Với mong muốn mang sản phẩm của người Việt phục vụ người Việt, CEO của We Escape - Vương Chí Nhân - đã thuyết phục các cộng sự tới Shark Tank. Cuối cùng, họ đổi 70% cổ phần công ty lấy về 25 tỷ đồng đầu tư từ Shark Thủy để thực hiện mục tiêu: “Giải trí để giáo dục”.
Vương Chí Nhân hiện giữ vị trí CEO và là 1 trong 5 co-founder của We Escape - trò chơi nhập vai thực tế 5D hàng đầu Việt Nam. Chỉ với 100.000 đồng/người cho 60 phút chơi, mỗi đội chơi từ 2 - 8 thành viên sẽ được trải nghiệm trong những căn phòng với các chủ đề khác nhau. Nhiệm vụ của họ là cùng suy nghĩ và thảo luận để thu thập manh mối, giải đáp câu đố, vượt chướng ngại vật và thoát ra khỏi phòng kín.
Nhóm sáng lập của We Escape mong muốn giúp thế hệ trẻ xóa bỏ cảnh "cắm mặt vào điện thoại" để cùng nhau tham gia các trò chơi mang tính tập thể. Họ đưa "đứa con tinh thần" tới Shark Tank và nhận được cái gật đầu từ Shark Thủy.
Vương Chí Nhân được các cộng sự tin tưởng và đưa ra lựa chọn mang tính cá nhân vào thời điểm quyết định. Đó là đổi 36% cổ phần lấy 5 tỷ. Song, số tiền đã thay đổi chóng mặt, gấp lên 5 lần sau khi gặp gỡ với Shark Thủy bên lề Shark Tank.
Anh và các cộng sự hình thành ý tưởng về trò chơi nhập vai thực tế We Escape trong hoàn cảnh nào?
Cách đây 5 năm, tôi là 3 trong số 5 co-founder của We Escape học tập và làm việc ở Singapore. So với các bạn người Singapore, tôi làm việc khá nhanh. Họ có thể mất cả ngày, còn tôi chỉ mất mấy tiếng. Khoảng thời gian còn lại tôi rất rảnh, không biết đi chơi ở đâu, chỉ nằm nhà nên thấy bản thân vô dụng quá. Còn bố mẹ lại thích sự vô dụng ấy vì vừa an toàn vừa kiếm được tiền.
Sau đó, người bạn cùng phòng và chính là co-founder của We Escape hiện tại thành lập startup và rủ làm chung. Ở thời điểm ấy, máu khởi nghiệp và kinh doanh của tôi rất mãnh liệt. Nhưng tôi càng làm càng thấy chiến lược của bạn chưa tốt nên dừng lại. Sau đó, chúng tôi được trải nghiệm trò chơi nhập vai thực tế Escape room tại Singapore và quyết định tạo nên các phòng chơi "made in Việt Nam". We Escape ra đời từ đó.
Bước ngoặt nào đưa anh trở về Việt Nam?
Tháng 9/2016, sau gần 2 năm đi vào hoạt động, người bạn điều hành công ty ở Việt Nam trước đó xin nghỉ. Lúc ấy, chúng tôi xác định rằng nếu không ai về thì đóng cửa công ty. CEO không phải là vị trí có thể tùy ý tìm người thay thế.
Tôi thấy mình quá gắn bó và bỏ rất nhiều công sức phát triển cho trò chơi nên không thể vứt bỏ như vậy. Lương của tôi ở thời điểm đó là 4.000 đô Sing và còn được thăng chức. Nhưng tôi không có sự đam mê với công việc ấy, chỉ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Trong một tích tắc, tôi quyết định nghỉ việc. Nói chuyện với bố mẹ xong tôi về luôn, dù bị gia đình cấm. Khi ấy, tiền ở bên Singapore đã hết, không có gì trong tay. Lúc mới về, tôi thậm chí còn không có lương.
Co-founder "người ở Sing, kẻ ở Việt Nam" gây khó khăn thế nào trong công việc?
