Tần Lê - CEO Emotiv: Từ cô bé nhập cư mặc đồ cũ, đi tất rách, bị bạn bè xua đuổi đến người phụ nữ nắm giữ tương lai, tạo ra công nghệ giúp điều khiển đồ vật bằng suy nghĩ

08/03/2019 23:13

Cô gái Việt Nam di cư đến Úc cùng gia đình theo diện 3 "không": Không tiền, không ngoại ngữ, không chỗ dựa nhưng sở hữu những phẩm chất "có" đầy đáng giá: Có nghị lực, có quyết tâm, có ý chí.


Cô gái Việt Nam di cư đến Úc cùng gia đình theo diện 3 "không": Không tiền, không ngoại ngữ, không chỗ dựa nhưng sở hữu những phẩm chất "có" đầy đáng giá: Có nghị lực, có quyết tâm, có ý chí.

Lê Thị Thái Tần, thường được biết đến với tên gọi Tần Lê, có thể coi như "ngôi sao" trong giới công nghệ. Năm 2010, chị đã gây chấn động cả thế giới khi sáng tạo ra thiết bị đọc sóng não EPOC, giúp con người chỉ dùng suy nghĩ nhưng vẫn điều khiển được các vật thể trong thế giới ảo và sau này là thế giới thực.

Tuy nhiên, để có được thành công như ngày hôm này, Tần Lê đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách mà ít người có thể ngờ tới. Chị kể tại diễn đàn danh tiếng của nữ giới, TEDxWomen rằng chị rời Việt Nam từ khi 4 tuổi cùng bà ngoại, mẹ và em gái để đến Úc theo diện nhập cư: không tiền, không ngoại ngữ, không chỗ dựa.

4 người phụ nữ của 3 thế hệ tạo lập cuộc sống mới cùng nhau ở Footscray, vùng ngoại ô, nơi đa phần đều là những người nhập cư nghèo khổ, nói thứ tiếng Anh bập bẹ giống họ.

"Chúng tôi rất nghèo, từng đồng tiền đều được cân nhắc nhưng tiền học thêm Tiếng Anh và Toán luôn được đặt riêng ra, dù phải bớt chi tiêu vào các khoản khác. Thường thì là các khoản cho quần cáo mới".

"Chúng tôi luôn mặc đồ cũ, mang hai đôi tất đi học để đôi này che lỗ thủng của đôi kia, mặc bộ đồng phục dài tới mắt cá vì phải cần mặc tới 6 năm nữa".

Tuy nhiên nỗi khổ vì thiếu thốn vật chất có lẽ không đáng sợ bằng sự đau đớn trong tinh thần. Dù không thường xuyên nhưng Tần Lê cho biết chị rất đau lòng khi bạn bè chế giễu là "đồ mắt hí" hay đôi khi trên tường xuất hiện những dòng chữ "bọn Châu Á, về nhà đi".

"Nhưng về nhà là về đâu", chị tự hỏi.

Bối cảnh khó khăn cộng với hình ảnh kiên cường của mẹ, dù phải làm việc trong dây chuyền sản xuất ô tô 6 ngày/tuần, mỗi tuần 2 ca nhưng vẫn tìm được thời gian để học Tiếng Anh và lấy chứng chỉ công nghệ thông tin, là động lực khiến Tần Lê cố gắng mỗi ngày.

Cùng lúc chị sống trong 2 thế giới song song: Một thế giới của những mảnh đời bấp bênh, tổn thương sâu sắc bởi bạo lực, nghiên ngập và cô quạnh; còn ở một thế giới khác, chị là học sinh gốc Á điển hình, luôn đặt ra yêu cầu khắc nghiệt với bản thân để tiến về phía trước.

Tần Lê - CEO Emotiv: Từ cô bé nhập cư mặc đồ cũ, đi tất rách, bị bạn bè xua đuổi đến người phụ nữ nắm giữ tương lai, tạo ra công nghệ giúp điều khiển đồ vật bằng suy nghĩ - Ảnh 1.

