Sự tương đồng này càng thể hiện rõ hơn trong tuần này, khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới mốc 2% lần đầu tiên kể từ khi ông Trump lên làm Tổng thống.
Sau 1 năm 2018 bùng nổ nhưng đã giảm tốc kể từ đầu năm tới nay, xét theo nhiều cách, nền kinh tế Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đang bắt đầu có nhiều điểm tương đồng với nền kinh tế mà ông thừa hưởng từ người tiền nhiệm Barack Obama.
Đó là lợi suất trái phiếu rơi xuống mức thấp kỷ lục, là tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm chạp và giống hơn cả là việc Cục dự trữ liên bang (Fed) sẽ là người "giật dây" nền kinh tế - vai trò mà Fed đã đặc biệt cáng đáng kể từ khủng hoảng tài chính 2008 và cho đến nay vẫn còn nhiều dư âm.
Sự tương đồng này càng thể hiện rõ hơn trong tuần này, khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới mốc 2% lần đầu tiên kể từ khi ông Trump lên làm Tổng thống. Bên cạnh đó Fed vừa phát tín hiệu sẽ hạ lãi suất chỉ sau nửa năm kể từ lần tăng lãi suất mới nhất.
Năm 2017, ngay sau khi nhậm chức, ông Trump đã triển khai một đợt cắt giảm thuế lớn và mạnh tay dỡ bỏ các luật lệ để kích thích nền kinh tế. Kết quả là kinh tế Mỹ đã bùng nổ trong năm 2018. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia trên phố Wall đang ngày càng lo ngại rằng kinh tế Mỹ sẽ sớm rơi vào tình trạng trì trệ, thậm chí là bị co hẹp. Và một lần nữa, Fed lại được yêu cầu hãy đứng ra giải cứu.
Theo Peter Boockvar, CIO của công ty tư vấn Bleakley, thực trạng hiện nay khá giống với thời Obama xét theo triển vọng tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nếu như trong những năm 2012 và 2013 những "vết sẹo" mà khủng hoảng tài chính để lại trong nền kinh tế Mỹ vẫn còn rõ nét, hiện nay dường như người ta đã hoàn toàn quên mất chúng.
Và mặc dù thực tế là Fed không thể sửa chữa mọi thứ, theo quan điểm của Tổng thống Trump thì NHTW lại là tội đồ khiến kinh tế Mỹ chệch hướng. Ông cho rằng nếu như Fed không vội vã tăng lãi suất thì kinh tế Mỹ đã làm tốt hơn rất nhiều. Kể từ khi Trump nhậm chức, Fed đã tăng lãi suất 4 lần, trong đó năm 2018 có 4 lần. Dưới thời Obama chỉ có 2 lần tăng lãi suất, trong đó 1 lần được thực hiện ngay sau cuộc bầu cử 2016.
Hoàn cảnh khác nhau nhưng kết quả giống nhau
Rất khó để so sánh Trump với Obama bởi hai ông lên làm Tổng thống trong bối cảnh hoàn toàn khác nhau. Mặc dù ông Obama nhậm chức khi khủng hoảng tài chính vừa tàn phá kinh tế Mỹ, ông lại được hưởng lợi từ lãi suất gần 0 và gói kích thích kinh tế trị giá 3.500 tỷ USD của Fed.
Năm 2018, GDP Mỹ tăng trưởng 2,9%, đánh bại bất kỳ năm nào kể từ 2008 nhưng ông Trump không đạt được mục tiêu tối thiểu 3% đã đề ra. Năm 2019, tính bằng mọi thước đo thì có vẻ như kinh tế Mỹ sẽ không thể tăng trưởng bằng năm ngoái, mặc dù GDP quý I bất ngờ tăng 3,1% và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất 50 năm.
Rất có thể trong thời gian tới kinh tế Mỹ sẽ rơi vào trạng thái tăng trưởng chậm chạp nhưng vững chắc, kết quả của lực lượng lao động bị già hóa và năng suất lao động bị bóp méo. Theo Joseph Brusuelas, chuyên gia kinh tế trưởng tại RSM, đợt cắt giảm thuế lớn mà ông Trump đã triển khai không đạt được mục tiêu khuyến khích đầu tư, do đó nền kinh tế lại đang trở lại con đường cũ.
Khi khủng hoảng tài chính ập đến, Fed có dư địa tương đối lớn để vực dậy nền kinh tế. Lãi suất liên bang ở mức 5,25% khi Fed bắt đầu hạ lãi suất năm 2007. Còn hiện nay lãi suất cơ bản đang ở mức 2,38%, đồng nghĩa dư địa để Fed triển khai các công cụ chính sách tiền tệ đã bị thu hẹp rất nhiều.
Tất nhiên, các chu kỳ kinh tế không thể giống nhau hoàn toàn và ở thời điểm hiện tại Fed có thể không cần phải nhanh chóng hạ lãi suất xuống mức 0 nếu như kinh tế Mỹ lâm nguy. Trong kịch bản này, một hoặc hai lần hạ lãi suất cũng có thể đem đến hiệu quả tương đương với những đợt nới lỏng chính sách trước đây.
theo CNBC