Theo đại diện TTC, do khó khăn của ngành đường, doanh nghiệp đang tái cơ cấu để cạnh tranh chứ không phải đóng cửa hoàn toàn
Về việc TTC nhập khẩu 200.000 tấn đường thô về tinh luyện, ông Dương cho biết, nhập đường thô về tinh luyện là một trong những hoạt động bình thường của tập đoàn, nhập về để tái xuất và hàng năm TTC xuất khẩu khoảng 200.00 tấn đường đi các nước.
Ông Dương cho rằng, sản lượng đường sản xuất trong nước sụt giảm trong thời gian qua bởi nguyên nhân thời tiết, khí hậu. Nguồn cung giảm, giá sẽ tăng, và TTC xem đây là cơ hội cho việc tăng thị phần bằng cách đưa ra thị trường thêm nhiều dòng sản phẩm phù hợp. TTC có hệ thống phân phối rộng khắp trên cả nước và đặt mục tiêu sẽ chiếm 50% thị phần ở thị trường trong nước trong thời gian tới.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II (niên độ 2018-2019), Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa (HoSE: SBT), đạt 2.777 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 29% so với cùng kì năm trước. Trong đó, giá vốn và các khoản chi phí khác (chi phí tài chính, chi phí bán hàng, quản lí doanh nghiệp) đều giảm so với cùng kỳ. Riêng khoản mục đầu tư vào công ty liên kết ghi nhận lỗ 1,2 tỷ đồng, trong khi cùng kì lãi 53,3 tỷ đồng.
Kết quả, SBT ghi nhận lỗ ròng hơn 23 tỷ đồng trong khi cùng kỳ niên độ tài chính trước công ty mẹ lãi 167,7 tỷ đồng. Theo giải trình kết quả kinh doanh mà Thành Thành Công - Biên Hòa đưa ra, một trong những nguyên nhân dẫn đến sụt giảm lợi nhuận là đơn giá bán bình quân thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, đường tồn kho vụ trước vẫn còn chuyển qua. Đây cũng là quý đầu tiên trong 10 năm qua, Thành Thành Công - Biên Hòa ghi nhận kinh doanh thua lỗ.
Như vậy, lũy kế hết quý II, doanh thu thuần của SBT đạt 5.300 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kì. Lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ hơn 14,8 tỷ đồng, giảm 94%.
Trả lời báo chí trước đó, ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn TTC cho biết, có 4 yếu tố là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tiêu thụ đường của các nhà máy tại Việt Nam gặp khó khăn.
Thứ nhất, tồn kho từ các năm trước cộng dồn khiến DN chịu áp lực.
Thứ hai, tình trạng đường nhập lậu số lượng lớn, giá thành rẻ tràn lan.
Thứ ba, một số đối tác lớn của các nhà máy chuyển sang sử dụng đường lỏng thay đường kính, vì đường lỏng có giá tốt hơn do hưởng ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt và cuối cùng.
Thứ tư, hiệu ứng từ ATIGA khiến nhiều đại lý kinh doanh lớn tạm dừng mua đường nội từ các nhà máy để chờ diễn biến mới.
“Thời gian tới, Việt Nam và thế giới sẽ thiếu hụt một lượng lớn đường cho nhu cầu có liên quan. Tôi kỳ vọng ngành mía đường trong nước vượt qua thời kỳ khó khăn, khởi sắc trở lại”, ông Thành nhấn mạnh.
theo Tri thức trẻ
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/truoc-thong-tin-dong-cua-nha-may-duong-ong-lon-thanh-thanh-cong-noi-gi-a97319.html