Shark Tam – Doanh nhân “không biết sợ” và quyết tâm đưa thương hiệu điện tử Việt vươn ra thế giới

20/06/2019 12:31

Để xây dựng thành công đế chế điện tử top 3 thị trường Việt, chủ tịch kiêm nhà sáng lập tập đoàn Asanzo Phạm Văn Tam đã trải qua một hành trình khởi nghiệp đầy chông gai và gian khó có lúc tưởng chừng không thể tiếp tục. Tất cả khởi đầu từ những chuyến hàng bán linh kiện Tivi ở chợ Nhật Tảo cách đây gần 20 năm của ông.

Shark Tam – Doanh nhân “không biết sợ” và quyết tâm đưa thương hiệu điện tử Việt vươn ra thế giới - Ảnh 1.

Vào thời điểm cuối thập niên 90 người Việt bắt đầu có cơ hội tiếp xúc với những sản phẩm công nghệ nhập khẩu nước ngoài. Tivi đã nhanh chóng trở thành một “món ăn tinh thần”, một vật dụng cần có trong các gia đình. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế eo hẹp nên thay bằng việc đầu tư một món tiền lớn để mua Tivi mới, đa số người dân tìm đến những chiếc Tivi cũ của Nhật Bản. Với tính năng đa dạng và độ bền cao, đáp ứng vừa vặn với nhu cầu của thị trường - những chiếc Tivi Nhật đã kéo theo sự ra đời và phát triển nhanh chóng của thị trường linh kiện điện tử tại những khu “chợ trời” nổi tiếng tại Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn…

Chàng thanh niên Phạm Văn Tam khi đó mới hơn 20 tuổi đã nhìn thấy được cơ hội kinh doanh đầy triển vọng tại thị trường này. Rời quê nhà ở Móng Cái, Tam quyết định vào miền Nam lập nghiệp tại chợ Nhật Tảo. Khởi đầu từ vị trí nhân viên giao nhận hàng, những chuyến hàng ngược xuôi đã giúp Tam tích lũy được kiến thức, kinh nghiệm và vốn liếng. Sau một thời gian, anh tự nhập linh kiện Tivi để kinh doanh riêng. Nhờ tính cách chân thật, lòng nhiệt thành và uy tín, anh nhanh chóng tạo dựng được chỗ đứng ở khu “chợ trời” lớn nhất miền Nam.

Khó khăn ập đến với Tam khi trong một lần gửi tiền lấy hàng, anh bị đối tác lừa mất hết toàn bộ vốn liếng tích lũy hơn 400 triệu đồng. Trắng tay và tuyệt vọng, Tam đã quyết định trở về kế nghiệp gia đình. Tuy nhiên, với uy tín trong suốt thời gian kinh doanh tại chợ Nhật Tảo, bà con tiểu thương nơi đây đã chủ động liên lạc với Tam và đặt vấn đề cho anh mượn vốn, chấp nhận trả trước tiền hàng để anh có thể tiếp tục kinh doanh.

Shark Tam – Doanh nhân “không biết sợ” và quyết tâm đưa thương hiệu điện tử Việt vươn ra thế giới - Ảnh 2.

Tình hình kinh doanh bắt đầu ổn định thì Phạm Văn Tam lại tiếp tục phải đối mặt với khó khăn mới. Thời điểm giữa năm 2007, khi hàng loạt các thương hiệu điện tử nổi tiếng thế giới như Samsung, LG, Sony, Panasonic… dần chiếm lĩnh thị trường đã khiến sản phẩm Tivi cũ mất dần chỗ đứng, thị trường kinh doanh linh kiện của Tam vì thế cũng nhanh chóng bị thu hẹp. Sự chuyển biến này đã buộc anh phải thay đổi chiến lược kinh doanh.

Xuất phát từ mong muốn tạo nên những sản phẩm điện tử của riêng mình, Phạm Văn Tam dốc toàn bộ vốn liếng để thành lập doanh nghiệp sản xuất đầu tiên. Quả thực là “vạn sự khởi đầu nan”, vì thiếu kinh nghiệm, anh không tìm ra cách để quảng bá cho sản phẩm của mình hợp lý. Chỉ sau hơn 1 năm “khởi nghiệp”, Tam buộc phải đóng cửa công ty của mình. Không nản lòng, Tam tiếp tục tìm đường gây dựng vốn để thành lập công ty thứ hai nhưng thành công một lần nữa lại quay lưng với anh khi thương hiệu không thể cạnh tranh được với các tên tuổi ngoại.

