Với người phụ nữ từng học tại Oxford và MIT, từng có công ty riêng trị giá trăm triệu USD, điểm dừng chân hiện tại không chỉ vì danh tiếng, cơ hội học hỏi mới là yếu tố quyết định.
>>> Lê Diệp Kiều Trang làm giám đốc Facebook Việt Nam
Chỉ sau 48 tiếng đồng hồ, Lê Diệp Kiều Trang trở thành cái tên rất hot của làng công nghệ khi đảm nhiệm vị trí giám đốc Facebook Việt Nam - chức vụ tập đoàn này mới đưa ra lúc quy mô thị trường đã lớn.
Gặp Kiều Trang ở TP.HCM sáng 22/3 khi chị vừa từ Nhật về, chị chỉ cười nói: "Lượt theo dõi tôi lên nhanh quá, hôm qua tới nay tăng hơn 8.000 người".
Cơ hội học hỏi những điều mới chính là điều thôi thúc lớn nhất với chị - người từng được đặc cấp đi học tại chức đại học khi vẫn còn đang học cấp 2.
Học hỏi mang yếu tố quyết định
- Chị rất thành công với Misfit nhưng đột ngột quyết định từ làm chủ sang làm công cho Facebook. Vì sao như vậy?
- Đối với tôi, quan trọng nhất trong công việc vẫn là mình làm việc có ý nghĩa. Chuyện làm công ăn lương hay làm chủ doanh nghiệp của riêng không có gì khác biệt. Miễn mỗi ngày tôi đều học hỏi được cái mới, phát triển thêm được suy nghĩ, nhận thức và tầm nhìn. Thành ra quyết định về Facebook đối với nhiều người là ngạc nhiên và bất ngờ, chứ với tôi và chồng thì không.
Tôi rất hào hứng với công việc mới. Tôi quan sát trong nhiều năm và ngưỡng mộ chuyện một công ty có quy mô lớn vậy mà vẫn giữ được nguồn sáng tạo nội tại. Đó là điều rất ấn tượng khiến tôi tò mò, muốn học hỏi và muốn mình là một phần trong tổ chức.
- Những chủ tập đoàn lớn khi họ có vài trăm triệu USD - như chị bán Misfit được 260 triệu USD - họ nói "thôi mình mua hòn đảo rồi nghỉ ngơi". Điều gì thôi thúc khiến chị muốn tiếp tục để đi làm thuê?
- Mỗi người có niềm yêu thích, mục tiêu cuộc sống khác nhau. Niềm đam mê lớn nhất của tôi với chồng trước giờ vẫn là kinh doanh và học hỏi. Nhiều khi là học hỏi nhiều mảng khác nhau. Ví dụ như trong hai năm vừa qua, chồng tôi học thêm tiếng Arab còn tôi thì học piano (cười).
Lúc nào có cơ hội khám phá điều gì mới, nó luôn là niềm vui và hạnh phúc với tôi. Tôi không thấy chuyện làm công ăn lương hay việc nhiều áp lực là vất vả. Tôi thấy nó rất thú vị, nó đem nguồn năng lượng mới và tôi không thấy cực hay mệt mỏi gì.
- Mấu chốt quyết định để chị từ bỏ công việc với 200 nhân viên sang làm Facebook là khoảnh khắc nào?
- Misfit sau khi bán cho Fossils Việt Nam đã tăng lên khoảng 200 người. Các bạn bây giờ trở thành một phần của tập đoàn Fossils - quy trình đã bàn giao và hòa vào rất chuẩn rồi.
Thời gian gần đây, các bạn hầu như hoạt động rất độc lập, cho dù là có tôi hướng dẫn hay không thì các bạn cũng đã có sự tự tin nhất định trong việc làm, đặc biệt là với tập đoàn toàn cầu như vậy. Điều này khiến tôi yên tâm. Dù tôi có qua lĩnh vực khác, các bạn vẫn hoàn toàn có cơ hội phát triển trong công ty đa quốc gia đó.
Riêng đối với tôi, khi cơ hội đến và cơ hội rất hấp dẫn thì tôi nắm lấy. Tôi biết là sẽ cực và nhiều áp lực nhưng tôi hy vọng là sẽ làm được điều gì đó có ý nghĩa. Ngay cả với bản thân mình cũng học hỏi và phát triển được nhiều.
