Để nhận mức lương hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, các phi công phải trải qua quá trình đào tạo khắt khe, tốn kém lên đến hàng tỷ đồng.
Nghề phi công từ trước tới nay vẫn được coi là một công việc đặc thù, thậm chí có phần xa vời với nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, theo chia sẻ của một số phi công đã và đang có kinh nghiệm nhiều năm làm nghề, hiện nay việc đào tạo phi công đã được xã hội hóa và trở nên dễ dàng tiếp cận hơn bao giờ hết.
Phi công không còn là nghề xa vời
Cơ trưởng Nguyễn Nam Liên - Hiệu trưởng Trường Phi công Bay Việt, người đã có 39 năm ngồi ghế lái với 9 loại máy bay, cho biết, ngành hàng không Việt Nam hiện nay đang phát triển rất nhanh, ‘từ lúc chỉ có 1-2 hãng hàng không đến bây giờ đã có 5-6 hãng cùng bay một lúc, từ chỗ các sân bay vắng vẻ đến bây giờ sân bay nào cũng đông đúc’. Vị hiệu trưởng này cũng khẳng định, trong vòng 5-10 năm nữa, nhu cầu phi công của Việt Nam vẫn đang rất ‘nóng’.
Nếu như thời của cơ trưởng Nguyễn Nam Liên, huấn luyện phi công là để phục vụ cho quân đội, được Nhà nước bao cấp toàn bộ chi phí ăn học, thì bây giờ việc đào tạo phi công đã được xã hội hóa như các ngành học khác và chủ yếu là phục vụ cho hàng không dân dụng.
‘Các tiêu chuẩn về sức khỏe của phi công quân sự khắt khe hơn rất nhiều so với phi công dân sự bây giờ. Tôi còn nhớ năm của tôi có gần 14 nghìn người khám sức khỏe thì chỉ có 350 người đạt yêu cầu, đến khi hoàn thành khóa học chỉ còn khoảng 100 người. Nhìn chung khóa nào cũng vào hàng chục nghìn người nhưng đến khi thành công chỉ còn vài chục người’.
Ông Liên cho rằng, chính thực tế đó từ cách đây vài chục năm đã ăn sâu vào nhận thức của xã hội bây giờ, rằng để trở thành phi công là rất khó, rất xa vời, hoặc phải là con ông cháu cha… ‘Nhưng đó là ngày xưa, khi mà phi công đào tạo là để chiến đấu, còn ngày nay, nhiệm vụ của phi công dân dụng là để chuyên chở hành khách. Ngày xưa là quân đội vào tuyển, Nhà nước bao cấp, còn ngày nay là trường đăng thông tin tuyển và học viên phải trả học phí’.
Với Trường Phi công Bay Việt - một trường bay được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn và thành lập theo Nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2008, mỗi năm trường tổ chức từ 4-5 lớp học, mỗi lớp khoảng 20-30 học viên.
‘Mỗi đợt chúng tôi có khoảng 60-70 đơn đăng ký và chọn ra được khoảng 20-30 học viên cho một lớp. Sau quá trình huấn luyện, tỷ lệ trở thành phi công chuyên nghiệp thành công là khoảng 75-80%. Lớp nào giỏi, con số này sẽ lên đến trên 90%’ - cơ trưởng Nguyễn Nam Liên cho biết.
Để được chính thức trở thành học viên, các ứng viên phải trải qua 4 vòng kiểm tra: kiểm tra sức khỏe, thi tiếng Anh, bài đánh giá năng khiếu (ADAPT) do một công ty của Anh sản xuất dành cho các đối tượng muốn trở thành phi công. Vòng thi cuối cùng là phỏng vấn trực tiếp với các giáo viên của Bay Việt để kiểm tra 3 yếu tố: khả năng ngôn ngữ, kiến thức nền và động cơ đến với nghề.
‘Thực ra nghề bay không phải là nghề của các bác học, mà cần sự hòa quyện giữa kiến thức và kỹ năng. Tố chất cũng là một yếu tố rất quan trọng của nghề này. Bởi vì chúng tôi phải làm việc trong một môi trường mà con người sinh ra không phải để làm việc ở đó. Tất nhiên, các tố chất đó cũng được chúng tôi rèn luyện qua thời gian’ - ông Liên chia sẻ.
Học tiền tỷ, thu nhập trăm triệu đồng mỗi tháng
Cơ trưởng Nam Liên cho biết, hiện tại thời gian từ khi học viên bắt đầu được đào tạo tới lúc cầm bằng lái phi công chuyên nghiệp là 18 tháng, trong đó học lý thuyết và thực hành trên buồng lái mô phỏng ở Bay Việt chiếm 7 tháng.
