Tôi ước mình có đủ can đảm để sống một cuộc đời là chính mình, chứ không phải cuộc đời mà người khác mong đợi ở tôi.
Ở bất cứ đâu, bạn cũng có thể bắt gặp những câu chuyện về một nhân viên văn phòng nào đó, từ bỏ công việc nhàm chán, thậm chí cả sự nghiệp của họ để sống ngược lại – rũ bỏ tất cả trách nhiệm, rời thành phố để đi trốn tại một vùng quê hẻo lánh, cắt đứt liên lạc, không báo chí, không Facebook, mà chỉ ngồi xúc kem bên bờ biển…
Có rất rất nhiều bạn trẻ ra trường, đi làm rồi vỡ mộng. "Họ không cảm thấy mình có cơ hội phát triển hết năng lực, thiếu mục đích sống, hoặc [không cam tâm khi] thấy mình cuối cùng chỉ là một bánh răng trong cỗ máy lớn", Skye Robertson, người đứng đầu Escape School, một tổ chức ở London cung cấp các khóa học giúp mọi người phát triển nghề nghiệp cho biết.
Bên cạnh đó là những người bị mắc kẹt giữa sự nghiệp. Một mặt, họ có thể không hài lòng với công việc của mình, nhưng mặt khác họ lại đang đạt được những điều đáng mong đợi – thăng tiến trong nghề nghiệp, kinh doanh, ngành luật, hoặc các lĩnh vực học thuật khác.
Nhưng những người này không biết phải làm gì tiếp theo, nếu từ bỏ để đi theo một hướng khác, họ sẽ mất rất nhiều thứ.
Lúc này, những lời khuyên thiện chí, đại loại như "hãy theo đuổi hạnh phúc của bạn", "hãy sống một cuộc đời đáng sống nhất cho chính mình", chẳng có gì thuyết phục so với những hoài nghi thực tế và chính đáng, với việc phải trả tiền thuê nhà, phải hỗ trợ gia đình, chăm sóc sức khỏe và tiết kiệm để nghỉ hưu.
Nếu muốn có được những lời khuyên đúng đắn và thực tế hơn, bạn phải hỏi những người đã thực sự nghỉ việc để thay đổi hoàn toàn cuộc sống của họ – từ bỏ sự nghiệp thành công trong lĩnh vực tài chính và thời trang, trở thành một người pha trà đạo, chủ một xe tải bán thực phẩm hoặc biến một chiếc xe buýt thành nhà của mình.
Họ sẽ khuyên bạn những gì, để tìm kiếm cho mình một nghề nghiệp và một cuộc sống, trong đó bạn được là chính bản thân mình:
Đêm nào cũng vậy, Tiffany Dyba không hiểu tại sao mình lại khóc trên đường tan sở về nhà. Cô hiện đang là sếp của một nhóm tuyển dụng tại Burberry, gần đây còn được thăng chức sau nhiều năm cống hiến chăm chỉ trong ngành công nghiệp thời trang đầy tính cạnh tranh ở New York.
Nhưng vẫn có một điều gì đó không đúng. Cô tìm đến một huấn luyện viên nghề nghiệp để được giúp đỡ. Và phải đến khi đó, Dyba mới bắt đầu nhận ra thời trang không còn là lĩnh vực dành cho cô nữa.
Làm việc với huấn luyện viên, cô nhận ra mình cũng muốn giúp đỡ những người phụ nữ trung niên khác, những người cũng phải trải qua một cảm giác giống như cô. Tháng 9 năm ngoái, Dyba quyết định rời Burberry và bắt đầu công việc huấn luyện viên nghề nghiệp toàn thời gian.
Tháng 3 năm nay, Dyba nhận chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú. Nhưng điều đó càng khiến cô biết ơn hơn về sự thay đổi gần đây của mình.
"Không đời nào tôi có thể chiến đấu [với căn bệnh] nếu tôi vẫn còn đang làm việc cho một công ty, nơi mà tôi cảm thấy mình luôn phải đặt cảm xúc, sự ưu tiên hoặc dự án của người khác lên trên hết", cô nói. "Bắt đầu công việc của riêng mình đã giúp tôi nhận ra mình mới là ưu tiên số một".
