Dấu hiệu SCAM
Lừa đảo trên mạng và SCAM khá phổ biến hiện nay vì với công nghệ internet hiện nay thì việc đó trở nên rất dễ dàng. Những hình ảnh, những video, những hội thảo rất dễ dàng để dàn dựng và đánh lừa những "lính mới" thấy được sự choáng ngợp khi tham gia vào thị trường này.
SCAM là một thuật ngữ tiếng Anh, có nghĩa là "lừa đảo". Theo định nghĩa, SCAM được sử dụng để mô tả bất kỳ doanh nghiệp, cá nhân nào kiếm tiền hoặc những "món hời" khác từ những nạn nhân mà không bị nghi ngờ. Trong thời đại công nghệ hiện nay, SCAM trực tuyến ngày càng tăng và phát sinh ra nhiều biến thể.
"Tôi có một người bạn ở nước ngoài rất muốn về đây chơi. Anh ta rất giàu nhưng lại gặp khó khăn trong việc vượt qua một loạt các bước thủ tục phức tạp. Chính vì vậy, tôi hy vọng rằng bạn có thể đưa trước cho tôi một vài chục đô la để chúng tôi có thể thúc đẩy nhanh quá trình. Bạn không phải lo đâu. Một khi nào bạn tôi về được đây, anh ta sẽ trả bạn gấp 100 lần số tiền bạn đã ứng trước?", khi gặp ai đó nói với bạn như vậy mà họ không tập trung vào giá trị cốt lõi của sản phẩm, dịch vụ thì có thể, bạn đã gặp một nhân vật có dấu hiệu của "SCAMMER" (kẻ lừa đảo) rồi đó.
Các hình thức SCAMMER phổ biến có thể kể đến như: lừa đảo qua email (mục đích để lấy được ID và mật khẩu tài khoản ngân hàng của người dùng); tạo website mạo danh (dụ nạn nhân đăng nhập bằng tài khoản của web thực để đánh cắp thông tin); mạo danh tên, thương hiệu (lợi dụng danh tiếng, scammer có thể tiếp cận được những người thân, khách quen); bán hàng dỏm (đăng những tấm hình fake (giả) và sau đó bán cho bạn các món hàng "dởm", không đúng với hình minh hoạ); lừa đảo từ thiện...
Các dự án có biểu hiện SCAM tinh vi là tạo hẳn ra hệ sinh thái cho nhà đầu tư trải nghiệm, có sản phẩm cho nhà đầu tư trải nghiệm và vẽ ra nhiều những ưu điểm, lợi thế cạnh tranh… Thế nhưng thực tế thì không có gì cả ngoài những hình ảnh đẹp, tính năng ưu việt mà họ tự vẽ ra, không có khả năng cạnh tranh, không có khả năng tạo ra lợi nhuận chục % trả cho nhà đầu tư đâu.
Còn thường với các dự án có biểu hiện SCAM thì không có hệ sinh thái, không tập trung tạo ra sản phẩm, mô hình kinh doanh, dịch vụ, giá trị cốt lõi... Các dự án này chỉ quảng bá hình ảnh thông qua cam kết trả lợi nhuận cực cao để đánh vào lòng tham của nhà đầu tư, trả hoa hồng thật nhiều để câu kéo người tham gia vào dự án và quảng cáo thật nhiều để tạo lòng tin.
Những dự án lừa đảo thường huy động vốn không giới hạn và hứa hẹn tạo ra lợi nhuận "khủng", tức là bạn đầu tư vào bao nhiêu tiền cũng được. Đầu tư càng nhiều tiền thì lợi nhuận càng cao…
23h ngày 3/6/2019, TessLine - sân chơi tài chính cam kết bảo hiểm tiền gửi lợi nhuận 1-3%/ngày chính thức sập. Đây được xem là một trường hợp SCAM điển hình.
Trước khi SCAM, Tessline là một dự án có các gói lãi khủng. TessLine là một dự án có nguồn gốc từ Nga, ra mắt ngày 6/8/2018, với mức đầu tư tối thiểu là 50 USD, với 3 gói lãi suất Start, Elevation, Riches cùng lãi suất tương ứng hàng ngày là 1,6%, 2% và 2,4%.
Khi trang web của Tessline sập, không thể truy cập được thì Fanpage Tessline Việt Nam đã ra thông báo: "Công ty Tessline chúng tôi thành thật xin lỗi các nhà đầu tư. Tháng 5 vừa rồi sau hội nghị sinh nhật công ty chúng thôi đã vinh danh các leader và công ty chúng tôi đã làm ăn thua lỗ, nhưng các nhà đầu tư yên tâm quỹ bảo hiểm của Allianz sẽ chi trả toàn bộ cho các nhà đầu tư thua lỗ ở công ty tessline. Chúng tôi đã uỷ quyền cho 2 leader lớn nhất ở Việt Nam đó là Phạm Như Hoa và Lệ Thu chi trả mọi thiệt hại cho nhà đầu tư. Mọi chi tiết xin liên hệ facebook Hoa Phạm và Lệ Thu". Tuy nhiên, sau đó, tài khoản Facebook của các leader này đã khóa và cơ hội đòi lại tiền gần như bằng 0.
