Rùng mình những 'chiêu' đòi nợ thuê của giang hồ

14/12/2018 10:27

Các đối tượng khi đi đòi nợ, xiết nợ dùng thủ đoạn khủng bố tinh thần con nợ và gia đình, thân nhân của họ bằng các hành vi như nhắn tin đe dọa, đổ chất bẩn, chất thải (mắm tôm, nước sơn...) khiến nhiều người không dám tố cáo.

Các đối tượng khi đi đòi nợ, xiết nợ dùng thủ đoạn khủng bố tinh thần con nợ và gia đình, thân nhân của họ bằng các hành vi như nhắn tin đe dọa, đổ chất bẩn, chất thải (mắm tôm, nước sơn...) khiến nhiều người không dám tố cáo.

Mang quan tài khủng bố tinh thần

Ngày 13/12, thượng tá Lại Quang Huấn, Phó Trưởng phòng 6 – Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, thực trạng hoạt động hiện nay đã len lỏi khắp các ngóc ngách từ vùng sâu vùng xa đến thị thành.

Các đối tượng dùng hình thức quảng cáo trái phép như quét sơn tại các khu vực công cộng; dán, phát tờ rơi; quảng cáo trên mạng xã hội… với các nội dung dụ dỗ người dân như: “Cho vay không cần thế chấp, nhận tiền ngay trong ngày”, “Alo là có tiền”…

Tờ rơi dán khắp nơi để dụ dỗ của các đối tượng tín dụng đen. Ảnh Văn Minh

Kèm theo đó là số điện thoại liên lạc với thủ tục nhanh gọn nhận tiền ngay, không cần thế chấp tài sản, chỉ cần bản photo một số giấy tờ tùy thân, hộ khẩu, giấy phép lái xe, đăng ký xe máy…

“Thực chất đó là cái “bẫy” vay tiền với lãi suất rất cao. Đối tượng vay thường là những người có kinh tế khó khăn, trình độ thấp, thiếu hiểu biết hoặc là những con bạc, đôi khi là những người có khó khăn đột xuất...”, thượng tá Huấn cảnh báo.

Thượng tá Lại Quang Huấn. Ảnh Văn Minh

Khi người vay tiền không có khả năng trả nợ, hoặc trả nợ không đúng hạn do phải chịu lãi suất “cắt cổ”, xuất hiện tình trạng các đối tượng “đầu gấu, xăm trổ” thường xuyên xuất hiện tại địa bàn khu dân cư, đổ chất bẩn, chất thải vào nhà dân, gia đình của “con nợ” để đe dọa, đòi thanh toán tiền lãi và nợ gốc.

Có trường hợp đối tượng mang quan tài, vòng hoa, dán cáo phó… để gây sức ép, khủng bố tinh thần người vay nợ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự, tạo tâm lý hoang mang, lo ngại cho người dân.

Dân sợ tố cáo?

Cũng tại buổi giao lưu trực tuyến do báo Công an nhân dân tổ chức với chủ đề: “Nhận diện tín dụng đen và giải pháp, phòng ngừa ngăn chặn”, thượng tá Lại Quang Huấn cho biết thêm, khi người dân gặp những trường hợp này nên tố cáo đến công an địa phương nhanh chóng và kịp thời. Việc tố cáo tín dụng đen cũng giống như tố giác những tội phạm khác.

“Cơ quan công an luôn sẵn sàng khi được yêu cầu giữ bí mật thân phận và có biện pháp bảo vệ khỏi bị trả thù”, thượng tá Huân khuyến cáo.

Bên cạnh đó, cũng không ít trường hợp người đi vay là người có lỗi hoặc sử dụng tiền vay vốn vào mục đích bất chính, vi phạm pháp luật nên họ không muốn tố cáo các đối tượng hoạt động tín dụng đen với cơ quan công an.

“Chính vì điều này mà các đối tượng tín dụng đen có thủ đoạn khống chế, đe dọa chính bị hại để họ không cộng tác, từ chối khai báo, không tố giác tội phạm, gây khó khăn cho cơ quan công an trong việc điều tra, làm rõ và có căn cứ để xử lý các đối tượng”, thượng tá Huấn cho biết.

Đại tá Nguyễn Văn Thơm, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự-Công an tỉnh Bình Dương. Ảnh Văn Minh

Đại tá Nguyễn Văn Thơm, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự-Công an tỉnh Bình Dương cho biết, hiện các đối tượng hoạt động tín dụng đen hình thành nhiều băng nhóm, tổ chức hoạt động dưới các hình thức vỏ bọc như: công ty cho vay, công ty cho thuê tài chính, các cơ sở cầm cố thế chấp tài sản có cho vay.

“Các đối tượng hoạt động hết sức tinh vi và chuyên nghiệp, có nguồn cung cấp tài chính, kẻ đi tiếp thị cho vay, người đi thu gom nợ và các đối tượng hình sự đi xiết nợ... Hệ lụy của “tín dụng đen” đã làm phát sinh nhiều loại tội phạm như: bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, thậm chí gây ra giết người”, đại tá Thơm nhấn mạnh.

Văn Minh

Theo Tiền Phong