Saigon Co.op nói về thương vụ với Auchan: Đây chẳng phải là một vụ M&A, chỉ đơn giản là nhận chuyển giao, chấp nhận "đổ máu" để thay đổi tới cùng!

07/08/2019 22:19

Theo Phó Tổng Giám đốc thường trực Saigon Co.op, thì không thể xem thương vụ đó là M&A, mà đơn giản chỉ là nhận chuyển giao hoạt động. Mục tiêu của Co.opmart là muốn học tập những tinh hoa từ mô hình kinh doanh của Auchan, nhằm tạo năng lượng lớn hơn cho Saigon Co.op.


Theo Phó Tổng Giám đốc thường trực Saigon Co.op, thì không thể xem thương vụ đó là M&A, mà đơn giản chỉ là nhận chuyển giao hoạt động. Mục tiêu của Co.opmart là muốn học tập những tinh hoa từ mô hình kinh doanh của Auchan, nhằm tạo năng lượng lớn hơn cho Saigon Co.op.

Cách đây vài tháng, khá nhiều người ngạc nhiên khi hay tin Saigon Co.op sẽ là người mua lại toàn bộ cơ sở vật chất của Auchan tại Việt Nam, khi ông lớn này rời đi.

"Đây chẳng phải là một vụ M&A, chỉ đơn giản là nhận chuyển giao"

Tuy nhiên, theo tiết lộ của ông Nguyễn Anh Đức - Phó Tổng Giám đốc thường trực Saigon Co.op, thì doanh nghiệp này đã ra quyết định cũng như tiến hành đàm phán rất nhanh.

"Ở Saigon Co.op, khi nói về thương vụ hợp tác cùng Auchan, chúng tôi thường đưa ra 4 con số 2: 2222. Chúng tôi mất 2 tuần để đàm phán, hai con số 2 sau là mốc thời gian mà Co.opmart tiếp nhận Auchan – nhằm bảo đảm quá trình thương hiệu chuyển hóa được diễn ra một cách thuận lợi sau này và 2 số 2 cuối cùng là mốc mà Saigon Co.op sẽ bỏ hết thương hiệu Auchan tại Việt Nam (tháng 2/2020).

Nhiều anh chị nhà báo đã gọi điện hỏi tôi, là Saigon Co.op đã mua Auchan tại Việt Nam bao nhiêu. Thật ra, chúng tôi không mua bán gì cả. Đây cũng chẳng phải là một vụ M&A, chỉ đơn giản, chúng tôi nhận chuyển giao hoạt động của Auchan tại Việt Nam", ông Nguyễn Anh Đức cho biết.

Saigon Co.op nói về thương vụ với Auchan: Đây chẳng phải là một vụ M&A, chỉ đơn giản là nhận chuyển giao, chấp nhận đổ máu để thay đổi tới cùng! - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Anh Đức - Phó Tổng Giám đốc thường trực Saigon Co.op

Còn việc Auchan rời Việt Nam, không phải vì mô hình kinh doanh của họ có vấn đề, chỉ là họ địa phương hóa mô hình không thành công. Trong 5 yếu tố cấu thành nên một thương hiệu bán lẻ, thì có khoa học bán lẻ được hình thành bên trong thương hiệu. Concept hoặc mô hình bán lẻ của Auchan đã có hơn 100 năm. Nếu tính ra, thương hiệu Saigon Co.op chẳng là gì nếu so với Auchan. Hiện tại, Auchan là thương hiệu đứng ở vị trí thứ 68 toàn cầu, dù tại Việt Nam, có lẽ giá trị thương hiệu Auchan không đáng kể.

Với suy nghĩ đó, Saigon Co.op đã tiếp cận Auchan với sự tôn trọng lớn và cả hai đã hợp tác vô cùng vui vẻ.

Cũng từ chia sẻ của ông Nguyễn Anh Đức, thì thứ mà Saigon Co.op muốn có nhất từ thương vụ này không phải là hệ thống phân phối 18 siêu thị và cửa hàng Auchan đã có, mà là tinh hoa từ mô hình kinh doanh có lịch sử hơn 100 năm của Auchan.

"Trong thương vụ này, chúng tôi đánh giá sự quan trọng ở những gì Saigon Co.op sẽ học từ Auchan hơn hết thảy.

Auchan đã có lịch sử hơn 100 năm phát triển, tức mô hình – phương thức kinh doanh của họ đã được phát triển - tối ưu hóa qua từng đó thời gian và đã áp dụng thành công trên rất nhiều quốc gia.

Ngược lại, Saigon Co.op có tính địa phương hóa rất tốt, nhưng chúng tôi lại thiếu kinh nghiệm quốc tế, vì thế, thông qua hợp tác với Auchan, chúng tôi muốn học thêm tính quốc tế của họ. Kể cả sau này, khi thương hiệu Auchan biến mất, thì chúng tôi cũng sẽ giữ chính xác những tinh hoa trong mô hình kinh doanh mà Auchan đã để lại. Saigon Co.op phải học tập được những tinh hoa đó, để tạo năng lượng lớn hơn cho bản thân", ông Nguyễn Anh Đức tiếp tục chia sẻ.

Theo quan điểm của ông Nguyễn Anh Đức, Saigon Co.op là một doanh nghiệp "cũ kỹ nhưng thú vị". Vì ngoài thương vụ với Auchan, doanh nghiệp này còn đang liên doanh với rất nhiều đối tác nước ngoài khác mà ít người biết.

