Cha con đại gia Võ Trường Thành mất nghiệp, võ sĩ Vovinam lên ghế nóng

Doanh nghiệp vốn một thời của cha con ông Võ Trường Thành có chủ tịch mới sau một thời gian dài tái cấu trúc và tỷ phú số 1 Việt Nam Phạm Nhật Vượng tính đổ ngàn tỷ vào bất thành.

Doanh nghiệp vốn một thời của cha con ông Võ Trường Thành có chủ tịch mới sau một thời gian dài tái cấu trúc và tỷ phú số 1 Việt Nam Phạm Nhật Vượng tính đổ ngàn tỷ vào bất thành.

CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) của cựu chủ tịch Võ Trường Thành vừa công bố thông tin về sự thay đổi một loạt các vị trí lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp ngay trước thềm đại hội cổ đông.

Theo đó, Gỗ Trường Thành thông qua việc miễn nhiệm tư cách chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) đối với ông Hồ Anh Dũng theo đơn từ nhiệm mà ông này gửi đến công ty. TTF cũng miễn nhiệm cách thành viên HĐQT đối với ông Dũng.

Đồng thời, TTF bầu bổ nhiệm ông Mai Hữu Tín - hiện đang là Phó Chủ tịch HĐQT - lên giữ chức vụ chủ tịch HĐQT thay thế ông Dũng. Điều khá thú vị, ông Tín hiện là Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam, đồng thời Chủ tịch Liên đoàn vovinam thế giới nhiệm kỳ 2017-2022. Ông Tín từng là võ sĩ vovinam và từng giành chức vô địch toàn quốc năm 1986.

Cũng trong đợt thay đổi lãnh đạo lần này, HĐQT TTF cũng bầu bổ nhiệm ông Vũ Xuân Dương - Thành viên HĐQT - giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT. Ông Võ Quốc Lợi và Lê Văn Minh được bầu làm thành viên HĐQT, thay cho ông Vũ Tuấn Hoàng rời nhiệm.

Ông Nguyễn Trọng Hiếu (thành viên HĐQT) được bổ nhiệm kiêm chức vụ TGĐ thay cho ông Mai Hữu Tín..

Như vậy, cả dàn lãnh đạo của Gỗ Trường Thành đã được thay đổi. Đây là bước ngoặt tái cấu trúc tiếp theo sau một thời gian dài TTF vật lộn để giải quyết các vấn đề liên quan tới nợ nần và làm ăn thua lỗ - hậu quả để lại từ thời ông Võ Trường Thành.

Gỗ Trường Thành từng được biết đến là một doanh nghiệp gỗ đầu ngành tại Việt Nam và từng được tỷ Công ty Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát (công ty con của Tập đoàn Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng) có kế hoạch đổ khoảng 1.800 tỷ đồng để mua 72 triệu cổ phiếu TTF, tương ứng sở hữu 49,9% vốn của Gỗ Trường Thành vào năm 2016. Tuy nhiên, sau đó việc này dừng lại vì phát hiện một số sai lệch nghiêm trọng giữa một bên là số liệu mà đại gia này công bố cho nhà đầu tư và tình hình thực tế mà Tân Liên Phát nắm được. Những sai lệch này chủ yếu liên quan đến hàng tồn kho và công nợ.

Cha con ông Võ Trường Thành.

Hồi giữa năm 2018, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với ông Võ Trường Thành và Võ Diệp Văn Tuấn (con ông Thành) về tội "Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán".

Dưới thời của ông Võ Trường Thành và con trai Võ Diệp Văn Tuấn, Gỗ Trường Thành gần như sụp đổ vì nợ nần. Cha con ông trùm ngành gỗ mất toàn bộ cơ nghiệp có lẽ cũng vì ham hố đầu tư lớn, vượt quá sức của doanh nghiệp trong khi ngành chế biến gỗ Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thị trường vốn, lao động và nguyên liệu trong nước không phải lúc nào cũng thuận.