Thời gian còn lại, các học viên sẽ được chuyển tiếp sang các trường thực hành ở Úc, Mỹ, New Zealand. Sau khi các phi công được các hãng hàng không tuyển chọn, họ sẽ phải học chuyển loại khoảng 2 tháng, huấn luyện tiếp thực hành trên máy bay từ 4-6 tháng. Cộng với thời gian nghỉ lễ, chờ huấn luyện, trung bình mất khoảng 2,5 năm cho cả quá trình học tập. Riêng đối với các học viên có nguyện vọng bay cho Vietnam Airlines thì yêu cầu có thêm 3 tháng huấn luyện trong quân đội.
Chi phí chuẩn để đào tạo một phi công cơ bản là khoảng 1,8 tỷ đồng học phí (chưa tính phí sinh hoạt). Nhưng trên thực tế, trung bình học phí rơi vào khoảng 2 tỷ đồng do có những kỹ năng học viên phải học lại, bay thêm giờ, cơ trưởng Nam Liên cho hay.
Đây là một khoản đầu tư lớn, tuy nhiên cơ trưởng Nam Liên cho rằng, sau khi tốt nghiệp, thu nhập của phi công ở các hãng hàng không cũng rất tương xứng.
‘Tôi ví dụ như thu nhập ở Vietnam Airlines, cơ phó lương khởi điểm thấp nhất là 65-75 triệu đồng/ tháng. Cơ trưởng, nếu lái máy bay lớn, mức cao nhất khoảng 130-140 triệu đồng/ tháng. Đây là thu nhập sau thuế của phi công’ - ông Liên cho biết.
Vị cơ trưởng này cũng chia sẻ rằng, hiện nay vẫn còn rất nhiều người có hiểu biết chưa đầy đủ về nghề phi công. Không ít người cho rằng nghề này nguy hiểm, chi phí đào tạo đắt đỏ và học rất khó.
‘Trong xã hội hiện nay không ít người vẫn đang mơ ước mức thu nhập 10 triệu đồng/ tháng. Nhiều bạn trẻ đi du học về để kiếm được 1.000-2.000 đô la cũng rất vất vả. Tất nhiên, tôi hoàn toàn không khuyến khích học nghề phi công chỉ vì thu nhập cao, nhưng với những bạn trẻ có đam mê, có ước mơ chinh phục bầu trời, hãy mạnh dạn đến với nghề này. Việc đào tạo phi công hiện nay đang mở ra cơ hội cho tất cả mọi người. Nó không còn xa vời như cách đây vài chục năm nữa’.
'Còn về yếu tố nguy hiểm, tôi cho rằng hàng không là một phương tiện giao thông an toàn, nếu không muốn nói là an toàn nhất. Trong vòng 22 năm qua, hàng không dân dụng Việt Nam chưa có tai nạn nào dẫn đến chết người khi đang bay trên không trung, trong khi đó theo một thống kê, mỗi ngày trung bình có tới 30 người tử vong vì các loại hình giao thông khác'.
Đó cũng là chia sẻ của anh Nhân, hiện làm việc ở bộ phận An toàn khai thác bay, Đoàn bay 919, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, người từng có 10 năm lái máy bay quân sự và 10 năm điều khiển máy bay dân sự.
Theo anh Nhân, những năm gần đây, hình thức đào tạo phi công theo dạng xã hội hóa dần phổ biến. Người học có thể tự bỏ tiền tham gia trường dạy lái máy bay trong và ngoài nước, sau đó tự xin việc.
Nếu học phi công dân dụng, chi phí đi học trong nước hay ở nước ngoài, các gia đình đều phải tự chi trả 100%.
Chị Tuyết (Long Biên, Hà Nội), một người cũng đang công tác trong ngành hàng không chia sẻ, chị biết nhiều bạn bè, hàng xóm của chị định hướng cho con theo nghề phi công. Có gia đình có tới 4 trong số 5 người con hiện đang là phi công. Để có chi phí đầu tư cho các con, nhiều gia đình sẵn sàng bán nhà, vay ngân hàng. ‘Có bà mẹ chia sẻ với tôi rằng cho đến tận bây giờ khi nhìn thấy con mặc bộ đồng phục của phi công, chị ấy vẫn xúc động và ngỡ như mình đang ở trong mơ’.
Anh Nhân chia sẻ, với những người không hiểu kỹ về việc đào tạo nghề này, họ sẽ rất dè dặt, nhưng với những ai hiểu rõ về quy trình đào tạo và tiềm năng của nó, họ sẵn sàng đầu tư cho con ngay. ‘Thậm chí, có anh lái xe ở cổng cơ quan tôi cũng đã cho con đi học phi công’.
Theo cơ trưởng Nguyễn Nam Liên, từ nay đến năm 2025, Vietnam Airlines và các hãng hàng không trong nước còn cần hơn 1.000 phi công nữa. ‘Đó là một cơ hội rất lớn cho các bạn trẻ có đam mê với nghề bay’ - ông khẳng định.
(Còn nữa)
Nguyễn Thảo - Ngọc Trang
Theo VietnamNet
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/co-truong-vietnam-airlines-chi-tien-ty-de-tro-thanh-phi-cong-la-mot-dau-tu-xung-dang-a96101.html