Đàn kiến cần mẫn tha mồi về tổ đợi mùa đông đến, còn con người chây ì kiếm tiền chỉ biết hưởng thụ: An nhàn trước mắt, tương lai muộn phiền!

Đời người tồn tại rất nhiều đạo lý rất đơn giản mà ai cũng có thể hiểu, nhưng trái ngang ở chỗ là lại thường rất ít người có thể làm theo những đạo lý đó.

Trong tập truyện "Ngụ ngôn Aesop", có một câu chuyện ngắn mang tên "Kiến và châu chấu", câu chuyện này nhắc nhở chúng ta rằng, thường ngày phải biết tích lũy, biết chuẩn bị sẵn sàng, siêng năng, kiên trì, có như vậy thì khi những lúc khó khăn, tình huống cấp bách hay thậm chí là cơ hội ập đến, ta đều có thể ung dung mà đối mặt với chúng. Nhưng, thực tế lại có rất nhiều người lại giống như chú châu chấu trong truyện, vào những lúc thoải mái, an nhàn lại đứng đó tận hưởng, không biết lo trước tính sau.

Vào những ngày hè nóng nực, đàn kiến kẻ lớn kẻ nhỏ, ai nấy đều vất vả, mồ hôi đầm đìa luân phiên nhau, từng đợt từng đợt chuyển thức ăn về tổ, còn châu chấu lại đứng ở bên cạnh đánh đàn ghi-ta nhảy múa. Châu chấu nói với đàn kiến: "Mấy cậu làm cái gì vậy? Thế giới này có nhiều thức ăn như vậy, ăn mãi cũng chả hết, các cậu đi chuyển thức ăn về dự trữ như vậy không phải là rất tốn thời gian ư, chi bằng lại đây ca hát nhảy múa với tôi, cùng nhau hưởng thụ quãng thời gian tươi đẹp này."

Nhưng đàn kiến không thèm để ý đến châu chấu, tiếp tục chuyển thức ăn về tổ. Châu chấu cảm thấy cuộc sống của đàn kiến quả thật rất vô vị, ngày nào cũng làm việc và làm việc, giống như một cái máy. Không giống châu chấu, có thể vui vẻ, tự do tự tại ca hát vui chơi, đời thiếu gì thứ để ăn, sao phải vội.

Nhưng đến mùa thu, thời tiết bắt đầu trở lạnh, châu chấu cảm thấy mình vẫn có thể đợi thêm tý nữa, dù sao thì mùa thu cũng là mùa thu hoạch, thức ăn còn nhiều hơn cả mùa hè. Nhưng, châu chấu cứ đợi, đợi tới khi ra ngoài không tìm được tý thức ăn nào mới phát hiện ra, thì ra đã là mùa đông rồi. Lúc này, đàn kiến đang ở trong tổ với đầy ắp thức ăn, chúng có thể vui chơi, ca hát nhảy múa, còn châu chấu, chỉ có thể chết đói giữa trời đông giá lạnh.

Đàn kiến cần mẫn tha mồi về tổ đợi mùa đông đến, còn con người chây ì kiếm tiền chỉ biết hưởng thụ: An nhàn trước mắt, tương lai muộn phiền! - Ảnh 1.

Giống như tất cả các mẩu truyện nhỏ trong tập truyện "Ngụ ngôn Aesop", câu truyện "Kiến và châu chấu" cũng thông qua phương pháp nhân hóa loài vật để nhắc nhở chúng ta, lúc có cơ hội mà không chuẩn bị tốt, không tính trước lo sau, đợi đến khi xảy ra vấn đề rồi mới nghĩ cách giải quyết, vậy thì đã quá muộn rồi.

​Đạo lý đơn giản này, đừng nói chúng ra, đến trẻ con sau khi nghe xong câu chuyện cũng sẽ hiểu ra được, nhưng, hiểu là một chuyện, còn làm được hay không lại là một chuyện khác. Rất nhiều người dù tình nguyện hay không tình nguyện, thì họ cũng đều đang sống như chú châu chấu trong truyện.

