Shark Linh đầu tư nửa triệu USD cho startup Việt kiều

12/07/2018 15:08

Trong Shark Tank Việt Nam tối 11/7, nữ doanh nhân Thái Vân Linh đề nghị đầu tư 500.000 USD đổi lấy 35% cổ phần của WisePass kèm theo điều kiện về KPI.
Cựu tướng marketing tại Google, Tiki "ra đi" để khởi nghiệp

Một doanh nhân người Pháp gốc Việt - từng sinh sống ở nhiều nơi như Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Phi - xuất hiện tại chương trình Shark Tank Việt Nam vào tối 11/7. Đó là Trần Lâm. Anh, người sáng lập WisePass đề nghị 500.000 USD cho 5% công ty, định giá WisePass lên đến 10 triệu USD.

Lâm từng làm trong lĩnh vực marketing tới 10 năm tại các công ty như Tiki, Nhóm Mua, Google. Khi không thể học những thứ mới mẻ, Lâm bỏ vị trí giám đốc tiếp thị để tạo dựng mô hình kinh doanh riêng. Tất cả các dịch vụ, ăn uống, vé xem phim, vé máy bay được tích hợp vào một nền tảng.

Wisepass là ứng dụng trên điện thoại, kết nối người dùng với các dịch vụ giải trí đa dạng thông qua gói thành viên có phí. Tại các địa điểm hợp tác với Wisepass là các nhà hàng, quán cà phê, khách sạn, người ta sẽ đặt các hộp đen cho phép thành viên quẹt mã bằng ứng dụng trên điện thoại. Sau đó, thành viên xác nhận với nhân viên để ăn sáng, đặt phòng hoặc... đi đến Starbuck để lấy một ly cà phê bất kỳ.

 
Trần Lâm, người sáng lập và điều hành ứng dụng WisePass. Ảnh: Shark Tank Việt Nam

Dung lượng thị trường (market size) của Wisepass là hơn 1 tỷ USD theo tính toán của Lâm. Ứng dụng đã vận hành tại 4 thành phố (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bangkok và Manila) thuộc 3 quốc gia. Cuối năm 2018, Wisepass đặt mục tiêu xuất hiện tại 10 thành phố thuộc 7 quốc gia. Khách hàng chủ yếu là doanh nhân, 70% là nam từ 25-34 tuổi. Bên cạnh đó, Lâm cho biết mô hình của anh chỉ cần một người và 1.000 USD để “bành trướng" ra một thành phố mới.

Doanh thu dự kiến năm 2018 của công ty là 500.000 USD, còn doanh thu dự kiến đến năm 2010 là 10 triệu USD. Tốc độ tăng trưởng của WisePass trong 2 năm trước là 50% hàng quý. Chi phí cố định của công ty là 15.000 USD/tháng, chi phí marketing khách hàng mới khoảng 100 USD.

Trần Lâm cho biết, WisePass đã ký hợp đồng với CGV và Starbuck và vận hành vào tháng 11/2017 ở Việt Nam và hơn 50 địa điểm trên thành phố Bangkok. Mối quan hệ với Starbuck là hợp tác độc quyền trong khu vực Đông Nam Á.

Thiếu sự thuyết phục trong việc định giá công ty

Là một người Pháp gốc Việt, Trần Lâm nói lưu loát tiếng Việt không lưu loát. Đó là một phần lý do khiến màn trình bày của anh chậm rãi và dễ gây cảm giác buồn ngủ và doanh nhân Louis Nguyễn bày tỏ sự thông cảm với anh chàng này.

Tuy nhiên, qua phần trình bày WisePass chứng tỏ được sức hút của mô hình, bởi Lâm từng gọi vốn thành công với 3 nhà đầu tư thiên thần đến từ Singapore (Quỹ Expara), Mỹ, thung lũng Sillicon (Theodore Kim, từ GoPro). Các nhà đầu tư này nắm 47% vốn còn Lâm cùng các thành viên khác nắm 53%.

Tháng 9/2017, Quỹ đến từ Singapore đầu tư 185.000 USD cho 18,5%, nghĩa là họ xác định giá trị công ty là 1 triệu USD. Tháng 4 cùng năm, WisePass gọi được 150.000 USD, đồng nghĩa với việc giá trị công ty tăng lên 3 triệu USD. Tại thời điểm tham gia Shark Tank, Trần Lâm định giá công ty lên đến 10 triệu USD.

