TS người Việt bỏ Microsoft lập công ty bảo mật, đối tác của Không quân Mỹ, Bộ Quốc phòng Singapore

Cho rằng Việt Nam có nhiều bất lợi hơn các quốc gia khác khi được xem là vùng trũng của công nghệ, nhưng TS. Nguyễn Duy Lân, co-founder của công ty Veramine nhấn mạnh, luôn có cơ hội cho doanh nghiệp Việt.


Cho rằng Việt Nam có nhiều bất lợi hơn các quốc gia khác khi được xem là vùng trũng của công nghệ, nhưng TS. Nguyễn Duy Lân, co-founder của công ty Veramine nhấn mạnh, luôn có cơ hội cho doanh nghiệp Việt.

TS. Nguyễn Duy Lân có 9 năm làm việc tại Microsoft, góp phần phát triển nhiều dự án bảo mật được sử dụng trong hơn 20 sản phẩm chính của "ông lớn" này. Ông cũng sở hữu 9 bằng sáng chế quốc tế trong lĩnh vực bảo mật và là thành viên của Ban Mật mã Microsoft.

Cùng 4 đồng nghiệp, ông Lân đã thành lập ra công ty Veramine, chuyên đối phó, vá lỗi và cập nhật về bảo mật cho các sản phẩm quan trọng nhất của Microsoft. Công ty đã được trao những hợp đồng xây dựng giải pháp An ninh mạng của Bộ An ninh nội địa Mỹ, Không quân Mỹ, Bộ Quốc phòng Singapore...

Ông Nguyễn Duy Lân đánh giá cao xu hướng khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam. "Nó là điều tốt cho đất nước", ông nói. Theo ông, Việt Nam đã trải qua một thời gian dài tập trung vào phát triển thương mại, và nay là thời điểm tốt để các doanh nghiệp trong nước phát triển về mặt cốt lõi, tức đi vào sản xuát, chế tạo.

"Make in Vietnam là một khẩu hiệu hợp với xu thế và vị thế hiện nay của Việt Nam", ông Lân bình luận về khẩu hiệu được Bộ TTTT đưa ra gần đây, "Chúng ta phải bắt đầu tư bây giờ, phải đẩy mạnh nó hơn nữa".

Tuy nhiên, ông Lân cũng lưu ý bên cạnh thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp trong nước, cần phải nhìn cả vào những bặt trái của nó. Những mặt trái này bao gồm tính rủi ro cao khi đầu tư vào các startup cũng như sự phát triển thiên lệch vào một hoặc một số lĩnh vực nào đó.

"Trong quá trình phát triển khởi nghiệp, Việt Nam cần phải nhận thức được những mặt trái này", ông nói.

Cho biết Việt Nam có thể gặp nhiều khó khăn do là vùng trũng của công nghệ, nhưng ông Lân nhấn mạnh thách thức luôn ẩn chứa những cơ hội mà nếu startup Việt ý thức được đâu là điểm mạnh, điểm yếu, thì từ vị trí thấp cũng có thể phát triển mạnh mẽ.

"Việt Nam có rất nhiều vấn đề cần được giải quyết. Nếu giải được những bào toán này sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Ví dụ như bài toán về giáo dục chẳng hạn", ông Lân cho biết.

Hay như trong lĩnh vực bảo mật mà ông Lân đang tham gia, ông cho biết đây là thị trường rất tiềm năng.

"Trước đây mọi người chưa có sự hiểu biết và quan tâm đúng mức về bảo mật, nhưng mọi thứ đang thay đổi", ông nói.

Với giá trị tài sản số ngày một lớn, các tổ chức, doanh nghiệp thậm chí là cá nhân buộc phải quan tâm đến vấn đề an toàn an ninh mạng. "Đây cũng chính là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tham gia thị trường", ông nói thêm.

Tất nhiên đây là lĩnh vực không dễ dàng, theo ông Lân. Các startup sẽ phải đối mặt với những rào cản như công nghệ, nhận thức của người dùng. Nhưng như quan điểm xuyên suốt được ông Lân đặt ra: Đằng sau rào cản, khó khăn sẽ là những cơ hội thành công ngọt ngào.


Theo Hà Thư

Trí thức trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ts-nguoi-viet-bo-microsoft-lap-cong-ty-bao-mat-doi-tac-cua-khong-quan-my-bo-quoc-phong-singapore-a97037.html