Với nền kinh tế hỗn loạn và căng thẳng chính trị gia tăng, việc rời khỏi đất nước này dường như là lựa chọn tốt nhất cho nhiều người Zimbabwe đang khao khát việc làm. Nhưng những giấc mơ đó thường kết thúc tại văn phòng hộ chiếu, nơi không có đủ ngoại tệ để nhập giấy và mực in chuyên dụng.
Người dân Zimbabwe mất không dưới một năm để được cấp hộ chiếu.
Tại Zimbabwe bây giờ, người dân mất không dưới một năm để được cấp hộ chiếu. Trong khi đó, 280.000 đơn yêu cầu được làm hộ chiếu khẩn cấp (được cấp trong vòng vài tháng) vẫn đang tồn đọng. Còn những đơn yêu cầu được cấp hộ chiếu mới đây thì không đếm hết được.
Người dân Zimbabwe tại văn phòng chính ở thủ đô Harare đã ngủ trên đường để xếp hàng chờ đợi, mong đợi được phục vụ vào ngày hôm sau. Và tất cả sự nỗ lực đó chỉ là để được nộp đơn.
Vài triệu người Zimbabwe đã di cư sang nước Nam Phi láng giềng và các quốc gia khác trong những năm khủng hoảng kinh tế dưới thời cựu lãnh đạo Robert Mugabe. Nền kinh tế chỉ ngày càng khủng hoảng sâu sắc hơn dưới thời Tổng thống đương nhiệm Emmerson Mnangagwa, người đã tiếp quản sau khi ông Mugabe từ chức vào cuối năm 2017.
Khẩu hiệu của Chính phủ mới là "thắt lưng buộc bụng vì nền kinh tế thịnh vượng" giờ đây đã có một kết quả cay đắng.
Theo Fox News, thất nghiệp tràn lan và lạm phát chạm ngưỡng 75%, mức cao nhất kể từ năm 2009, khi tiền tệ của Zimbabwe sụp đổ dưới sức nặng của siêu lạm phát. Sự mất giá nhanh chóng của đồng nội tệ so với đồng USD đã khiến các mặt hàng nhu yếu phẩm thay đổi giá nhiều lần trong ngày. Ngành y tế nước này cũng đang sụp đổ, buộc những người có đủ khả năng phải tìm cách điều trị ở nước ngoài.
Tại văn phòng cấp hộ chiếu, sự tuyệt vọng của người dân đến mức muốn trốn sang nước ngoài là rất rõ ràng.
"Mọi người, chúng ta hoặc sẽ lẻn lên trước để xếp hàng hoặc sẽ phải trốn qua biên giới”, một thiếu niên nói với một nhóm bạn.
Tuy nhiên, kế hoạch của thiếu niên này đã thất bại, phần lớn bởi vì những người xếp hàng phía trước đã “chôn chân” ở đó trong nhiều ngày và biết hết tên nhau.
Một thiếu niên khác, Brian Ndlovu, 19 tuổi, nói rằng việc đến văn phòng khiến cậu “cảm thấy như thực sự không có cách nào thoát khỏi đất nước này. Chúng tôi đang bị mắc kẹt”.
Emma Chirwa cho biết cô được xếp hàng phía trước vì cô đã ngủ bên ngoài văn phòng kể từ ngày 5/6 đến giờ.
Theo ông Clemence Masango, đại diện cơ quan đăng ký của văn phòng hộ chiếu quốc gia, sự chậm trễ này là do thiếu ngoại tệ để nhập loại giấy đặc biệt, mực và các vật liệu khác, cũng như máy móc để in hộ chiếu.
Ủy ban Nhân quyền Zimbabwe, một cơ quan của Chính phủ, đã mô tả cuộc khủng hoảng hộ chiếu là "một thách thức lớn về nhân quyền" và mở một cuộc điều tra.
Đáp lại, các quan chức đang hứa hẹn sẽ thay đổi.
"Chúng tôi đã có được ngoại tệ, và máy in hiện đang hoạt động, vì vậy những hồ sơ tồn đọng sẽ sớm được giải quyết. Chúng tôi sẽ mang lại nhân quyền cho người dân của chúng tôi", Bộ trưởng Nội vụ Cain Mathema nói với tờ Associated Press. Ông cũng tuyên bố tình trạng cấp hộ chiếu sẽ "trở lại bình thường” trong một tháng tới.
Nhưng đối với những người rất cần một lối thoát hợp pháp ra khỏi Zimbabwe, những tuyên bố chính thức như vậy thường không được thực hiện.
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/khung-hoang-kinh-te-tram-trong-zimbabwe-khong-co-noi-giay-muc-de-in-ho-chieu-cho-dan-a96418.html