Tại sao lợi nhuận anh cả ngành xây dựng Coteccons lại lao dốc?

27/07/2019 16:56

Dù công bố báo cáo tài chính khá sớm, nhưng lợi nhuận của “anh cả” ngành xây dựng Việt Nam là Coteccons trong quý 2 chỉ đạt 124 tỷ đồng, giảm 71% so với cùng kỳ và cũng là mức thấp nhất kể từ tháng quý 2/2015 đến nay. Với việc sụt giảm lợi nhuận này, giá cổ phiếu CTD của Coteccons đang ở trong vùng thấp nhất kể từ tháng 6 năm 2016. Vậy bí mật sau sự lao dốc về kết quả kinh doanh của Coteccons là gì?

>>>Tâm điểm mâu thuẫn tại Coteccons: Những ai đang sở hữu Ricons?

Tại sao lợi nhuận anh cả ngành xây dựng Coteccons lại lao dốc?

Cơ cấu doanh thu của CTD đang thay đổi chuyển dần sang doanh thu xây dựng nhà xưởng và khách sạn, resort ngày càng lớn. Nguồn: Báo cáo thường niên

Kết quả kinh doanh sa sút

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/07, giá cổ phiếu CTD ở mức 111.000 đồng/cổ phiếu. Mặc dù đây là mức giá đã cao hơn 10% so với đầu tháng 7 nhưng nằm trong vùng giá thấp nhất kể từ giữa năm 2016 và chưa bằng 50% so với mức giá cao nhất của CTD đạt được vào cuối năm 2017. Sự sụt giảm giá cổ phiếu CTD đã phản ánh phần nào kết quả kinh doanh sa sút của “anh cả” trong ngành xây dựng này.

Thật vậy, có lẽ nhiều cổ đông không hình dung được lợi nhuận của Coteccons quý 2 vừa qua lại sụt giảm tới 70% và chỉ đạt 124 tỷ đồng. Tính gộp nửa đầu năm lợi nhuận của CTD chỉ đạt 312 tỷ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ. Xét về doanh thu trong 6 tháng đầu năm CTD chỉ đạt 10.037 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm CTD mới chỉ đạt 24% kế hoạch lợi nhuận.

Trước đó năm 2018, doanh thu hợp nhất của Coteccons đạt 28.560 tỷ đồng, tăng 5,2% và lợi nhuận đạt 1.510 tỷ đồng giảm 8,6% so với năm trước. Đây là năm đầu tiền kể từ năm 2007 lợi nhuận của CTD sụt giảm. Sự sụt giảm lợi nhuận này có thể là khởi đầu cho những khó khăn mà doanh nghiệp lớn nhất trong ngành xây dựng này gặp phải.

Mặc dù đang khó khăn nhưng Coteccons vẫn hiện vẫn được xem là doanh nghiệp lớn nhất trong ngành xây dựng. Thời gian qua Conteccons đánh dấu bước phát mạnh mẽ khi được chọn là tổng thầu xây dựng tòa nhà Landmark 81 của Vingroup, một tòa nhà có chiều cao đứng thứ 8 trên thế giới. Hiện nay, doanh nghiệp này vẫn đang là doanh nghiệp lớn trong ngành xây dựng và vượt xa nhiều đối thủ trong ngành.

Trong những năm qua Coteccons luôn có những bước phát triển vượt bậc. Tính trong giai đoạn 2013-2017 tăng trưởng doanh thu hàng năm của Coteccons lên đến 44,6%, còn lợi nhuận lên đến 55,6%. Doanh thu từ mức chỉ có 4.477 tỷ đồng vào năm 2012 tăng vọt lên 27.153 tỷ đồng năm 2017, tương ứng trong khoảng thời gian này lợi nhuận lần lượt là 218 tỷ đồng và 1.652 tỷ đồng.

