Dù chỉ sai người bỏ thêm 3 vật tùy táng vào quan tài của Lưu Thiện, thế nhưng hàm ý sâu xa ẩn phía sau đó của Tư Mã Viêm lại khiến Hán thất phải ôm hận ngàn thu.
Năm 263 trong cuộc tấn công từ nhà Tào Ngụy, triều đình Thục Hán chính thức diệt vong dưới tay hậu chủ Lưu Thiện. Ngay sau khi vị Hoàng đế này đầu hàng, ông đã được tướng Ngụy là Đặng Ngải bái làm Phiêu kị tướng quân và đưa về Lạc Dương.
Sau đó, Lưu Thiện được phong làm An Lạc huyện công và giữ tước hiệu này cho tới cả khi tam quốc quy Tấn. Đến năm 271 đời Thái Thủy nhà Tấn, Lưu Thiện mất ở Lạc Dương, thụy là Tư công.
Có giai thoại còn từng truyền lại, vào ngày an táng vị Hoàng đế cuối cùng của nhà Thục Hán ấy, quân chủ Tấn triều khi đó là Tư Mã Viêm đã sai người bỏ vào quan tài của Lưu Thiện 3 vật đầy ẩn ý.
Thậm chí có ý kiến còn cho rằng, hành động này của Tư Mã Viêm chẳng những đã làm nhục Hán thất mà còn là đòn đả kích và châm biếm công khai nhằm vào các nhân vật cốt cán của Thục quốc năm xưa. Đó là Tiên chủ Lưu Bị, Thừa tướng Gia Cát Lượng và Hậu chủ Lưu Thiện.
Vậy 3 vật mà Tư Mã Viêm đã sai người bỏ vào quan tài của Lưu Thiện là những thứ đồ gì? Vì sao nhiều người cho rằng việc làm của hậu nhân nhà Tư Mã có thể khiến cho Hán thất dưới hoàng tuyền cũng không khỏi uất hận?
Giày cỏ - Lời châm biếm sâu cay từ hậu nhân nhà Tư Mã đối với gốc gác của Lưu Bị
Chỉ bỏ một đôi giày cỏ vào quan tài của Lưu Thiện, Tư Mã Viêm đã đạt được mục đích mỉa mai xuất thân của Lưu Bị và dằn mặt hàng loạt triều thần cũ của nhà Thục Hán. (Tranh minh họa).
Theo giai thoại nói trên, trong số 3 vật được Tư Mã Viêm sai người bỏ vào quan tài Lưu Thiện từng có sự xuất hiện của một đôi giày cỏ.
Đây thực chất là hành động mỉa mai đầy thâm độc của hậu nhân nhà Tư Mã nhằm vào Hoàng đế khai quốc của nhà Thục Hán là Tiên chủ Lưu Bị. Bởi trước khi làm nên đại nghiệp, Lưu Huyền Đức từng có một thời gian mưu sinh bằng nghề đan giày cỏ.
Mặc dù sau này mỗi khi xưng danh, ông đều nhận mình là dòng dõi Hán thất và được người đời kính trọng gọi bằng danh xưng "Lưu Hoàng thúc", thế nhưng điều đó cũng không thể làm hậu thế lãng quên đi xuất phát điểm có phần thua thiệt của vị quân chủ này.
Cũng bởi vậy mà có không ít kẻ đối nghịch mỗi khi nhắc tới thuở hàn vi của vị quân chủ họ Lưu vẫn thường châm biếm ông là phường "đan giày dệt chiếu".
Chính vì thế mà ở vào thời điểm an táng hậu chủ Lưu Thiện, Tư Mã Viêm đã cố ý sai người bỏ một đôi giày cỏ vào quan tài nhằm khơi lại chuyện xưa, từ đó cố ý bôi nhọ về quá khứ đã từng có một thời khó khăn của Lưu Bị.
Theo phân tích của trang QQNews, hành động này không chỉ đơn thuần chê bai xuất phát điểm bình dân của Lưu Huyền Đức mà còn là nước cờ mỉa mai đối với hoàng tộc Hán thất, đồng thời cũng được xem như chiêu bài "dằn mặt nhằm vào những triều thần cũ của Thục Hán và số ít những người còn mang tư tưởng phục hưng nhà Hán trong bối cảnh lúc bấy giờ.
Váy đàn bà - Đòn rửa nhục của cháu trai Tư Mã Ý đáp trả Khổng Minh
Tư Mã Viêm đã sử dụng chiêu bài tương tự để đáp trả lại bộ váy đàn bà mà Khổng Minh từng dùng để khích tướng Tư Mã Ý trong lần Bắc phạt năm xưa. (Ảnh minh họa).
Bên cạnh đôi giày cỏ dùng để châm biếm hoàng tộc họ Lưu, Tư Mã Viêm còn cho người bỏ vào quan tài của Lưu Thiện một chiếc váy của phụ nữ. Đây được xem là một hành động phục thù mà hậu nhân của gia tộc Tư Mã làm ra để rửa hận cho Tư Mã Ý năm xưa.
Theo ghi chép của một số tư liệu, khi hai bên Thục – Ngụy đối đầu ở gò Ngũ Trượng trong lần Bắc phạt thứ năm, Tư Mã Ý đã dùng kế đóng cổng thành không chịu giao chiến mặc cho quân địch có khiêu khích tới mức nào.
Bấy giờ, Gia Cát Lượng đã dùng phép khích tướng bằng cách gửi vào trong thành một bộ váy yếm phụ nữ kèm theo phong thư với nội dung:
"Trọng Đạt chui rúc trong thành không dám ra nghênh chiến thì có khác chi đàn bà, nếu muốn xưng danh là người quân tử và còn biết liêm sỉ thì hãy ra ngoài thành đọ tài cao thấp, nếu không thì hãy mặc bộ quần áo này vào".