Khi tuyển, có lẽ họ đã nhìn thấy khả năng xây dựng đội ngũ cũng như khả năng phát triển thị trường của tôi.
- Facebook đang trong cuộc khủng hoảng rất lớn liên quan tới công ty Cambridge Analytica, đơn vị đứng sau Brexit hay Trump thắng cử. Chị nghĩ sao về cuộc khủng hoảng này? Facebook nên có vai trò thế nào?
- Đầu tháng 5, tôi mới bắt đầu chính thức tại Facebook. Hiện tại, tôi chưa đủ thông tin để nhận định việc này. Hy vọng khi bắt đầu, tôi sẽ có thêm thông tin để có nhìn nhận, quan điểm chính xác và sắc bén hơn.
- Chị đưa ra tầm nhìn thế nào cho Facebook ở Việt Nam để thuyết phục được lãnh đạo ở đây tuyển chị?
- Facebook tuyển tôi vì họ tin tưởng rằng với kinh nghiệm cả ở Việt Nam và trên quốc tế, tôi có khả năng xây dựng được cầu nối giữa Việt Nam và thế giới. Thế giới ở đây cũng là thế giới Facebook, không chỉ là Facebook ở Mỹ.
Thế mạnh của tôi khi tôi xây dựng Misfit là đội ngũ – nó cũng là một niềm yêu thích của tôi. Khi tuyển, có lẽ họ đã nhìn thấy khả năng xây dựng đội ngũ cũng như khả năng phát triển thị trường của tôi.
Không ai rõ công nghệ sẽ đi tới đâu
- Chị từng làm với McKinsey, làm start-up riêng của mình và giờ là Facebook, một tổ chức rất lớn. Đâu là thách thức lớn nhất?
- Mỗi nơi có một thách thức khác nhau để mình học hỏi. McKinsey thử thách là mình phải rất nhanh, thích nghi được với thị trường mới, công ty mới của khách hàng để hiểu được vấn đề và bệnh của công ty đó, giúp cho họ chữa bệnh.
Lúc đó mình phải có khả năng nghiên cứu và khả năng nhận định tốc độ, cũng như biết cách bù đắp được nguồn thông tin và kiến thức trong nội bộ của McKinsey. Làm được vậy thì mình rất tự tin là khi gặp thách thức trong kinh doanh là sẽ giải quyết được - giải quyết một cách hệ thống và bài bản.
Thách thức của Misfit là nó có nhiều điều mông lung mà mình không biết trước được thị trường sẽ thay đổi thế nào, những nguồn lực của công ty sẽ thay đổi ra sao – nhất là khi start-up thì không có nhiều nguồn lực. Ngược lại, nó cho mình khả năng mình ứng biến được với tình huống và mình nhìn xa để dự trù, để công ty không bao giờ rơi vào tình huống hết tiền hay hết nguồn lực.
Facebook thì tôi nhìn nhận họ có những khó khăn vì ở VN là thị trường mới nhưng họ cũng có lợi thế là nền tảng nối người VN với toàn cầu. Đây cũng chính là nhu cầu và mong muốn của người dùng VN, phần lớn là người trẻ, rất ham học hỏi và muốn tiếp cận với thế giới. Nên tôi nghĩ họ có lợi thế là như vậy.
- Trong giai đoạn dài thì mọi người nói Facebook là nơi có thể học hỏi, trao đổi được những cái mới. Nhưng gần đây mọi người thấy vì thuật toán của Facebook nên mình cảm giác chỉ trong một nhóm nhỏ, chỉ có người cùng quan điểm với mình mới xuất hiện trên newsfeed? Chị có thấy hạn chế vậy?
- Nói chung là tùy cách nhìn của mình. Mình có thể nhìn là gói gọn trong nhóm nhỏ. Nhưng cách nhìn khác thì là thông tin đã được chọn lọc, là những thông tin mình thật sự quan tâm, giúp cho mình đọc những tin gần gũi và cần thiết. Đọc được nhanh hơn khi thời gian ngày càng hạn hẹp trong biển thông tin mỗi ngày.
