Đây được đánh giá là hành động truyền thông khá khôn khéo của Tiki sau sự việc First News phát hiện sách giả bán trên sàn Tiki. Trong khi các sàn như Shoppe, Lazada, Sendo chưa có động thái nào khi bị tố tiếp tay tiêu thụ sách giả thì Tiki ra thông báo cam kết bồi thường 111% giá trị sản phẩm cho khách hàng và mới đây, sàn TMĐT này chính thức kí kết chiến lược với đơn vị lâu đời hàng đầu trong ngành sách Việt Nam là Fahasa, nhằm bảo vệ tác quyền và khẳng định uy tín trước vấn nạn không tuân thủ tác quyền.
Tại cuộc họp báo “công bố bằng chứng tiếp tay tiêu thụ sách giả, sách lậu vi phạm pháp luật trên Shopee, Lazada, Sendo" tại Tp.HCM mới đây, đại diện Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt - First News cũng là đơn vị phát hiện sách giả bán trên sàn TMĐT Tiki trong tháng 5/2019, cho biết: Đã phát hiện các sàn TMĐT bán sách giả từ khá lâu, đã gửi cảnh báo nhiều lần đến tất cả các sàn nhưng dường như không được quan tâm. Các sàn này phản hồi rằng chỉ cho thuê cửa hàng và không chịu trách nhiệm ai bán sách giả hay bất cứ hàng hóa giả khác.
Trả lời phỏng vấn ngày 1/7/2019, Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc First News, cho biết hiện chỉ duy nhất sàn TMĐT Tiki có thông báo chính thức đến First News, yêu cầu các gian hàng bán sản phẩm tương tự phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ trong vòng 48h và nếu không chứng minh được sẽ tắt gian hàng, đồng thời cam kết bồi thường 111% giá trị sản phẩm cho khách. Theo ông Phước, còn các sàn TMĐT Shopee, Lazada, Sendo hiện chưa có phản hồi gì sau cáo buộc của ông.
Vị giám đốc này cũng khẳng định: First News đã chọn ba công ty bán sách online có số lần vi phạm phân phối sách giả tiếp tay in lậu nhiều nhất là Lazada, Sendo và Shopee để công bố đích danh.
Sau cáo buộc của First News, một số sàn TMĐT có ý “ngó lơ”, bất chấp trách nhiệm khiến đại diện First News khá bất ngờ. Trả lời phỏng vấn, ông Phước cho rằng, mê hồn trận sách giả trên các sàn TMĐT lừa đảo bạn đọc tiếp tay trực tiếp cho các đường dây sản xuất, tiêu thụ sách giả hoành hành, bất chấp luật pháp ở Việt Nam, thu lợi bất chính trên mồ hôi tâm sức của bao người đang giết chết các tác giả, các nhà xuất bản và đơn vị xuất bản chân chính ở Việt Nam.
Tại buổi kí kết hợp tác chiến lược với Fahasa.com, khi được hỏi sự kiện kí kết này nhằm có phải củng cố uy tín cho sự việc phát hiện sách giả bán trên sàn Tiki mới đây hay không, bà Vũ Thị Nhật Linh, Giám đốc Sàn giao dịch Tiki cho biết, thực chất kế hoạch hợp tác giữa Tiki và Fahasa. Com đã được bàn cách đây 1,5 năm và đến thời điểm này mới đi đến thống nhất. Còn sau vụ việc phát hiện sách giả trên sàn, Tiki cũng đã có những biện pháp kiểm soát tốt các gian hàng thông qua hợp đồng mua bán đầu vào, hóa đơn, phiếu xuất kho và các chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp…
Tại sự kiện kí hợp tác với Fahasa, đại diện Tiki cho biết, vừa là bảo vệ tác quyền, vừa khẳng định uy tín của sàn trước vấn nạn không tuân thủ tác quyền. Ảnh: P.N
Chia sẻ về việc hợp tác, ông Trần Ngọc Thái Sơn, Nhà Sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tiki cho tằng: “Tôi từng chứng kiến nhiều đầu sách đã được nhà xuất bản mua tác quyền nhưng chưa có cơ hội lên kệ vì không có được kênh phân phối đảm bảo, đủ dữ liệu tin rằng đó sẽ là sản phẩm thành công. Việc hợp tác này của hai bên mở ra cơ hội thúc đẩy gia tăng các sản phẩm trí tuệ, góp phần làm giàu văn hóa đọc nước nhà”.
Tuy nhiên, việc sách đã được mua tác quyền có được lên kệ hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác. Có thể kể đến là kế hoạch kinh doanh của đơn vị phát hành, năng lực sản xuất, hay thậm chí đối với các tác phẩm nước ngoài, khi quy trình dịch thuật chưa hoàn tất thì tác phẩm cũng không có cách nào đến tay độc giả. Việc người nắm tác quyền vẫn hồ nghi về độ “ăn khách” của một tác phẩm đã khiến nhiều tác phẩm chỉ vẫn nằm trên bản thảo.
Theo đại diện Tiki, trong thời đại 4.0 sẽ giúp sách sẽ đến nhiều bạn đọc hơn. Do đó, ngoài việc là đơn vị phân phối sách, việc hợp tác với Fahasa.com là một ví dụ điển hình, Tiki sẽ còn thúc đẩy ngành sách đi xa hơn bằng cách phối hợp với đơn vị sở hữu tác quyền, sử dụng các cơ sở dữ liệu chuẩn xác và chủ động đề xuất cho lên kệ những đầu sách có giá trị cho bạn đọc Việt Nam trong thời gian tới.
Theo tổng kết của Cục Xuất bản, toàn ngành sách năm 2018 đã có gần 32.000 cuốn sách mới, với hơn 390 triệu bản, tăng 20,6% so với năm 2017. Đây là tín hiệu đáng mừng không chỉ cho văn hóa đọc mà còn cho thị trường sách nước nhà. Tuy nhiên bên cạnh đó, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các tác giả vẫn là mối quan tâm hàng đầu không chỉ của các tác giả mà còn của người yêu sách và ngành sách Việt Nam nói chung.
Trí thức trẻ