Trong 2 năm đầu, chúng tôi làm việc với nhau rất nhiều, qua chat và gặp nhau ở Sing. Về sau, có nhiều yếu tố khách quan như gia đình, con cái, nên khó khăn hơn. Tôi coi họ như người thân, anh em trong nhà nên người này cố gắng một chút, người kia sẽ dễ thở hơn một chút. Đó là sự cảm thông dành cho nhau tại một thời điểm. Tôi tin các nhà đồng sáng lập khác sẽ không bỏ đi khi tôi gặp khó khăn. Khi cần sự trợ giúp, tôi vẫn tìm đến họ chứ không phải kiểu "đem con bỏ chợ". Chúng tôi thực sự rất thân thiết với nhau. Hầu hết startup ở Việt Nam thất bại khi làm việc với bạn bè là vì ai cũng muốn quyền lợi và danh vọng. Nhược điểm lớn nhất có lẽ là tham vọng của ai cũng quá lớn. Tiền lại là một vấn đề tế nhị.
Anh đã làm thế nào để không mất tiền, mất luôn cả bạn?
Trong quá trình làm việc, chúng tôi không phải lúc nào cũng "cơm lành canh ngọt". Sau những lần xảy ra chuyện, tôi hiểu được rằng làm việc phải theo con số thay vì cảm xúc. Khi có con số, không ai cãi được. Đúng sai sẽ rõ ràng và người đúng sẽ được quyền làm.
Thêm nữa, để có thể giải quyết được vấn đề tiền bạc và danh vọng, người đứng đầu phải rất quyết liệt. Tôi là một người như thế. Nếu có con số cụ thể, tôi sẽ bằng mọi cách chứng minh cho họ thấy tôi đúng và đang hướng tới mục đích mang lại quyền lợi cho tất cả. Chứ không phải đang mang lại quyền lợi và kiếm tiền cho chính tôi.
Trong suốt 3 năm, tôi không nhận một đồng lương nào. Tôi muốn cho họ thấy đam mê của mình nhằm mục đích khiến công ty đi lên và giúp các nhà đồng sáng lập về sau sẽ thành công. Chúng ta sẽ thành công chứ không phải tôi sẽ thành công. Càng ngày họ càng tin tưởng vào người đi đầu là tôi. Bây giờ, chúng tôi đoàn kết lắm.
Các anh mất bao nhiêu thời gian để quyết định sẽ tham gia Shark Tank?
Tôi nộp hồ sơ vào tháng 12/ 2018. Trước đó, bọn tôi phải mất khoảng 6 tháng để bàn bạc xem có nên hay không. Đây là đứa con tinh thần chung và không ai muốn mất nó cả. Chưa kể, công ty có văn hóa gia đình nên nhiều vấn đề không kiểm soát gắt gao và cũng không muốn tiết lộ nhiều thông tin ra bên ngoài.
Lúc đó, Shark Tank chưa nổi lắm. Vì có người bạn thi mùa 1, tôi hỏi và biết được đây không chỉ là một show truyền hình thực tế hoa mỹ mà thực sự có tiền cũng như có sự tham vấn của các Shark. Công ty đang hoạt động ổn nhưng để phát triển phải có nguồn lực thật mạnh từ bên ngoài tham gia vào.
Ban đầu, chúng tôi đều mong muốn có thể xây dựng cái gì đó của riêng mình. Về sau, khi sản phẩm đi vào thị trường và bắt đầu được giới trẻ công nhận, đó lại là khát khao mang trí tuệ Việt Nam phục vụ cho người Việt Nam. Bởi các sản phẩm 100% do bọn tôi nghĩ và chế tạo ra các kỹ thuật trong đó.
Trong chương trình, các anh có 2 phút để hội ý sau khi Shark Thủy đưa ra con số 5 tỷ cho 36%. Khi đó, mọi người đã nói gì với nhau?
Đó thực sự là 2 phút gay cấn nhất từ trước đến nay. Chỉ có duy nhất anh Thủy đưa ra đề nghị. Điều đó có nghĩa bọn tôi phải đứng trước quyết định đầu tiên là có chọn anh Thủy hay không. Nếu chọn thì sẽ thế nào, có phù hợp hay không. Rồi tất cả đều đồng ý là hợp.
