Bước vào độ tuổi 35, thứ chúng ta sợ là “già”? Khi chúng ta sợ già, chúng ta thực chất là đang sợ điều gì?
Trên mạng nổi lên một câu hỏi mà thiết nghĩ đó không chỉ là vấn đề của riêng ai: "35 tuổi ở nơi làm việc có còn khả năng cạnh tranh không?"
Hôm qua, khi lướt Facebook bỗng dưng tôi đọc được một đoạn như sau: "Nhìn thấy sẹo ở eo và nếp nhăn ở khóe mắt, rồi lại nghĩ mình sắp 35 tuổi, nhan sắc lão hóa, sự nghiệp không có thành tích gì nổi bật, trong lòng bỗng có một cảm giác chua xót và tuyệt vọng."
Ở văn phòng, một loạt các bạn 9X đang bắt đầu than thở mình sắp già rồi.
Nhưng, khi chúng ta sợ già, chúng ta thực chất là đang sợ điều gì?
Là áp lực đến từ những "nhiệm vụ" mà tuổi tác mang lại
Có một câu nói rất hay: thời gian không có trọng lượng, nhưng có áp lực.
Loại áp lực này không chỉ là thời gian bản thân nó đang dần trôi qua mà còn là tâm lý hoang mang ngày càng nặng nề hơn bởi quan hệ xã hội và thói quen nhận thức, đây là một trong những lý do chính khiến chúng ta sợ già.
SKII, một thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng của Nhật Bản từng có một quảng cáo công ích mang tên "Đời người không giới hạn".
Nội dùng của quảng cáo nói rằng, phụ nữ khi sinh ra, trên cánh tay sẽ xuất hiện con số giống như "hạn sử dụng", giới hạn là 30 năm, bởi họ cho rằng 30 tuổi là một nút thắt quan trọng trong cuộc đời.
Con số này giống như một "lời nguyền", làm phiền họ suốt cuộc đời, càng gần con số này họ sẽ càng lo lắng, mệt mỏi.
Rõ ràng vẫn còn ước mơ, nhưng khi nhìn thời hạn trên cánh tay lại tiếc nuối mà dừng lại những bước chân đang theo đuổi ước mơ còn dang dở.
Rõ ràng có rất nhiều chuyện muốn làm, nhưng thời hạn trên cánh tay lại giống một chiếc đồng hồ đếm ngược nhắc nhở bạn mỗi ngày rằng: xin lỗi, không kịp rồi!
Thứ bạn sợ là "già"? Không phải, thứ bạn sợ là chưa hoàn thành được những "nhiệm vụ" mà bạn nên hoàn thành khi bước vào độ tuổi này.
Bạn nghĩ sao về câu hỏi này: "Thời gian của tôi có đủ dùng không?"
Thực ra, chúng ta, dù sắc xuất ít hay nhiều thì về cơ bản đều có cơ hội sống qua 100 tuổi, vì vậy, tại sao không lập một kế hoạch cuộc sống dưới một tiêu chuẩn tuổi thọ dài hơn.
Một người phụ nữ 36 tuổi làm nghề soát vé, khi đối mặt với vấn đề cắt giảm nhân viên, chị nói: "Tôi năm nay 36 tuổi rồi, ngoài việc soát vé ra cái gì tôi cũng không biết làm, ở cái tuổi này rồi, học cái gì cũng không vào, sau này phải làm sao đây!"
Một cụ già tên Jiang Sumei, 60 tuổi mới bắt đầu biết chữ, 75 tuổi bắt đầu viết văn, ở tuổi 81 cụ đã xuất bản được 4 cuốn tiểu thuyết, gây xôn xao cả văn đàn.
Dưới tiêu chuẩn tuổi thọ dài hơn, 75 tuổi vẫn có thể vẫn có thể bắt đầu một nhiệm vụ mới, 36 tuổi đã nói mình già rồi, học không được, thực ra đâu phải vậy.
Vì vậy, cả đời này chúng ta chỉ cần giữ cho mình một con số là đủ rồi, đó là thời gian từ lúc chúng ta sinh ra cho tới khi nhắm mắt xuôi tay.
Trong khoảng thời gian này, khả năng mà chúng ta có là vô hạn, bạn có thể bắt đầu một "nhiệm vụ" mới ở bất kỳ giai đoạn nào của cuộc sống, không cần phải đem theo một "hạn sử dụng" để giới hạn bản thân mình.
Thứ bạn sợ là "già" ư? Không phải, giống như chị soát vé 36 tuổi vậy, sợ vì tuổi tác không thể đem lại những bất ngờ và hi vọng cho tương lai nữa.
Cách đây không lâu, câu chuyện Oracle sa thải nhân viên tạo nên một chấn động không nhỏ trong giới IT. Nhưng không chỉ trong giới IT, rất nhiều doanh nghiệp khác khi tuyển dụng cũng giới hạn độ tuổi ở tuổi 35.
35 tuổi, bỗng dưng trở thành "ranh giới sống chết" ở nơi làm việc, điều này khiến rất nhiều người lo ngại.
Nhưng chúng ta cần phải làm rõ một điều rằng, công ty cắt giảm là những nhân viên cũ từ 35 tuổi trở lên, và còn là những nhân viên có năng lực và thu hập không tương xứng với nhau.
Có thể thành thục và lão luyện ở lĩnh vực nào đó hầu hết đều là những người làm việc từ 10 năm trở lên, tuổi tác về cơ bản cũng phải trên 35 tuổi, vì vậy, thay vì nói tuổi 35 không còn năng lực cạnh tranh, chi bằng nói chúng ta trước khi 35 tuổi đã không tích lũy đủ cho bản thân.
Chúng ta sợ già vì động lực và sức sống đang dần biến mất, chúng ta sợ thế hệ trẻ đầy nhiệt huyết và năng lượng bỗng nhiên kéo tới thay thế chúng ta. Điều chúng ta sợ không phải là sự già đi mà là quá trình chờ đợi sự lão hóa và không làm gì cả.
Một cậu bé cấp hai đứng trên bục ngoài sân trường chia sẻ câu chuyện của mình, nói bà ngoại hơn 70 tuổi cứ luôn làm mọi người không yên tâm, ở cái tuổi này rồi vẫn muốn đi làm.
Bà ngoại đứng ở dưới lại dùng tiếng anh "đập" lại cháu trai: "My philosophy of life is Work" (triết lý cuộc đời bà là làm việc).
Một bà lão 72 tuổi vẫn sống một cuộc sống vô cùng đầy màu sắc như vậy, đã bao giờ bạn nghĩ rằng sự sợ hãi và ghét bỏ với việc già đi, nhiều khi chính là một hình thức tự giới hạn bản thân?
"Qua tuổi XX, sẽ chẳng làm được việc XX nữa!", đây chính là kiểu tự giới hạn bản thân điển hình nhất.
Nếu Nhậm Chính Phi vì qua 40 tuổi rồi mà không dám khởi nghiệp vậy thì làm sao có Huawei, làm sao có cuộc chiến công nghệ bùng nổ gây chấn động suốt hơn tháng qua.
Nếu Ray Kroc không khởi nghiệp ở tuổi 52 vậy thì lấy đâu ra McDonald để ăn.
Trí thức trẻ