2 lần ngã ngựa trước các “đại gia điện tử ngoại” trên thương trường không đủ để đánh gục Phạm Văn Tam. Cuối năm 2013, nhận thấy những thương hiệu Tivi nổi tiếng chỉ tập trung vào phân khúc cao cấp, anh quyết định thành lập Asanzo - thương hiệu Tivi dành riêng cho người Việt có mức giá phù hợp với hầu hết túi tiền của mọi gia đình. Lần này, kết quả của cuộc đua đã có sự thay đổi bất ngờ. Vì gần 80% dân số Việt Nam sống ở nông thôn, đa phần cách đây 4 năm chưa có nhu cầu mua sắm những dòng tivi cỡ lớn nên Asanzo đã tập trung sản xuất các loại tivi có kích thước tầm trung từ 21, 24 - 32 inch dành riêng cho đối tượng khách hàng bị nhà sản xuất ngoại “quay lưng” này.

Nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, Asanzo đã chọn cách chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản vào dây chuyền sản xuất của mình. Nhờ sử dụng cùng linh kiện với các hãng lớn và được lắp ráp trong nước, Tivi Asanzo thành công khi tạo ra được những sản phẩm có mức giá thấp hơn hàng nhập khẩu khoảng 30% mà chất lượng gần như không hề kém cạnh. Những lô sản phẩm đầu tiên xuất xưởng đã nhanh chóng “cháy hàng” khi đánh đúng nhu cầu thực tế của thị trường. Có thể nói các dòng sản phẩm tivi của Asanzo đã được “may đo” kịp thời theo đúng nhu cầu và thói quen tiêu dùng của người dùng Việt.

Shark Tam – Doanh nhân “không biết sợ” và quyết tâm đưa thương hiệu điện tử Việt vươn ra thế giới - Ảnh 3.

Dựa trên quá trình phân tích tâm lý tiêu dùng theo sự ảnh hưởng của vị trí địa lý, Asanzo đã có những dòng sản phẩm chuyên biệt không thể nhầm lẫn với bất kỳ “đại gia” nào trên thị trường. Điển hình như dòng tivi 18 inch hoạt động thông qua bình ắc quy, phù hợp với người dân sinh sống tại vùng sông nước miền Tây Nam Bộ - khu vực sinh sống chủ yếu trên ghe thuyền, chưa được đảm bảo nguồn điện năng ổn định. Hay tại khu vực miền Trung nhiều nắng gió, sản phẩm của Asanzo có đặc tính chống oxy hóa cao để bảo vệ bo mạch không bị ăn mòn.

Chỉ sau một năm có mặt trên thị trường, Asanzo đã đạt doanh số hơn 100.000 chiếc Tivi. Năm 2015, con số này đã tăng gấp 3 lần. Năm 2016, lượng tivi bán ra đã lên tới con số 500.000 chiếc, đưa tổng doanh thu của công ty cán mốc hơn 2.500 tỷ đồng. Không “ngủ quên” trên chiến thắng, những năm qua Asanzo tiếp tục đầu tư nghiên cứu và phát triển thêm các dòng sản phẩm Smart TV hiện đại với nhiều cải tiến thông minh đáp ứng tối đa nhu cầu giải trí ngày càng cao của người Việt. Trong đó ấn tượng nhất là tính năng Voice Search (tìm kiếm bằng giọng nói) với khả năng nhận biết được tông giọng ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Nhờ vậy, khách hàng ở mọi miền đất nước đều có thể tìm kiếm bằng giọng nói các nội dung giải trí đa dạng trên Smart TV của Asanzo. Điều này một lần nữa cho thấy triết lý sản xuất “may đo” của tập đoàn do chủ tịch Phạm Văn Tam sáng lập là hoàn toàn đúng đắn.

Shark Tam – Doanh nhân “không biết sợ” và quyết tâm đưa thương hiệu điện tử Việt vươn ra thế giới - Ảnh 4.

