Sự nghiệp không phải là một cuộc đua nước rút, nó là một cuộc đua marathon kéo dài 40 năm. Cho dù bạn mới tốt nghiệp, đã làm việc được 10 năm hay chuẩn bị thay đổi công việc, nếu bạn chưa có hoạch định trước đó, hãy bắt đầu thực hiện ngay bây giờ.
Bạn có từng suy nghĩ như vậy về công việc:
Những người xung quanh có mức lương hàng năm cao hơn bạn
Tôi muốn nhận được thăng chức và tăng lương, nhưng lại chẳng được.
Ngành này càng ngày càng không ổn, nhưng tôi lại không biết phải làm sao.
Công việc chỉ là một công cụ để kiếm miếng cơm, không có cảm giác thành tựu.
Công việc không phải là thứ bạn thích luôn cảm thấy không có động lực.
Tôi không biết mình thích công việc gì, cũng không biết mình giỏi việc gì.
Không muốn làm nữa, nhưng cũng không biết nên tìm việc gì khác, chỉ có thể tiếp tục công việc hiện tại.
...
Tất cả những nghi hoặc trên đều liên quan đến cụm từ: hoạch định nghề nghiệp.
Điểm khởi đầu là như nhau, một người mức lương hàng năm là 80 triệu và một người mức lương hàng tháng là 80 triệu.
Không hiểu thế nào là hoạch định nghề nghiệp, bạn sẽ kiếm được bao nhiêu?
Khi nói đến hoạch định nghề nghiệp, một số người sẽ nói đó chẳng qua chỉ là mục tiêu trong tương lai, vậy thì mục tiêu của tôi là kiếm được 5 tỷ trong 5 năm tới.
Bạn kiếm kiểu gì? Bạn dựa vào cái gì để kiếm? Khả năng kiếm được là bao nhiêu? Rất ít người có thể đi vào suy nghĩ cụ thể.
Vấn đề là nếu không có hoạch định nghề nghiệp tốt, bạn căn bản là sẽ không thể kiếm được ngần đó.
Hoạch định nghề nghiệp là gì?
Hoạch định nghề nghiệp là quá trình lập kế hoạch có hệ thống và mang tính liên tục cho sự nghiệp và thậm chí cả cuộc sống. Nó bao gồm ba yếu tố: định hướng nghề nghiệp, thiết lập mục tiêu và thiết kế bản đồ thực hiện.
Nói một cách đơn giản, sự nghiệp của một người nên có một kế hoạch cụ thể. Nó bao gồm ba câu hỏi cơ bản: Bạn có thể làm gì? Mục tiêu của bạn là gì? Làm thế nào để bạn đạt được mục tiêu của mình?
Nghề nghiệp không giống như công việc, công việc là một khái niệm chức vụ cụ thể, còn nghề nghiệp là một chiều rộng lớn hơn và là một quá trình bền vững.
Hầu hết chúng ta chỉ nhìn chằm chằm xuống dưới chân mà không nhìn vào con đường phía trước. Những người thực sự có thể hoạch định nghề nghiệp có lẽ còn chưa đến 1%.
Bạn có thuộc 1% đó không?
Chia sẻ với các bạn câu chuyện có thật của hai đồng nghiệp cũ của tôi:
Đồng nghiệp A, cậu ấy luôn muốn làm trong ngành tài chính. Để đạt được mục tiêu này, cậu ấy đã lập ra một bản hoạch định nghề nghiệp của mình trong ba năm, tập trung vào ba điều: viết soạn thảo công văn, thiết lập mạng lưới xã giao và đầu tư tài chính. Mỗi tháng, cậu ấy sẽ tiết kiệm tiền để đầu tư tài chính, đọc sách về tài chính, chia sẻ bài học và thảo luận với mọi người xung quanh. Sau đó, nhờ sự giới thiệu của các đối tác, cậu ấy đã đến làm ở một công ty bất động sản tài chính và làm trợ lý cho ông chủ. Hiện tại, mức lương của cậu ấy tính theo chục triệu.
Đồng nghiệp B, trạng thái hàng ngày của cậu ấy là: lãnh đạo giao việc thì làm, không có việc thì sang bộ phận khác "buôn". Mức lương chỉ ở mức 7 triệu.
