Startup gọi vốn 6 tỷ đồng tại Shark Tank chuyển hướng sang Blockchain

09/01/2019 09:40

Không đơn thuần là nền tảng live video có hiệu ứng kỹ xảo, Nguyễn Minh Thảo theo đuổi Blockchain và xây dựng Umbala thành hệ sinh thái.

Umbala nổi danh trong cộng đồng startup sau khi được cam kết rót vốn 6 tỷ đồng trong chương trình Shark Tank Việt Nam đầu năm 2018. Sau một năm ồn ào, người sáng lập của Umbala, ông Nguyễn Minh Thảo cho biết công ty đang có những mục tiêu mới.

- Sau thành công tại Shark Tank, Umbala sử dụng số vốn gọi được ra sao?

- Trước tiên, ngoài nguồn vốn, lợi ích Shark Tank mang lại lớn nhất là giá trị thương hiệu và uy tín của công ty. Khi tham gia chương trình, chúng tôi xác định đây là một cơ hội để kích thích tăng trưởng theo chiến lược tiếp thị 0 đồng đến với cộng đồng khách hàng và nhà đầu tư. Rõ ràng, chúng tôi đã rất thành công với mục tiêu này.

Sau chương trình, Umbala có sức hút với nguồn nhân sự tài năng và có chất lượng, nhận rất nhiều tin nhắn, email gửi đến công ty của các bạn trẻ với mong muốn được tham gia và cống hiến cho các mục tiêu của Umbala. Từ con mắt người điều hành doanh nghiệp, tôi thấy rằng đây chính là nguồn vốn vô hình lớn cho công ty.

Về dòng tiền, thực tế trong quá trình thương lượng, phần trăm cổ phần, số vốn có thể thay đổi, hoặc thương vụ có thể thất bại do vấn đề pháp lý hoặc các trục trặc khác là rất bình thường. Đối với Umbala, khi làm việc với các Shark trong chương trình, chúng tôi đã có những thương lượng để làm sao nhận được khoản vốn phù hợp định giá về giá trị của công ty.

Có một điều thay đổi sau chương trình là lúc này công ty không đơn thuần là Umbala.Tv như lúc tham gia Shark Tank mà phát triển theo hướng mới với công ty Umbala Network và theo đuổi công nghệ Blockchain, định giá của công ty đã lớn hơn so với con số cũ.

- Anh và cộng sự tiếp cận các cơ hội sau Shark Tank như thế nào?

- Sau chương trình, may mắn lớn nhất tôi thấy chính uy tín của công ty Umbala và cá nhân tôi được nhiều người biết đến hơn. Tôi có cơ hội tiếp xúc, nói chuyện với nhiều bạn trẻ Việt Nam, cảm nhận về khao khát khởi nghiệp của họ.Tôi và cộng sự cảm thấy tự hào vì có thể tạo cảm hứng cho nhiều bạn học sinh, sinh viên và người Việt trẻ trên con đường khởi nghiệp.

Có những vị phụ huynh cũng nhận ra tôi trong quán ăn bày tỏ sự cảm ơn vì "mang đam mê cho con họ". Khi đó, tôi hiểu rằng, việc tôi kiên trì đeo đuổi giấc mơ khởi nghiệp công nghệ Việt Nam thực sự trở thành động lực, nguồn cảm hứng với các bạn trẻ Việt Nam. Tôi vui nhưng cũng cảm thấy áp lực. Nếu so với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, tỷ lệ thành công của các startup Việt rất thấp, dù mỗi cá nhân đều có khát vọng mang công nghệ Việt vươn tầm thế giới. Đôi lúc tôi thấy mình lạc lõng trong giới startups Việt. Song tôi cũng luôn nhắc bản thân mình, cần phải cố gắng nỗ lực hơn để hiện thực hóa khát vọng của bản thân, của cộng sự trong công ty và cho cả thế hệ người Việt trẻ.

Tôi ngẫm lại lúc mình 20 tuổi, bản thân thấy cô độc để mò đường khởi nghiệp. Thời đó khái niệm startup còn quá mơ hồ. Tôi cũng có nhiều dịp để gặp gỡ nhiều cá nhân kinh doanh tự thân và họ có doanh thu 100 tỷ đồng, 1.000 tỷ đồng cũng có. Tôi luôn muốn đem kiến thức công nghệ mình để hỗ trợ phần nào công việc kinh doanh của họ để gia tăng hiệu quả.

