Chính trị gia thông thái và xuất chúng mà ta đang nhắc tới chính là Gia Cát Lượng.
Gia Cát Lượng vì sao xem trọng Mã Tắc?
Việc Gia cát Lượng trọng dụng và tín nhiệm Mã Tắc là điển hình cho ý thức chính trị sử dụng thế lực và xây dựng một phạm vi chính trị cho mình. Gia Cát Lượng và anh em Mã Lương rất thân thiết.
"Tam quốc chí" bản chú của Bùi Tùng Chi cho thấy rất rõ điều này: "Thần Tùng Chi dĩ vi Lương dư Lượng kết vi huynh dệ, hoặc tương hữu thân; Lượng niên trường, Lương cố hô Lượng vi tôn huynh nhĩ", ý muốn nói Bùi Tùng Chi cho rằng Lượng và Lương, tức Mã Lương kết nghĩa huynh đệ, hoặc cũng có quan hệ thân thiết, vì Lượng lớn hơn nên Mã Lương gọi Lượng là huynh.
Kiểu quan hệ thân thiết này tất nhiên phải được phản ánh trong các sắp xếp chính trị. Mã Lương rất được trọng dụng dưới thời Lưu Bị, quan làm được đến chức Lang trung. Nhưng thật không may, Mã Lương lại hi sinh trong trận Di Lăng. Gia Cát Lượng mất Mã Lương, vô cùng đau lòng, vì vậy dồn nhiều tình cảm hơn cho em trai của Mã Lương là Mã Tắc.
Mã Tắc trên thực tế cũng là một nhân vật không tầm thường, lịch sử ca ngợi ông là "tài năng phi thường, giỏi luận quân mưu". Gia Cát Lượng rất ngày càng trọng dụng Mã Tắc, mặc dù Lưu Bị từng nhắc nhở rằng Mã Tắc "hay phóng đại, không thể quá trọng dụng. nên xem xét kĩ". Tuy nhiên, sự ưu ái và có phần ích kỷ của Gia Cát Lượng đã khiến ông không để ý tới lời nhắc nhở của Lưu Bị.
Sự thân thiết giữa Gia Cát Lượng và Mã Tắc sớm đã vượt qua phạm vi công việc, bản thân Mã Tắc cũng thừa nhận mối quan hệ thân thiết của mình với Gia Cát Lượng: "Minh Công coi Tắc như con, Tắc cũng xem Minh Công như cha".
Mối quan hệ đặc biệt này, cùng với tài năng của Mã Tắc, khiến Gia Cát Lượng kỳ vọng sâu sắc vào Mã Tắc. Trong chiến dịch bình định Nam Trung của Gia Cát Lượng, Mã Tắc đã đề nghị áp dụng chiến lược "công tâm" (tấn công vào lòng người), chiến lược này đã giúp Gia Cát Lượng giành được chiến thắng, giúp ông giải quyết ổn thỏa phản loạn ở khu vực Nam Trung và xóa bỏ những lo lắng phía sau của các cuộc Bắc phạt.
Thông qua chiến dịch này, Gia Cát Lượng càng đánh giá cao hơn tài năng của Mã Tắc, thậm chí còn tin rằng Mã Tắc là người tốt nhất để kế thừa sự nghiệp của mình, ứng cử viên tốt nhất để giữ ưu thế của tập đoàn Kinh Dương trong thống trị chính trị triều đình.
Nhân vật Gia Cát Lượng trên màn ảnh
Vì muốn củng cố thế lực Kinh Dương, Gia Cát Lượng muốn đẩy nhanh tiến độ sử dụng Mã Tắc. Gia Cát Lượng biết rằng, cần phải đề bạt Mã Tắc nhanh hơn nữa, nếu chỉ để Mã Tắc là phó thủ (tham mưu trưởng) như vậy thì vẫn chưa đủ. Mã Tắc phải đảm nhiệm chức chủ quan, một mình đảm nhiệm một phương, đồng thời phải lập được công lao ngoài xa trường, có như vậy thì người đời mới bớt dị nghị và cũng là tạo điều kiện cần thiết để Mã Tắc làm người kế vị của mình sau này. Cũng chính điều này đã khiến Gia Cát Lượng phạm một sai lầm chết người trong việc bổ nhiệm Mã Tắc. Chính là trong chuyến Bắc phạt lần thứ nhất, Gia cát Lượng đã bỏ qua các tướng dày dặn kinh nghiệm như Ngụy Diên, Triệu Vân… để Mã Tắc làm chủ soái.