Sau khi cổ đông lớn Tân Liên Phát tháo chạy, nhóm cổ đông do ông Mai Hữu Tín vào và vực lại TTF. Tuy nhiên, doanh nghiệp hàng đầu trong ngành gỗ vẫn còn nhiều khó khăn.

TTF cũng đã phải sáp nhập với Sứ Thiên Thanh nhằm giúp TTF thoát nguy cơ lỗ lũy kế vượt cả vốn điều lệ. TTF đã tất đợt phát hành hơn 95,6 triệu cổ phiếu hoán đổi cổ phiếu Sứ Thiên Thanh, theo tỷ lệ 1 cổ phiếu Sứ Thiên Thanh sẽ nhận lại được 8,21 cổ phiếu TTF.

Ngành vật liệu xây dựng thời gian gần đây gặp nhiều khó khăn. Không chỉ có Gỗ Trường Thành, nhiều doanh nghiệp ngành thép cũng lao đao vì thua lỗ. Trong quý 1/2019, cả Pomina và Nam Kim lỗ lớn do áp lực giá vốn cao cho dù doanh thu khá ổn. Trong 2018, Thép Việt Ý và Thép Dana - Ý cũng thua lỗ lớn.

Một doanh nghiệp khác cũng gặp khó khăn thua lỗ và được giải cứu trong thời gian gần đây là HAGL Agrico của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức). Trong quý 1/2019, HAGL Agrico lỗ gần trăm tỷ đồng. Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương đã rốt tiền vào HAGL Agrico và tái cấu trúc lại doanh nghiệp của Bầu Đức.

CTCP Thuận Thảo của “Bông hồng vàng” Thuận Thảo Võ Thị Thanh cũng lỗ chồng chất 1,2 ngàn tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm gần 800 tỷ.

Thảm kịch thua lỗ nặng nề, của doanh nghiệp của nhiều đại gia bắt nguồn từ hoạt động đầu tư dàn trải. Hoạt động đầu tư vào bất động sản cũng như các ngành nghề khác mà không kiểm soát được dòng tiền là một trong các nguyên nhân khiến các đại gia rơi vào tình trạng nợ nần, thua lỗ lớn.

Cổ phiếu TTF của ông chủ mới Mai Hữu Tín hiện có giá 3.100 đồng/cp, HAGL Agrico (HNG) của Bầu Đức có giá 15.300 đồng/cp, trong khi GTT của Thuận Thảo là 400 đồng/cp.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), giao dịch vẫn ảm đạm. Sức cầu thấp trên toàn thị trường khiến VN-Index giảm điểm.

Tuy nhiên, một số cổ phiếu blue-chips vẫn có diễn biến tích cực như Vietcombank, BIDV, Bảo Việt, Thế Giới Di Dộng, Hòa Phát…

Một số công ty chứng khoán (CTCK) vẫn có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Theo SHS, dự báo thị trường có thể có phiên thứ 3 liên tiếp giao dịch giằng co và đi ngang trong biên độ 955-970 điểm (MA200-20-50). Nhà đầu tư nên duy trì danh mục cổ phiếu ở mức vừa phải trong giai đoạn này và đứng ngoài quan sát diễn biến của thị trường.

Theo KIS, chỉ số VN-Index hình thành hai cây nến thân nhỏ cho thấy sự thận trọng. Trong trung hạn, do xu hướng đi ngang của VN-Index nên chiến lượt phù hợp với nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại là chốt lời và cắt lỗ nhỏ.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/6, VN-Index giảm 0,83 điểm xuống 962,07 điểm; HNX-Index giảm 0,04 điểm xuống 103,95 điểm và Upcom-Index tăng 0,3 điểm lên 55,13 điểm. Thanh khoản đạt 170 triệu đơn vị, trị giá 3,6 ngàn tỷ đồng.

V. Minh

Theo VietnamNet

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/cha-con-dai-gia-vo-truong-thanh-mat-nghiep-vo-si-vovinam-len-ghe-nong-a95602.html