Giống như thời mình làm search engine với Yahoo!, Google thì nếu search quá rộng thì thông tin có quá nhiều nó lại trở thành không còn hữu ích. Còn thông tin mà đã được AI hỗ trợ thì nó trở thành thông tin gần gũi và có ý nghĩa với mình hơn.
- Chúng ta sử dụng Facebook nhiều thì khả năng tập trung của mình bị thu hẹp lại. Những người tập trung kém thì họ không còn muốn đọc sách nữa mà chỉ muốn đọc những mẩu tin rất nhỏ. Chị có cảm thấy đó là nhược điểm của Facebook không? Chị có muốn con cái mình sau này dùng Facebook sớm?
- Thực ra cũng tùy vào cách nhìn. Lúc trước khi mình xem tin chẳng hạn thì vì không có platform này nên có ít tin xuất hiện trước mặt mình – mình nghĩ như vậy mình sẽ đọc sâu hơn.
Còn ví dụ tôi là người dùng Facebook thì khi có nhiều tin xuất hiện vậy với những tin mà sắc và cô đọng, trúng cái tin tôi quan tâm tôi sẽ click vào đọc – đọc sâu. Tôi nghĩ cuối cùng vẫn do cách sử dụng của mỗi người. Nếu chỉ lướt qua thì chỉ thu được nhiều thông tin khác nhau mà không có gì sâu. Nhưng nếu một người muốn đọc sâu thì hoàn toàn có khả năng. Lúc đó họ có quyền chọn đọc sâu điều họ quan tâm. Họ có thể xem qua lượng rất lớn các tin trước rồi họ chọn tin thú vị và gần gũi nhất với họ.
Công nghệ sẽ đưa mình tới một thế giới khác – con mình sẽ sống thế giới rất khác chúng ta.
- Như vậy chị sẽ vẫn đồng ý cho con cái mình dùng Facebook sớm?
- (Cười) Không ai biết được công nghệ và mạng xã hội sẽ thay đổi tới đâu. Tôi nghĩ 10 năm nữa thế giới mạng xã hội có thể sẽ rất khác và thậm chí thế giới trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ đưa con người tới sản phẩm khác nữa. Mình cũng chưa chắc biết được. Nếu hỏi là con tôi sẽ dùng cái gì thì về mặt cá nhân tôi rất cởi mở trong chuyện trẻ con tiếp xúc với công nghệ.
Ví dụ như hồi nhỏ mình đi học thầy cô thường cấm mình sử dụng máy tính (calculator). Giờ nghĩ lại tôi thấy chuyện đó là sai. Tôi nghĩ đúng là tới lớp 3 thì mình cần cộng trừ nhân chia bằng tay. Nhưng mà tại sao phải cộng trừ nhân chia bằng tay nhanh, giỏi khi mà sau này mình có bao giờ dùng.
Bây giờ thậm chí máy tính mình cũng không dùng mà thường chỉ dùng Excel,… Vậy tại sao phải bắt đứa nhỏ cộng trừ nhân chia nhanh. Quan điểm tôi về giáo dục thì công nghệ là một phần không thể tách rời của nhân loại.
Công nghệ sẽ đưa mình tới một thế giới khác – con mình sẽ sống thế giới rất khác chúng ta.
Start-up không phải lựa chọn duy nhất
- Làm thế nào để tồn tại trong một thế giới công nghệ luôn thay đổi? Một số lãnh đạo trong ngành thường nói là nên “hoang mang, hoảng sợ chút” thì mới tồn tại được trong xã hội công nghệ hiện tại. Chúng ta đã từng có Netscape, Nokia, Yahoo…
- Tôi không thấy hoang mang mà tôi luôn thấy bị cuốn hút bởi thế giới công nghệ. Tôi thấy mình học hỏi được. Sản phẩm mình đưa ra hôm nay chưa chắc nó sẽ tồn tại được – người khác sẽ qua mặt mình, sẽ đưa ra sản phẩm hay hơn. Tôi vô cùng ngưỡng mộ khi có những sản phẩm hay hơn ra đời. Nó kích thích sự sáng tạo và suy nghĩ để mình lại đưa ra sản phẩm hay hơn nữa.