Vấn đề tiếp theo là lời đề nghị của anh Thủy. Bọn tôi đều là dân kinh doanh nên có tính toán riêng về giá trị cũng như hướng phát triển của công ty. Anh Thủy khi đó đưa ra đề nghị khiến giá trị công ty nhỏ hơn mức bọn tôi mong muốn. Đó là điều bọn tôi phải bàn, suy nghĩ xem làm thế nào thương lượng để về được giá trị bình thường. Giả sử không được, câu chuyện sẽ như thế nào.
Cuối cùng, tất cả mọi người đều đồng tình để tôi quyết định. Vì tôi là CEO.
Vì sao con số 5 tỷ ban đầu giờ lại tăng lên thành 25 tỷ?
Mỗi mùa, Shark Thủy sẽ chọn ra startup tiêu biểu. Startup đó phải có 2 yếu tố. Một là hỗ trợ cho kế hoạch kinh doanh trong tương lai của anh Thủy. Anh ấy định xây dựng hệ sinh thái giáo dục Educity. Hai là có hướng đi khác với hướng chính của Apax Leaders. Tức là anh Thủy đã làm về nước uống và giáo dục. Giờ anh ấy muốn làm về mảng khác để hỗ trợ cho nhau. Đó chính là mảng giải trí.
Mặt khác, tính cách của tôi có nhiều nét rất giống anh Thủy. Đó là rất quyết liệt, quyết định rất nhanh và cực đam mê với những gì mình làm. Anh Thủy từng nói rất thích nhóm nhà sáng lập của We Escape, đồng thời ngành và người đã có nên phải đi thật nhanh và mạnh.
Số tiền đầu tư gấp lên 5 lần, còn tỷ lệ thì sao?
Shark Thủy có cách thỏa thuận rất lạ. Không phải cứ 1.000 là 1%, 10.000 sẽ là 10%. Khi đầu tư, anh Thủy xem xét liệu bao nhiêu % sẽ khiến chúng tôi hạnh phúc mà làm việc. Bao nhiêu % để anh cảm thấy thoải mái khi không cần tham gia công việc vận hành nhưng có quyền quyết định nhất định.
Anh Thủy thường đưa ra con số theo những gì đã nghĩ chứ không theo công thức toán học nào. Anh yêu cầu bên tôi tự chủ động xem con số đó có phù hợp hay không.
Cuối cùng các anh chốt là bao nhiêu phần trăm?
Chúng tôi chốt 30 – 70. Anh Thủy nói con thuyền phải lớn mới đi được ra biển khơi và con thuyền lớn ở đây là 70% còn lại của anh ấy. Đây chính là nguồn để anh Thủy tìm kiếm nhân tài hoặc thưởng lại cho bọn tôi nếu đạt được những kết quả nhất định. Nếu anh Thủy chỉ có 36% như thỏa thuận 5 tỷ ban đầu, rất khó để thưởng cho ai khác. Thưởng xong là hết. Còn với nhóm sáng lập, 30% là con số khá ổn. Vì chúng tôi nhận lại được rất nhiều sự trợ giúp từ Egroup và điều đó hoàn toàn xứng đáng.
Từng lo lắng sẽ đánh mất đứa con tinh thần và chỉ có ý định "bán đi" ít hơn 30%, giờ lại nắm trong tay đúng con số nhỏ đó. Các anh hết sợ rồi ư?
Thực ra 30% không phải con số nhỏ. Đó là con số khá lớn so với nhà sáng lập của các công ty khác. Ví dụ như Amazon, ông chủ chỉ chiếm dưới 10%. Khi miếng bánh quá lớn, mình phải nhường cho các nhà đầu tư khác vào. Mỗi người một chút. Khi họ càng vào, phần trăm của mình càng nhỏ nhưng thực ra giá trị lại càng lớn.
Ở các thỏa thuận khác của anh Thủy, nếu mô hình kinh doanh đơn giản hơn, tôi nghĩ nhà sáng lập chỉ nhận được dưới 10%. Mô hình kinh doanh của tôi khá đặc biệt, đòi hỏi người làm phải sử dụng chất xám rất nhiều. Người khác không thể thay thế được nên bọn tôi được nắm phần trăm lớn để đảm bảo, linh hồn của sản phẩm vẫn nằm ở co-founder.