Bên cạnh đó, uy tín của Umbala đối với nhà đầu tư cũng tăng lên đáng kể. Một số tập đoàn lớn của Việt Nam muốn mua lại Umbala nhưng tôi từ chối vì nếu bán thì tôi đã bán công ty cho một tập đoàn tại Silicon Valley (Mỹ) hồi tháng 9/2016.

- Umbala phát triển theo hướng mới với công ty Umbala Network và theo đuổi công nghệ Blockchain. Tại sao có sự thay đổi này?

Chúng tôi đang ngày đêm nghiên cứu và phát triển Umbala Network - một nền tảng công nghệ Blockchain có hiệu năng, tốc độ cao và có thể liên kết hàng tỷ thiết bị liên quan đến camera. Hệ sinh thái các ứng dụng sử dụng camera này như một loại bàn phím nhập liệu mới hay đơn giản là một cửa sổ giao tiếp thời gian thực giữa người với người trên thế giới. Nền kinh tế này chúng tôi gọi là Eye Vision Computing Economy.

Trong thời đại công nghệ số, dữ liệu số càng ngày càng khẳng định giá trị và mang về doanh thu hàng tỷ đôla cho các tập đoàn sở hữu dữ liệu lớn trên thế giới như Facebook, Google... Trong dữ liệu được chiết xuất ra từ camera và giao tiếp trên màn hình camera là vô cùng có giá trị và tiềm năng lớn.

Nguyễn Minh Thảo - CEO Umbala Network.)

Theo dự báo đến năm 2020 sẽ có 44 tỷ camera trên toàn thế giới, với dân số thế giới tầm 10 tỷ dân, như vậy có nghĩa là mỗi người sẽ tương tác với 4-5 thiết bị camera. Điều này gợi ý cho rất nhiều mô hình kinh tế trong tương lai khai phá dựa trên dữ liệu mô tả về con người, hành vi con người vô cùng tiềm năng.

Công ty cũng có nhóm nghiên cứu phát triển các giao thức nền tảng để phục vụ sự chuyển đổi mô hình truyền thống liên quan đến thương mại điện tử, du lịch, ăn uống... có thể chuyển đổi hoạt động trên nền tảng Blockchain.

Bên cạnh đó, công ty mở rộng cơ hội hợp tác với nhiều doanh nghiệp khác để nghiên cứu các mô hình kinh tế truyền thống, ứng dụng công nghệ mới Blockchain và AI mang lại hiệu quả kinh tế và sinh lợi cho người dùng.

- Anh nghĩ sao khi có người cho rằng Umbala.tv thất bại sau Shark Tank?

- Trong binh gia, có câu "thắng thua là chuyện thường tình của binh gia", chúng ta có thể thua một số trận nhưng phải chiến thắng cuộc kháng chiến trường kỳ.

Umbala.Tv đã được chúng tôi đưa sang sang Mỹ với số vốn ít ỏi vài trăm nghìn đôla so với hàng chục triệu đôla của đối thủ đến từ Trung Quốc và Silicon Valley. Nhưng Umbala.Tv được giới trẻ Mỹ và quốc tế xem và lựa chọn là một ứng dụng tiêu biểu giúp người dùng tạo ra những video và trào lưu quay video trên mạng xã hội. Đây là một minh chứng cho thấy năng lực của công nghệ Việt hoàn toàn có thể phục vụ được thị trường thế giới.

Tuy nhiên, cuộc chiến trong thị trường người dùng cuối không đơn giản chỉ bài toán công nghệ, mà đó là cuộc chiến về vốn. Umbala.Tv xuất phát là một công ty công nghệ Việt Nam, số vốn quá nhỏ bé so với số vốn của các công ty Trung Quốc. Bài toán gọi vốn gặp quá nhiều rào cản ở tại chính Việt Nam, đơn giản là tâm lý đầu tư của người Việt vào công nghệ cũng không có niềm tin dài hạn, đôi lúc chỉ nhìn vào những lợi ích ngắn hạn mà bỏ đi tầm nhìn tỷ đôla của công nghệ Việt. Vì sự sống còn, không ít công ty công nghệ Việt phải bán cho các ông lớn nước ngoài để trở thành người làm thuê cho thế giới ngay trên chính thị trường Việt Nam. Đó cũng là lý do vì sao tôi thà chịu khó khăn chứ không bán công ty.

