Sau bê bối, Bitexco bị 'gạch tên' khỏi DA Bình Quới-Thanh Đa?

18/10/2018 09:55

TP HCM muốn đấu thầu chọn lại nhà đầu tư khác thực hiện dự án Bình Quới - Thanh Đa.

TP HCM muốn đấu thầu chọn lại nhà đầu tư khác thực hiện dự án Bình Quới - Thanh Đa.

Động thái trên khiến hơn 3.000 hộ dân với 13.000 nhân khẩu vẫn đang sống lay lắt với dự án quy hoạch “treo” lâu nhất TP Hồ Chí Minh này lại thắp lên hy vọng.

Dự án “treo” lâu nhất TP HCM

Khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa được quy hoạch xây dựng theo các tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại, với hệ thống hạ tầng xã hội - kỹ thuật đô thị đồng bộ, nằm trong tổng thể không gian công viên sinh thái, cảnh quan thiên nhiên.

Tổng mức đầu tư dự kiến 30.700 tỷ đồng, bao gồm chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng chính của dự án và chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân.

Tổng diện tích dự án khoảng 426,93 ha và thời hạn thực hiện 50 năm. Trong đó, giai đoạn 1 (2016 - 2020) tập trung hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng các công trình kỹ thuật chính. Giai đoạn 2 (2021 - 2025) đầu tư hạ tầng kỹ thuật và các khu vực chức năng. Giai đoạn 3 (2026 - 2030) hoàn thành các hạng mục còn lại của dự án.

Dự án được UBND TP HCM phê duyệt từ năm 1992. Đến năm 2004, thành phố giao cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng.

Do dự án giậm chân tại chỗ, đến năm 2010, TP HCM quyết định thu hồi, sau đó giao cho một tập đoàn trong nước lập đồ án quy hoạch phân khu (1/2.000).

Cuối năm 2015, Liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất) được UBND TP HCM chỉ định là nhà đầu tư.

Dự án khu được đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2016.

Tuy nhiên, sau đó tháng 10/2016 Công ty Emaar Properties PJSC đột ngột rút khỏi siêu dự án.

Dù đối tác của mình đã bỏ cuộc giữa chừng, Tập đoàn Bitexco vẫn quyết theo đuổi.

Ngay lập tức, quyết tâm của Bitexco được UBND TP HCM ủng hộ bằng cách đề xuất Thủ tướng chỉ định tập đoàn này tiếp tục là nhà đầu tư dự án với lý do Bitexco “đủ năng lực thực hiện dự án”.

Khu vực dự án Bình Quới - Thanh Đa tương phản với sự phát triển của khu vực Quận 2, TP.HCM.

Nhà đầu tư bê bối

Nhận định của TP HCM khi đó vấp phải sự phản đối của dư luận vì Bitexco không chỉ “mất điểm” khi đối tác nước ngoài “bỏ của chạy lấy người” mà tập đoàn này còn vướng vào hàng loạt bê bối chậm tiến độ, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Tháng 8/2017, báo chí chỉ rõ Bitexco làm chủ đầu tư 4 dự án trên “đất vàng” ở TP HCM nhưng chưa biết khi nào các dự án mới thành hình, bao gồm: Siêu dự án Spirit Of Saigon (số 1 Phạm Ngũ Lão, quận 1), Cao ốc trên nền bệnh viện Sài Gòn (số 125 Lê Lợi, quận 1), Khu đô thị tứ giác Nguyễn Cư Trinh (quận 1) và cả Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa.

Cũng trong năm 2017, cơ quan chức năng đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong dự án BT của Bitexco tại Hà Nội.

Theo đó, Dự án đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An (Thanh Trì, Hà Nội) do Bitexco làm chủ đầu tư đội vốn không căn cứ lên tới 36,79 tỷ đồng. Ngoài ra, Bitexco còn bị phanh phui chậm tiến độ, mải xây nhà bán, “quên” làm đường tại dự án này...

Năm 2017 còn ghi nhận việc Bitexco bị “lộ sáng” thương vụ thâu tóm hơn 60% cổ phần của Công ty CP Du lịch Hương Giang, đơn vị nắm giữ nhiều khu đất đẹp tại Huế, với giá “bèo” 158 tỷ đồng mà không thông qua đấu giá, nghi vấn gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản nhà nước.

Sau khi mua lại cổ phần từ UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cộng với hơn 7,6% cổ phần đã mua trước đó, Bitexco đã chiếm giữ hơn 70,4% cổ phần, trở thành cổ đông lớn nhất của Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang.

Đáng nói, chỉ hơn 3 tháng sau, Bitexco đã bán lại 5.758.000 cổ phần cho một doanh nghiệp Hồng Kông (Trung Quốc) khiến dư luận đặt nghi vấn về việc tài sản công bị bán rẻ và nhất là chuyện Bitexco từng tuyên bố đủ năng lực để biến các bất động sản này thành điểm đáng đến của Huế nhưng lại vội vàng bán ngay cho nước ngoài?

Lựa chọn lại nhà đầu tư

Sau những bê bối trải dài trên cả nước và hàng loạt dự án chậm tiến độ của Bitexco, chưa rõ vì cơ quan chức năng không chấp thuận hay vì đã mất niềm tin với tập đoàn này nhưng mới đây UBND TP HCM đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, đề xuất việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa.

Đây là động thái để TP chọn được nhà đầu tư có năng lực tài chính mạnh, có kinh nghiệm thực hiện dự án có quy mô lớn, phức tạp để đảm bảo tính khả thi, triển khai nhanh dự án.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết thành phố hiểu rõ sự chịu đựng của người dân ở đây trong thời gian qua và cam kết sẽ chỉ đạo triển khai nhanh việc này.

“Tôi cũng nhắc nhở các sở liên quan quan cần đặt mình trong tình cảnh của người dân ở đây, thì mới hiểu được nỗi khổ của họ để giải quyết vấn đề này nhanh hơn. Việc tìm được nhà đầu tư hay không cũng phải giải quyết dứt điểm, không thể để tình trạng này kéo dài”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Ở góc độ khác, Phó Chánh văn phòng UBND quận Bình Thạnh Võ Thị Phương Uyên cho biết, dự án đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2016. Tuy nhiên, do có sự thay đổi về chủ đầu tư, Công ty Emaar Properties PJSC xin rút khỏi dự án nên công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư xây dựng chưa thể tiến hành.

Bà Uyên viện dẫn Luật Đất đai: Nếu sau 3 năm đưa vào kế hoạch sử dụng đất mà dự án chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì dự án phải điều chỉnh, hủy bỏ.

Công Minh

Theo Đất Việt