Trong tương lai, nếu bọn tôi làm tốt thì anh Thủy vẫn có những lựa chọn khác như cho mua lại hoặc cho làm lại. Để con tàu đi nhanh, bọn tôi phải hy sinh tại thời điểm này. Tôi không nghĩ đó là chiến thuật tồi.
Lần này thì mất bao lâu thời gian để đưa ra quyết định?
Rất nhanh. Buổi họp chỉ kéo dài 2 tiếng là bọn tôi đã phải đưa ra quyết định. Những người khác thường sẽ cho tầm 1 – 2 tuần để suy nghĩ khi đứng trước quyết định như vậy nhưng anh Thủy lại hỏi rất nhanh: "Ơ thế sao rồi? Quyết định đi".
Ngoài tiền, anh Thủy sẽ cho chúng tôi cả resources và nhân lực để làm. Chúng tôi phải quyết thật nhanh bởi nhanh mới dẫn đầu thị trường. Lần 2, mọi người đã hiểu hết rồi nên chỉ chốt xem con số đã ổn chưa, ổn rồi là được. Không cần nghĩ như lần 1 là nếu đánh mất công ty thì sao hay anh ấy sẽ giúp được gì bởi Shark Thủy đã giúp được rồi.
"Xuống tiền" 25 tỷ đồng, Shark Thủy đưa ra KPI thế nào cho các anh?
25 tỷ đó đi kèm KPI rất khủng khiếp. Trong vòng 2 năm, bọn tôi phải mở được 100 phòng chơi, tương đương với tầm 20 cơ sở trên khắp cả nước. Việc xây dựng và mở rộng sản phẩm của bọn tôi tốn thời gian hơn các bên khác rất nhiều. Ví dụ, các bên khác xây dựng một quán cà phê hay quán ăn, chỉ mất tầm dưới hoặc 1 tháng nếu có nhà thầu cố định và chuyên nghiệp. Trong khi đó, bọn tôi mỗi lần lại là một sản phẩm khác nhau với cách bài trí khác nhau nên sẽ phải mất tầm 2 – 3 tháng cho 6 phòng chơi, tương đương một cơ sở. Vậy nên, yêu cầu mở 20 cơ sở trong vòng 2 năm thực sự khủng khiếp.
Bên cạnh đó, số tiền 25 tỷ cũng không đủ để xây dựng tất cả những thứ đó. Bởi vậy mà chúng tôi cần phải sử dụng tiền lãi của các cơ sở khác để dùng cho cơ sở mới. Tức là những nhà sáng lập phải tính toán kỹ càng nhưng liều lĩnh để chiếm được lòng tin của nhà đầu tư.
Sau khi rót tiền, Shark Thủy theo dõi quá trình vận hành thế nào?
Anh Thủy nói ngay từ đầu là không tham gia vào bất cứ việc vận hành nào. Khi đã làm là anh tin tưởng. Vì bọn tôi đã đạt được những KPI đầu tiên nên anh sẽ cho cơ hội. Tôi nghĩ, anh ấy bỏ vào 25 tỷ còn chẳng sợ, mình sợ gì không làm. Tất nhiên, anh Thủy vẫn sẽ có cố vấn đặc biệt dành cho tôi mỗi khi cần.
Tới thời điểm này, anh kỳ vọng ra sao về thương vụ lớn làm với Shark Thủy?
Tôi muốn làm ra lịch sử, để lại một sản phẩm của người Việt có ích cho giới trẻ. Vì tiền hiện nay tôi cũng không quá thiếu thốn. Tôi là một người đơn giản, không có nhiều sở thích cao sang. Đầu tiên có thể là làm vì mình nhưng càng làm tôi càng cảm thấy chúng tôi đang tạo ra lịch sử chưa từng có tiền lệ. Nếu có thể mang những điều này tới với nhiều người hơn để họ trải nghiệm, đó chính là thành công. Tôi tự nhận mình là người phát minh khi sáng tạo ra trò chơi và kỹ thuật trong We Escape. Và với nhà phát minh, đây chính là niềm hạnh phúc nhất của họ.