Tập đoàn Thành Thành Công xây dựng thương hiệu ở 5 ngành kinh doanh trụ cột. Tuy nhiên, các công ty đầu ngành có hệ số lợi nhuận/doanh thu không cải thiện và mía đường đang chiếm tỷ trọng nợ lớn.
Từ mía đường, bất động sản mở rộng ra du lịch, năng lượng
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) vừa xác nhận đã bán đi khoảng 85% cổ phần CTCP Giáo dục Thành Thành Công (TTCE). Đây là lần đầu tiên trong suốt 7 năm qua kể từ khi ông rời Sacombank năm 2012, Tập đoàn TTC bán đi một lĩnh vực kinh doanh được xem là cốt lõi.
Rời Sacombank, gia đình ông Thành còn lại mảng mía đường và bất động sản. Cụ thể, TTC Group sở hữu một số công ty mía đường lớn như Thành Thành Công Tây Ninh (tên cũ là Bourbon Tây Ninh), đường Ninh Hòa, Thương mại Thành Thành Công (kinh doanh đường) và 11% vốn tại CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín - Sacomreal (sau này đổi tên là TTC Land).
Sau đó, ông Thành cùng vợ - bà Huỳnh Bích Ngọc và các con - Đặng Huỳnh Ức My, Đặng Hồng Anh đã mở rộng thêm các lĩnh vực khác, như năng lượng, du lịch và giáo dục. Bà Ức My được biết đến là "công chúa mía đường" còn ông Hồng Anh là Chủ tịch sáng lập TTC Land.
Mảng du lịch, năm 2014, TTC mua lại CTCP Golf Việt Nam và đổi tên thành CTCP Du lịch Thành Thành Công (HoSE: VNG).
Mảng năng lượng, ngoài thủy điện, nhiệt điện, TTC đầu tư mạnh mẽ vào điện mặt trời, đánh dấu mốc từ năm 2017 với công bố giải ngân 1 tỷ USD. Đến nay, TTC đa dạng các loại hình, trong đó điện mặt trời chiếm tới 57% danh mục dự án, còn lại là điện gió (18%), thủy điện (15%), nhiệt điện (10%). CTCP Điện Gia Lai (UPCoM: GEG) là đơn vị chủ lực trong mảng năng lượng của TTC, sở hữu 14 nhà máy thủy điện, 2 nhà máy điện mặt trời và điện gió.
Theo số liệu cập nhật mới nhất từ TTC, năm 2017, vốn điều lệ tập đoàn đạt 14.378 tỷ đồng, tổng tài sản 49.305 tỷ đồng với lợi nhuận trước thuế 1.489 tỷ đồng. Năm 2019, TTC đặt kế hoạch vốn điều lệ 18.104 tỷ đồng với tổng tài sản 56.537 tỷ đồng. Dự kiến lợi nhuận trước thuế đạt 1.440 tỷ đồng.
4 trụ cột kinh doanh
Theo mô hình tổng công ty ngành, TTC Group có công ty đầu ngành mía đường là CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar - HoSE: SBT). Hiện nay, SBT có 78.000 ha vùng nguyên liệu ở cả ba nước Đông Dương với thị phần tại Việt Nam khoảng 40%, riêng đường công nghiệp là 50%.
Trong các năm qua, TTC Sugar chủ yếu thực hiện quá trình xoá sở hữu chéo, cũng như mua thêm công ty đường khác. TTC Sugar chi 1.300 tỷ đồng mua HAGL Sugar, sáp nhập đường Ninh Hoà, đường Biên Hòa. Nhờ M&A, niên độ 2017 – 2018, TTC Sugar ghi nhận doanh thu gấp đôi lên 10.325 tỷ đồng và LNST tăng 61% lên 545 tỷ đồng. Mới đây, SBT tiếp quản thêm một nhà máy đường ở Campuchia.
