Có vẻ như nỗi ám ảnh mang tên Ngân hàng Đông Á đã không còn hiện diện trong tâm trí của nữ tướng Cao Thị Ngọc Dung và những người lãnh đạo ở Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ). Lợi nhuận ròng năm 2016 của doanh nghiệp nữ trang này ghi nhận cột mốc kỷ lục khi lên đến 450 tỷ đồng, tăng gần 200% so với năm trước đó.
Khởi sắc nhờ cốt lõi
Ra đời vào 1998, cơ sở ban đầu chỉ là một cửa hàng kinh doanh vàng bạc với 20 nhân sự ở quận Phú Nhuận (TP.HCM), PNJ đã nhanh chóng phát triển để trở thành một trong những thương hiệu kinh doanh vàng bạc hàng đầu tại Việt Nam.
Nếu như trước đây, PNJ chủ yếu tập trung vào vàng miếng, chiếm đến hơn 50% tổng cơ cấu doanh thu hàng năm, thì sau động thái Ngân hàng Nhà nước siết chặt chính sách kinh doanh vàng miếng và trở thành nhà phân phối độc quyền vàng miếng vào năm 2012, PNJ buộc phải chuyển đổi triệt để chiến lược kinh doanh sang sản xuất và buôn bán vàng trang sức có biên lợi nhuận gộp cao hơn (20% so với 1%), thông qua cả 3 kênh: bán lẻ, bán sỉ và xuất khẩu.
Mảng trang sức vàng hiện chiếm gần 80% tổng doanh thu hàng năm của công ty. Sự chuyển dịch về chiến lược này đã dần mang lại kết quả kinh doanh khởi sắc cho PNJ trong 2 năm qua, sau khi sụt giảm mạnh vào 2012.
Theo thống kê, giá trị vàng trang sức trên đầu người của Việt Nam năm 2016 là 6,6 USD/người (tăng 4,8% theo năm), chỉ bằng 63 % của Malaysia và 6,9 % của Singapore. “Khi đời sống vật chất được cải thiện cùng những thay đổi trong thói quen tiêu dùng, xu hướng chuyển dịch từ vàng miếng sang vàng trang sức đang diễn ra một cách mạnh mẽ tại Việt Nam”, Công ty Chứng khoán VCBS nhận định. Mặc dù là doanh nghiệp dẫn đầu, nhưng thị phần của PNJ chỉ mới đạt khoảng 5,3%. Với việc 80% thị phần trang sức cả nước đang nằm trong tay của các doanh nghiệp và cửa hàng nhỏ lẻ không có thương hiệu, PNJ rõ ràng đang đứng trước cơ hội để duy trì đà tăng trưởng nhanh trong 5- 10 năm tới, thông qua chiến lược mở rộng nhanh chuỗi bán lẻ ra cả nước để giành lấy thị phần.
PNJ đang có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành tập đoàn trang sức hàng đầu Việt Nam và ở quy mô lớn hơn là cả khu vực
Nếu như trong 2012, tổng số cửa hàng của PNJ chỉ mới dừng lại ở con số 155 thì tính đến quý I/2017, con số này đã tăng lên đến 221 và trở thành chuỗi cửa hàng trang sức lớn nhất cả nước khi trải rộng đến 45 tỉnh/thành phố. Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của công ty cũng không ngừng cải thiện từ mức 13% năm 2013 để lên đến 33% năm 2016 - chứng tỏ hiệu quả quản lý tài chính của PNJ đang được kiểm soát rất tốt dù quy mô hệ thống đã phình to.
Thành công ngày hôm nay của PNJ không thể không nhắc đến chiến lược tái cấu trúc toàn diện, đi kèm với thoái vốn ngoài ngành quyết liệt trong các năm qua. Năm 2014, PNJ đã thoái vốn khỏi Công ty Quê Hương (Liberty), đơn vị đang sở hữu nhiều khách sạn cao cấp ở TP.HCM như: Pullman Saigon Centre, Novotel Saigon Centre hay Liberty Saigon Central Riverside.
