Kiến nghị nới 'room' ngoại cho ngân hàng và Fintech

Giới hạn tỷ lệ sở hữu tối đa 30% được khối ngoại đánh giá là kém hấp dẫn và có thể kìm hãm sự phát triển của ngân hàng, Fintech.

Đề xuất tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019 (VBF), ông Seck Yee Chung, Chủ nhiệm Uỷ ban công nghệ thông tin thuộc Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho rằng không nên áp dụng giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực thanh toán và Fintech.

Theo đại diện Amcham, sự tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ tài chính và Fintech sẽ phụ thuộc vào việc triển khai khung pháp lý, quy định và chính sách cho đầu tư. Tuy nhiên, việc áp trần sở hữu nước ngoài tại những doanh nghiệp trong lĩnh vực này "sẽ hạn chế đáng kể khả năng huy động vốn ngoại của các công ty khởi nghiệp Fintech Việt Nam".

"Nhìn chung, những giới hạn như vậy sẽ cản trở sự phát triển của ngành và chúng tôi hy vọng Chính phủ sẽ duy trì các chính sách tạo điều kiện cho Fintech có cơ hội đóng góp vào đổi mới công nghệ và phổ cập tài chính", tham luận của AmCham tại VBF cho biết.

Trước đó, đầu năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ đề xuất sửa đổi Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt, và theo đó cơ quan này muốn giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực trung gian thanh toán tối đa không quá 30%.

Liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, AmCham cũng cho rằng cần có chính sách cởi mở hơn. "Ngành ngân hàng Việt Nam đang áp dụng một trong những tỷ lệ sở hữu nước ngoài thấp nhất so với các quốc gia có trình độ phát triển tương đương trong khu vực. Việc nới tỷ lệ sở hữu nước ngoài sẽ cho phép các ngân hàng huy động vốn quốc tế trong bối cảnh thiếu hụt nguồn vốn trung - dài hạn", đại diện Amcham cho biết.

Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) trong bản tham luận cũng kiến nghị về những phương pháp thúc đẩy thị trường vốn. "Quy mô tín dụng của Việt Nam đã vượt quá 150% GDP và với dự kiến áp dụng Basel II vào năm 2020, theo dự tính sẽ gặp khó khăn không chỉ trong hoạt động tín dụng đầu tư mới mà cả trong việc đảm bảo nguồn vốn cần thiết cho hoạt động", tham luận của KoCham nhấn mạnh.

Trong lần trả lời VnExpress, ông Phạm Hồng Hải, CEO HSBC Việt Nam cũng đánh giá, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa 30% tại một ngân hàng và tỷ lệ sở hữu tối đa 20% của một tổ chức đang là rào cản khiến các ngân hàng Việt khó tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược.

Sau đợt rút lui của nhiều cổ đông chiến lược nước ngoài trong hai năm gần đây, hầu như ngành ngân hàng chưa tìm được một thương vụ nào mới. Hầu hết nhà băng chọn biện pháp tăng vốn thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu, chia cổ phiếu thưởng hoặc phát hành cho cổ đông hiện hữu. Trong khi khoảng trống để lại sau sự rút lui của các cổ đông ngoại vẫn chưa tìm được "người thay thế".

"Những quy định chặt hơn trong Basel III về quản trị rủi ro khiến những khoản đầu tư 20% vốn vào một tổ chức sẽ không được tính vào nền tảng vốn của các ngân hàng lớn nước ngoài. Điều này khiến những nhà băng ngoại không còn mặn mà với việc trở thành cổ đông chiến lược của các ngân hàng Việt", ông Hải nói và cho rằng nên nâng giới hạn "room" ngoại để tăng tính hấp dẫn và khả năng huy động vốn của các ngân hàng.

VnExpress

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/kien-nghi-noi-room-ngoai-cho-ngan-hang-va-fintech-a98313.html