Sóng tăng lãi suất tiết kiệm kéo dài sang tháng 6

08/06/2024 18:27

Đà tăng lãi suất huy động của các nhà băng tiếp diễn khi mới trải qua 1 tuần của tháng 6 đã có hơn 10 ngân hàng thông báo tăng biểu lãi suất tiết kiệm cho khách hàng cá nhân.

Lãi suất tiết kiệm tiếp tục tăng mạnh trong tháng 6. Ảnh: Nam Khánh.

Tiếp nối đà tăng lãi suất tháng 5, từ đầu tháng 6 đến nay, đã có hơn 10 nhà băng thông báo tăng lãi suất tiết kiệm, đánh dấu đợt tăng lãi suất huy động của ngành ngân hàng vẫn chưa dừng lại, bất chấp động thái giữ nguyên lãi suất của 4 ngân hàng thương mại vốn Nhà nước (Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank).

Lãi suất gần 2 điểm % ngay đầu tháng 6

Theo biểu lãi suất công bố cuối tháng 5 để áp dụng từ đầu tháng 6, HDBank đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi áp dụng với khách hàng cá nhân tại kỳ hạn 12 và 13 tháng. Trong đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng áp dụng trên kênh quầy của nhà băng này đã được điều chỉnh từ 5,2%/năm lên 5,4%/năm; kỳ hạn 13 tháng điều chỉnh tăng từ 5,4%/năm lên 5,6%/năm.

Với các kỳ hạn tiền gửi khác trên kênh quầy, HDBank giữ nguyên với dải lãi suất kỳ hạn 1-5 tháng ở 2,75%/năm; 6-11 tháng hưởng lãi 4,6-4,8%/năm; và gửi kỳ hạn dài 15 tháng trở lên hưởng lãi suất 5,4-6%/năm. Trong đó, mức lãi suất tiết kiệm tại quầy cao nhất ngân hàng này đang áp dụng là kỳ hạn 18 tháng với mức 6%/năm.

Tương tự, với kênh online, HDBank cũng tăng lãi suất kỳ hạn 12-13 tháng từ 5,3%/năm và 5,5%/năm lên 5,5%/năm và 5,7%/năm. Ngoài ra, các kỳ hạn còn lại đều được giữ nguyên, trong đó mức lãi cao nhất nhà băng này chấp nhận chi trả cho khách hàng cá nhân là 6,1%/năm, áp dụng với khoản tiền gửi online kỳ hạn 18 tháng.

Tương tự, ABBank cũng vừa thông báo tăng lãi suất tiết kiệm của khách hàng cá nhân, trong đó mức tăng cao nhất lên tới 1,6 điểm %, áp dụng với các kỳ hạn dài.

Cụ thể, ở kênh online, dải lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng tại ABBank hiện ở mức 3,2-3,6%/năm, tăng lần lượt 0,3-0,6 điểm % so với tháng 5. Tại kỳ hạn 6 tháng, nhà băng này tăng 0,1 điểm % lên mức 4,8%/năm. Nhưng sang tới kỳ hạn 7-11 tháng, mức lãi suất đã được cộng thêm 0,3 điểm % lên mức 4,4%/năm và kỳ hạn 12 tháng cộng thêm 0,4 điểm % lên 5,6%/năm.

Đáng chú ý, các khoản tiền gửi kỳ hạn dài 13-60 tháng tại ABBank được tăng mạnh lãi suất lên tới 1,6 điểm %, hiện ở mức 5,7%/năm (trước đó niêm yết ở 4,1%/năm).

Với kênh quầy, nhà băng này cũng tăng lãi suất tiền gửi cho khách hàng cá nhân lên tương ứng, tuy nhiên mức lãi suất chi trả sẽ thấp hơn 0,2 điểm % so với kênh online tại từng kỳ hạn.

Cùng HDBank, ABBank, trong tuần đầu tháng 6 một loạt ngân hàng cũng đã tăng lãi suất tiết kiệm như MSB, BacABank, Baoviet Bank, NamABank, OceanBank...