Rõ ràng là cùng một vạch xuất phát, Nhưng sau một vài năm, mức lương của A thậm chí có thể cao hơn gấp 10 lần B. Bạn nói xem hoạch định nghề nghiệp có quan trọng?
Làm thế nào để hoạch định nghề nghiệp tốt?
Cách nhanh chóng nhất đó là: Định hướng nghề nghiệp + Thiết lập mục tiêu + Thiết kế bản đồ thực hiện.
1. Định hướng nghề nghiệp
Bạn cần xem xét 3 khía cạnh này: sở thích, khả năng và giá trị.
Hãy tự trả lời 3 câu hỏi:
- Bạn có thích công việc này không?
- Bạn có đủ khả năng để làm công việc này không? Chẳng hạn như khi còn học đại học bạn thích chơi bóng rổ, nhưng chúng ta lại có thể xác định được rằng mình cả đời này cũng không làm vận động viên bóng rổ được vì không đủ chiều cao tiêu chuẩn. Đây là ông trời không thưởng cho chúng ta cơm để ăn, vậy thì chúng ta cũng không nhất thiết phải nghịch thiên mà làm. Đừng tự làm khó mình.
- Ngành nghề mà bạn đang theo đuổi có tiền đồ không? Công việc của bạn, giá trị thị trường là bao nhiêu?
Ngành nghề có tương lai hay không, công việc có giá trị thị trường hay không, quyết định mức lương và địa vị xã hội của bạn. Đây là những điểm tựa cho sự phát triển nghề nghiệp.
Chia sẻ với bạn 2 TIP nhỏ giúp bạn tự nhận thức được bản thân:
Đầu tiên, thử dùng các công cụ đánh giá chuyên nghiệp, chẳng hạn như trắc nghiệm nghề nghiệp John Holland, trắc nghiệm tính cách The Big Five, trắc nghiệm tính cách MBTI, những trắc nghiệm này sẽ giúp đo lường tính cách, khả năng, tài nguyên, sở thích, giá trị nghề nghiệp và các khía cạnh khác của bạn. Có thể thử, nhưng tôi khuyên bạn không nên hoàn toàn tin vào điều đó. Chúng chỉ là những công cụ là giúp chúng ta suy nghĩ và hướng dẫn chúng ta đưa ra phán đoán.
Thứ hai, nếu bạn vẫn thấy mơ hồ về bản thân, bạn có thể hỏi những người thân thiết xung quanh, điều này sẽ khiến bạn nhận thức rõ hơn về bản thân. Ví dụ, khi tôi đang tìm việc, tôi sẽ hỏi các cựu lãnh đạo thân thiết của tôi 3 câu hỏi:
- Ngài nghĩ lợi thế và bất lợi lớn nhất trong công việc của tôi là gì?
- Ngài nghĩ giao cho tôi công việc nào thì sẽ yên tâm nhất?
- Ngài nghĩ tôi là người như thế nào?
2. Thiết lập mục tiêu: viết một bản lý lịch trong tương lai
Bạn có thể làm điều này: lấy ra một cây bút và tờ giấy và viết một bản lý lịch cho chính mình 5 năm sau đó.
Bạn nghĩ gì trong đầu khi viết bản lý lịch này?
"Tôi làm việc ở đâu? Tôi làm công việc gì? Tôi lấy được chứng chỉ gì? Tôi lấy bằng cấp gì? Tôi có những thế mạnh cốt lõi nào? Tôi hoàn thành những dự án tốt nào? Tôi mở khóa được những kỹ năng gì?"
Đây là những mục tiêu bạn muốn đạt được trong 5 năm tới của sự nghiệp.
Ngành công nghiệp hiện tại đang thay đổi theo từng ngày, chúng ta không thể đặt ra mục tiêu có thể hoàn thành trong nháy mắt. Tại thời điểm này, cần đặt mục tiêu nghề nghiệp theo từng giai đoạn, hoặc 5 năm hoặc 10 năm. Ở mỗi giai đoạn, những gì chúng ta làm hàng ngày nên nhắm vào mục tiêu này.
Trọng tâm của các mục tiêu giai đoạn là lập kế hoạch cho các bước nhỏ. Mỗi giai đoạn phải được điều chỉnh kịp thời theo các điều kiện bên trong và bên ngoài, điều này có thể tránh được tình trạng tiến thoái lưỡng nan khi xảy ra tình trạng "ngành này sắp không ổn rồi".