Những bước tăng trưởng vượt bậc của Coteccons gắn liền với giai đoạn phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản và sự phục hồi của nền kinh tế. Coteccons đã thực hiện rất nhiều dự án bất động sản cho tập đoàn Vingroup. Ngoài ra, Conteccons cũng là nhà thầu lớn trong lĩnh vực xây dựng công nghiệp khi tham gia thực hiện các nhà máy của Trường Hải, Hòa Phát và Vin Fast.

Tại sao lợi nhuận anh cả ngành xây dựng Coteccons lại lao dốc?

Doanh thu tăng trưởng chậm lại và lợi nhuận Conteccons bắt đầu sụt giảm từ năm 2018. Nguồn: CafeLand

Nguyên nhân từ đâu?

Sự sụt giảm kết quả kinh doanh của CTD có lẽ không phải là một kết quả quá bất ngờ đối với nhiều nhà đầu tư. Thời gian qua CTD hứng chịu nhiều biến động lớn với nhiều cơn sóng gió liên tục nổi lên. Trong Đại hội cổ đông mới đây của doanh nghiệp này nhiều nội dung quan trọng đã không được thông qua như việc sửa đổi điều lệ, phát hành cổ phiếu cho cán bộ chủ chốt, thưởng khuyến khích kết quả kinh doanh. Đặc biệt, trong nội dung quan trọng nhất là việc sáp nhập với Ricons (Conteccons đang sở hữu 14,87%) đã không được đưa vào nội dung Đại hội cổ đông như kế hoạch trước đó.

Không chỉ việc các cổ đông của CTD chia rẽ (nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu 47%) mà trước đó cũng có nhiều rạn nứt trong ban điều hành. Thực vậy, vào giữa năm 2018 ông Trần Quang Tuấn - Phó Tổng giám đốc và cũng là một trong những người đã chèo lái Coteccons từ những ngày đầu đã từ chức và thành lập Central Cons. Đây được xem là một trong những ‘’đối thủ” của Conteccons trong ngành xây dựng.

Xét về khía cạnh tài chính thì sự sa sút của Conteccons cũng thể hiện rất rõ ràng qua việc lợi nhuận gộp biên liên tục sụt giảm. Cụ thể, lợi nhuận gộp trên doanh thu của Coteccons trong 6 tháng đầu năm 2019 chỉ còn 4,55%, đây là mức thấp hơn nhiều so với mức 6,42% của năm 2018, mức 7,43% của năm 2017 và 8,66% năm 2016.

Con số này cho thấy hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp này ngày càng thấp. Nguyên nhân có thể do tình trạng cạnh tranh trong ngành xây dựng ngày càng mạnh hoặc là việc kiểm soát chi phí công ty đang thực hiện không tốt. Ngoài ra, cũng có quan điểm cho rằng một phần lợi nhuận của Conteccons có thể được chuyển sang công ty liên kết như Xây dựng Ricons, Hạ tầng FCC…

Ngoài những nguyên nhân xuất phát từ vấn đề nội tại của Conteccons thì doanh nghiệp này cũng chịu ảnh hưởng từ những yếu tố khách quan. Thị trường bất động sản sau một khoảng thời gian phát triển bùng nổ đã có nhiều dấu hiệu chững lại. Thống kê cho thấy nguồn cung căn hộ, Condotel trong 6 tháng đầu năm 2019 đều giảm rất mạnh. Đặc biệt, tại TP.HCM cùng với những sóng gió đối với hàng ngũ lãnh đạo thì có rất nhiều dự án bất động sản đã phải dừng lại vì thanh tra. Cùng với đó việc xây dựng nhiều dự án cũng bị đình trệ. Điều không chỉ kéo theo sự khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp bất động sản mà cả đối với các doanh nghiệp trong ngành xây dựng như Conteccons.

Tại sao lợi nhuận anh cả ngành xây dựng Coteccons lại lao dốc?

