Lãnh đạo các công ty ở Nhật dù nói chuyện nhỏ nhẹ nhưng trưởng các ngành hàng vẫn run lập cập nếu không đạt chỉ tiêu trong khi nhiều lãnh đạo người Việt “đập bàn đập ghế” quát tháo mà cấp dưới vẫn cứ dửng dưng theo kiểu "kệ ông". Đâu là nguyên nhân của thực trạng này?
Một trong những rủi ro lớn nhất đối với các doanh nghiệp là rủi ro về lãnh đạo và thu hút nhân tài. Nhiều doanh nghiệp của Việt Nam gặp phải một vấn đề lớn là không có nhân sự phù hợp để đáp ứng nhu cầu mở rộng, phát triển.
Có những doanh nghiệp đang phát triển tốt nhưng sau khi giao cho người khác quản lý lại gặp một rủi ro là người kế nhiệm không có đủ năng lực, đạo đức cũng như tinh thần, trách nhiệm. Lúc này, doanh nghiệp có nguy cơ đóng cửa nhanh, sớm tiêu tan.
Theo ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch tập đoàn Phú Thái, người đứng đầu doanh nghiệp phải luôn là người giỏi nhất thì mới có thể thu phục, chiêu mộ và định hướng nhân tài.
“Đừng cậy mình có tiền, muốn thuê ai thì thuê. Nhân viên dưới quyền làm việc cho mình vì tiền là một chuyện, họ muốn làm việc còn vì nể sếp giỏi, có thể học tập. Đó là giá trị vô hình”, ông Đoàn khẳng định tại hội thảo Bí quyết kinh doanh, bài học thương trường-con đường dẫn đến thành công do Học viện doanh nhân Vân Nguyên Edubiz tổ chức.
Ở nhiều công ty tại Nhật Bản, 8 - 9 giờ tối vẫn đông đúc, sếp chưa về thì chưa ai về. Người Nhật làm việc bằng trái tim. Ra quy định 8 giờ tối phải tắt đèn đi về thì từ 6 giờ sáng hôm sau họ đã đi làm.
Sếp các công ty bên Nhật nói năng dù nhỏ nhẹ nhưng trưởng các ngành hàng cứ run lập cập nếu không đạt chỉ tiêu trong khi ở Việt Nam, sếp “đập bàn đập ghế” mà cấp dưới cũng cứ dửng dưng theo kiểu “kệ ông”.
Kể cả những công ty có tiền “giật” người giỏi của công ty khác với mức lương đề xuất gấp 2, gấp 3 cũng không thể duy trì mãi được vì quá tốn kém, không tìm ra được lời giải cho bài toán chi phí, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Lúc này, nhân viên ra đi cũng là chuyện sớm muộn.
Ngày xưa quản lý hàng trăm người đơn giản nhưng nay nếu không giỏi thì quản lý chỉ khoảng 40 người cũng đã rất phức tạp vì nhiều người chỉ có kỹ năng trình diễn, học hết kỹ năng phỏng vấn trong khi vào làm thì chẳng vào đâu.
Chính vì vậy, ông Đoàn nhận định, dù trẻ hay già, học tập và nâng cao năng lực, trình độ là một trong những điều quan trọng hàng đầu đối với lãnh đạo doanh nghiệp.
Như ông Đoàn có những giai đoạn vừa đi làm, vừa đi học thạc sỹ trong ba năm liền. Đi làm từ sáng sớm đến chiều muộn, 6 đến 9 giờ tối lại “cầm xôi đi học”.
Cũng nhờ học nhiều, đi nước ngoài nhiều mà ông được mở mang đầu óc, tư duy cũng như tìm cách đi trước thời đại. Có những thứ Việt Nam chưa biết đến nhưng đã là một điều gì đó cũ kỹ ở nước ngoài.
“Phải học, phải tích luỹ kiến thức. Tôi vẫn khuyên sinh viên ra trường, trước 30 tuổi chắc chắn phải làm hai điều: một là học như điên, hai là làm như trâu. Chưa có ai chết vì làm nhiều cả”, ông Đoàn chia sẻ.
Nếu nhìn ở góc độ sự nghiệp thì cuộc đời của mỗi con người có thể được chia thành ba phân khúc chính. Trước năm 30 tuổi là học và làm, thường sẽ là làm thuê và đừng mơ ước đến đỉnh cao sự nghiệp ở giai đoạn này. Trong vòng 10 năm tiếp theo là giai đoạn lập nghiệp, có thể làm thuê, tự mở công ty riêng hoặc làm chung. Tuổi thành công nhất sẽ ở thời điểm từ 40 đến 50 tuổi.
Tuy nhiên, thời điểm cần vội lại nằm ở nhịp đầu tiên, không phải đến 40-50 tuổi mới cố gắng, mới vội, mới chạy nước rút bởi nếu không cố gắng từ sớm thì đến lúc đó sẽ chẳng có gì.
Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cũng chỉ ra, ngoài yếu tố năng lực, sức khoẻ, đạo đức, khả năng giao tiếp kém cũng là những điều khiến người Việt ít khi leo lên được vị trí cao nhất trong các công ty nước ngoài. Người Việt thường có xu hướng được cái này thì mất cái kia.
Theo đó, lãnh đạo phải hội tụ đủ tất cả yếu tố cần thiết gồm: tài, đức, khả năng làm việc tập thể, có sức khoẻ, có tham vọng, sự hy sinh, kỹ năng, ngoại ngữ.
Theo VietnamFinance
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/chu-tich-tap-doan-phu-thai-lanh-dao-phai-la-nguoi-gioi-nhat-cong-ty-a95197.html