Nước Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump như thức tỉnh sau một thời gian dài bình lặng. Cơn bão dân túy khiến thị trường tài chính thế giới và nước Mỹ rúng động nhưng đang mang lại những kết quả khá bất ngờ cho nước Mỹ.
Dồn dập đón tin vui
Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ tiếp tục khởi sắc trong phiên cuối tuần với những tín hiệu đồng lòng từ các cơ quan tạo lập chính sách của nước Mỹ. Nếu không có gì thay đổi, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ có sự đảo ngược chính sách tiền tệ trong vài tháng tới đúng như mong của tổng thống Donald Trump.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones tiếp tục tăng hơn 260 điểm trong phiên cuối tuần lên sát ngưỡng 26 ngàn điểm đã bị mất trong thời gian gần đây do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và Mỹ-Mexico tăng cao.
Chỉ số tầm rộng S&P 500 cũng tăng mạnh và đang dần trở về ngưỡng 2.900 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng vọt lên trên ngưỡng 7.700 điểm trong bối cảnh nhiều cổ phiếu công nghệ chủ chốt như Microsoft, Apple… tăng nhanh trở lại. Tính trong cả tuần, Apple tăng hơn 8%, trong khi Microsoft tăng 6,3%.
Triển vọng chứng khoán Mỹ được dự báo sẽ còn tươi sáng hơn khi mà thông tin về Mexico được ông Donald Trump công bố vào thời điểm cuối tuần, trong khi chủ tịch Trung Quốc ông Tập Cận Bình có những phát biểu mang tính lùi bước, mong muốn hợp tác với Mỹ.
Ông Donald Trump công bố thông tin vui liên quan tới Mexico. |
Hôm 7/6, ông Donald Trump tuyên bố dừng kế hoạch áp thuế quan lên hàng hóa Mexico như đã đe dọa vì “Mỹ đã đạt một thỏa thuận với Mexico". Theo đó, Mexico cam kết sẽ triển khai các biện pháp mạnh để ngăn dòng người di cư vượt biên trái phép vào Mỹ.
Đây là một bước ngoặt về vấn đề nhập cư giữa Mỹ và Mexico kéo dài cả thập kỷ qua mà không có phương án giải quyết hiệu quả. Ông Trump là người đầu tiên buộc Mexico phải có những biện pháp cứng rắn, bao gồm quyết định đưa hàng ngàn quân tới biên giới để ngăn chặn làn sóng người Mexico nhập cư trái phép vào Mỹ.
Lời đe dọa tăng thuế lên 5% rồi dần lên 25% đối với hàng hóa Mexico cũng như khả năng phá vỡ hiệp định thương mại 3 bên Mỹ-Canada-Mexico đã ngay lập tức có tác dụng và buộc chính quyền Mexico phải có những động thái nhanh chóng thay vì chậm trễ, với lo ngại ông Trump sẽ có những đòn mạnh như đã đánh trực diện vào Trung Quốc trong một năm qua.
Trong một câu tút trên Facebook hôm thứ 7, tổng thống Mỹ Donald Trump chia sẻ thêm một thắng lợi, cho biết Mexico đã đồng ý “ngay lập tức bắt đầu mua một lượng lớn sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ”.
Một thỏa thuận khiến ông Trump hài lòng. |
Đây là một chiến thắng không chỉ trên bình diện thương mại mà còn là một cú huých tích cực đối với ông Trump trên mặt trận bảo vệ người nông dân - nhóm cử tri mang đến thắng lợi cho ông Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng cách đây hơn 2 năm.
Việc Mexico đồng ý đẩy mạnh mua một lượng lớn nông sản cũng mang đến thêm sức mạnh cho chính quyền ông Trump trong cuộc chiến thương mại với đối thủ Trung Quốc. Nông sản là một trong những “vũ khí” mà Trung Quốc nhắm tới để triệt hạ sức mạnh của ông Trump.
Đánh thức niềm tự hào nước Mỹ
Trong năm 2018, tổng thống Mỹ Donald Trump đã ghi nhận một loạt các thành công lớn khi thực hiện được rất nhiều mục tiêu đề ra từ khi chạy đua vào Nhà Trắng. Đó là việc kéo giá dầu về ngưỡng 60 USD/thùng, từ mức 90 USD/thùng hồi tháng 9, hay kiềm chế đồng USD tăng giá và tấn công Trung Quốc trên phương diện thương mại, công nghệ…
Kinh tế Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng 3,1% trong năm 2018, vượt mục tiêu tham vọng 3% do chính ông Trump đề ra, trong khi thị trường lao động vững mạnh. Các đợt cắt giảm thuế của chính quyền ông Trump đã tạo ra một động lực lớn cho nền kinh tế số 1 thế giới.