Cổ nhân có câu "kẻ sĩ thà chết chứ không chịu nhục", Tư Mã Ý dù trong lòng tức giận nhưng cuối cùng vẫn quyết định ẩn nhẫn chờ đợi thời cơ.
Mặc dù không lâu sau đó Khổng Minh đã đột ngột qua đời, và hàng loạt chiến dịch Bắc phạt cũng không gây ảnh hưởng quá lớn đối vào Tào Ngụy, thế nhưng điều này không đồng nghĩa với việc gia tộc Tư Mã có thể quên được mối nhục năm ấy.
Đây cũng là lý do mà Tư Mã Viêm đã bỏ vào quan tài của Lưu Thiện một chiếc váy phụ nữ để chĩa mũi nhọn công kích vào Thừa tướng đã khuất của nhà Thục Hán là Khổng Minh, đồng thời cũng xem đó là việc làm để rửa mối hận cho người ông nội Tư Mã Ý khi xưa.
Ly rượu - Chiêu bài mỉa mai người chết của Tư Mã Viêm nhắm thẳng vào Lưu Thiện
Phong hiệu "An Lạc huyện công" mà Lưu Thiện được ban sau khi quy hàng thực chất cũng là một chiêu bài mỉa mai mà gia tộc Tư Mã nhắm vào vị Hậu chủ chỉ biết ăn chơi hưởng lạc này. (Ảnh minh họa).
Cũng theo giai thoại nói trên, vật cuối cùng được Tư Mã Viêm bỏ vào quan tài của Hậu chủ Lưu Thiện lại là một ly rượu hết sức tinh xảo. Vật này nhìn qua thì có vẻ bình thường hơn cả, nhưng đây lại chính là đòn châm biếm sâu cay mà quân chủ nhà Tấn nhắm thẳng vào người nằm trong quan tài.
Theo phân tích của tờ báo Sohu (Trung Quốc), ly rượu tinh xảo ấy thực chất là vật được dùng để thay cho lời mỉa mai trước sự vô năng, nhu nhược và bất tài của Lưu Thiện, đồng thời cũng lên án trước thói quen hưởng lạc của ông lúc sinh thời.
Trong tác phẩm "Tam Quốc diễn nghĩa", hình tượng của vị Hậu chủ này được miêu tả là một người chỉ biết vui chơi hưởng thụ, người đời thường coi ông là kẻ vô năng, thậm chí còn đem tiểu tự A Đẩu của ông để thay thế cho tính từ thiểu năng, vô dụng.
Chẳng những không thể cai quản tốt giang sơn mà Lưu Bị, Khổng Minh đã mất cả đời để gây dựng và lèo lái, Lưu Thiện còn bị coi là tội đồ trọng yếu dẫn tới sự diệt vong của Thục Hán.
Sau khi chủ động mở cổng thành đầu hàng trước sự tấn công của Tào Ngụy vào năm 263, vị Hậu chủ này còn thản nhiên quy thuận và chấp nhận tước phong mà nước địch ban cho.
Có ý kiến cho rằng, chỉ riêng việc một người từng là Hoàng đế nay lại chấp nhận chức quan nghe qua đã biết chẳng có thực quyền như "An Lạc huyện công" vốn đã là sự châm chọc đối với dòng dõi tông thất nhà Hán.
Chưa dừng lại ở đó, một số câu chuyện được ghi lại trong sử liệu cũng cho thấy Lưu Thiện sau khi quy hàng quả thực đã chẳng còn nặng lòng với việc khôi phục cơ nghiệp Thục Hán.
Theo "Hán Tấn Xuân Thu", năm xưa Tư Mã Chiêu từng có lần muốn thử lòng Lưu Thiện, liền mời ông đến phủ của mình dự tiệc. Buổi tiệc hôm ấy, Chiêu cố tình cho cung nữ múa điệu múa của nước Thục khiến cho nhiều quan lại cũ của Thục Hán cảm động đến rơi nước mắt.
Nhân đó, Tư Mã Chiêu bèn hỏi Lưu Thiện còn nhớ đất Thục không. Lưu Thiện khi đó đã là "An Lạc huyện công", liền thản nhiên đưa ra câu trả lời:
"Ở đây rất vui. Tôi không còn nhớ gì tới đất Thục nữa".
Cho nên mặc dù không bị Tư Mã Viêm trừ khử vì nghi kỵ, Lưu Thiện sau cùng vẫn bị vị Hoàng đế Tấn triều này vũ nhục một cách thẳng thừng và sâu cay chỉ bằng việc để một ly rượu xa hoa vào trong quan tài.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Mặc dù giai thoại về 3 vật Tư Mã Viêm bỏ vào quan tài của Lưu Thiện đã trở nên quen thuộc với hậu thế, tuy nhiên tính chân thực của câu chuyện này cho tới ngày nay vẫn là một chủ đề gây tranh cãi.
Thế nhưng dù cho Tư Mã Viêm có thực sự làm ra những hành động này để mỉa mai Thục Hán hay không, thì chỉ riêng việc Lưu Thiện năm xưa chủ động đầu hàng và thậm chí còn chấp nhận làm quan và nhận bổng lộc dưới trướng kẻ thù vốn đã là một điều đầy châm biếm đối với Hoàng tộc nhà Hán cũng như với những người đã từng bán mạng vì cơ nghiệp của quân chủ Lưu Bị năm xưa.
Theo Trần Quỳnh
Trí Thức Trẻ
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/chi-bo-3-mon-do-vao-quan-tai-luu-thien-chau-tu-ma-y-khien-han-that-om-han-ngan-thu-a95507.html