Đừng than vãn thu nhập bất công nữa, sự chênh lệch giàu nghèo đang là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế

Với sự phân hóa giàu nghèo, con người mới có động lực làm việc để vươn lên, lan truyền cảm hứng và tăng thu nhập cho mọi người xung quanh. Nếu không có 1% số người giàu trên thế giới, liệu mọi người còn cần cố gắng làm việc để làm gì?


Với sự phân hóa giàu nghèo, con người mới có động lực làm việc để vươn lên, lan truyền cảm hứng và tăng thu nhập cho mọi người xung quanh. Nếu không có 1% số người giàu trên thế giới, liệu mọi người còn cần cố gắng làm việc để làm gì?

Vấn đề bất bình đẳng thu nhập đang trở thành vấn đề nóng trong vài năm trở lại đây tại Mỹ cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, thu hút sự tranh luận đông đảo của các chuyên gia cũng như tổ chức quốc tế.

Số liệu năm 2013 cho thấy khoảng 1% dân số người Mỹ kiểm soát 40% tài sản và 25% thu nhập của cả nước. Đến năm 2015, top 1% nhà giàu Mỹ đã kiếm nhiều gấp 40 lần so với 90% dân số.

Thậm chí những tổ chức như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Tổ chức Hợp Tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đều có cái nhìn bi quan về bất bình đẳng thu nhập cũng như phân chia giàu nghèo trong xã hội.

Tuy nhiên, hiện ngày càng nhiều những ý kiến cho rằng bất bình đẳng thu nhập không liên quan mấy đến tăng trưởng kinh tế, hoặc thậm chí đóng vai trò tích cực cho sự phát triển đất nước.

Chính OECD cũng đã phải thừa nhận lại một thực tế mới mà họ đã từng sai lầm, rằng chính sự tăng trưởng bất bình đẳng xã hội là một trong các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Bất bình đẳng- nguồn cảm hứng cho sự sáng tạo

Bất bình đẳng thu nhập không phải hoàn toàn tiêu cực như nhiều người vẫn nghĩ. Trên thực tế, chính bất bình đẳng thu nhập là động lực thúc đẩy sáng tạo cũng như tạo nên nhiều cơ hội làm giàu cho người dân.

Trong quá trình thương mại hóa những phát minh mới, sự bất bình đẳng thu nhập là điều hiển nhiên nhưng chính điều này sẽ thu hút thêm các nhà sáng chế, doanh nhân tìm kiếm hướng đi mới để vươn lên làm giàu.

Hãy nhìn Steve Jobs hay Thomas Edison, những người sáng tạo ra các phát minh mới và tự đưa bản thân lên tầng lớp người giàu. Liệu bao nhiêu người trong số chúng ta muốn được như họ?

Hiển nhiên, những tấm gương như vậy thúc đẩy mọi người sáng tạo hơn nữa và lẽ dĩ nhiên là bất bình đẳng xã hội cũng đi theo.

Nếu không có những tỷ phú như Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhà sáng lập Alibaba Jack Ma, tỷ phú Bill Gates, huyền thoại đầu tư Warren Buffett hay cố CEO Steve Jobs... liệu chúng ta có đủ cảm hứng để làm giàu?

Vô hình chung, những doanh nhân lớn, nhà sáng tạo vĩ đại như Jobs hay Edison đã tạo ra hàng triệu việc làm cũng như khiến hàng triệu người thoát khỏi tầng lớp nghèo hay trung lưu. Ngay cả những người bình thường nhất cũng phải thừa nhận việc ông Jobs hay Edison có thu nhập cao hơn so với người khác là điều hiển nhiên khi họ khiến nhiều người giàu lên theo.

