Công ty "thực dụng" nhất Nhật Bản: Thu 100 USD/giờ sử dụng phòng họp, dùng bàn làm việc, máy tính cũng phải trả tiền, nhưng nhân viên lại sung sướng vì quy định này!

Tại Disco, cái gì cũng có giá của nó! Nhân viên thậm chí còn phải mất tiền mới có chỗ cất chiếc ô ướt, đi làm về muộn chắc chắn sẽ bị phạt.

Hiroyuki Suzuki cảm thấy không thể vui hơn khi công ty của anh thu phí toàn bộ nhân viên khoảng 100 USD cho mỗi giờ sử dụng phòng họp. Nhân viên 37 tuổi này cho biết sau khi quy định được đưa ra, mọi người thực sự đã cắt giảm những cuộc họp vô ích. Disco Corp là một nhà sản xuất thiết bị chip có tới 5.000 nhân viên, chính vì vậy, việc thu phí sử dụng phòng họp sẽ giúp công ty quản lý hoạt động hiệu quả hơn.

Tại Disco, cái gì cũng có giá của nó: Từ bàn làm việc đến máy tính cá nhân và thậm chí là chỗ để ô ướt cũng bị tính phí. Việc thanh toán sử dụng tiền ảo có tên là "Will" và số dư được thanh toán bằng đồng yên vào cuối mỗi quý.

[Bài 22/6] Công ty thực dụng nhất Nhật Bản: Thu 100 USD/giờ sử dụng phòng họp, dùng bàn làm việc, máy tính cũng phải trả tiền nhưng nhân viên lại sung sướng vì quy định này! - Ảnh 1.

Ứng dụng nội bộ của Disco.

Toshio Naito, người đã thiết kế chương trình từ năm 2011 chia sẻ: "Chúng tôi đã tạo ra một khu vực kinh tế tự do, giống như những gì tồn tại bên ngoài công ty".

Cách tiếp cận đặc biệt trên đã đem lại kết quả tích cực: Biên độ hoạt động của Disco đã tăng lên 26% từ 16% kể từ khi thử nghiệm được áp dụng 8 năm trước và lợi nhuận của họ khiến các công ty cùng ngành ghen tỵ.

Giá cổ phiếu của Disco tăng gần gấp 4 lần trong giai đoạn đó, giúp công ty đạt mức giá trị thị trường 5 tỷ USD. Đây cũng là đơn vị đầu tiên giành được giải thưởng của chính phú nhờ tạo ra nơi làm việc lý tưởng.

Tuy phương pháp này đem lại thành công cho Disco và được thử nghiệm tại một số công ty khác ở Nhật nhưng đến nay vẫn chưa có nơi nào áp dụng chính thức. Các kỹ sư phàn nàn rằng nó làm giảm khả năng tập trung hoàn toàn của họ để nghiên cứu và bắt đầu nghỉ việc. Trong khi đó, những người khác cảm thấy mình bị cuốn vào vòng xoáy không bao giờ kết thúc để nhận tiền thưởng.

Ông Takashi Shimizu, Giáo sư tại Đại học Waseda ở Tokyo cho biết phải mất khoảng 5 năm để nhân viên ở Nhật thích nghi với cách tiếp cận này. Trong khi đó, những người đã thích nghi tốt nhưng anh Naoki Sakamoto, một công nhân nhà máy của Disco lại cho rằng việc có thể đo lường mọi thứ tạo ra sự hứng thú và tự tin hơn.

Disco được thành lập năm 1937 với tên Dai-Ichi Seitosho Co. Hãng bắt đầu kinh doanh bằng cách cung cấp dụng cụ cho quân đội Nhật Bản trước Thế chiến II. Lưỡi cưa và lưỡi cắt kim cương của họ từng được sử dụng để cắt mọi thứ, thậm chí là đá mặt trăng mang về từ chuyến bay Apollo 11. Ngày nay, Disco là nhà sản xuất thiết bị cắt vật liệu lớn nhất thế giới.

Giống nhiều nhà sản xuất khác, Disco đã dành nhiều năm tìm cách tăng cường hiệu quả hoạt động. Một trong số đó là phương pháp coi hàng ngàn nhóm nội bộ như những công ty riêng lẻ. Dưới sự dẫn dắt của Naito, Disco đã mở rộng quyền tự chủ đó đến cấp độ từng nhân viên và gọi đó là "Personal Will".

Trọng tâm của chương trình là một hệ thống lương thưởng theo dõi tỉ mỉ số tiền mà mỗi người và mỗi nhóm đóng góp cho thu nhập. Nhân viên nhận mức lương cơ bản và tìm cách kiếm thêm Will thông qua việc hoàn thành nhiệm vụ nhất định để tăng thu nhập. Tiền thưởng hàng quý có thể nhiều bằng tiền lương 1 năm đối với những nhân viên hàng đầu và đủ để mua 1 chiếc xe hơi thương hiệu nước ngoài mỗi năm.

Kiếm tiền ảo bắt đầu ở cấp độ nhóm, nơi người đứng đầu phân bổ ngân sách cho từng nhiệm vụ cần hoàn thành cụ thể. Các thành viên sau đó sẽ dùng ứng dụng để đấu giá cho những nhiệm vụ đó. Việc nào không thu hút đấu giá có nghĩa là nó không cần thiết và được bỏ qua.

Theo Naito, các nhóm trả tiền cho nhau để hoàn thành nhiệm vụ. Ví dụ đội ngũ bán hàng sẽ trả tiền cho cho công nhân nhà máy để sản xuất hàng hóa còn công nhân lại trả tiền cho kỹ sư để thiết kế sản phẩm.

Ngoài ra, còn có chế độ phạt cho hành vi không hiệu quả bao gồm chất đống hàng hóa không cần thiết hay thậm chí là đi làm về muộn. Số giờ làm thêm của nhân viên công ty đã giảm 9% từ khi hình phạt này được áp dụng năm 2015, phù hợp với mục tiêu cải thiện cân bằng giữa cuộc sống và công việc của chính phủ Nhật Bản.

Nhân viên có thể kiếm thêm Will bằng cách giúp đỡ lẫn nhau: Một phụ huynh muốn tham dự hoạt động ngoại khóa của con có thể trả Will cho đồng nghiệp để hoàn thành báo cáo.

Thử nghiệm mới nhất tại Disco là một nền tảng gây quỹ cộng đồng nội bộ, nơi mọi người đưa ra ý tưởng kinh doanh của mình. Những đồng nghiệp ủng hộ bằng Will có thể kiếm được "tiền lãi" nếu dự án hiệu quả.

theo Bloomberg

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/cong-ty-thuc-dung-nhat-nhat-ban-thu-100-usd-gio-su-dung-phong-hop-dung-ban-lam-viec-may-tinh-cung-phai-tra-tien-nhung-nhan-vien-lai-sung-suong-vi-quy-dinh-nay-a97341.html