Hahalolo 'siêu lợi nhuận'
Công ty Cổ phần Mạng xã hội du lịch Hahalolo được thành lập ngày 28/5/2018, có vốn điều lệ 55,6 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập bao gồm: Công ty TNHH MTV Du lịch và Đầu tư Hahalolo (25%); Nguyễn Văn Hạ (55%); Nguyễn Văn Quý (20%). Ông Nguyễn Văn Hạ làm Giám đốc công ty.
Tại ngày 24/10/2018, cơ cấu cổ đông của công ty có sự thay đổi khi tỷ lệ sở hữu của Công ty TNHH MTV Du lịch và Đầu tư Hahalolo giảm xuống còn 5%, hai cổ đông sáng lập còn lại giữ nguyên tỷ lệ sở hữu. Tuy nhiên, danh tính của cổ đông nhận chuyển nhượng cổ phần từ Công ty TNHH MTV Du lịch và Đầu tư Hahalolo chưa được tiết lộ.
Vừa ra mắt ngày 10/6, Hahalolo - được giới thiệu là "mạng xã hội du lịch đầu tiên của người Việt" gây nhiều hoài nghi khi Tổng giám đốc Nguyễn Văn Hạ tự tin tuyên bố đến năm 2024, mạng xã hội này sẽ có 2 tỷ người dùng tại Việt Nam và trên toàn thế giới (tức khoảng 1/4 dân số thế giới), đồng thời sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán NASDAQ (Mỹ) vào năm 2024 hoặc 2025.
Hahalolo bao gồm các chức năng cơ bản giống của Facebook như: cho phép người dùng kết bạn, giao lưu và trò chuyện trực tuyến, tương tác thông qua tính năng đăng bài, bình luận, chia sẻ, bộc lộ cảm xúc… Theo giới thiệu của Hahalolo, người dùng có thể mua các tour du lịch, đặt phòng khách sạn,… thông qua mạng xã hội này.
Dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, các tính năng của mạng xã hội này vẫn còn khá sơ sài.
Dù mới ra đời, Hahalolo đã đăng tuyển số lượng nhân sự "khủng", 1.000 nhân sự cho năm 2019. Chưa rõ, cơ cấu tổ chức của Hahalolo ra sao nhưng với một mạng xã hội mới ra đời, Hahalolo sẽ lấy nguồn tài chính ở đâu để trả lương cho số lượng nhân sự lớn như vậy?
Bản thân Hahalolo là một mạng xã hội về du lịch, nhưng các trang Fanpage hầu hết không tập trung quảng bá về dịch vụ cốt lõi, hiệu quả, tính năng hoạt động... mà Hahalolo phần lớn quảng bá việc mở các chi nhánh, liên tục tổ chức nhiều buổi hội thảo. Đặc biệt, người tham gia phải đăng ký tài khoản, mua cổ phần, phát hành thẻ VIP...
Theo giới thiệu của một nhân viên bán cổ phần Hahalolo, sở hữu cổ phiếu Hahalolo, người mua sẽ được cam kết trả cổ tức 6%/cổ phần/năm và tăng dần lên 15%. Công ty cam kết mua lại số cổ phần sau 3 năm là 200% giá trị đầu tư, tức người mua cổ phần được cam kết tăng trưởng giá trị hơn 60% mỗi năm?!
Hahalolo sẽ tạo ra lợi nhuận và tạo ra dòng tiền trả cho nhà đầu tư từ đâu khi cam kết lợi nhuận khủng ngay từ những năm đầu tiên?
Theo nhân viên tư vấn của Hahalolo, tương tự như Facebook, Zalo, lợi nhuận của Hahalolo sẽ đến từ quảng cáo. Tuy nhiên, với một công ty công nghệ, ngay cả Facebook - mạng xã hội lớn nhất hành tinh - với vốn đầu tư triệu, tỷ đô cũng không thể có lãi ngay trong ngắn hạn.
Để đạt được con số trăm triệu người dùng, VNG phải đầu tư một số tiền không nhỏ và với doanh thu chủ yếu từ quảng cáo, Zalo cũng không thể là "con gà để trứng vàng" cho doanh nghiệp này trong thời gian đầu hoạt động.
Tất nhiên là có một số dự án tuỳ vào tình hình thị trường, các leader huy động tốt hàng tháng thì nó có thể sống lâu hơn. Tuy nhiên, vừa phải làm ăn vừa chịu áp lực trả "siêu lợi nhuận", liệu dự án có thể sống sót trong vòng bao lâu? Cam kết lợi nhuận như vậy, trong trường hợp vì lý do nào đó, công ty đóng cửa thì việc giải quyết tiền bạc cho những người đã đóng cổ phần sẽ ra sao?
Các cuộc chơi tài chính luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro và một điều chắc chắn là không có dự án nào an toàn 100%. Do đó, các nhà đầu tư cũng cần vững tâm những dự án có sự kiện hoành tráng, nên xem xét những giá trị cốt lõi bền vững mà doanh nghiệp thực sự tạo ra là gì.
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/huy-dong-von-mang-xa-hoi-du-lich-hahalolo-co-hay-khong-bieu-hien-cua-scam-a96004.html