Chủ tịch HĐQT Phạm Hồng Dương cho biết bên cạnh các sản phẩm mía ra đường, SBT cũng sẽ khai thác giá trị nhà máy ở các sản phẩm cạnh đường, sau đường như điện sinh khối, làm cồn, mật rỉ. SBT sẽ có phân hữu cơ organic từ hơn 1 triệu tấn bã mía, 120.000 tấn bã bùn, 70.000 tấn tro lò, 30.000 tấn phân chăn nuôi. SBT mục tiêu trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực phân bón organic.
Ở mảng bất động sản, CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín - TTC Land (HoSE: SCR) sở hữu quỹ đất gần 1.900 ha, trong đó BĐS khu công nghiệp 967 ha, tỷ trọng 51%. Tiếp đến là bất động sản dân dụng chiếm 29%, bất động sản nghỉ dưỡng chiếm 21%.
Giai đoạn 2012 - 2018, TTC Land có một năm 2015 ghi nhận tỷ suất lợi nhuận đột biến 125%. Đây là năm mà công ty thanh lý khoản đầu tư, ghi nhận 200 tỷ đồng. Nếu không tính đột biến, duy nhất 2016 công ty có tỷ suất lợi nhuận được cải thiện ở mức 23%, các năm khác đều dưới 15%. Đến 2018, tỷ suất này còn 7%.
Đối với ngành du lịch, TTC sở hữu hơn 9 khách sạn 4 sao và 3 sao, 3 resort, 2 trung tâm hội nghị, 1.200 phòng ở, 2 khu vui chơi, 6 nhà hàng. Trong đó, công ty đầu ngành VNG cung cấp dịch vụ lữ hành và sở hữu 3 khách sạn mang thương hiệu TTC Hotel tại Cần Thơ, Đà Lạt, Hội An và 1 khách sạn tại Angkor. VNG cũng là đơn vị sở hữu hai điểm du lịch có thương hiệu tại Đà Lạt là Thung Lũng Tình Yêu và Đồi Mộng Mơ.
Giai đoạn 2014 - 2017, công ty luôn đạt tỷ suất lợi nhuận/vốn khoảng 2 - 4%. Tuy nhiên 2018, tỷ suất này đã gấp đôi, lên 8%.
Đối với GEG, công ty đầu ngành năng lượng, trong 4 năm trở lại đây, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu thuần đều giữ trên 30%, cá biệt năm 2017 lên mức 39%.
GEG sở hữu hai nhà máy điện mặt trời đầu tiên và duy nhất của Việt Nam đóng điện trong năm 2018 là Phong Điền (Huế) và Krông Pa (Gia Lai), công suất 117 MWp. Trong năm nay, GEG đưa vào vận hành thêm 2 nhà máy điện mặt trời tại Long An và Bình Thuận với tổng công suất 98 MWp. Tổng công suất cho toàn bộ danh mục của GEG vào khoảng 400 MWp điện mặt trời và 84 MW thủy điện.
Hiệu quả kinh doanh và nợ vay
Trừ VNG, 3 doanh nghiệp ở 3 mảng còn lại đều có hệ số lợi nhuận/doanh thu giảm trong 2 năm gần nhất. VNG có tự tăng trưởng tốt trong 3 năm qua khi mỗi năm, lợi nhuận/doanh thu đều gấp đôi. Hệ số này giảm 42% tại SCR, 38% tại SBT và 15% tại GEG.
Ngược lại, cả 4 công ty đầu ngành của TTC có tổng nợ vay đến 2018 là 14.824 tỷ đồng, gấp 2,1 lần năm trước.
SBT đang là doanh nghiệp nợ lớn nhất ở TTC, chiếm tới 69% tỷ trọng.
Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của SBT niên độ 2014 - 2015 là 0,6 lần, còn trong 3 niên độ gần đây là trên 1,4 lần, thậm chí niên độ 2017 - 2018 là 1,7 lần.
Chỉ số này tại công ty ngành năng lượng GEG năm 2018 gấp hơn 3 lần năm trước. Ngược lại, SCR, VNG có hệ số nợ khá ổn định.
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/de-che-moi-cua-gia-dinh-ong-dang-van-thanh-a98922.html