Trong các xã hội đề cao tính cá nhân kiểu Mỹ, những câu chuyện về sự thay đổi có xu hướng tập trung vào sự thành công của một người, và người này thường gây ảnh hưởng lên những người khác xung quanh họ.
Nhưng vào thời điểm mà tâm lý học muốn đi tìm nguồn động lực bên trong mỗi con người, Kurt Lewin, được coi là "cha đẻ của tâm lý xã hội", đã đưa ra một lý thuyết vào những năm 1940, nói rằng hành vi cá nhân là không thể giải thích nếu không đặt nó vào bối cảnh xã hội xung quanh.
Theo quan điểm này, bỏ việc để thay đổi sẽ rất khó khăn, nhà tâm lý học xã hội John Jost đến từ Đại học New York viết:
"Chúng ta luôn đánh giá cao các nhóm mà chúng ta thuộc về, và do đó, thay đổi thái độ hoặc hành vi của chúng ta tương đương với việc phải rời khỏi vòng tay thoải mái của một thực tế xã hội mà chúng ta là một phần trong đó - một thực tế xã hội nhiều khả năng được chia sẻ bởi bạn bè và các thành viên trong gia đình".
Đây là lý do tại sao việc tìm kiếm một nhóm có cùng suy nghĩ với bạn rất quan trọng. Chúng ta cần sự đồng ý và ủng hộ của người khác để thay đổi. Trong thực tế, ngay cả ý thức của chúng ta cũng là một tiến trình xã hội, theo nhà tâm lý Curtis D. Hardin và E. Tory Higgins, những người đã nhận thấy rằng kinh nghiệm của chúng ta đi từ "chủ quan mang tính thất thường" tới "thực tại khách quan" một khi nó được chia sẻ và thừa nhận bởi những người khác.
Rachael Arthur trước đây là giáo viên một trường công lập tại Texas. Nhưng cô đã từ bỏ sự nghiệp 10 năm dạy học của mình để chuyển đến New York, trở thành một diễn giả. Sau đó, Arthur thành lập trang web The Free Fall Project cho phép mọi người chia sẻ những câu chuyện của bản thân mình, khi họ từ bỏ một nghề nghiệp không khiến họ hài lòng để theo đuổi ước mơ.
"Tôi cảm thấy hình như bạn đang đi ngược lại với hiện tại xã hội của mình", cô nói. "Rất nhiều người sẽ có ý tốt, điều đầu tiên họ hỏi bạn là, "Cậu sẽ nuôi bản thân như thế nào? Cậu có sống nổi không? Cậu sẽ kiếm được bao nhiêu tiền?". Những câu hỏi này có thể đem sự nghi ngờ đặt vào tâm trí của bạn, trừ khi bạn ở trong một nhóm người sẽ động viên bạn kiểu "Tuyệt vời, cậu sẽ bắt đầu khi nào?".
Nhiều người tin rằng họ cần có một đam mê nào đó trước khi bỏ việc. Nhưng trên thực tế, đó là suy nghĩ cầm đèn chạy trước ô tô. Hóa ra, đại đa số– cỡ khoảng 80% mọi người đều không một đam mê đặc biệt nào, giáo sư William Burnett và David John Evans đến từ Stanford cho biết.
Họ đã tổ chức các lớp học và viết một cuốn sách với tựa đề "Thiết kế cuộc sống của bạn: Làm thế nào để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp, vui tươi". Trong đó, giáo sư Burnett và Evans đề nghị mọi người chủ động tìm hiểu về các lựa chọn nghề nghiệp khác nhau, bằng cách nói chuyện và hỏi những người đi trước, hoặc tình nguyện làm không lương trong lĩnh vực và bạn muốn nhắm đến.
"Phần lớn chúng ta đều quan tâm đến rất nhiều thứ. Vì vậy, những lời khuyên thông thường đại loại như "hãy đi theo tiếng gọi của đam mê" hay "hãy kiếm tìm niềm đam mê", những thứ xuất hiện trong đầu chúng ta khi chúng ta đang tắm không thực sự hiệu quả với hầu hết mọi người. Chúng chỉ cản trở tiềm năng của mọi người sống với chính bản thân họ", Skye Robertson nói.