Tôi nghĩ cuộc đua về công nghệ là cuộc đua rất lành mạnh và kỳ thú.
- Với những bạn giờ mới bắt đầu mon men vào làm công nghệ hay start-up, họ thường nhìn vợ chồng chị và ai cũng muốn trở thành “Misfit tiếp theo”. Chị có lời khuyên nào cho họ?
- Start-up không phải phù hợp với tất cả mọi người. Có người sẽ phù hợp với start-up còn lại thì phần lớn là không phù hợp. Start-up cũng không phải là nơi làm giàu – nếu muốn kiếm tiền thì có nhiều vị trí khác: mình làm bác sĩ giỏi thì mình cũng có thể kiếm tiền rất tốt, làm ngân hàng, làm tư vấn,… thì thu nhập cũng có thể rất nhiều.
Làm start-up thì tỷ lệ thành công không nhiều. Công sức bỏ ra thì rất lớn: làm ngày, làm đêm, trách nhiệm rất nhiều, rất lớn.
Nhưng thế giới start-up lại vô cùng thú vị với những người thích chủ động – đặc biệt là chủ động với sự sáng tạo của mình. Nhưng nó cũng đòi hỏi phải chịu thử thách, chịu rủi ro mà không phải ai cũng có.
Start-up cũng không phải là nơi làm giàu – nếu muốn kiếm tiền thì có nhiều vị trí khác
Nên tôi nghĩ nếu như bạn nào đó thấy mình thật sự yêu thích sự sáng tạo và muốn sự chủ động để biến ước mơ của mình thành hiện thực thì đừng ngần ngại để bắt đầu start-up. Còn những bạn nào cảm thấy đó không phải là cái duy nhất, không phải cái quan trọng nhất thì không nên start-up. Vì các bạn có thể phù hợp hơn ở vị trí khác và các bạn sẽ chắc chắn thành công hơn rất nhiều.
- Khi chị tuyển nhân viên thường chị lựa chọn tố chất thế nào mà chị cảm thấy có thể phát triển hay đi đường dài được?
- Yếu tố tôi thích nhất là sự ham học hỏi. Cho dù bạn đó có thông minh hay không, có kinh nghiệm rồi hay không thì sự ham học hỏi sẽ rất nhanh giúp bạn đó trở nên rất mạnh trong công ty. Người ham học hỏi thì họ sẽ tò mò về rất nhiều thứ.
Khi họ tò mò về nhiều thứ họ có thể giải quyết được rất nhiều vấn đề, giải quyết một cách rốt ráo và từ nhiều hướng khác nhau. Họ luôn đặt câu hỏi và thường là những câu hỏi rất hay.
Điều nữa của người ham học hỏi là họ không có điểm dừng trong sự thỏa mãn. Điều này nói thật là điểm yếu của các bạn trẻ ở VN. Khi các bạn đạt được điều gì đó các bạn rất mau thỏa mãn. Khi dễ thỏa mãn vậy thì rất khó có thể làm được một sản phẩm xuất sắc. Có thể là sản phẩm tốt, nhưng xuất sắc thì không. Và cũng chính vì vậy năng lực của các bạn có thể giỏi nhưng sẽ không thể xuất sắc được.
Mau thỏa mãn vậy thì cũng rất khó để các bạn cạnh tranh trên mặt bằng quốc tế. Nên khi chọn, tôi sẽ luôn chọn những người ham học hỏi. Dù người đó có thể có xuất phát điểm thấp hơn nhưng đó thường sẽ là những người đi xa hơn và có đóng góp lớn nhất cho công ty.
Chưa thành công đôi khi do tính cách
- 10 năm nữa Lê Diệp Kiều Trang sẽ như nào?
- (cười) Tôi cũng không biết nữa. Tôi chỉ mong có sức khỏe và sống cân bằng, có ích, chăm lo cho gia đình tốt để mình có thể thật nhiều tự do, làm được nhiều điều trong công việc của mình.
- Cảm xúc của chị hiện tại với công việc mới?
