Tài khoản trốn thuế tại ngân hàng Thụy Sỹ hết… bí mật

01/01/2019 11:50

Những người trốn thuế châu Âu có thể phải giấu tiền của mình ở nhà thay vì trong các tài khoản ngân hàng bí mật tại Thụy Sỹ.

Theo đó, Thụy Sỹ vừa đồng ý sẽ bắt đầu chia sẻ các thông tin tài chính với Liên minh châu Âu (EU), vì vậy người dân khu vực này sẽ gặp khó khăn hơn trong việc che giấu tài sản của mình để né tránh các cơ quan thuế.

Thỏa thuận giữa EU và Thụy Sỹ đồng nghĩa với việc trong tương lai các quốc gia châu Âu sẽ tự động nhận được tên, địa chỉ, mã số thuế và ngày sinh người dân của mình có tài khoản tại các ngân hàng của Thụy Sỹ. EU đã hoan nghênh thỏa thuận trên và xem đây là một bước đi quan trọng trong cuộc chiến chống trốn thuế.

Từ trước đến nay, Thụy Sỹ nổi tiếng là một nam châm hút các tài sản nước ngoài.

Và từ lâu, quốc gia này đã lưỡng lự trong việc thay đổi luật bảo mật ngân hàng, vốn cho phép các ngân hàng từ chối cung cấp dữ liệu về khách hàng của mình cho các cơ quan thuế. Một số tài khoản ngân hàng Thụy Sỹ thậm chí không có tên đi kèm mà sử dụng ID.

Tuy nhiên, khi áp lực đẩy lùi tình trạng trốn thuế trên toàn cầu gia tăng, Thụy Sỹ đã đi đến một số thỏa thuận song phương với các quốc gia như Anh và Australia. Được biết, hiện nước này đang đàm phán về một thỏa thuận tương tự với Mỹ.

Tháng 2 vừa qua, đại gia ngân hàng toàn cầu HSBC cũng gặp khó khăn sau khi có thông tin cho thấy ngân hàng này đã giúp đỡ các khách hàng của mình, bao gồm các công ty buôn bán vũ khí, những người trốn thuế và những người nổi tiếng, che giấu 100 tỷ USD trong các tài khoản bí mật tại Thụy Sỹ.

Theo số liệu của Công ty Tư vấn Deloitte, các ngân hàng Thụy Sỹ hiện đang nắm giữ 2,000 tỷ USD của các khách hàng nước ngoài, một con số cao hơn bất kỳ một quốc gia nào khác.

Anh và Mỹ đang theo sát Thụy Sỹ với số tiền lần lượt là 1.7 ngàn tỷ USD và 1.4 ngàn tỷ USD mà các ngân hàng của hai nước này đang nắm giữ của người nước ngoài. Tuy nhiên, Deloitte cho biết các quốc gia châu Á như Hồng Kông và Singapore đang nhanh chóng bắt kịp và có thể sớm vượt mặt Thụy Sỹ để trở thành trung tâm tài sản nước ngoài.

Bộ Tài chính Thụy Sỹ cho biết thỏa thuận trên là vì lợi ích của nước này như một điểm đến kinh doanh. Tuy nhiên, số liệu của Deloitte cho thấy trong các năm gần đây, số tài sản nước ngoài đang gửi tại Thụy Sỹ đã suy giảm. Theo đó, số liệu cho thấy các khách hàng đã rút khoảng 7% tiền gửi trước khi các biện pháp chống trốn thuế được áp dụng.

Phước Phạm (Theo CNN Money