Tại Escape School, sinh viên có thể tham gia các lớp học trực tuyến hoặc trực tiếp, trong đó họ được làm các bài trắc nghiệm nghề nghiệp và cuộc sống và tìm ra phương pháp thử nghiệm với những con đường nghề nghiệp khác nhau. "Chúng ta phải rèn luyện và trải nghiệm rất nhiều thứ thì mới có thể tìm kiếm niềm đam mê của mình", Robertson nói thêm.
Cho dù bạn phải cắt giảm chi tiêu hoặc chấp nhận làm tiếp công việc nhàm chán thêm một thời gian ngắn nữa để tiết kiệm tiền, chắc chắn một điều rằng an toàn về mặt tài chính sẽ giúp giảm bớt căng thẳng khi bạn muốn thay đổi.
"Không có gì đáng xấu hổ về một ngày làm việc, cho dù là làm bồi bàn hay bác sĩ nếu nó giúp bạn tạo ra sự hỗ trợ tài chính để theo đuổi bất cứ điều gì bạn thực sự muốn làm. Đừng để bản thân bạn phải lo lắng về các hóa đơn khi mới bắt đầu phát triển một kỹ năng mới cho công việc mới", Mel Hattie, một người từng bỏ ngành luật để trở thành một nhà văn du lịch và người pha chế trà đạo cho biết.
Nếu công việc yêu cầu bạn phải làm ban đêm hoặc cuối tuần hay nó rút bớt thời gian hoặc năng lượng không cho phép bạn thử các hoạt động khác, bạn nên tìm một vị trí làm việc nhàn nhã hơn trong cùng lĩnh vực, cắt giảm giờ làm việc hoặc trở thành một nhà tư vấn hoặc làm việc độc lập.
Nhiều người sợ bỏ việc, sợ rằng họ sẽ thất bại với những gì mình định làm. Nhưng họ không biết rằng việc cứ làm mãi một công việc khiến họ không hạnh phúc cũng đáng sợ không kém.
Đầu tiên, nó đem lại những rủi ro về sức khỏe cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Theo một nghiên cứu năm 2016 từ các nhà xã hội học tại Đại học bang Ohio, những người kém hài lòng với công việc giữa độ tuổi 20 và 30 sẽ có nguy cơ trầm cảm, gặp vấn đề về giấc ngủ và lo lắng quá mức ở độ tuổi 40.
Ngoài ra, bạn còn có nguy cơ sẽ hối tiếc. Một trong năm sự hối hận hàng đầu của những người đang hấp hối, theo một y tá chăm sóc giảm nhẹ người Úc cho biết là: "Tôi ước mình đã có đủ can đảm để sống một cuộc đời là chính mình, chứ không phải cuộc đời mà người khác mong đợi ở tôi".
Lauren Chu là một phụ nữ người sống ở Toronto. Cô đang làm cho một công ty du lịch leo núi có tên là Live Out Loud Adventures, đảm nhiệm cả vị trí truyền thông, nghiên cứu và tổ chức các chuyến đi, tự mình dẫn tour đồng thời quản lý một website của riêng mình, Ridgeline Report, khuyến khích mọi người ra ngoài.
Đó là một thế giới hoàn toàn khác với công việc mà cô đã từ bỏ trước đây, giám sát sản xuất tại PepsiCo, nơi cô thường xuyên phải làm ca đêm.
"Chuyển từ một công ty trong top Fortune 500 sang một công việc độc lập và tự định hướng có chút choáng ngợp, đáng sợ, điên rồ, nhìn chung là không thể tưởng tượng được", cô nói. Nhưng điều đó đã giúp Chu có được định nghĩa cụ thể về sự thành công:
"Kể cả khi tôi phải quay trở lại một công việc có lương ổn định sau vài năm nữa – nhưng phải nói rõ ràng là tôi đang không lên kế hoạch hay dự định sẽ làm điều đó vào lúc này- tôi cũng sẽ làm những gì tôi có thể và đầu tư vào bản thân mình để theo đuổi niềm đam mê của mình, thành công về mặt tài chính nhưng cũng phải có cả cảm xúc trong công việc mới được".
Ý Nhi/Theo FastCompany
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/5-dieu-ban-can-nghi-ky-truoc-khi-muon-tu-bo-cong-viec-a99715.html