Sau 5 năm thành lập, từ một công ty khởi nghiệp nhỏ, Asanzo trong tay ông Tam đã phát triển thần tốc, trở thành một trong những thương hiệu dẫn đầu thị trường điện tử Việt. Bên cạnh Tivi, các dòng sản phẩm điện gia dụng, điện tử, điện lạnh, thiết bị thông minh của Asanzo ra đời sau đó tiếp tục kiên trì với tiêu chí “may đo” cũng đã nhanh chóng chinh phục thị trường. Năm 2018, Asanzo đã bán ra trên 4 triệu sản phẩm các loại, đạt doanh thu 6.250 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2017.

Shark Tam – Doanh nhân “không biết sợ” và quyết tâm đưa thương hiệu điện tử Việt vươn ra thế giới - Ảnh 5.

Trong tay chủ tịch Phạm Văn Tam lúc này là một tập đoàn điện tử quy mô lớn với 6 nhà máy đang hoạt động, hơn 2.000 cán bộ công nhân viên, 150.000 điểm bán hàng và 1.000 trạm bảo hành trên toàn quốc. Tới đây, Asanzo sẽ khánh thành và đi vào hoạt động nhà máy thứ 7 tại Khu Công nghệ cao Q.9 TP.HCM với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Ngoài hệ thống nhà xưởng mới hiện đại, tại đây sẽ đặt trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm công nghệ cao đầu tiên của Asanzo. Dự án nhằm mục tiêu nâng cao tỷ lệ nội địa, hàm lượng chất xám trong các sản phẩm của tập đoàn. Từ đó giúp nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh của thương hiệu Asanzo trong và ngoài nước.

Shark Tam – Doanh nhân “không biết sợ” và quyết tâm đưa thương hiệu điện tử Việt vươn ra thế giới - Ảnh 6.

Hệ sinh thái đa dạng với hơn 70 dòng sản phẩm đã đưa Asanzo lọt Top 3 trên thị trường điện tử Việt Nam, chiếm 18% thị phần cả nước. Đây là những tiền đề quan trọng để tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu lên 10.000 tỷ đồng trong năm nay. Đây cũng là dấu mốc để Asanzo tập trung phát triển đa dạng hóa ngành hàng điện thoại, điện lạnh và điện gia dụng, tiếp tục duy trì Top 3 ngành hàng tivi trong nước, bắt đầu hướng đến thị trường nước ngoài.

Hiện tại, tổng công suất tối đa của các nhà máy Asanzo đạt 4 triệu sản phẩm/năm, chủ yếu cung cấp cho thị trường trong nước. Trong tương lai, tập đoàn điện tử Việt dự tính nâng công suất lên mức 10 triệu sản phẩm/năm để xuất khẩu đi các nước Đông Nam Á như Indonesia, Myanmar, Campuchia, Lào... Giai đoạn 2018-2020, Asanzo tập trung phát triển thêm các dòng sản phẩm cao cấp bên cạnh phân khúc bình dân và nông thôn. Mục tiêu 5 năm tới của doanh nghiệp này là đáp ứng nhóm 20% khách hàng cao cấp còn lại của thị trường. Chủ tịch Phạm Văn Tam cũng đã chọn mốc thời gian 2021 để chính thức phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, dự kiến chiếm 30 - 40% tổng lượng cổ phần doanh nghiệp.

Shark Tam – Doanh nhân “không biết sợ” và quyết tâm đưa thương hiệu điện tử Việt vươn ra thế giới - Ảnh 7.

Với tiêu chí: “Không nên tập trung vào cạnh tranh mà tốt nhất nên tập trung vào khách hàng”, Asanzo đã tìm cho mình những khe cửa hẹp để đưa sản phẩm đến từng khách hàng có mức thu nhập trung bình thấp. Chủ tịch Phạm Văn Tam đã cho thấy được tầm nhìn xa ngay từ những ngày đầu thành lập thương hiệu khi cho rằng, đối với những tập đoàn lớn, thị trường nông thôn chỉ được xem là một “miếng bánh nhỏ”. Tuy nhiên, đối với một doanh nghiệp nhỏ thì “miếng bánh” thị phần này vẫn rất tiềm năng. Thực tế quá trình kinh doanh của Asanzo đã cho thấy chiến lược phát triển các dòng sản phẩm “may đo” là hợp lý và đã nhanh chóng được người tiêu dùng đón nhận.