Sự bất công trong xã hội chả liên quan gì đến bất bình đẳng thu nhập

Một số chuyên gia ủng hộ việc xóa bỏ bất bình đẳng thu nhập có quan điểm rằng những người giàu có là do được hưởng lợi từ sự thiếu minh bạch trong quản lý hay những lỗ hổng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, những tỷ phú làm giàu nhờ bán tháo tài sản hay tận dụng lỗ hổng trong luật pháp để làm giàu bất chính không thể đại diện cho vấn đề bất bình đẳng thu nhập. Chúng dính dáng đến đạo đức kinh doanh hơn là thực tế phân chia thu nhập trong xã hội.

Việc những người ủng hộ chống độc quyền và phân chia lại tài sản, chia của người giàu cho người nghèo không hề dựa trên tính logic của kinh tế học mà chỉ thuần túy lợi dụng cảm xúc của người dân trong xã hội. Trên thực tế, nguồn vốn và tài sản sẽ chảy về nơi tạo ra hiệu suất cao nhất và những người tận dụng được lỗ hồng trong quản lý của chính phủ để làm giàu không phải do lỗi của yếu tố bất bình đẳng thu nhập mà là do cơ chế chính sách của quốc gia đó.

Thêm nữa, chính phủ sẽ là người phân phối lại sự chênh lệch thu nhập trong xã hội thông qua các khoản thuế và hỗ trợ nên việc những người nghèo không nhận được những gì họ muốn là do cơ chế quản lý nhà nước chứ không dính dáng gì đến việc những người giàu, những người làm việc hiệu quả có thu nhập nhiều hơn.

Bên cạnh đó, giáo sư kinh tế đoạt giải Nobel, ông Joseph Stiglitz vào năm 2011 đã cho rằng bất bình đẳng thu nhập là nguyên nhân khiến kinh phí cho giáo dục, y tế cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng giảm sút do nguồn vốn chảy nhiều vào túi người giàu.

Mặc dù vậy, thực tế cho thấy chính những tỷ phú giàu nhất nước Mỹ như J.P Morgan, Andrew Carnegie, John D.Rockefeller... lại là những người chi nhiều tiền đầu tư nhất cho các trường học, bệnh viện tại Mỹ. Hiện con số 1% những người giàu nhất vẫn đang tiếp tục đổ tiền vào các quỹ đầu tư cho giáo dục, y tế.

Thêm vào đó, việc chi tiêu cho các dự án cơ sở hạ tầng hay giáo dục không liên quan mấy đến phân hóa giàu nghèo ngày càng mạnh trong xã hội. Đây là vấn đề của chính phủ và ngân sách chứ không phải của những người giàu.

Thậm chí, một minh chứng rất rõ ràng rằng dù phân hóa giàu nghèo tại Mỹ ngày một tăng nhưng lượng học sinh, sinh viên tốt nghiệp tại Mỹ ngày một đông hơn. Báo cáo của tờ Economist năm 2010 cho thấy số lượng phong hàm giáo sư hàng năm tại Mỹ đã đạt mức 64.000 người, tăng gấp đôi so với năm 1970.

Dù bị coi là quốc gia có sự bất bình đẳng thu nhập nhiều nhất trên thế giới nhưng Mỹ lại là nguồn lực đóng góp nhiều tri thức cũng như có hệ thống giáo dục thuộc loại tốt nhất thế giới. Nghiên cứu của Spectator cho thấy có 24/30 trường đại học tốt nhất thế giới nằm tại Mỹ.

Đừng than vãn thu nhập bất công nữa, sự chênh lệch giàu nghèo đang là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - Ảnh 2.

Không có chênh lệch giàu nghèo, phải chăng con người sẽ có ít động lực để tiến lên?

Không phải bất bình đẳng thu nhập, sự nghèo đói mới là vấn đề gây bức xúc dư luận

Hãy tưởng tượng CEO của Yahoo, bà Marissa Ann Mayer với mức thu nhập 36,6 triệu USD trong 6 tháng đầu tiên tại vị ở cạnh 1 hàng xóm có thu nhập chỉ 200.000 USD mỗi năm. Trong trường hợp này, việc bà Mayer có mức thu nhập cao gấp 366 lần so với người hàng xóm không gây nên quá nhiều phẫn nộ và phản đối trong xã hội.

