghệ cao TP.HCM cho rằng ông Nhân đã khai phá thành công con đường sản xuất thuốc công nghệ sinh học tại Việt Nam, từ nguyên liệu đến thành phẩm.

Lớn lên ở New York, ông Hồ Nhân cho biết ông lấy bằng tiến sĩ công nghệ sinh học tại đại học Arizona và ấp ủ ước mơ lập công ty công nghệ sinh học của riêng mình. Ông đi làm thuê để dành dụm tiền, sau đó cùng người bạn học mở công ty chuyên làm về dịch vụ nghiên cứu và phân tích thuê cho các công ty dược, hóa chất. Theo ông Nhân, một trong những khách hàng thời đó là hãng dao cạo râu Gillette. Công ty đầu tiên ấy giúp ông hiểu được một mô hình kinh doanh cơ bản. Có thời gian, ông thương mại hóa sản phẩm ứng dụng công nghệ sinh học, giúp tăng tính đề kháng và thể trọng của gia cầm.

Năm 2008, về Việt Nam định cư lâu dài, ông Hồ Nhân mở một phòng thí nghiệm nhỏ tại quận Tân Phú, trước khi dời cơ sở về khu Công nghệ cao TP.HCM. Đi từng bước từ nghiên cứu cơ bản, đầu tư nhỏ, tạo ra sản phẩm thử nghiệm lâm sàng rồi tiến hành đầu tư sản xuất lớn, lợi nhuận được ông tiếp tục đổ vào nghiên cứu.

Ông Nhân cho biết, Nanogen đầu tư 40 triệu đô la Mỹ từ tiền cá nhân và vay của người thân, bạn bè. Công ty này hiện có thể kiểm soát trên 90% các bước cơ bản trong quy trình làm ra một sản phẩm thuốc công nghệ sinh học, tùy theo từng loại. Tỉ lệ còn lại tuy nhỏ, ví dụ một số bí quyết công nghệ, được công ty trả tiền mua bản quyền nghiên cứu nước ngoài, thường từ vài chục ngàn đến vài triệu đô la Mỹ. Ông Nhân nói: “Những nghiên cứu tiến bộ trên thế giới đã được đăng ký bản quyền. Cần sử dụng, mình liên hệ với tác giả. Như vậy vừa giảm giá thành sản phẩm, giảm rủi ro và tiết kiệm thời gian.”

Cách làm tích hợp chất xám nội địa và nghiên cứu quốc tế của ông Nhân được tiến sĩ Nguyễn Đức Thái, đại học Tân Tạo và đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, nhận định là “khôn khéo” vì đã “thay đổi một phần cấu trúc” nhờ đó tạo ra sản phẩm khác, giúp Nanogen thoát khỏi kết tội vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ của Roche.

CEO Hồ Nhân: Nhà công nghệ sinh học ở Nanogen - ảnh 4

CEO Hồ Nhân là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, qua các thương vụ mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực dược, bệnh viện và thiết bị y tế tại Mỹ và Hồng Kông. Ảnh: Lê Quang Nhật.

Ông Thái đã lên tiếng ủng hộ ông Nhân trong vụ kiện bản quyền với Roche, đứng dưới quan điểm đấu tranh giành quyền tự chủ cho quốc gia để giải quyết vấn nạn về loại bệnh phổ biến của quốc gia đó, tương tự như Brazil và Thái Lan được sản xuất thuốc HIV. Ông Thái cho rằng: “Đó là một diễn tiến lý thú và linh động, xứng đáng cho chúng ta bảo vệ.”

SAU VỤ KIỆN VỚI ROCHE, ÔNG HỒ NHÂN TRÁNH NÓI VỀ CÁ NHÂN, muốn mình là “ẩn số.” Ông giải thích: “Có nhiều người thương tôi nhưng cũng có nhiều người ghét tôi lắm vì tôi cạnh tranh, giành miếng ăn của họ. Ví dụ các công ty nhập khẩu thuốc về bán ngon lành giờ tôi sản xuất được thuốc bán ở đây, lợi nhuận của họ giảm.” Ông tỏ ra lo lắng về việc có thể bị ai đó ganh ghét mà gài bẫy hãm hại mình. Ông Nhân nói, năm nay ông 48 tuổi, thuộc năm tuổi, tức năm xui dù ông cũng “không tin lắm”.

Ông Nhân tỏ ra là người kiệm lời, đôi khi khó khăn trong việc tìm cách diễn đạt cho đúng ý, nhưng lại khá kỹ càng. Ông không quên quay lại đóng các cánh cửa như vừa bước ra từ phòng nghiên cứu, dừng lại nhặt một mảnh giấy vụn trên sàn nhà máy, ghé mắt vào kiểm tra từng cầu dao điện hay đọc chỉ số nhiệt độ tại khu biệt trữ nguyên liệu.

Tháng 4.2013, ông Hồ Nhân được mời vào hội đồng quản trị công ty Chứng khoán VinaSecurities, doanh nghiệp bị thua lỗ nhiều năm liền. Nhà công nghệ sinh học này vốn có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, qua các thương vụ mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực dược, bệnh viện, thiết bị y tế tại Mỹ và Hồng Kông. Sau khi bán công ty phân tích tại Mỹ, theo lời tự kể, ông Nhân gia nhập thị trường tài chính, mua bán công ty trong ngành y tế. Từng làm cho quỹ đầu tư, ông giải thích: “Nếu cứ làm nghiên cứu trong phòng lab đeo mắt kiếng dày cộp thì bao giờ mới đủ tiền để làm nhà máy to đùng.”

Ông Nhân từng dẫn đầu một nhóm định giá các cổ phiếu đầu tư tư nhân vào ngành y của một quỹ tại Hồng Kông có số vốn theo ông, trị giá hàng tỉ đô la. “Mấy năm nay năm nào tôi cũng làm 1 - 2 vụ mua bán cho họ. Những vụ trước có cái mang về lợi nhuận cho họ gấp 10 lần,” ông Nhân kể. Và việc tham gia thị trường tài chính Việt Nam lần này, theo ông, là để giúp bạn lúc khó khăn.

Vợ ông Nhân, bà Nguyễn Thị Hồng Vân cũng là giám đốc công ty Nanogen. Ông Nhân cho biết, ông đang tham gia tài trợ cho các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài dịch sách giáo trình, tài liệu khoa học từ tiếng Anh sang tiếng Việt để phổ biến công nghệ sinh học tại các trường đại học Việt Nam. Ông Nhân tự nhận mình có những mối quen biết các nhà khoa học “siêu việt” trong lĩnh vực này trên thế giới, những người có thể bay sang Việt Nam giúp ông.

Theo Forbes Việt Nam

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ceo-ho-nhan-nha-cong-nghe-sinh-hoc-o-nanogen-a94990.html