Thực ra, đàn kiến trong truyện chưa chắc đã là không biết tận hưởng cuộc sống, chúng chỉ đơn giản hiểu được rằng ở thời điểm nào thì nên làm việc gì, mùa hạ và mùa thu có nhiều thức ăn để dự trữ, vì vậy chúng cần nỗ lực chuẩn bị cho mùa đông khan hiếm thức ăn. Còn đến mùa đông, khi không cần phải đi tìm thức ăn nữa, chúng có thể ở trong hang vừa ấm áp lại vừa có thể ca hát nhảy múa.

Rất nhiều người "chưa hết tháng đã tiêu hết tiền" đều nói, kiếm được tiền thì phải tận hưởng cuộc sống, sao phải tiết kiệm, tôi muốn sống vì hiện tại, hoặc là nói tiền tôi kiếm được căn bản còn không đủ để tiêu, thậm chí còn phải vay tín dụng. Tôi cho rằng, cuộc sống tuyệt đối không phải như vậy, chi tiêu trong cuộc sống, có rất nhiều thứ quả thực không cần thiết.

Đàn kiến cần mẫn tha mồi về tổ đợi mùa đông đến, còn con người chây ì kiếm tiền chỉ biết hưởng thụ: An nhàn trước mắt, tương lai muộn phiền! - Ảnh 2.

Khi mà sự nghiệp của bản thân vẫn còn chưa đạt được một độ cao nhất định, khi mà tiền bạc kiếm được vẫn chưa đủ để đáp ứng được nhu cầu cuộc sống thì làm ơn đừng vì cái gọi là tâm trạng, cái gọi là hưởng thụ cuộc sống mà từ bỏ nỗ lực, từ bỏ việc chuẩn bị cho tương lai, nếu không thì, khoảng thời gian mà đáng lẽ ra có thể hưởng thụ thì bạn lại phải bỏ ra nỗ lực gấp nhiều lần người khác.

Có người từng đưa ra khái niệm "sống cho hiện tại", nói rằng cuộc đời không cần vì mấy chục năm tuổi già mà bắt thời trẻ phải gánh quá nhiều áp lực, mới nghe có vẻ đúng, có vẻ rất có lý, nhưng nghĩ kỹ lại, nếu như khi còn trẻ không gánh cái áp lực của trách nhiệm tuổi già, vậy thì có khi nào khi về già, bạn sẽ trở thành chú châu chấu mang trong mình sự hối hận, trách móc bản thân vì sao khi còn trẻ không chuẩn bị tốt hơn?

Đọc xong câu truyện "Kiến và châu chấu", tôi nghĩ, vì sao rất nhiều người lựa chọn làm chú châu chấu mà không phải là đàn kiến chăm chỉ kia. Nghĩ đi nghĩ lại, nghĩ tới một quan điểm, đó là bởi tầm nhìn của con người thường rất ngắn, họ chỉ nhìn thấy được cái lợi ích trước mắt mà không nghĩ đến lợi ích lâu dài; chỉ biết hưởng thụ trước mắt, vui vẻ, an nhàn, cho rằng thứ trực tiếp có thể hưởng thụ được mới là thứ chân thực nhất, còn những muộn phiền sau này thì cứ "để mai tính". Tâm lý này gọi là tâm lý "chây ì", không phải lười, bởi lười căn bản là không muốn làm gì cả, còn "ì" là dù biết rõ phải làm gì nhưng lại cứ nhất định không làm.

Rất nhiều người hiểu được đạo lý đằng sau câu nói "trời chưa mưa đã lo sửa nhà" nhưng lại không nhiều người làm được, bởi vì chuyện khó làm và chuyện nên làm thường là cùng một chuyện, phàm là những việc có ý nghĩa thì đều không dễ, còn đời người, nào đâu có chuyện nào dễ dàng?

Trí thức trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/dan-kien-can-man-tha-moi-ve-to-doi-mua-dong-den-con-con-nguoi-chay-i-kiem-tien-chi-biet-huong-thu-an-nhan-truoc-mat-tuong-lai-muon-phien-2-a95029.html