Quan hệ Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng và rạn vỡ. |
Hàng loạt các diễn biến trong năm 2018 khiến Bắc Kinh nín thở với đòn thương mại và công nghệ, còn tổng thống Nga Putin lạnh người lo lắng.
Tuy nhiên, những diễn biến trong nửa đầu 2019 mới thực sự ghi dấu ấn của ông Donald Trump với đòn đánh thuế 25% lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc và cú tấn công trực diện vào công ty công nghệ số 1 của Trung Quốc Huawei.
Cú tấn công vào Huawei đã vạch trần sức mạnh đe dọa của Trung Quốc, cho thấy rõ sức mạnh của Trung Quốc không thực sự đáng sợ như thế giới lo ngại bấy lâu nay. Sức mạnh công nghệ của Trung Quốc phụ thuộc vào Mỹ cũng như phương Tây và trên thực tế Trung Quốc chỉ nhỉnh hơn về sức mạnh tiền bạc tích lũy và quy mô thị trường nhờ quá trình làm giàu bằng mọi giá trong vài thập kỷ gần đây.
Trong một thông báo mới nhất, Facebook thông báo họ sẽ không cho phép cài đặt sẵn các ứng dụng Facebook, WhatsApp và Instagram trên điện thoại mới của Huawei. Nếu điều này xảy ra và một khi Google cũng ngừng cung cấp dịch vụ của mình thì sự suy sụp của Huawei chỉ còn là vấn đề thời gian.
Thay vì những phát biểu cứng rắn, tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bất ngờ hạ giọng khẳng định liên kết giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ vẫn mạnh mẽ, tổng thống Trump là bạn và tin tưởng ông Trump cũng không muốn những điều không tốt đẹp xảy ra với 2 bên.
Tham vọng số 1 thế giới về công nghệ và chính trị đang gặp khó trước nước Mỹ dưới thời ông Donald Trump. |
Tuyên bố của ông Tập Cận Bình được đưa ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang leo thang căng thẳng và ông Trump cho biết sẽ đưa ra quyết định về việc tăng thuế lên gói hàng 325 tỷ USD của Trung Quốc ngay sau Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào cuối tháng 6.
Cuộc chiến Mỹ-Trung đang trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Nó đe dọa triển vọng nền kinh tế của Mỹ, của Trung Quốc và toàn cầu. Tuy nhiên, đây cũng là lúc mà ông Trump có được sự đồng tình cao độ từ trong nước trong bối cảnh Mỹ-Trung thực sự trở thành 2 siêu cường kinh tế đối thủ của nhau, và trong tương lai có thể là đối thủ về nhiều mặt, từ Internet 5G, công nghệ nhận diện… cho tới hải quân đối đầu trên vùng biển Tây Thái Bình Dương.
Cuộc chiến được xem là còn kéo dài và ông Trump chính là người đã đánh thức niềm tự hào nước Mỹ và thay đổi cách nhìn của nhiều người Mỹ về Trung Quốc sau nhiều thập kỷ hợp tác “không sòng phẳng”, “khép cửa thị trường nội địa”, “đánh cắp công nghệ”…
Đòn tấn công của ông Trump cũng đang nhắm tới điểm yếu nhất của Trung Quốc. Đó là nỗ lực tìm động lực tăng trưởng mới để thoát khỏi cái bẫy thu nhập trung bình và để ổn định xã hội khi mà Trung Quốc đã đạt đến một mức thu nhập bình quân khá cao nhờ lợi thế sẵn có (thị trường lớn và lao động rẻ…) nhưng thu nhập có xu hướng giậm chân tại chỗ.
Chiến lược của Bắc Kinh là tập trung vào công nghệ và dịch vụ để thoát bẫy thu nhập trung bình, tính bước tiếp theo sau 40 năm mở cửa. Sau khi nhậm chức năm 2013, ông Tập Cận Bình muốn nhấn mạnh vai trò của nhà nước trong việc biến Trung Quốc thành siêu cường công nghệ và chính trị số 1 thế giới và bỏ qua chính sách "giấu mình chờ thời" của Đặng Tiểu Bình. Tuy nhiên, kế hoạch đột phá để vươn lên giàu có của Trung Quốc đang có nguy cơ đổ vỡ dưới bàn tay của ông Donald Trump.
Vietnamnet
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/tt-trump-ghi-dau-khong-tuong-chu-tich-tap-can-binh-lam-dieu-bat-ngo-a95070.html