Hiệu quả kinh doanh của Coteccons ngày càng sụt giảm thể hiện qua ROE và lợi nhuận gộp biên giảm khá mạnh. Nguồn: CafeLand

Khoản phải thu của Coteccons và lời cảnh báo cho ngành xây dựng

 Không chỉ lợi nhuận giảm sút và mới chỉ đạt 24% kế hoạch năm, điều đáng lo ngại với Coteccons là các khoản phải thu đang rất lớn. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp trong ngành xây dựng. Nếu thị trường bất động sản đóng băng, thậm chí chỉ cần gặp khó khăn thì các doanh nghiệp trong ngành này chắc chắn sẽ đối mặt với rất nhiều rủi ro.

Khoản phải thu lớn

Khoản phải thu của Coteccons và lời cảnh báo cho ngành xây dựng

Trên báo cáo tài chính hợp nhất của Coteccons kết thúc quý 2-2019, khoản phải thu ngắn hạn lên tới 8.000 tỉ đồng, trong đó dự phòng khoản nợ khó đòi lên tới 209 tỉ đồng. So với đầu năm thì khoản phải thu của CTD đã giảm hơn 1.200 tỉ đồng. Vòng quay khoản phải thu của CTD gần năm tháng, tương đương với 2,5 lần.

So với nhiều doanh nghiệp xây dựng khác thì vòng quay khoản phải của CTD được xem là khá khả quan. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) khoản phải thu ngắn hạn lớn hơn ba lần vốn chủ sở hữu và vòng quay khoản phải thu lên đến gần một năm. Dù vậy, rủi ro các khoản phải thu của CTD cũng là một điều rất đáng chú ý.

Trên thực tế, với các doanh nghiệp trong ngành xây dựng, một trong những rủi ro lớn nhất chính là thu hồi công nợ. Nhiều công ty trong ngành xây dựng dù đạt được kết quả kinh doanh khả quan, tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) luôn duy trì ở mức khá cao nhưng cổ phiếu thường bị nhà đầu tư đánh giá thấp.

Cổ phiếu HBC của Xây dựng Hòa Bình là một ví dụ điển hình. So với với mức giá đỉnh điểm đạt được vào giữa năm 2017 thì giá cổ phiếu HBC hiện nay đã giảm gần 70% và đang giao dịch quanh mức 14.000 đồng/CP, tương đương giá trị sổ sách. Một trong những nguyên nhân khiến cho nhà đầu tư không thích cổ phiếu này là khoản phải thu quá lớn và đầy rủi ro

Trở lại với trường hợp của CTD, theo thuyết minh báo cáo tài chính của công ty thì khoản phải thu ngắn hạn do khách hàng chưa trả tiền lên đến 6.960 tỉ đồng. Trong đó, riêng khoản phải thu từ Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt lên tới 788 tỉ đồng. Được biết, công ty này là một trong những công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Cuối năm 2018, Ngôi Sao Việt bị khách hàng mua chung cư cao cấp D'Capitale tố “treo đầu dê bán thịt chó”.

Ngoài ra, CTD còn có khoản phải thu ngắn hạn trị giá 6.171 tỉ đồng không được thuyết minh một cách rõ ràng. Được biết, khách hàng lớn nhất của CTD hiện nay là Vingroup, Sungroup, Trường Hải, Hòa Phát, Tân Hoàng Minh… Do đó, có lẽ những khoản nợ khổng lồ của CTD cũng đến từ những tập đoàn lớn này.

Trong các hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp thi công xây dựng với chủ đầu tư,  thanh toán thường theo tiến độ thực hiện công việc. Do đó, phần hoạch toán doanh thu của doanh nghiệp xây dựng thường tương ứng với tiến độ thi công. Khi công việc xây dựng đủ điều kiện ghi nhận doanh thu thì chủ đầu tư cũng thường phải thanh toán cho nhà thầu. Do đó, khi khoản phải thu lớn và tăng nhanh hơn doanh thu là biểu hiện cho thấy các chủ đầu tư có thể đang thanh toán chậm hơn so với tiến độ các công việc thực tế thực hiện.

