Đức là nền kinh tế số 1 Châu Âu, nhưng ít ai có thể ngờ tới người dân nơi đây lại có đức tính tiết kiệm và quy củ nhất Châu Âu. Nghe có vẻ kỳ quặc nhưng gã nhà giàu Châu Âu này lại ưa thích tiền mặt và vàng hơn là bất động sản. Vậy đâu là nguyên nhân khiến người Đức thích tiết kiệm tiền mặt và vàng thay vì đầu tư cho bất động sản?
Khát tiền mặt và vàng hơn là mua nhà
Các hộ gia đình ở Đức tiết kiệm khoảng 10% thu nhập khả dụng của họ, cao gấp đôi so với mức bình quân trên toàn Liên minh Châu Âu (EU) hay Mỹ. Thậm chí tại Anh, tỷ lệ tiết kiệm còn xuống mức âm vào năm 2016.
Không những vậy, tỷ lệ tiết kiệm của người Đức còn duy trì ổn định ở mức cao qua thời gian bất chấp những tác động của khủng hoảng kinh tế hay lãi suất thay đổi.
Trái ngược lại, tỷ lệ sở hữu bất động sản của người Đức lại xuống thấp hơn so với mức bình quân toàn cầu. Tất cả cũng chỉ vì người dân nơi đây nhìn nhận nền kinh tế qua lắng kính tiết kiệm. Khi Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) hạ lãi suất âm, người tiêu dùng Đức coi đó là một động thái "ăn cướp" hơn là nghĩ về việc rút tiền đầu tư thúc đẩy kinh tế.
Chuyên gia lịch sử kinh tế học Harold James tại trường đại học Princeton-Mỹ nhận định người tiêu dùng Đức đáng lo hơn so với Mỹ bởi họ cảm thấy cần phải chuẩn bị cho mọi tình huống xấu nhất xảy ra, đưa đến việc tiết kiệm quá nhiều và làm tổn thương thị trường tiêu dùng, đầu tư.
Số liệu của Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) cho thấy bình quân mỗi người Đức có khoảng 103 Euro tiền mặt trong ví, cao gấp 3 lần so với người Pháp. Đặc biệt, tiền mặt vẫn là công cụ thanh toán chủ yếu trong mua bán, cao hơn rất nhiều so với mức 45% của Hà Lan. Thậm chí tỷ lệ này tại Hà Lan cũng đang giảm mạnh trước sự đổ bộ của công nghệ thanh toán điện tử.
Bên cạnh tiền mặt, người Đức cũng đam mê vàng. Mặc dù Trung Quốc và Ấn Độ vẫn là 2 thị trường vàng hàng đầu thế giới nhưng xét đến lượng vàng mua bình quân đầu người, Đức mới là số 1. Riêng trong năm 2016, hơn 6 tỷ Euro đã được người Đức rót vào thị trường vàng và những khảo sát cho thấy tiềm năng tăng trưởng của thị trường này còn rất lớn.
Trái ngược lại, người Đức lại không quan tâm mấy đến việc sở hữu nhà ở. Theo trang Quartz, thực tế là nhiều người Đức không muốn mua nhà. Tỷ lệ sở hữu nhà của Đức thuộc hàng thấp nhất trong thế giới phát triển, và gần như "đội sổ" ở châu Âu dù Thụy Sĩ có tỷ lệ sở hữu nhà ở thấp hơn.
Ở Tây Ban Nha, khoảng 80% người dân sống trong chính căn nhà họ sở hữu. Dù vậy, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này là gần 27% vì đợt bơm căng bong bóng bất động sản lớn. Ngược lại, tỷ lệ sở hữu nhà của Đức là 43% trong khi tỷ lệ thất nghiệp của nước này là 5,2%, theo dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế Thế giới (OECD) đưa ra năm 2013.
Người Đức cầm nhiều tiền mặt trong túi nhất Châu Âu (Euro)
Khi tiết kiệm là phụng sự quốc gia
Bạn có biết ngân hàng nhận gửi tiết kiệm đầu tiên trên thế giới được thành lập tại Hamburg-ĐỨc vào năm 1778. Mục đích ban đầu của ngân hàng này là nhận các khoản tiết kiệm nhỏ của người dân nghèo để một ngày nào đó họ có thể trang trải học phí cho con cái hoặc dưỡng lão.
Tuy nhiên, ý tưởng này nhanh chóng bị thay thế bởi tư tưởng dân tộc cực đoan. Từ nửa cuối thế kỷ 19, việc tiết kiệm không chỉ mang ý nghĩa chống đói nghèo mà còn là biểu hiện cho sự phục vụ quốc gia. Năm 1850, đế quốc Phổ (tên gọi cũ của Đức) chỉ có 278.000 tài khoản tiết kiệm thì con số này đã tăng lên 2,21 triệu vào năm 1875. Sau đó 25 năm, số tài khoản tiết kiệm tại Đức đã đạt 8,67 triệu. Thậm chí ít nhất ¼ dân số Đức khi đó được cho là đã mở tài khoản ngân hàng từ cuối thế kỷ 19.
Thế rồi trái phiếu chiến tranh ra đời trở thành mặt hàng mới cho người dân Đức thể hiện lòng yêu nước của mình. Dẫu vậy việc thất bại trong Thế chiến I cùng những hệ lụy của cuộc khủng hoảng kinh tế sau đó khiến người dân Đức lâm vào khốn khổ, buộc họ phải sống thắt lưng buộc bụng hơn.
Nhu cầu vàng bình quân đầu người của Đức cao nhất thế giới (gr/người)
Đến khi Đức quốc xã nắm quyền, ông trùm phát xít Adolf Hitler càng cổ xúy phong trào tiết kiệm cũng như mua công trái ủng hộ đất nước, thể hiện lòng tự tôn dân tộc. Cho đến cuối Thế chiến II, lượng tiền mặt mà người dân Đức tiết kiệm tính đến tháng 9/1944 lên tới 97 tỷ Mark cũ, nhiều hơn 68 try Mark có với thời kỳ đầu chiến tranh và nhiều gấp 7 lần so với khi Hitler mới lên cầm quyền.
Tiếp theo Thế chiến II, Đức lại rơi vào cuộc khủng hoảng lần nữa kèm với việc đổi tiền, khiến người dân nơi đây càng gia tăng tinh thần tiết kiệm hơn bao giờ hết. Trong khoảng 1950-1960, tổng giá trị số tiền tiết kiệm trong dân chúng đã tăng gấp 10 lần.
Cho đến tận ngày nay, các tài khoản tiết kiệm của ngân hàng Đức vẫn chiếm tới 37% tổng số tiền tiết kiệm trên toàn EU.
Tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt trong giao dịch của Đức cao hơn nhiều nước Phương Tây
Đối với người dân Đức, những cuộc chiến tranh và đổi tiền chỉ là một nguyên nhân khiến họ yêu tiền mặt và thích tiết kiệm. Chính tư tưởng tiết kiệm là phụng sự quốc gia đã được tiêm nhiễm từ lâu đã đóng góp chính cho quan điểm có phần lạc loài ở Châu Âu này.
Trẻ em Đức từ khi đến trường đã được giáo dục về tiết kiệm cũng như đóng góp các khoản tiền nhỏ cho các quỹ tiết kiệm. Phong trào này đã nảy sinh từ cuối thế kỷ 19 và đến năm 1938, khoảng 1/3 số học sinh tại Đức đã tiết kiệm tiền qua những quỹ như vậy.
Theo Thời Đại
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/tai-sao-nguoi-duc-thich-giu-tien-mat-hon-la-dung-de-mua-nha-o-a9960.html