Tuy nhiên, nếu người hàng xóm thu nhập 200.000 USD/năm này ở cạnh 1 người chỉ có thu nhập 546 USD/năm thì mọi chuyện lại khác. Xã hội bắt đầu lên án sự bất bình đẳng, sự bất công, bảo vệ người nghèo và kẻ yếu.

Rõ ràng, bất bình đẳng thu nhập không phải nguyên nhân cho những chỉ trích hiện nay cũng như cho tình trạng tăng trưởng giảm tốc của kinh tế thế giới. Chính sự nghèo đói, bần cùng của một bộ phận tầng lớp trong xã hội mới là nguyên nhân dẫn đến những bất bình, chỉ trích của các chuyên gia.

Trên thực tế, sự bất bình đẳng trong thu nhập trong nhiều trường hợp lại là yếu tố giảm thiểu tình trạng nghèo đói khi thúc đẩy mọi người làm việc, sáng tạo và làm giàu.

Ví dụ như Trung Quốc, nước này có tỷ lệ bất bình đẳng thu nhập khá thấp vào năm 1981 nhưng nền kinh tế cũng khá nghèo nàn. Mọi người không có động lực làm việc khi ai cũng thu nhập như ai.

Đến khi nền kinh tế Trung Quốc mở cửa, nhiều doanh nhân có cơ hội làm giàu khiến bất bình đẳng thu nhập gia tăng. Dẫu vậy, tỷ lệ nghèo đói lại giảm đi bởi chính những doanh nhân tiên phong này tạo nên nhiều việc làm cũng như là động lực để những lớp doanh nhân trẻ noi theo vươn lên làm giàu.

Đừng than vãn thu nhập bất công nữa, sự chênh lệch giàu nghèo đang là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - Ảnh 3.

Bất bình đẳng thu nhập càng tăng thì tỷ lệ nghèo đói ở Trung Quốc càng giảm

Giáo sư Stiglitz cho rằng những quốc gia có tỷ lệ bất bình đẳng thu nhập cao sẽ chậm tăng trưởng hơn so với các nước còn lại. Tuy vậy, số liệu của ngân hàng thế giới (World Bank) cho thấy không có mối liên hệ rõ ràng giữa tăng trưởng GDP và gia tăng bất bình đẳng thu nhập.

Sơ đồ dưới đây cho thấy tỷ lệ bất bình đẳng thu nhập của 114 quốc gia năm 2000 và tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người giai đoạn 2000-2014 của các nước này. Theo đó, một số quốc gia có bất bình đẳng thu nhập cao lại tăng trưởng mạnh hơn những nước có tỷ lệ phân hóa giàu nghèo thấp.

Đừng than vãn thu nhập bất công nữa, sự chênh lệch giàu nghèo đang là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - Ảnh 4.

Rõ ràng, không có một minh chứng cụ thể nào cho thấy bất bình đẳng thu nhập gây hại cho tăng trưởng kinh tế. Trên thực tế, chính yếu tố này mới là động lực cho sự phát triển. Hãy nhìn sự giàu có của Thung lũng Silicon đã làm giàu cho các siêu thị quanh đó cũng như bang California như thế nào.

Với sự phân hóa giàu nghèo, con người mới có động lực làm việc để vươn lên, lan truyền cảm hứng và tăng thu nhập cho mọi người xung quanh. Nếu không có 1% số người giàu trên thế giới, liệu mọi người còn cần cố gắng làm việc để làm gì?


AB

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/dung-than-van-thu-nhap-bat-cong-nua-su-chenh-lech-giau-ngheo-dang-la-dong-luc-thuc-day-phat-trien-kinh-te-a99859.html