Vừa qua, Công ty CP Sữa Quốc tế LOF (UPCoM: IDP) đã công bố phương án kinh doanh, việc vay vốn, thế chấp tài sản và ký các hợp đồng/giao dịch tại 3 ngân hàng lớn.
Cụ thể, doanh nghiệp sẽ vay 700 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HoSE: BID), 600 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (HoSE: VCB) và 800 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (HoSE: CTG).
Đại gia ngành sữa cho hay, mục đích vay vốn chủ yếu để bổ sung vốn lưu động, phát hành bảo lãnh, thư tín dụng (LC) phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm sữa và từ sữa trong giai đoạn 2024-2025.
Bên cạnh đó, HĐQT Sữa Quốc tế LOF cũng thông qua phương án kinh doanh năm 2024. Doanh nghiệp kỳ vọng mang về 7.800 - 8.000 tỷ đồng doanh thu thuần, tương ứng mức tăng 17 - 20% so với kết quả kỷ lục thực hiện được từ năm trước.
Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế dao động trong khoảng 850 - 950 tỷ đồng, tức trong kịch bản thấp sẽ giảm 5% và kịch bản cao sẽ tăng trưởng 6% trên mức nền kỷ lục. Lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) được đặt mục tiêu 1.250 - 1.350 tỷ đồng, tăng 2 - 10% so với mức 1.229 tỷ đồng của năm 2023.
Về hoạt động kinh doanh, lũy kế bán niên 2024, doanh nghiệp ghi nhận 3.514 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 5% so với bán niên 2023. Lãi ròng đạt 511 tỷ đồng, vượt 13% so với cùng kỳ. Như vậy, Sữa Quốc tế đang thực hiện được 44% kế hoạch doanh thu và 54% kế hoạch lợi nhuận ở mức cao.
Về cơ cấu tài sản, tại thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản Sữa Quốc tế đạt 5.661 tỷ đồng, mở rộng 8% so với thời điểm đầu năm. Đóng góp chủ yếu vào cơ cấu tài sản tới từ 1.608 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi, chiếm 28% danh mục. Đáng chú ý, tài sản dở dang dài hạn vọt tăng 95% so với đầu năm, ghi nhận 1.169 tỷ đồng.
Phía bên kia nguồn cân đối kế toán, Sữa Quốc tế còn nợ 1.253 tỷ đồng, chủ yếu tới từ nợ vay ngắn hạn với 1.045 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã vay thêm 1.651 tỷ đồng, đáo hạn vay 1.174 tỷ đồng và trả lãi 16 tỷ đồng.
Thay áo, đổi tên, tham vọng thành doanh nghiệp tỷ USD
Tháng 7 vừa qua, Sữa Quốc tế đã đổi tên thành Sữa Quốc tế LOF. Trong đó, LOF được diễn giải là "Lots of love" (rất nhiều tình yêu). Đồng thời, doanh nghiệp đã chuyển trụ sở chính từ Ba Vì, Hà Nội đến khu công nghiệp Bàu Bàng, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.
Đây cũng là nơi đại gia ngành sữa đang đặt nhà máy sữa tại Bình Dương với tổng vốn đầu tư khoảng 2.800 tỷ đồng. Quyết định "chuyển nhà" được xem là bước đi quan trọng trong chiến lược "Nam tiến” của Sữa Quốc tế LOF sau những thành công nhất định tại khu vực miền Bắc.
Ngoài nhà máy Bàu Bàng, Sữa Quốc tế đang sở hữu hai nhà máy tại Ba Vì và Củ Chi với tổng công suất lên tới 300.000 tấn sản phẩm/năm. Như vậy, sau khi cả ba nhà máy vận hành, sản lượng sữa mà công ty cung cấp cho thị trường lên tới 1 triệu tấn/năm.
Chia sẻ về việc doanh nghiệp đổi tên, ông Bùi Hoàng Sang, Tổng giám đốc công ty cho biết: “Với nỗ lực và tầm nhìn mới, tôi hy vọng 5 năm tới doanh số của LOF sẽ lên gấp đôi và dài hạn là có thể lọt vào danh sách công ty Việt đạt doanh thu tỷ USD”.
Sữa Quốc tế LOF - thành lập năm 2004, được biết đến với thương hiệu sữa Kun, sữa LOF Ba Vì, Malto, LOF, LIF... Đây là một doanh nghiệp trong hệ sinh thái của vợ chồng "bà trùm" F&B Trương Nguyễn Thiên Kim.
Hiện, ông Tô Hải - chồng bà Thiên Kim đang là Chủ tịch HĐQT Sữa Quốc tế LOF. Ngoài ra, doanh nhân này còn giữ vị trí Tổng Giám đốc, thành viên HĐQT của Công ty CP Chứng khoán Vietcap (HoSE: VCI).
Trong khi đó, bà Trương Nguyễn Thiên Kim đang là thành viên HĐQT của Sữa Quốc tế LOF. Ngoài ra, nữ doanh nhân sinh năm 1976 này còn đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo của các doanh nghiệp như Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP D1 Concepts, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phê La, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Café Katinat, Thành viên Ban kiểm soát Công ty CP Bến xe Miền Tây (HNX: WCS).
Theo Vietnam Finance
https://vietnamfinance.vn/sua-quoc-te-lof-cua-vo-chong-ong-to-hai--ba-truong-nguyen-thien-kim-muon-vay-2100-ty-d115428.html