Chấp nhận "đổ máu" từ trên xuống dưới, thay đổi tới cùng

Về cơ bản, Saigon Co.op là một doanh nghiệp bán lẻ hiếm hoi của Việt Nam có thể bao quát trên mọi mặt trận, từ cửa hàng tiện lợi cho đến trung tâm thương mại, nhưng sở dĩ ít người biết điều đó là bởi họ chuyển mình quá chậm chạp. Họ chỉ nhảy vào những lĩnh vực bán lẻ hiện đại như đại siêu thị, trung tâm thương mại hoặc kênh bán hàng online… khi mà các đối thủ của họ đã làm chán chê, nên buộc phải dạt ra khu ngoại ô hoặc các tỉnh lân cận.

Ngoài hệ thống siêu thị tầm trung Co.opmart đình đám, Saigon Co.op còn có hệ thống đại siêu thị Co.opXtra, cửa hàng thực phẩm tiện lợi Co.opFood, cửa hàng tiện lợi 24h Cheers, trung tâm thương mại Sense City và SC Vivo City, cửa hàng tạp hóa hiện đại Co.opSmile, trang thương mại điện tử Coopmart.vn….

Trong đó, 2 thương hiệu Co.opXtra và 24h Cheers là họ hợp tác với hợp tác xã hàng đầu Singapore NTUC FairPrice. Tới năm 2013, Co.opXtra mới lần đầu ra mắt người tiêu dùng Việt Nam tại Thủ Đức và vì nhiều lý do, hiện mới có 4 đại siêu thị tại TP.HCM và duy nhất 1 cái ở khu vực trung tâm, Vạn Hạnh Mall – quận 10. Cũng như thế, năm 2018, liên doanh này mới cho ra mắt thương hiệu cửa hàng tiện lợi 24h Cheers.

Và, phải tới năm 2014, Saigon Co.op mới nhảy vào lĩnh vực trung tâm thương mại. Hiện họ có 4 trung tâm thương mại mang thương hiệu Sense City tại Cần Thơ, Cà Mau, Bến Tre và Thủ Đức - TP. HCM. Ngoài ra, họ còn có 1 trung tâm thương mại khác tên SC Vivo City - Quận 7, liên doanh cùng Mapletree – doanh nghiệp phát triển – tư vấn – quản lý bất động sản hàng đầu Singapore.

Saigon Co.op nói về thương vụ với Auchan: Đây chẳng phải là một vụ M&A, chỉ đơn giản là nhận chuyển giao, chấp nhận đổ máu để thay đổi tới cùng! - Ảnh 2.

Trung tâm thương mại Sense City duy nhất của Saigon Co.op tại TP. HCM mới khai trương đầu năm 2019.

Chưa hết, tới năm 2018, Saigon Co.op mới lần đầu giới thiệu trang thương mại điện tử (TMĐT) riêng.

"Các nhà bán lẻ truyền thống không linh động và linh hoạt, nhanh nhạy trước sự thay đổi của thời cuộc. Bất cứ một sự thay đổi nào cũng phải có một guồng máy phù hợp và nếu thực sự muốn thay đổi, phải quyết liệt, chấp nhận "đổ máu" từ trên xuống dưới, thay đổi tới cùng. Nhiều khi tâm huyết thôi chưa đủ mà phải có chiến lược xuyên suốt từ trên lãnh đạo rằng: Đây là trọng tâm để đi.

Dù biết rằng, TMĐT sẽ là xu hướng phải đi, nhưng rõ ràng, đứng ở góc độ từng con người điều hành ở Saigon Co.op, lẫn các doanh nghiệp tương tự, phần lớn KPI, doanh số của mình vẫn ở đâu đó ở 90 đến 97% phần còn lại của thị trường (hiện tại online mới chỉ chiếm 3%), nên số phận của công ty vẫn nằm đâu đó ở kênh truyền thống.

Muốn có thêm mảng TMĐT, công ty buộc phải thay đổi nhiều điều: từ KPI, chính sách khen thưởng, team làm việc và phải có một cái team nào đó theo đuổi sứ mệnh này đến cùng, dù nó có vất vả ban đầu và tốn nhiều chi phí của công ty. Không có bất cứ thứ nào mà tôi vừa kể dễ dàng cả.

Nhưng dù bất lợi, mình không thể không làm, bởi những kinh nghiệm quá khứ cho thấy, nếu mình không thay đổi hiện tại, sẽ thua luôn trong tương lai. Hôm nay, chúng ta nói nhiều về data và dữ liệu, nhưng thật ra 2 cái đó cũng không quan trọng bằng hành động, chúng ta phải làm gì với các data đang có.

Tiki thu thập hết tất cả dữ liệu và chúng tôi cũng thế, chưa bỏ bất cứ dữ liệu nào. Tuy nhiên, dữ liệu đó có thể phù hợp để làm phân tích, data, để có thể đào sâu được thứ ta cần hay không, là một vấn đề. Về mặt kỹ thuật công việc rất nhiều, chỉ mỗi việc làm sạch dữ liệu đã tốn rất nhiều thời gian, tới 80%, còn sau đó mình chỉ cần phân tích và tạo ra kết quả", bà Nguyễn Linh Trang - Phó giám đốc Kế hoạch tổng hợp Saigon Co.op từng chia sẻ như thế trong năm 2018.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, cùng với sự xuất hiện của nhiều lãnh đạo trẻ như ông Đức hoặc bà Trang, sự chuyển mình của Saigon Co.op không còn ì ạch nữa, ví dụ như chiến dịch "Tiêu dùng xanh" mà họ vừa phát động đi rất sát xu hướng tiêu dùng hiện tại.


Quỳnh Như

Theo Trí Thức Trẻ