Nếu sau 5 năm, ngành của bạn "tắt nắng", vậy thì bạn cần điều chỉnh lại kế hoạch nghề nghiệp của mình để xem liệu ý thích của mình có nên nhượng bộ vì nhu cầu thị trường hay không.
3. Chấp hành lộ trình: Vẽ bản đồ đường đi của riêng bạn
Hoach định nghề nghiệp có tốt tới đâu mà không được thực hiện, vậy thì nó cũng chỉ là một tờ giấy bỏ đi. Nếu có thể kiếm được tiền chỉ bằng suy nghĩ, vậy thì tôi có lẽ đã giàu hơn cả Warren Bufett rồi.
Sau khi suy nghĩ về định hướng nghề nghiệp và xác định mục tiêu giai đoạn, bước tiếp theo là biến mục tiêu thành các biện pháp cụ thể để thực hiện.
Trên thực tế, con đường đi tới đích không chỉ có một, chỉ có đường nhanh hoặc chậm, có người thích đi thẳng nhưng cũng có người lựa chọn đường vòng, mỗi người đều có thể có một bản đồ đường phù hợp cho riêng mình.
Nhưng trên con đường đó, bạn phải thực hiện được 3 điều này:
- Kiểm tra "rò rỉ" và cải thiện năng lực định hướng
Vì giữa thực tế và mục tiêu luôn có khoảng cách, vì vậy việc đầu tiên là phải kiểm tra "rò rỉ", bổ sung những năng lực mà mình còn thiếu. Làm thế nào để kiểm tra? Một cách tiếp cận rất thực tế là vào trang web tuyển dụng để xem yêu cầu tuyển dụng của các vị trí liên quan. Những năng lực mà bài tuyển dụng yêu cầu, chính là hướng mà chúng ta cần nỗ lực.
Trong phát triển nghề nghiệp, cần chú ý đến việc cải thiện hai năng lực chính: năng lực cốt lõi liên quan đến phát triển nghề nghiệp và năng lực thích nghi để đối phó với tính không chắc chắn của nghề nghiệp. Có nhiều cách để cải thiện năng lực của bạn, chẳng hạn như đọc sách, hỏi đồng nghiệp, tham gia các khóa đào tạo…
- Xây dựng mạng lưới quan hệ
Mạng lưới này không chỉ giới hạn trong các đồng nghiệp của bạn. Cấp trên, khách hàng, đối tác, đồng nghiệp xung quanh bạn, các công ty săn nhân tài là mạng lưới liên lạc của bạn. Ví dụ, học hỏi thêm kinh nghiệm từ tiền bối trong công ty, tham gia các cuộc họp gia lưu hay các khóa học đào tạo…
- Kịp thời điều chỉnh kế hoạch
Hoạch định nghề nghiệp cần phải được điều chỉnh phù hợp với nhịp điệu ở cả bên trong và bên ngoài. Trước khi bước vào một ngành nghề nào đó, ngay cả khi làm thêm bài tập về nhà, chúng ta cũng không thể hiểu 100% về các vị trí làm việc. Có thể sau khi bạn vào công ty bạn mới phát hiện ra rằng vị trí này không phù hợp với định hướng nghề nghiệp của bạn. Tại thời điểm này, cần phải chủ động nhìn lại, có sự điều chỉnh với công việc hiện có, khả năng cá nhân và kế hoạch nghề nghiệp. Có thể nghĩ đến việc chuyển bộ phận, hoặc trực tiếp xin nghỉ để tìm một công việc khác.
Nói chung, không có cái gọi là kế hoạch trọn đời hay hoạch định nghề nghiệp ổn định.
Sự nghiệp không phải là một cuộc đua nước rút, nó là một cuộc đua marathon kéo dài 40 năm. Cho dù bạn mới tốt nghiệp, đã làm việc được 10 năm hay chuẩn bị thay đổi công việc, nếu bạn chưa có hoạch định trước đó, hãy bắt đầu thực hiện ngay bây giờ.
Quá khứ không thể quay lại, và tương lai vẫn còn dài. Thời gian hoạch định nghề nghiệp tốt nhất là 5 năm trước, tiếp theo là hiện tại.
Trí thức trẻ