Vào tháng 9/2014, PNJ cũng thoái vốn khỏi Công ty Nhiên liệu Sài gòn (SFC). Trong năm 2016, PNJ tiếp tục thoái vốn khỏi hai đơn vị là Địa ốc Sài gòn M&C và Bất động sản Đông Á. Riêng khoản đầu tư tài chính vào Ngân hàng Đông Á trị giá 395 tỷ đồng, cho đến nay PNJ đã lập trích dự phòng gần như toàn bộ và điều này sẽ giải tỏa phần nào chi phí tài chính cho công ty kể từ 2017 trở đi.
Đến bài toán người kế nhiệm
Không thể phủ nhận PNJ đang có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành tập đoàn trang sức hàng đầu Việt Nam và ở quy mô lớn hơn là cả khu vực, nhưng vẫn có một số thách thức có thể cản trở tiến trình này. Một trong số đó là vấn đề về người kế nhiệm.
Thực tế thì cách đây 3 năm, nữ tướng Cao Thị Ngọc Dung đã bày tỏ ý định sẽ tìm người kế vị và chuyển giao vị trí Tổng giám đốc trong khoảng 2- 3 năm nữa. PNJ đã nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực kế cận phù hợp nhưng chưa có kết quả. Ví dụ như cách đây 5 năm, bà Dung đã đặt niềm tin vào ông Nguyễn Tuấn Quỳnh. Tuy nhiên, ông Quỳnh đã từ chối vị trí CEO vì cho rằng, không thích hợp với mình. PNJ sau đó cũng đã có kế hoạch tìm một nhân sự khác là ông Lê Hữu Hạnh, nhưng rồi cũng bất thành, do ông Hạnh phải đảm nhiệm một vị trí quan trọng khác.
Mặc dù vậy, bài toán tìm người kế cận dường như đã có chuyển biến mới khi mới đây, PNJ đã bất ngờ bổ nhiệm ông Lê Trí Thông - một chuyên gia tài chính có tiếng vào vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Ông Thông trước đó từng đảm nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á, tức cấp dưới của ông Trần Phương Bình (chồng bà Dung), sau đó là vị trí Phó tổng giám đốc Tập đoàn Prudential cũng như trải qua một thời gian ngắn làm việc tại Tập đoàn Tư vấn Boston Consulting Group.
Chưa rõ những toan tính của bà Cao Thị Ngọc Dung, nhưng với kinh nghiệm dày dạn trong lĩnh vực tài chính và quản trị doanh nghiệp, rõ ràng sự xuất hiện của ông Lê Trí Thông mang tới một thông điệp mới cho các nhà đầu tư về sự chuyển giao thế hệ điều hành PNJ sau 2- 3 năm nữa.“Chúng tôi đang chuẩn bị nhân sự cho sự thay thế. PNJ đã trao đổi với một số cổ đông lớn về người thay thế. Dù ai thay thế tôi thì PNJ cũng phải phát triển hơn”, bà Dung nói.
Điều bà Dung khẳng định đang từng bước được chứng minh trên thực tế. Trong năm nay, mục tiêu mà PNJ đặt ra còn tham vọng hơn so với năm 2016, khi kế hoạch lợi nhuận lên đến 600 tỷ đồng, tiếp tục đưa PNJ trở thành doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc hiệu quả nhất trong ngành trang sức Việt Nam.
Giá cổ phiếu PNJ trong hơn một năm qua đã tăng chóng mặt từ mức 40.000 đồng/cp lên đến 93.000 đồng/cp, mang đến niềm vui lớn cho các cổ đông chiến lược như quỹ đầu tư Vina Capital, Dragon Capital hay Mekong Capital.
Bên cạnh đó, PNJ đang chịu sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt khi các đối thủ như: SJC, Doji, Ben Thanh Jewelry, Bảo Tín Minh Châu... không ngừng có những bước đi mới, kèm với hàng trang sức ngoại nhập ngày càng hiện diện sâu rộng hơn trên thị trường. Chưa dễ trả lời câu hỏi: PNJ sẽ thành công ở mức nào?.