Vấn đề là một tham mưu xuất sắc chưa chắc đã là một chủ soái đạt tiêu chuẩn. Thân là một tham mưu, Mã Tắc chắc chắn đủ điều kiện để tham gia chiến sự và hỗ trợ chủ soái, nhưng nắm quyền chỉ huy cả một đội quân thì năng lực lại chưa đủ "chín". Hơn nữa, người mà Mã Tắc đối đầu lần này lại là danh tướng Trương Cáp, vì vậy đã làm mất đi vùng đất chiến lược Nhai Đình, khiến toàn bộ cuộc Bắc phạt rơi vào thế bị động. Chiến dịch Bắc phạt rầm rộ lần thứ nhất cứ vậy mà kết thúc trong thất bại, bản thân Mã Tắc cũng vì chuyện này mà mất đi cả sinh mạng.
Mã Tắc làm mất Nhai Đình, tất nhiên là do có sự cố chấp trong binh pháp, không giỏi trong đánh trận thực tế, nhưng lý do chính vẫn là do bản thân Gia Cát Lượng không biết "lượng tài" trong việc bổ nhiệm Mã Tắc, đưa Mã Tắc vào vị trí mà ông chưa kịp thích ứng. Gia Cát Lượng là một người khôn ngoan, nhưng ông vẫn phạm phải một sai lầm ngu ngốc như vậy. Nguyên nhân sâu xa là ý thức chính trị "bè phái" trong tâm trí Gia cát Lượng quá lớn, quá ích kỷ, quá đầu tư vào việc tạo dựng thế lực Kinh Dương.
Chân dung Mã Tắc
Ngã một vố đau trong việc tín nhiệm Mã Tắc
Gia Cát Lượng đã ngã một vố đau trong việc trọng dụng Mã Tắc. Tuy nhiên, diễn biến lịch sử tiếp theo cho thấy Lượng dường như không thực sự học được những bài học cần thiết từ sự việc đã qua. Trên phương diện cân bằng của hai thế lực lớn Kinh, Ích, rõ ràng Gia Cát Lượng vẫn nghiêng về tập đoàn Kinh Dương mà "vô tình" đè nén Tập đoàn Ích Châu, do đó, ông thà sử dụng Khương Duy, chứ không đem thực quyền giao vào tay người có bối cảnh thuộc Ích Châu. Cần phải nói rằng các hành động của Gia Cát Lượng đã có tác động sâu sắc đến diễn biến chính trị của nhà Thục Hán sau này.
Khi Tư Mã Chiêu phái Trung Hội, Đặng Ngải tấn công Thục Hán, Gia Cát Chiêm (con trai của Gia Cát Lượng) đã chết ở Miên Chúc, các quan chức xuất thân địa phương của Ba Thục (như Tiếu Chu…) đã tích cực khuyến khích Lưu Thiện đầu hàng. Lý do rất đơn giản, Tập đoàn Kinh Dương thống trị phần lớn chính quyền không sẵn sàng đánh mất quyền và lợi ích của mình, tất nhiên sống chết cũng phải phản kháng. Đối với tập đoàn Ích Châu, những người vốn đã chịu áp lực trong một thời gian dài và thậm chí còn bị gạt ra ngoài lề, thì họ cũng chẳng để tâm quá nhiều đến chính quyền thục Hán, chính quyền vốn dĩ chẳng phải của họ, đổi triều đình, để cho Tào Ngụy thống trị chưa chắc đã là tai họa.
(Theo Hoàng Phác Dân, giáo sư Quốc học viện, Đại học Nhân dân Trung Quốc)