Như vậy, việc vòng quay khoản phải thu giảm, giá trị khoản phải thu tăng là dấu hiệu cho thấy ngành bất động sản đang dần trở nên khó khăn.

Những cảnh báo đối với ngành xây dựng và bất động sản

Khoản phải thu của Coteccons và lời cảnh báo cho ngành xây dựng

Cái tên của Hòa Bình, Coteccons xuất hiện dày đặc trong các công trình xây dựng tại các đô thị lớn, khu nghỉ dưỡng, khu công nghiệp ở Việt Nam. Đáng lẽ đây là bằng chứng vững chắc cho thấy sự phát triển khả quan của ngành này. Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy một số dấu hiệu rủi ro cho ngành này. Sự lao dốc của cổ phiếu ngành xây dựng trong thời gian qua là một minh chứng rõ ràng cho vấn đề này.

Năm 2018, Coteccons đã không duy trì được tốc độ tăng trưởng doanh thu cao như trước khi lợi nhuận sụt giảm khá mạnh. Đặc biệt, trong sáu tháng đầu năm 2019, cả doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp này đều giảm mạnh. Lợi nhuận biên cũng từ mức hơn 7% những năm trước đó giảm xuống chỉ còn 4,3%.

Đặc biệt, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Coteccons trong sáu tháng cũng âm 145 tỉ đồng. So với năm 2018, dòng tiền hoạt động kinh doanh (âm 1.452 tỉ đồng) đã thiếu hụt ít hơn, nhưng cũng là một dấu hiệu cho thấy dòng tiền thu được từ việc kinh doanh của Coteccons đang bị hao hụt dần.

Bất động sản, sau một khoảng thời gian bùng nổ, cũng đã kéo theo ngành xây dựng khởi sắc. Thời kỳ “đỉnh cao” là giai đoạn 2013-2017, tăng trưởng doanh thu trung bình năm năm của CTD lên tới 45%/năm, lợi nhuận lên tới 55,63%/năm. Doanh nghiệp xây dựng khác là Hòa Bình cũng đạt được mức tăng trưởng rất cao trong giai đoạn này. Tuy nhiên, đến năm 2018 thì tăng trưởng doanh thu chỉ còn ở mức khá thấp, lợi nhuận sụt giảm. Kết quả trong sáu tháng đầu năm 2019, tình hình còn tệ hại hơn.

Có một số ý kiến cho rằng sự suy giảm của Coteccons ngoài yếu tố thị trường còn có những yếu tố bất lợi từ các vấn đề nội tại của mình. Doanh thu Coteccons không còn được duy trì ở mức cao là do một phần doanh thu và lợi nhuận đã được chuyển sang công ty liên kết là Ricons.

Thực vậy, Ricons dù là một công ty mới thành lập và có vốn điều lệ chỉ 300 tỉ đồng nhưng lại liên tiếp trúng thấu những dự án lớn với giá trị lên đến hàng chục nghìn tỉ đồng. Không chỉ có vậy, Coteccons còn “ưu ái” mua hàng từ Ricons lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Hiện các cổ đông nước ngoài đang nắm giữ 49% cổ phần tại Coteccons và không đồng ý sáp nhập Ricons vào Coteccons trong kỳ Đại hôi cổ đông vừa.

Ngoài ra, ông Trần Quang Quân, Chủ tịch HĐQT của Ricons, là cổ đông sáng lập của Coteccons và ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT của Coteccons, hiện đang là Phó chủ tịch HĐQT của Ricons. Tuy nhiên, thực tế kết quả kinh doanh trong sáu tháng đầu năm 2019 của Ricons cũng khá tệ hại khi lợi nhuận sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Những số liệu kết quả kinh doanh cho thấy các doanh nghiệp xây dựng đang gặp không ít khó khắn với các khoản phải thu khá lớn. Đây chính là những cảnh báo đối với thị trường bất động sản và triển vọng các doanh nghiệp trong ngành xây dựng trong thời gian tới.

Hoàng Nam/Cafeland