Từ ý tưởng bị chê "điên khùng", chàng trai sinh năm 1991 đã tìm ra giải pháp trồng lúa không dùng thuốc hóa học đạt năng suất cao.
Con đường từ thị xã Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) vào nông trại Tâm Việt phải qua một đoạn đê cao, lát bê tông chắc chắn. Hai bên đường, những bao lúa xếp ngay ngắn, báo hiệu mùa thu hoạch sắp kết thúc.
Giữa cánh đồng mênh mông những gốc rạ khô, nông trại của Võ Văn Tiếng mà bà con thường gọi là "út Tiếng", nổi lên một mảng xanh mát mắt. Đón đoàn khách hơn 80 người tham quan mô hình canh tác, ông chủ trẻ vẫn mặc bộ đồ đơn giản, với đôi chân còn lấm lem bùn đất. Chỉ đám ruộng đang chờ ngày thu hoạch, chàng trai có vóc dáng mảnh khảnh nhưng đôi mắt đầy nghị lực, khoe: "Vụ này, lúa nhà mình đạt năng suất gần 5 tấn mỗi hecta, gần bằng các ruộng có bón phân thuốc hóa học".
Ước tính trên 40ha đất, tổng cộng Tiếng thu về 200 tấn lúa, tương đương 120 tấn gạo, bán với giá 32.000 đồng mỗi kg, gấp đôi so với giá gạo cùng loại trên thị trường. Đó là chưa kể hàng trăm triệu đồng từ tiền bán cá và trứng vịt nuôi thả tự nhiên trên ruộng.
Út Tiếng sinh ra trong gia đình thuần nông tại huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Nhìn cảnh ba mẹ quanh năm lam lũ mà cũng chẳng dư dả gì, Tiếng quyết tâm lên TP HCM tìm học nghề gì đó để không phải gắn bó với ruộng đồng.
Theo học công nghệ thông tin rồi du lịch, nhưng bản tính phóng khoáng của người nông dân khiến cậu cảm thấy gò bó trước màn hình máy tính hoặc những giờ lý thuyết trên giảng đường.
Gác lại chuyện học hành, Tiếng thực hiện chuyến "phượt" khắp các tỉnh thành trong nước. Dự định ban đầu là đi tìm hiểu kỹ về văn hóa đặc trưng mỗi vùng miền rồi về lên kế hoạch thành lập công ty lữ hành chuyên đón khách nước ngoài. Nhưng rồi chuyến đi này lại là cơ duyên đưa chàng trai 9x quay lại với mảnh ruộng quê hương.
Dự kiến rong ruổi một năm, Tiếng dành đến 3 tháng khám phá các tỉnh Tây Bắc. Mỗi ngày theo người dân địa phương lên nương bẻ ngô, gặt lúa, chàng trai đồng bằng sông Cửu Long thắc mắc vì sao năng suất trồng trọt tại đây chỉ bằng một nửa so với quê mình, nhưng mọi người chỉ làm mỗi năm một vụ. Sau tìm hiểu kỹ mới biết người dân vùng núi chỉ dùng phân chuồng để bón ruộng và họ cho đất nghỉ một vụ để lấy lại độ phì nhiêu.
Thời điểm đó, Campuchia có chương trình quảng bá gạo hữu cơ rất rầm rộ. Người dân tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP HCM cũng khá ưa chuộng loại gạo này. Dòng máu thuần nông trong người con miền phù sa nổi lên câu hỏi: "Vì sao nước ta trồng lúa, xuất khẩu gạo bao đời nay mà dân Việt Nam lại ăn gạo Campuchia?".
Năm 2015, Tiếng quay lại quê nhà thuyết phục gia đình chuyển sang trồng lúa sạch. Kế hoạch của chàng trai chưa có kinh nghiệm gì về nông nghiệp, vấp phải sự phản đối quyết liệt từ gia đình và bạn bè, nhất là cha của cậu. Ông bảo thà rằng cho tiền cậu đi học tiếp nghề gì cũng được, dứt khoát không chịu giao đất để làm chuyện "điên khùng". Bằng sự quyết tâm, dần dần Tiếng cũng được mẹ, các anh chị rồi người cha cho phép thử nghiệm trồng lúa sạch trên 2ha đất của gia đình.