- Tôi rất hồi hộp và phấn khích về những cơ hội mới. Tôi mong sẽ có thêm các bạn trẻ làm việc trong đội ngũ của mình để cùng làm điều gì đó có ý nghĩa trong nhiều năm sắp tới.
Tôi muốn chia sẻ với các bạn trẻ, những bạn đang hào hứng với thế giới start-up là start-up không phải nơi duy nhất mình có thể học hỏi được. Mình có thể học hỏi ở bất kỳ đâu miễn đó là công việc có ý nghĩa và mình luôn để đầu óc của mình cởi mở và ham học hỏi. Tôi không nhất thiết phải đi mở công ty mới, dù là có khả năng. Làm công ăn lương cũng có thể giúp mình học hỏi và nó vẫn có thể là công việc vô cùng thú vị, giúp mình phát triển được.
- Bí quyết nào để người giỏi thành công?
- Mỗi người sẽ có thế mạnh giỏi riêng của mình. Ví dụ người giỏi văn, người giỏi toán, người giỏi công nghệ. Không nên thay đổi chuyện đó. Nhưng khi mình chưa thành công thì coi chừng nhiều khi là do tính cách mình hạn chế mà mình không chịu phát triển.
Ví dụ như tôi có một em làm nghiên cứu rất giỏi. Nhưng em này thì không chịu nói chuyện với ai hết: sống rất nội tâm, nhiều khi cả tuần không bước ra khỏi cửa.
Người như vậy sẽ rất hạn chế. Vì nguồn thông tin họ thu vô khi đó chỉ toàn nguồn thông tin từ sách báo chứ không phải là nguồn trực tiếp nhờ tương tác. Đáng tiếc vì đó là một bạn rất sâu sắc, lập luận tốt.
Tôi luôn khuyến khích bạn đó là “em không thể ngồi trong phòng được, giờ không lẽ muốn thông tin chị ra ngoài rồi chị kể lại cho em nghe”. Và kể vậy thì thông tin cũng là qua góc nhìn của tôi rồi, không phải góc nhìn riêng của bạn ấy nữa.
Bạn đó nói đấy là tính cách bạn ấy vậy. Tôi nói: tính cách thì thay đổi được. Còn thế mạnh thì khó thay đổi hơn. Ví dụ giờ nói tôi sáng tạo kiểu marketing thì tôi sẽ không làm được, tôi khép kín mà bảo tôi ra ngoài xã giao hơn là được,…
Tôi xoay quanh việc đó. Làm sao để các bạn trẻ giữ được cái riêng của mình, biết mình giỏi cái gì, trung thành với cá tính đó của mình. Ngược lại, không nên coi cá tính đó là lớn quá mà không thấy được cái yếu điểm của mình. Vì như vậy thì mình cũng không phát triển được, bỏ lỡ mất cơ hội. Cái đó thì rất thường xuyên xảy ra với những bạn học Tiến sĩ – cực kỳ thông minh nhưng thường hay bị điểm yếu khác về tính cách.
- Chị thường đọc những sách gì?
- Tôi thường thích những câu chuyện thành công như kiểu Amazon, sự phát triển của một con người hay phát triển của một công ty, của một đất nước. Những cái đó tôi thích và đam mê.
Tôi không thích những sách self-help lắm vì nó không cụ thể, nó mơ hồ quá. Tiểu thuyết thì chỉ ngày nhỏ. Đến lúc tuổi “ẩm ương” đọc nó thấy yếu đuối quá nên tôi cai luôn.
- Chị thích Amazon thì chị có muốn quyết liệt và có phần lạnh lùng như Jeff Bezos?
- Tôi cũng không biết. Khi làm việc tôi cũng rất quyết liệt và cố gắng làm cầu toàn. Nhưng tôi nghĩ điều quan trọng làm sao mình có tầm nhìn xa. Tầm nhìn đó giúp cho công ty đi xa được, mang lại nhiều giá trị cho xã hội. Đôi khi sự quyết liệt chỉ là điều phản ánh tính cách chứ không phải là điều kiện tiên quyết cho thành công.
Sự thành công với công ty quan trọng là tầm nhìn. Cuối cùng thì vẫn là con người, làm sao có một nhóm để cùng chèo một hướng