Nhờ sự cố gắng không ngừng, cô gái gốc Việt hoàn thành sớm chương trình phổ thông tại Úc khi mới 16 tuổi. Sau đó, chị được nhận được nhận vào Đại học Monash danh giá và tốt nghiệp loại ưu chỉ trong vòng 3 năm ở cả hai ngành Luật, Thương mại.

Sự nghiệp rộng mở khi Tần Lê trở thành luật sư của hãng luật hàng đầu thế giới FreeHills, nhưng cũng lúc này chị từ bỏ để theo đuổi con đường khởi nghiệp trong một lĩnh vực hoàn toàn không liên quan đến ngành học: nghiên cứu công nghệ phát triển bộ não con người.

"Trên thế giới có 7 tỷ người, nghĩa là có 7 tỷ bộ não, nhưng 2 tỷ trong số đó mắc các bệnh về thần kinh, đột quỵ, trầm cảm, mất trí nhớ khi về già… Đấy là chỉ nói đến bệnh tật, còn chưa nói trong tương lai trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng ưu việt vì học hỏi nhanh, lại tích lũy được lượng kiến thức khổng lồ con người đã xây dựng trong hàng ngàn năm. Muốn xây dựng một thế hệ mới cạnh tranh với AI thì phải làm sao cải thiện được bộ não người".

"Vì yếu tố này mà mình chọn lĩnh vực rất xa vời là công nghệ não. Mình nghĩ trong tương lai, con người cần có bộ não tốt hơn, hạn chế bênh tật, tương tác được với toàn bộ hệ thống thông tin xung quanh", Tần Lê cho biết.

Năm 2003, Tần Lê cùng người đồng sáng lập Đỗ Hoài Nam thành lập Emotiv System, với ý tưởng dùng ý nghĩ và cảm xúc để điều khiển thiết bị điện tử. Sau 7 năm nghiên cứu ý tưởng thành hiện thực vào 2010 với chiếc mũ đọc sóng não EPOC gây sốt toàn cầu, thu về hơn 10 triệu USD.

Thành tựu này đưa Tần Lê, ngay trong năm đó, lot vào danh sách Những phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất trên thế giới trong lĩnh vực công nghệ của Fast Company. Cùng với một người gốc Á nữa, chị cũng vinh dự nằm trong danh sách của Forbes về 50 gương mặt cần biết trong năm 2011.

Đặc biệt hơn, sản phẩm của Emotiv còn gây chú ý với giới truyền thông khi 2017, Rodrigo Mendes, một người bị bại liệt ở Brazil đã tự lái được chiếc xe của giải đua công thức một (F1) nhờ sử dụng chiếc mũ đọc sóng não Epoc.

Với công nghệ điện não đồ được kết nối với xe qua một hệ thống máy tính, chiếc mũ giúp đo điện não của người đội và cho phép Mendes điều khiển xe bằng ý nghĩ. Sau quá trình tập luyện nhiều tháng, Mendes có thể điều khiển xe tăng tốc bằng cách tưởng tượng mình đang ăn mừng một bàn thắng bóng đá. Để rẽ phải, anh nghĩ mình đang ăn thứ gì đó thật ngon lành còn rẽ trái là hình ảnh Mendes đang nắm tay lái một chiếc xe đạp.

Đến nay, ngoài trụ sở chính ở Mỹ, công ty của Tần Lê hiện có văn phòng ở Australia và Việt Nam. CEO gốc Việt kỳ vọng thị trường trong nước sẽ giúp chị thực hiện được mục tiêu đảm bảo ứng dụng phát triển gần gũi với tất cả mọi người trên thế giới, chứ không chỉ dành cho người giàu có ở các nước phát triển.


Nhật Anh

Theo Trí Thức Trẻ