Sun Life Việt Nam hạch toán kế toán giảm hơn 600 tỷ đồng sai quy định làm gì?

06/07/2023 12:42

Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành kết luận thanh tra chuyên đề tại Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam. Cơ quan Thanh tra đã chỉ ra loạt vấn đề của doanh nghiệp này. Đặc biệt là việc hạch toán giảm chi phí cho đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng không đúng quy định;…

sun-life-viet-nam-1688622090.jpg

Hạch toán kế toán sai hàng loạt số tiền khủng, nhằm mục đích gì?

Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam (thành viên của tập đoàn Sun Life, có trụ sở tại Canada) là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài được thành lập tại Việt Nam năm 2013.

Năm 2021, Công ty triển khai bán bảo hiểm thông qua Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB)

Theo kết luận thanh tra, Bộ Tài chính xác định các quy trình, quy chế của Công ty chưa có quy định xử lý kỷ luật đối với cá nhân là nhân viên thuộc đại lý tổ chức là ACB và TPB.

Công ty chưa có biện pháp để xử lý, nhắc nhở đối với những đại lý bảo hiểm cá nhân, nhân viên ngân hàng chưa thực hiện đúng theo quy trình, quy chế phối hợp giữa Công ty và ngân hàng ghi nhận qua Chương trình khách hàng bí mật (một chương trình Công ty sử dụng bên thứ ba nhằm đánh giá chất lượng tư vấn và hoạt động bán hàng), …

Công ty chưa có biện pháp giám sát, xử lý đại lý đảm bảo đại lý nộp Biên nhận bàn giao hợp đồng bảo hiểm về Công ty đối với 304 hợp đồng bảo hiểm là chưa đúng quy định về bàn giao hợp đồng bảo hiểm tại Quy trình thẩm định bảo hiểm số QT.02.NVBH của Công ty.

Nếu hạch toán giảm như Sun Life Việt Nam là đúng thì các đại lý bán bảo hiểm chẳng tốn 01 xu nào bỏ ra để phát triển kinh doanh. Vậy có cần thanh tra toàn bộ các vấn đề Tài chính của đại lý kinh doanh bảo hiểm, để tăng ngân sách?

Đơn vị này còn cấp khống cho 5 đại lý kênh bancass không đủ điều kiện được đào tạo, đi thi chứng chỉ đại lý bảo hiểm nhưng được Công ty cấp chứng chỉ hoạt động đại lý.

Ngoài ra, công ty hạch toán các khoản chi phí, doanh thu liên quan đến hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2021 chưa đúng quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định pháp luật về thuế với tổng số tiền hơn 600 tỉ đồng gồm:

Chi trả chi phí hỗ trợ ban đầu, phí hợp tác cho các ngân hàng và đã hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN năm 2021 số tiền là 343.264.255.706 đồng.

Năm 2021, Công ty thực hiện hạch toán giảm doanh thu chưa chính xác số tiền 622.915.713 triệu đồng đối với 21 hợp đồng bảo hiểm đã hủy bỏ, chưa phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 21 và điểm b khoản 3 Điều 25 Thông tư số 50/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Chi trả, hạch toán hỗ trợ cho các ngân hàng chưa đúng quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định pháp luật về thuế, chi tiết gồm: Chi trả, hạch toán khoản chi phí hỗ trợ tiếp thị cho TPB số tiền là 121.408.625.217 đồng là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN năm 2021 nhưng không căn cứ chi phí thực tế triển khai các hoạt động marketing do TPB thực hiện; Chi trả, hạch toán khoản chi phí hỗ trợ tiếp thị cho ACB số tiền là 78.630.345.927 đồng vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nhưng không có đầy đủ hồ sơ, chứng từ liên quan đến nội dung khoản chi.

Chi trả, hạch toán khoản chi phí hỗ trợ cho ACB số tiền là 46.221.681.600 đồng vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN để thực hiện các chương trình thi đua cho các cấp quản lý không có chứng chỉ đại lý.

Chi trả, hạch toán khoản chi phí hỗ trợ cho TPB để TPB thực hiện các khuyến mại số tiền là 1.688.050.522 đồng vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Triển khai chương trình thi đua không phù hợp với văn bản đề xuất ban đầu, không liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm và hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN với số tiền 8.656.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, qua thanh tra chọn mẫu phát hiện 44 trường hợp đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng chưa thực hiện đúng quy định trong quá trình triển khai bán bảo hiểm.

Tỉ lệ hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trong năm thứ nhất lớn

Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2021 và số liệu báo cáo của Công ty, tổng doanh thu phí bảo hiểm qua kênh ngân hàng đạt 2.038,14 tỉ đồng.

Trong năm này, công ty phát hành mới 80.117 hợp đồng bảo hiểm qua kênh ngân hàng, trong đó có 3.247 hợp đồng bảo hiểm bị hủy bỏ trong thời gian cân nhắc (tương ứng với tỉ lệ 4,05%).

Đáng chú ý, tỉ lệ hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trong năm thứ nhất (sau thời gian cân nhắc) của các hợp đồng phát hành qua TPB là 73%, qua ACB là 39%.

Qua quá trình thanh tra, Bộ Tài chính giao Tổng cục Thuế chỉ đạo Cục thuế TP.HCM và các đơn vị có liên quan tiến hành đôn đốc, rà soát việc Sun Life Việt Nam thực hiện kê khai, tuân thủ quy định pháp luật về thuế, hóa đơn đối với các khoản chi nêu tại Kết luận thanh tra.

Bộ Tài chính đề nghị Tổng Giám đốc Sun Life Việt Nam thực hiện rà soát, tăng cường công tác quản lý việc triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để kiểm soát tình hình hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm nhằm bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, An toàn tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm.

Rà soát, chấn chỉnh công tác đào tạo đại lý, quản lý đại lý bảo hiểm, đảm bảo đại lý bảo hiểm thực hiện đúng quy định của pháp luật, của Công ty.

Rà soát, điều chỉnh công tác hạch toán, kế toán; không phân bổ các chi phí do doanh nghiệp bảo hiểm chi trả, hạch toán không đúng theo quy định pháp luật vào các quỹ chủ hợp đồng bảo hiểm; hạch toán điều chỉnh các khoản chi phí đã nêu tại Kết luận thanh tra; Thực hiện hạch toán điều chỉnh thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 và các thời kỳ có liên quan tương ứng.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các kiến nghị nêu trên, khắc phục toàn bộ những tồn tại trong Kết luận này. Báo cáo bằng văn bản kết quả thực hiện về Bộ Tài chính.

Việc hạch toán giảm số tiền khủng doanh thu sau khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp như vậy để làm gì? Đây là một câu hỏi rất cần các cơ quan chuyên trách làm sáng tỏ? Để bảo vệ quyền, lợi ích của nhà đầu tư, người mua bảo hiểm và tránh làm thất thoát ngân sách nhà nước.

Theo Trọng Dân/TTV