Sửng sốt: Một doanh nghiệp ở Bình Thuận có cổ phiếu tăng 226%

11/04/2020 09:26

Doanh nghiệp này chủ yếu phân phối vật tư nông nghiệp (phân bón) tại Bình Thuận, vừa mới được giao dịch phiên đầu tiên vào ngày 18/3/2020 và từ đó “cắm đầu” tăng trần 16 phiên liên tục.

Bitagco kinh doanh xăng dầu và đầu tư bất động sản bên cạnh hoạt động phân phối vật tư nông nghiệp
Bitagco kinh doanh xăng dầu và đầu tư bất động sản bên cạnh hoạt động phân phối vật tư nông nghiệp)

Ồ ạt chốt lời tại ABS

Phiên cuối tuần 10/4, cổ phiếu ABS của Công ty cổ phần Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thuận (Bitagco) đã không thể kéo dài được chuỗi tăng trần kỷ lục với việc bị chốt lời ồ ạt.

Nhà đầu tư quyết định bán mạnh bằng mọi giá đã khiến ABS bị giảm sàn 2.450 đồng xuống 32.750 đồng/cổ phiếu. Cuối phiên, mã này không hè có dư mua trong khi dư bán giá sàn còn gần 103 nghìn cổ phiếu, khớp lệnh đạt 312 nghìn cổ phiếu.

Đáng chú ý, Bitagco có vốn điều lệ 288 tỷ đồng, vừa mới được giao dịch phiên đầu tiên trên HSX vào ngày 18/3/2020 với mức giá đóng cửa phiên đầu tiên xấp xỉ 13.000 đồng. Kể từ đó, ABS liên tục tăng trần cho đến phiên 9/4 trước khi bị chốt lời và giảm sàn phiên 10/4. Tính ra, ABS đã duy trì được chuỗi tăng trần kéo dài tới 16 phiên với mức tăng giá tới 226%.

Cổ phiếu ABS của Bitagco lên sàn và tăng giá mạnh trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán. Mặc dù tuần này, các chỉ số có phần khởi sắc song trong tháng 3, VN-Index có nhiêu phiên giảm mạnh với mức mất điểm kỷ lục.

Mang tên là doanh nghiệp nông nghiệp song đây chỉ là 1 phần trong 3 mảng kinh doanh chính của Bitagco bên cạnh xăng dầu và bất động sản.

Được biết, trong lĩnh vực nông nghiệp, công ty chủ yếu kinh doanh phân phối vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu, các sản phẩm nông nghiệp. Bitagco có 500 đại lý phân phối trải dài từ Bình Thuận vào Bình Định trong đó lợi thuế lớn là được phân phối sản phẩm NPK tím của Chi nhánh nhà máy phân bón Năm Sao.

Ở mảng xăng dầu, Bitagco nắm 5 cửa hàng và gần 20 đại lý trải đều khắp toàn tình Bình Thuận. Công ty này đang là tổng đại lý của Dầu khí Đồng Tháp (Petimex), khả năng tiêu thụ của Bitagco khoảng trên 10 triệu lít xăng dầu, nhớt mỗi năm.

Về bất động sản, Bitagco ký hợp đồng hợp tác với Tập đoàn Năm Sao trong việc đầu tư vào giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của dự án bất động sản. Dự án Khu đô thị sinh thái Năm Sao Five Star Eco City có quy mô 195,9 ha tại Long An, tổng vốn đầu tư 4.150 tỷ đồng.

Sửng sốt: Một doanh nghiệp ở Bình Thuận có cổ phiếu tăng 226% - 2

Sửng sốt: Một doanh nghiệp ở Bình Thuận có cổ phiếu tăng 226% - 3

Diễn biến giá cổ phiếu ABS từ khi niêm yết vào trung tuần tháng 3/2020

Chuỗi tăng điểm 7 phiên của VN-Index “gãy mạch”

Chuỗi tăng trong tuần của VN-Index đã không thể kéo dài thêm với việc chỉ số chính kết phiên 10/4 giảm 2,39 điểm tương ứng 0,31% còn 757,94 điểm.

