Thấy gì ở vị vua sẵn sàng ‘trảm tướng’ vì… đi làm muộn?

19/04/2018 11:38

Hiếm có quốc gia nào trên thế giới mà người đứng đầu sẵn sàng vi hành để kiểm tra xem các quan chức Chính phủ đi làm có đúng giờ hay không. Tại Dubai, các quan chức cấp cao có thể ngay lập tức bị sa thải chỉ vì một ngày… đi làm muộn.

Một chuyến thăm không hẹn trước

Tháng 8 năm ngoái, nhà vua Dubai nổi tiếng hay “trảm tướng” với tuyên bố tiểu vương quốc của ông “không có chỗ cho tham nhũng” đã bất ngờ kiểm tra văn phòng Bộ Đất đai và Bộ Phát triển Kinh tế vào sáng sớm. Phát hiện một số bàn của quan chức cấp cao vẫn bỏ trống dù đã vào giờ làm việc, 9 quan chức ngay lập tức đã bị ông sa thải chỉ một ngày sau đó.

Đây có thể là một câu chuyện lạ đối với nhiều nước, nhất là với Việt Nam, nhưng tại Dubai, hành động này được xem như chuyện thường ngày và không có gì quá bất ngờ.

Không chỉ thường xuyên đi vi hành, Đức vua Dubai còn thiết lập cơ chế theo dõi bao gồm các đội “khách hàng bí mật” mà các thành viên được huấn luyện đặc biệt để đánh giá mức độ dịch vụ tại các cơ quan Chính phủ. Những người này sẽ ghé thăm các cơ quan Chính phủ như khách hàng bình thường để xem cách các cán bộ công chức làm việc với người dân, năng suất làm việc cũng như mức độ phục vụ của họ khi tiếp công chúng.

Từ câu chuyện vi hành của Quốc vương Dubai liên tưởng đến Việt Nam, chắc chắn nhiều người trong số chúng ta có phần… “hơi nhột”. Không phải ngẫu nhiên mà có những ý kiến “mặc định” cho rằng: Người Việt rất ít khi đúng giờ! Thậm chí cứ đến trễ là mặc nhiên bị cho rằng “người Việt đấy”.

Trễ giờ hẹn, đi làm trễ trở thành thói quen xấu khó bỏ, tật xấu ăn sâu vào máu của rất nhiều người Việt. Bởi vậy cho nên mới có câu chuyện đi làm đúng giờ được tung hô, được biểu dương, khen thưởng. Lạ thật!

Ít ai hiểu được rằng đi làm đúng giờ chính là tôn trọng tập thể, đến hẹn đúng giờ là tôn trọng đối tác, tôn trọng bạn bè và đúng giờ cũng chính là tôn trọng chính bản thân mình.
Ở Việt Nam đi làm trễ một ngày có thể chẳng có gì là đáng lên án, thậm chí như một điều hiển nhiên trong cuộc sống. Nhưng nếu như bạn sống ở một đất nước khác, như Dubai chẳng hạn, có lẽ bạn sẽ phải trở thành kẻ thất nghiệp… bền vững vì chẳng nơi nào có thể “bao dung” được bạn.

Thông điệp về tầm nhìn vượt trội trong quản lý

Chuyến viếng thăm không hẹn trước của Quốc vương Dubai, theo vị giám đốc văn phòng truyền thông Chính phủ tại Dubai, là sự gửi gắm một thông điệp rằng “làm việc đúng giờ cần được bắt đầu từ các vị trí cấp cao và chúng ta không thể đổ lỗi cho nhân viên khi các lãnh đạo vẫn chưa có mặt tại đây”.

Mục đích những chuyến vi hành vào buổi sáng sớm của Đức vua Dubai cuối cùng chính là nhằm “đảm bảo các dịch vụ công đáp ứng được tiêu chuẩn đáng ngưỡng mộ của Dubai trên toàn cầu” (theo báo Gulf News).

Và đó cũng chính là tầm nhìn của ông trong vấn đề quản lý tiểu vương quốc Dubai mà chúng ta phải chấp nhận một sự thật: Việt Nam chưa thể làm được!.