Chủ tịch Phạm Văn Tam cho rằng thị trường hàng điện tử vẫn còn rất rộng lớn, Asanzo và các doanh nghiệp hoạt động trong ngành vẫn còn nhiều cơ hội để tìm cho mình một chỗ đứng. Khi có càng nhiều người cùng tham gia thị trường, nhiều doanh nghiệp cùng đóng góp sẽ tạo cơ hội cho thị trường điện tử Việt Nam phát triển trong thời gian tới. Không lựa chọn cạnh tranh mà thay bằng lấp đầy và hợp tác, đến nay Asanzo sẵn sàng mở cửa và bắt tay cùng các đối tác trong ngành nhằm sản xuất những sản phẩm chất lượng cao đến tận tay người tiêu dùng.

Shark Tam – Doanh nhân “không biết sợ” và quyết tâm đưa thương hiệu điện tử Việt vươn ra thế giới - Ảnh 8.
Shark Tam – Doanh nhân “không biết sợ” và quyết tâm đưa thương hiệu điện tử Việt vươn ra thế giới - Ảnh 9.

Xây dựng thương hiệu điện tử bằng lối đi riêng, doanh nhân Phạm Văn Tam còn mong muốn lan tỏa “tinh thần Việt Nam” đến cộng đồng startup trẻ bằng những hành động thiết thực. Chương trình Shark Tank – Thương vụ Bạc Tỷ mùa 3 tới đây sẽ có sự góp mặt của vị chủ tịch Asanzo với biệt danh mới “Shark Tam”. Chia sẻ về quyết định này, Shark Tam cho biết, Shark Tank Việt Nam đã tạo được hiệu ứng mạnh mẽ, truyền cảm hứng và tăng thêm động lực cho các doanh nhân trẻ khởi nghiệp. Asanzo mong muốn đồng hành, hỗ trợ, góp phần thực hiện hóa những dự án tiềm năng, tạo ra những sản phẩm chất lượng và đem lại nhiều giá trị cho cộng đồng, xã hội.

Shark Tam – Doanh nhân “không biết sợ” và quyết tâm đưa thương hiệu điện tử Việt vươn ra thế giới - Ảnh 10.

Cũng trong khuôn khổ chương trình dành cho các startup Việt lần này, Shark Tam cũng đã có những công bố đầu tiên về việc ra mắt Quỹ khởi nghiệp Asanzo Startup Fund. Quỹ được Asanzo cấp vốn khởi đầu là 200 tỷ đồng, Asanzo sẽ ưu tiên cho các khởi nghiệp tiềm năng thuộc ngành công nghệ liên quan đến các công nghệ phần mềm, phần cứng hoặc trí tuệ nhân tạo phục vụ cho thị trường trong tương lai. Tất cả những ngành có hệ sinh thái liên quan đến công nghệ có thể tham gia đăng ký để được phỏng vấn về khả năng đầu tư của Asanzo funding. Các startup đang trong vòng gọi vốn seri A hoặc seri B đang cần số vốn có thể lên tới 100 tỷ đồng cũng được quỹ hướng đến hỗ trợ.

Asanzo Startup Fund chính là “công cụ” được Shark Tam kỳ vọng sẽ tìm kiếm được những doanh nghiệp trẻ tài năng để hình thành nên một hệ sinh thái khởi nghiệp của ngành điện tử. Cũng như một sản phẩm điện tử, để hoàn chỉnh và đạt chất lượng cao cần có sự kết nối giữa những linh kiện tốt. Một hệ sinh thái ngành điện tử cũng cần nhiều doanh nghiệp mạnh liên kết cùng nhau để tạo nên một cộng đồng bền vững, phát triển lâu dài.

Shark Tam – Doanh nhân “không biết sợ” và quyết tâm đưa thương hiệu điện tử Việt vươn ra thế giới - Ảnh 11.

Ngoài việc quan tâm đến những startup nằm trong hệ sinh thái công nghệ, chủ tịch Asanzo còn đề cao những startup hiểu rõ tâm lý tiêu dùng của nguồn khách hàng tiềm năng. Họ cần hiểu được những sản phẩm của mình đem đến lợi ích gì và có tác động như thế nào đến người tiêu dùng. Bởi vậy, với việc giới thiệu quỹ khởi nghiệp đến chương trình “Thương vụ bạc tỷ”, vị “cá mập” này còn cho thấy tâm huyết tạo dựng một cộng đồng khởi nghiệp công nghệ bền vững, đủ sức đưa thương hiệu Việt vươn ra toàn cầu trong tương lai.

Theo Tri thức trẻ