Bằng cách này, một số công ty Trung Quốc có thể khiến nhân viên luôn sẵn sàng làm thêm giờ để cống hiến hết mình cho công ty.
Các giám đốc ở phương Tây thường sử dụng dữ liệu để xác định thị trường muốn gì rồi mới đáp ứng nhu cầu đó. Cách tiếp cận này khá giống phương pháp "Lean Startup" (Tạm dịch: Khởi nghiệp tinh gọn) được nghiên cứu và phổ biến bởi doanh nhân nổi tiếng Eric Ries.
Trong mô hình Lean Startup, doanh nhân sẽ đưa ra giả định về nhu cầu thị trường, kiểm tra giả định với sản phẩm mẫu và nếu thị trường yêu thích nguyên mẫu đó, công ty mới chính thức sản xuất và cung cấp sản phẩm.
Trong khi đó, những nhà điều hành ở Trung Quốc chỉ nhắm tới việc tung sản phẩm mới ra thị trường càng nhanh càng tốt. Không ít công ty thường bỏ qua việc xây dựng mô hình và thử nghiệm thị trường. Trên thực tế, phương thức của họ đã mang lại kết quả đáng kinh ngạc – đổi mới với tốc độ nhanh chóng nhưng cũng đòi hỏi nhân viên phải chạy đua với thời gian để hoàn thiện sản phẩm. Thậm chí, điều này đã trở thành một nét văn hóa đáng chú ý tại đất nước tỷ dân và được gọi tắt là "996" – làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày/tuần.
Văn hóa làm việc "996" rất phổ biến tại các startup công nghệ Trung Quốc.
Vài tháng trở lại đây, nhiều nhân viên của các công ty công nghệ Trung Quốc đã thể hiện sự bất mãn với chế độ làm việc được cho là vắt kiệt sức lao động của họ bằng cách tham gia vào những cuộc biểu tình trực tuyến.
Với hầu hết mọi người, làm việc 72 giờ/tuần và sống theo lối sống "996" là một lịch trình hà khắc nhưng đây lại là thói quen rất bình thường của những nhà sáng lập startup trên toàn thế giới.
Các doanh nhân này tuy có thời gian và nguồn lực hạn chế nhưng họ lại có niềm tin mãnh liệt vào những gì mình đang xây dựng và tiềm năng của việc ý tưởng của họ có thể giúp ích cho hàng triệu người, giúp họ kiếm tiền và thậm chí là khiến thế giới trở nên tốt đẹp hơn.
Có thể nói, đây là một lý tưởng có sức mạnh khiến hầu hết mọi người làm việc cho các startup ở phương Tây hay phương Đông đều cảm thấy vui vẻ và sẵn sàng làm thêm giờ để biến niềm tin của họ thành hiện thực.
Một trong những điều khiến Trung Quốc khác biệt là những công ty hàng đầu như Tencent hay Alibaba: Đều khởi đầu là những startup nhỏ, không bao giờ mất đi thói quen làm việc chăm chỉ và không ngừng phát triển. Họ đã duy trì được văn hóa khởi nghiệp của mình và truyền tải tầm nhìn cho từng nhân viên ngay cả khi đã đạt mức vốn hóa thị trường lên tới gần nửa tỷ USD.
Tất nhiên, không phải mọi nhân viên của những gã khổng lồ này vẫn có tầm nhìn như trước đây, khi công ty ở quy mô nhỏ hơn nhưng họ đã được trao quyền và được trả mức lương cao nhất nhì châu Á.
Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Alibaba, tỷ phú Jack Ma từng nói: "Nếu tìm được một công việc bạn thực sự yêu thích, chế độ làm việc 996 sẽ không thành vấn đề. Còn nếu bạn không đam mê với công việc của mình, mỗi phút đi làm đều là cực hình".
Jack Ma từng nói rằng làm việc theo chế độ "996" là một đặc ân.
Bên cạnh đó, thành viên làm việc tại startup thường được coi là những người đồng sáng lập hơn là nhân viên theo nghĩa truyền thống. Một số công ty được điều hành bởi sinh viên đại học bỏ dở giữa chừng, nhưng đa số đều được dẫn dắt bởi các doanh nhân ở độ tuổi từ 30 đến 40, những người không quá vướng bận chăm sóc con cái nhờ sự giúp đỡ của ông bà nội ngoại.
Văn hóa "996" không chỉ giới hạn ở startup tại Trung Quốc. Các công ty công nghệ trên thế giới hoạt động tại thị trường quê nhà hay ở Trung Quốc cũng áp dụng chế độ giờ làm việc kéo dài. Không phải tự dưng Google cung cấp đồ ăn miễn phí cho nhân viên, đó là một trong những cách họ sử dụng để giữ nhân viên ở trong văn phòng lâu hơn.
Nhân viên Google dùng bữa miễn phí ngay tại công ty.
Theo nhận định của chuyên gia, để không bị nhân viên phản đối chế độ "966", các giám đốc điều hành chỉ cần xây dựng môi trường nơi mọi người thấy mình không phải là nhân viên làm thuê mà thực sự là một phần của kế hoạch tạo ra sự khác biệt cho xã hội. Tại đây, họ được trao quyền để biến tầm nhìn của công ty thành hiện thực. Những người cảm thấy bận rộn với việc giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn sẽ có xu hướng không để tâm đến thời gian họ bỏ ra để làm việc đó!
Những startup mới tại Trung Quốc muốn thu hút nhân tài cũng vậy. Họ cần khiến các ứng viên tiềm năng cảm thấy mình là một phần quan trọng của kế hoạch có thể tạo ra sự thay đổi lớn của công ty. Họ phải truyền đạt thành công tầm nhìn này thì mới lôi kéo được người tài bởi họ không thể cạnh tranh với mức lương hậu hĩnh của Alibaba hay Tencent. Trong trường hợp thiếu cả tiềm lực tài chính và tầm nhìn, các ông chủ startup sẽ rơi vào cảnh bế tắc.
theo Nikkei