Trong khi đó, HNX-Index vẫn giữ trạng thái tăng nhẹ 1,1 điểm tương ứng 1,05% lên 106,18 điểm; UPCoM-Index lại giảm 0,11 điểm tương ứng 0,21% còn 50,63 điểm.

Thanh khoản đạt 338,4 triệu cổ phiếu tương ứng 4.122,24 tỷ đồng trên HSX và 49,91 triệu cổ phiếu tương ứng 456,54 tỷ đồng. Thị trường UPCoM có 18,95 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 149,4 tỷ đồng.

Độ rộng thị trường nghiêng nhẹ về phía các mã giảm với 363 mã giảm giá, 63 mã giảm sàn; 312 mã tăng và 70 mã tăng trần.

Phiên hôm qua, việc nhóm cổ phiếu Vingroup giảm giá đã gây áp lực đáng kể lên VN-Index. VIC giảm 1.000 đồng, VHM giảm 1.900 đồng đã lần lượt gây thiệt hại cho VN-Index 0,96 điểm và 1,81 điểm.

Bên cạnh đó, một số mã như MWG cũng giảm 1.300 đồng, VNM giảm nhẹ 500 đồng và VCB giảm 400 đồng.

Nhóm cổ phiếu họ FLC cũng quay đầu giảm. FLC giảm còn 3.000 đồng, AMD giảm còn 2.810 đồng, ROS giảm còn 4.100 đồng và HAI cũng giảm 2.640 đồng.

Nhóm cổ phiếu hàng không vẫn tiếp tục đạt được đà tăng tích cực đã thiết lập từ buổi sáng. VJC tăng trần lên 109.100 đồng và không hề còn dư bán; HVN tương tự cũng tăng trần lên 22.050 đồng, không có dư bán cuối phiên. ACV tăng 3.700 đồng lên 52.900 đồng; SAS tăng 1.500 đồng lên 24.800 đồng.

GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tăng trần lên 10.100 đồng và không hề có dư bán cuối phiên. Đây là một trong những mã có đóng góp đáng kể nhất cho VN-Index chỉ sau VJC. Cụ thể, nếu VJC đóng góp gần 1,1 điểm cho chỉ số chính thì đóng góp của GVR là 0,74 điểm.

Một yếu tố tiêu cực trong phiên cuối tuần này đó là tình trạng bán ròng của khối ngoại tiếp tục tái diễn. Khối ngoại vẫn bán ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị 112 tỷ đồng, trong đó, VIC bị bán ròng 72 tỷ đồng.

Theo nhận định của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tuần tới, VN-Index sẽ tiếp tục hướng đến thử thách vùng kháng cự 780-820 điểm.

Tuy nhiên, theo quan sát của nhóm phân tích, nhiều cổ phiếu đã đạt được mức hồi phục ấn tượng trong tuần qua và hiện đang tiếp cận các vùng kháng cự mạnh. Điều này có thể khiến chỉ số gặp áp lực chốt lời mạnh và điều chỉnh trong một vài phiên, trước khi tiếp tục quá trình hồi phục ngắn hạn.

Điểm tiêu cực hiện tại vẫn đến từ hoạt động bán ròng mạnh và kéo dài của khối ngoại. Ngoài ra, rủi ro đối với diễn biến thị trường trong thời gian tới còn đến từ các thông tin về kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp và các số liệu vĩ mô sẽ dần được công bố trong tháng 4.

Ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 có thể khiến cho lợi nhuận quý I của các doanh nghiệp niêm yết không đạt như kỳ vọng.

Mai Chi

Nguồn Dân Trí: https://beta.dantri.com.vn/kinh-doanh/sung-sot-mot-doanh-nghiep-o-binh-thuan-co-co-phieu-tang-226-20200411075246326.htm