Trong đó, MSB cũng tăng mạnh lãi suất huy động thêm gần 1 điểm % ở tất cả các kỳ hạn. Trên kênh online, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng của ngân hàng này hiện ở mức 3,7%/năm (+0,2%); kỳ hạn 6-11 tháng ở mức 4,6%/năm (+0,5%); kỳ hạn 12-36 tháng ở mức 5,4%/năm (+0,9%).

 

Dải lãi suất tiết kiệm dành cho khách hàng cá nhân tại BacABank thì đã tăng 0,3-0,4 điểm %, với lãi suất cao nhất là 5,6%/năm, áp dụng với các khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng gửi 18-36 tháng. Trường hợp, khách hàng cá nhân gửi trên 1 tỷ đồng, lãi suất các kỳ hạn này sẽ được cộng thêm 0,2 điểm %, lên 5,8%/năm.

Tương tự, Baoviet Bank, NamABank cũng đã tăng thêm 0,4 điểm % lãi suất tiền gửi ở hầu hết kỳ hạn. Hiện 2 ngân hàng này cùng niêm yết lãi suất cao nhất ở 5,7%/năm, áp dụng với tiền gửi kỳ hạn 18-36 tháng trên kênh online.

OceanBank thì tăng tối đa 0,8 điểm % lãi suất, đưa mức lãi cao nhất lên 6-6,1%/năm, áp dụng với tiền gửi online kỳ hạn 24-36 tháng.

Lãi suất còn tăng thêm 0,5-1 điểm %

Thống kê của WiGroup cho biết trong tháng 5, lãi suất huy động tại nhóm ngân hàng tư nhân đã tăng 0,2-0,5 điểm % với các kỳ hạn ngắn. Trong khi nhóm ngân hàng quốc doanh không có biến động về lãi suất.

Các chuyên gia phân tích cho rằng việc tăng hay giảm lãi suất tiền gửi tùy thuộc vào chính sách huy động vốn của từng ngân hàng. Tuy nhiên, tiền gửi kỳ hạn dài trong hệ thống đang giảm đi, do đó việc tăng lãi suất ở kỳ hạn này sẽ giúp ngân hàng tránh tình trạng căng thẳng thanh khoản khi tín dụng phục hồi rõ nét hơn.

lai suat anh 1

Lãi suất tiền gửi tại 4 ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) vẫn bất động. Ảnh: Chí Hùng.

Sau các đợt tăng lãi suất dồn dập gần đây, các chuyên gia tại WiGroup cho rằng mặt bằng lãi suất tiền gửi vẫn ở mức thấp, cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại vẫn đang ổn định.

Dự báo về xu hướng lãi suất trong thời gian tới, Dragon Capital cho rằng sau mức giảm mạnh 0,7-0,9 điểm % đầu năm, lãi suất huy động có thể tăng lại 0,3-0,5 điểm % trong các tháng tới. Đây có thể coi như một đợt điều chỉnh lãi suất giữa chu kỳ giảm lãi suất để giảm bớt áp lực tỷ giá.

Còn ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam, cho rằng mặt bằng lãi suất tiết kiệm vẫn đang ở mức thấp kỷ lục và chắc chắn đã chạm đáy.

Mặt khác, tín dụng thường hồi phục vào quý II hàng năm, nên lãi suất tiết kiệm có thể tăng 0,5-1 điểm % từ nay đến hết năm.

Tương tự các công ty chứng khoán VCBS, MBS đều đưa dự báo lãi suất huy động sẽ tăng trong nửa cuối năm nay, mức tăng phổ biến khoảng 0,5-1%/năm.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đà tăng lãi suất lần này sẽ khó tạo ra một cuộc chạy đua toàn thị trường. Dòng tiền vẫn có xu hướng tìm đến kênh vàng, bất động sản, chứng khoán hơn là gửi tiết kiệm.

Theo Hồng Nhung/Znews
Bạn đang đọc bài viết "Sóng tăng lãi suất tiết kiệm kéo dài sang tháng 6" tại chuyên mục Tài chính.