Hầu hết doanh nhân trong Shark Tank đều băn khoăn về việc Trần Lâm định giá công ty từ 3 triệu USD lên 10 triệu USD chỉ trong vòng vài tháng.

 
Ảnh: Shark Tank Việt Nam

Vị doanh nhân người Pháp gốc Việt cho biết công ty đang chuẩn bị cho vòng Serie A (vòng cấp vốn đầu tiên của những quỹ đầu tư mạo hiểm). Anh nêu hai lý do khiến giá trị công ty tăng từ 3 triệu USD lên 10 triệu USD. Thứ nhất, Wisepass đang tiếp tục tăng trưởng và rủi ro đang giảm dần. Thứ hai, công ty sẽ có thêm những khách hàng mới như Airbnb, Citibank nên doanh thu tăng mạnh.

Theo Trần Lâm, ở Đông Nam Á, giá trị một công ty được đánh giá gấp 4 lần doanh thu trong tương lai.

"Cá mập" Louis tỏ ra nghi ngại vì ông chưa từng nghe đến cách định giá này. Và ông cho rằng với tư cách là một chuyên gia tài chính, Trần Lâm cần có những tính toán cụ thể dựa trên giá trị hợp đồng từ các khách hàng mới tạo ra được doanh thu, lợi nhuận cho công ty.

Còn theo "cá mập" Dũng, tiền mà Trần Lâm nhận từ các nhà đầu tư là số tiền ở hiện tại, nên phải tính giá trị công ty tại thời điểm hiện tại, chứ không phải giá trị nằm ở tương lai. Theo ông, giá trị công ty chỉ khoảng 2 triệu USD vì doanh thu 2018 theo ước tính là 500.000 USD.

"Trả giá quá đắt", WisePass nhận một lời đề nghị duy nhất

Ông Phú cho rằng đây là một deal tương đối lớn và thời gian trên Shark Tank quá ngắn. Theo ông, Lâm chưa thực sự thuyết phục về cách định giá công ty và đưa ra mức độ tăng trưởng công ty quá nhanh, nên quyết định từ chối đầu tư.

Đối với ông Dũng, Lâm là người quen với ông từ thời Lâm còn làm ở Tiki. Ông thích ý tưởng mới của Lâm nhưng chưa thực sự thấy mô hình kình doanh có sự ổn định, vẫn đang trong quá trình chỉnh sửa. Thêm vào đó, Lâm định giá công ty quá cao so với cảm nhận nên ông không đầu tư.

Theo Louis Nguyễn, việc nhiều nhà đầu tư từng rót vốn cho WisePass sẽ khiến mọi người có niềm tin vào Lâm. Tuy nhiên, đó cũng là con dao hai lưỡi vì nhà đầu tư khác muốn giá trị công ty cao hơn. Việc định giá công ty tăng trường từ 3 triệu USD lên 10 triệu USD không thể thuyết phục ông đầu tư. Ông thông cảm với Lâm là một người nói tiềng Việt không lưu loát nên màn thuyết trình của anh khá chậm và cũng thiếu sức thuyết phục.

“Lỗi không đầu tư là do tiếng Việt nói kém quá” là câu nói đùa của doanh nhân Phạm Thanh Hưng. Ông đánh giá mô hình không mới nhưng tiềm năng. Tuy nhiên, ông cũng từ chối Lâm cùng với lý do định giá công ty quá cao.

Bà Thái Vân Linh nhận định CPA - Cost Per Action (Chi phí trên một lần hành động) là 100 USD là khá hợp lý. Bà là "cá mập" duy nhất đưa ra lời đề nghị, theo đó bà sẽ đầu tư 500.000 USD đổi lấy 35% kèm theo điều kiện. Giai đoạn đầu, bà sẽ rót trước 50.000 USD và đưa ra vài KPI. Dựa trên các chỉ số KPI cùng tốc độ tăng trưởng của công ty, hai bên sẽ thảo luận tiếp.

Lời đề nghị của bà Linh sẽ thay đổi chiến lược của Hội đồng quản trị WisePass. Vì thế Trần Lâm đồng ý với đề nghị của bà Linh sau khi HĐQT WisePass đồng ý và trao đổi với bà sau chương trình. Theo Trần Lâm, Vinacapital do bà Linh làm giám đốc điều hành là một quỹ đầu tư lớn ở Việt Nam và có thể thúc đẩy sự phát triển WisePass. Tuy nhiên, thương vụ chỉ thành công nếu hội đồng quản trị của WisePass đồng ý với điều kiện của bà Linh.

Tuệ An

Theo Kinh tế & Tiêu dùng