Nhưng chúng tôi bén duyên với công nghệ Blockchain. Sau Shark Tank nhiều "shark" và "whale" chìm đã liên hệ đầu tư vào Umbala. Một số doanh nghiệp tìm đến và mong muốn hợp tác với Umbala để áp dụng công nghệ Blockchain và công nghệ camera vào lĩnh vực kinh doanh truyền thống của họ. Lúc này chúng tôi luôn tràn đầy năng lượng bởi việc chấp nhận đánh đổi khó khăn giữ công ty cũng là cách để bản thân chúng tôi tìm kiếm được công nghệ mới mang đến cơ cơ hội sống trong cuộc chiến trường kỳ trên thị trường.

- Với hướng đi mới, thách thức mà anh gặp phải là gì?

Thách thức cơ bản của bất kỳ công ty công nghệ nào là con người và vốn. Về con người, tôi vẫn luôn đặt cược vào tài năng công nghệ Việt Nam. Bản thân đội ngũ những bạn trẻ đang cống hiến tại Umbala đang làm được điều này. Với vốn, đây là một thách thức lớn nhất ngăn cản chúng tôi đến với thị trường thế giới. Các đối thủ trong lĩnh vực này đến từ Trung Quốc, họ có nguồn vốn rất lớn được hỗ trợ từ chính phủ cũng như các quỹ tài chính mạnh.

- Đâu là lợi thế của Umbala Network khi theo đuổi Blockchain?

- Cá nhân tôi và anh em tại Umbala có kinh nghiệm phát triển các ứng dụng online hơn 15 năm, 8 năm làm các ứng dụng cho lĩnh vực Mobile Economy, đặc biệt là các ứng dụng chuyên về xử lý camera devices. Chính vì vậy, chúng tôi hiểu rõ tiềm năng của nền kinh tế dựa trên dữ liệu camera với thế giới.

Chúng tôi phát triển Umbala Network với tư duy xem dữ liệu camera như một loại tài sản số. Với triết lý này, chúng tôi mở rộng phát triển nền tảng minh bạch, an toàn dữ liệu, để các doanh nghiệp mang các nguồn lực vốn có vào phát triển hệ sinh thái cho nhiều ngành nghề khác nhau trong xã hội. Khi đó, viễn cảnh là tài sản số dựa trên camera của mỗi người có thể tạo ra doanh thu hàng năm cho chính họ và có thể chuyển nhượng, giao dịch các loại tài sản này cho nhau để thu lợi nhuận.

- Chiến lược của anh trong thời gian tới là gì?

- Mục tiêu của chúng tôi trước hết là thực hiện thành công chiến dịch gọi vốn. Thị trường đang khó khăn và công ty sẽ kết hợp mô hình gọi vốn truyền thống từ quỹ đầu tư mạo hiểm và gọi vốn từ các nhà đầu tư trong lĩnh vực Blockchain. Số tiền sẽ được chúng tôi phát triển ra sản phẩm nền tảng và bước đầu xây dựng hệ sinh thái .

Trong Blockchain, thực ra người ta ít khi trả lời "chúng tôi ở đâu trên thế giới" mà là "chúng tôi sẽ xây dựng nền tảng trong ngành nghề nào trên thế giới". Chúng tôi giải quyết vấn đề mà các Blockchain trên thế giới đang gặp phải bằng cách đưa ra thuật toán đồng thuận mới. Blockchain của Umbala Network được thiết kế ra để có thể tăng trưởng nhanh và hoạt động hiệu quả, dễ dàng tiếp người dùng cuối cùng.

Công ty quyết định xây dựng nền tảng cho nền kinh tế camera trên thế giới vì thấy rằng lĩnh vực có tiềm năng lớn. Vài năm tới, camera không đơn giản chỉ là thiết bị thu hình quay phim mà còn là cửa sổ giao tiếp giữa người với người.

Itheo Vnexpress