Sự vượt trội trong quản lý của Quốc vương Dubai còn được thể hiện rõ ràng thông qua một chương trình mang tính cách mạng trong cải cách quản lý có tên Chương trình Hoàn thiện Chính phủ Dubai, được khởi xướng từ năm 1997.

Cách ông quản lý và điều hành bộ máy công quyền chứng minh cho một quan điểm nhất quán rằng, mức độ phát triển của đạo đức cá nhân và đạo đức nghề nghiệp là một phần tích hợp của tiến bộ. Tầm nhìn của một nhà lãnh đạo không chỉ là tầm nhìn về kinh tế hay phát triển mà còn là tầm nhìn về xã hội và đạo đức - “tầm nhìn mà phát triển và các giá trị đạo đức, xã hội cần để bổ trợ lẫn nhau”.

Không phải ngẫu nhiên người đứng đầu của một tiểu vương quốc lại sẵn sàng đi đến tận từng cơ quan vào những buổi sáng sớm chỉ để xem cấp dưới của mình làm việc có đúng giờ hay không. Sâu xa của tất cả mọi chuyện đều xuất phát từ một tầm nhìn vượt trội, và tư duy toàn cầu của Quốc vương Dubai, và có lẽ trên hết là xuất phát từ tầm nhìn của một người lãnh đạo luôn đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu.

Theo ông Mohammed Bin Rashid Al Maktoum, “người lãnh đạo tốt là người luôn đặt lợi ích của cộng đồng lên trước lợi ích của bất kỳ phe nhóm nào”. Ở Dubai, chúng ta có thể thấy các nhà lãnh đạo đi bộ trên các đường phố chứ không ngồi trên xe bọc thép cùng với đoàn tùy tùng đầy ô tô và xe máy.

Ông còn cho rằng, nếu một nhà lãnh đạo chỉ nhìn thấy đoàn tùy tùng và cung điện, không tiếp xúc với người dân, lắng nghe những vấn đề, nguyện vọng của họ thì tầm nhìn, suy nghĩ và quyết định của ông ta sẽ đi một đường, còn những người xung quanh sẽ rẽ sang đường khác. Bởi vì, cơ sở của một tầm nhìn đúng đắn - theo vị vua này - là tất cả phải vì lợi ích của nhân dân.

Điều đó cũng lý giải vì sao một tiểu vương quốc có nhiều người dân chết đói trong một nền kinh tế kiệt quệ như Dubai lại có thể vụt nổi lên như một hiện tượng thành công vượt trội. Chỉ trong vòng 20 năm, với dân số khoảng 2 triệu người trên một diện tích 4.000 km2, quốc gia này đã phát triển thần kỳ, trở thành một thành phố toàn cầu và là một trung tâm kinh tế của thế giới với các trung tâm tài chính, công nghệ thông tin, du lịch, cảng biển, bất động sản và những công trình đồ sộ bậc nhất thế giới.

Câu chuyện về vị vua sẵn sàng “trảm tướng” đi làm muộn chỉ là cách để chúng ta khơi gợi một vấn đề lớn hơn, đó chính là tầm nhìn và tư duy toàn cầu trong việc phát triển đất nước. Đây cũng là điều mà thế hệ trẻ Việt hoặc còn thiếu, hoặc còn chưa thật sự có một cái nhìn đúng đắn. Chúng ta muốn có thành công, hay muốn có một Việt Nam phát triển thần kỳ trong tương lai cần rất nhiều sự thay đổi trong tư duy và tầm nhìn của thế hệ trẻ.

Như quốc vương Dubai đã từng viết trong cuốn Tầm nhìn thay đổi quốc gia rằng: “Nếu chúng ta thất bại trong việc đào tạo giới trẻ, không cho họ kỹ năng cũng như không thể khơi gợi tinh thần vượt trội và sáng tạo trong lòng bọn trẻ, chúng ta sẽ không bao giờ có được sự phát triển thành công”.

Theo Hải Anh/Thanh Niên