Đầu tiên, cậu cho đắp lại bờ bao chắc chắn để ngăn phân thuốc từ các ruộng bên cạnh theo nước tràn sang. Tiếng còn đào một hồ nước lớn trên ruộng, vừa là nơi lắng lọc nước vừa làm hồ điều tiết, có thể nuôi thêm cá để lấy phân bón ruộng và tăng nguồn thu.
Canh tác lúa tại vùng sát biên giới sợ nhất là dịch hại rầy nâu. Khu vực này, có thời điểm vừa chập tối, người dân phải đóng hết cửa tắt đèn vì sợ rầy tấn công vào nhà. Ruộng của Tiếng không sử dụng thuốc hóa học phòng ngừa nên càng bị phá hoại dữ dội. Quyết tìm cách chế ngự loại sâu hại này, đêm nào chàng trai cũng cầm đèn pin soi từng gốc lúa và phát hiện những đêm trăng sáng, rầy thường di cư tìm nơi mới để đẻ trứng. Tiếng thử bơm nước lên ngập gần hết thân lúa thì trứng và ấu trùng rầy bị thối và hư hết sau 4-5 ngày. Cậu còn thả nuôi thêm vịt và cá trong ruộng, để ăn hết lượng rầy nâu còn sót trên lá lúa.
Cánh đồng trồng luân canh sen - lúa để cải tạo đất, không cần cung cấp thêm bất kỳ chất dinh dưỡng trong suốt vụ canh tác. |
Nhờ giải pháp đơn giản mà ruộng của Tiếng không bị hư hại, trong khi các chủ ruộng bên cạnh phun xịt rất nhiều mà vẫn bị rầy tấn công. Cứ vậy, bằng sự quan sát và chịu khó học hỏi, Tiếng dần dần học cách khắc phục các loại dịch hại khác trên lúa mà không cần sử dụng đến thuốc hóa học.
Ngoài ra, anh còn nghĩ ra cách cải tạo độ màu mỡ cho đất mà không cần sử dụng phân chuồng hay bất cứ loại phân vi sinh nào khác là trồng sen. Đồng Tháp nổi tiếng là vùng đất của sen, loại cây có lượng sinh khối và chất hữu cơ cao. Sen thường sinh trưởng mạnh vào mùa hè, sau đó sẽ rụi đi và gần như vùi chôn hết dưới đất. Tiếng cho thử nghiệm trồng luân phiên sen - lúa. Cứ sen vừa tàn, cậu lại cho làm đất trồng lúa. Lúa gặt xong, sen lại tự đâm chồi, vươn lên. Nhờ phương pháp này mà lúa của Tiếng từ lúc đầu năng suất chỉ bằng một nửa so với phương pháp canh tác cũ, nay đã tương đương.
"Muốn trồng lúa mà không dùng phân thuốc hóa học, phải trải nghiệm thực tế và nghiên cứu trả lời câu hỏi vì sao sâu bọ gây hại thì mới tìm ra cách khắc phục", Tiếng chia sẻ.
Sau khi tự tin làm chủ kỹ thuật trồng lúa sạch, đến cuối năm 2016, Tiếng thuê 40ha ruộng và thành lập nông trại Tâm Việt. Chàng trai trẻ đặt tên trang trại như thế để thể hiện sự thành tâm trong sản xuất sản phẩm sạch cho người tiêu dùng Việt. Gạo của nông trại được khách hàng đặt mua từ trước khi thu hoạch, dù có giá cao gấp đôi so với thị trường nhưng cung vẫn không đủ cầu.
Tiếng đang hoàn thiện bộ hồ sơ xin chứng nhận lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ của EU và Mỹ, hướng đến việc mở rộng thị trường và nâng giá trị hạt lúa của nông trại. Ngoài ra, cậu cũng ấp ủ kế hoạch thuê thêm 50ha đất ngoài đê để trồng luân phiên sen - lúa, kết hợp đón khách du lịch mùa nước nổi.
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/hanh-trinh-lam-ra-hat-gao-sach-cua-ong-chu-9x-a9553.html