Shark Vương chỉ nói một câu, startup ship hàng trên Shark Tank ngày nào đã tìm ra hướng đi đúng đắn, đến nay mạng lưới phủ gần hết các tỉnh thành

09/04/2019 12:15

Đôi khi sự tư vấn của các Shark có thể quý giá gấp hàng trăm lần việc rót vào startup bao nhiêu tiền.

Và nhận định trên đúng với Shark Trần Anh Vương cùng SuperShip, startup được anh đồng ý rót vốn trên sóng Shark Tank Việt Nam trong tập 4, mùa 1.

Tại tập này, SuperShip - Biệt đội giao hàng siêu đẳng của CEO sinh năm 1992 Lê Thanh Hoài nhận tới 4/5 đề nghị rót vốn. Nhưng cuối cùng Hoài chọn về đội Shark Vương, vì kiên định với khoản đầu tư 2 tỷ đồng chỉ đổi lấy 20% cổ phần công ty chứ không đánh đổi nhiều hơn.

Tương tự một số đơn vị giao hàng hiện nay, SuperShip là dịch vụ giao hàng, thu tiền hộ cho các shop bán hàng online. Tuy nhiên điểm đặc biệt của startup này nằm ở hệ thống quản lý đơn hàng phía sau, có thể kết nối trực tiếp với hệ thống bán hàng của các shop. Trong trường hợp các shop không có hệ thống quản lý vận đơn thì vẫn có thể sử dụng trực tiếp hệ thống của SuperShip để quản lý.

Theo kế hoạch, SuperShip khi ấy muốn đầu tư vốn ra Hà Nội, đặt văn phòng tại đây, rồi dần dần mở rộng ra các tỉnh thành khác. Trong một buổi chiều gặp gỡ Shark Vương và bị tác động bởi câu nói của Shark, CEO 9x vẫn giữ nguyên ý định ban đầu nhưng hướng đi hoàn toàn thay đổi.

Shark Vương chỉ nói một câu, startup ship hàng trên Shark Tank ngày nào đã tìm ra hướng đi đúng đắn, đến nay mạng lưới phủ gần hết các tỉnh thành - Ảnh 1.

"Đến với Hoài tôi chỉ nói một câu trong một buổi chiều hai anh em đi uống bia. Tôi nói ‘tại sao cứ phải kinh doanh 25.000/đơn ship thế này? Cũng tốt thôi nhưng em có một cái platform (nền tảng, PV) đấy mới là chìa khóa. Vậy bây giờ em ở Sài Gòn, e muốn kinh doanh ngoài Hà Nội, em đầu tư vốn, mở công ty, dùng platform để làm. Sao em không nghĩ rộng ra là đầu tư trên toàn quốc, chứ đi đâu cũng mở công ty thế thì em chết’", Shark Vương chia sẻ với chung tôi bên lề hội thảo Vietnam Online Business Forum 2019.

Nói cụ thể hơn về hướng đi này, Shark Hương lấy ví dụ như ở Thái Bình, CEO Lê Thanh Hoài chỉ cần chọn một người cũng muốn làm giao hàng và nhượng quyền sử dụng platform cho họ. Đơn hàng vẫn đi qua platform của Hoài, nhưng công việc giao hàng sẽ do ông chủ người Thái Bình quản lý thực hiện. Như vậy, startup của Hoài có 2 nguồn thu: 1 là phí nhượng quyền, 2 là thu % doanh thu trên mỗi đơn ship.

"Sự đầu tư bằng câu nói của tôi gấp hàng trăm, hàng tỷ lần chuyện đưa bao nhiêu tiền. Đúng một câu thôi, hết, và Hoài cứ làm như thế", Shark Vương tự tin khẳng định.

Sau này khi chia sẻ trên báo chí, chính bản thân CEO Lê Thanh Hoài cũng thừa nhận mô hình nhượng quyền giúp SuperShip có thể chạy đua trong cuộc chơi giao hàng. Không chỉ tận dụng được năng lực tài chính cả hệ thống, năng lực am hiểu thị trường của đối tác tại các tỉnh thành, mô hình nhượng quyền còn tạo ra lợi thế cạnh tranh về chi phí, thời gian giao hàng.

Hơn nữa, do phải bỏ vốn hợp tác nên tinh thần làm chủ của đối tác cũng cao, mô hình tạo được sự khác biệt trong chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng. Đơn cử, mỗi khách hàng của SuperShip sẽ có một nhân viên chăm sóc để hỗ trợ vấn đề phát sinh nên sự tín nhiệm, hài lòng về dịch vụ luôn được đánh giá cao.

Đến nay, theo lời Shark Vương, SuperShip đã có cơ sở tại 57 tỉnh thành trên cả nước, vượt xa chỉ tiêu phủ sóng 70% thị trường Việt Nam trong năm 2019.

"Thật ra, DD (Due Diligence, thẩm định dự án PV) thành công hay không, thậm chí đầu tư hay không cũng không quan trọng bằng việc sau này các startup kinh doanh tốt không, có mang lại giá trị gì cho xã hội không. Như SuperShip đã khác hẳn xưa rồi đấy", Shark Vương hào hứng cho biết.

Theo Trí thức trẻ