Thị trường bán lẻ gần 180 tỷ USD Việt Nam: Cuộc chiến khốc liệt giành thị phần

28/09/2018 09:57

Cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini hiện là phân khúc phát triển nhanh nhất, với sự bùng nổ cả về số lượng lẫn số doanh nghiệp (DN) tham gia. Phân khúc này đang hứa hẹn sẽ có sự 'so găng' đầy quyết liệt.

Cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini hiện là phân khúc phát triển nhanh nhất, với sự bùng nổ cả về số lượng lẫn số doanh nghiệp (DN) tham gia. Phân khúc này đang hứa hẹn sẽ có sự 'so găng' đầy quyết liệt.

Các siêu thị mini, chuỗi cửa hàng tiện lợi đang tìm mọi cách để lôi kéo khách hàng về phía mình

Tuy nhiên, thị trường cũng đã bắt đầu có sự phân hóa khi nhiều DN “hụt hơi”, không chịu được áp lực thua lỗ, phải thu hẹp bớt nhiều cửa hàng vì không hiệu quả.

Tốc độ tăng trưởng cao

Với tốc độ tăng trưởng gần 12%/ năm và quy mô có thể lên tới gần 180 tỷ USD vào năm 2020, ngành bán lẻ Việt Nam sôi động hơn bao giờ hết. Đặc biệt, mô hình cửa hàng tiện lợi cạnh tranh khốc liệt khi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đua nhau mở chuỗi, đầu tư công nghệ, tăng cường dịch vụ để tìm chỗ đứng vững chắc tại thị trường bán lẻ được xếp thứ 6 toàn cầu về chỉ số phát triển này.

Dù phát triển nhanh và nhiều nhưng theo giới phân tích đến nay vẫn còn nhiều chuỗi cửa hàng tiện lợi vẫn chưa có lãi. Trên lý thuyết, phải mất 3-5 năm thì 1 cửa hàng tiện lợi mới có thể mang lại hiệu quả; nhà bán lẻ phải đạt con số 500 cửa hàng trở lên mới tối ưu hóa được chi phí. Vì vậy, trong cuộc đua này, những “ông lớn” ngoại có vốn mạnh, nghiên cứu kỹ thị trường trước khi mở điểm bán đang chiếm nhiều lợi thế.

Bách Hóa Xanh của Thế Giới Di Động (MWG) đã có lãi và đang là một trong những đơn vị nắm thị phần lớn trong phân khúc này.

Tính đến cuối tháng 9/2018, Bách Hóa Xanh đã có 409 siêu thị và doanh thu trên mức 400 tỷ đồng, doanh số bình quân tính cho các cửa hàng đã vượt qua mức 1 tỷ đồng/tháng, thậm chí có cửa hàng hơn 3 tỷ đồng/ tháng.

Hiện Bách Hóa Xanh đang lựa chọn phát triển thần tốc về điểm bán với khoảng 500 cửa hàng, được phát triển bởi Thế giới Di động. Bách Hóa Xanh cũng đang định vị phục vụ tiêu dùng thiết yếu như một phần “vũ khí” đến với khách hàng mục tiêu - với tầng lớp tiêu dùng nắm tay hòm chìa khóa thu nhập/ chi tiêu của phần lớn các gia đình.

Từ một ông lớn trong ngành bán lẻ điện thoại và điện máy chuyển sang bán thịt và rau tuy nhiên hiện đơn vị này đang dần chiếm lĩnh thị phần và đang trên đà bức phá về số lượng cửa hàng cũng như doanh thu.

Theo Thế giới Di động, mục tiêu cho 4 tháng cuối năm, Bách Hóa Xanh sẽ đẩy mạnh thị trường tại các khu vực phía Đông (Q.2, 9 và Thủ Đức), phía Nam (Q.4, 7, 8, Bình Chánh và Nhà Bè) của TP.HCM, và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bến Tre, Tiền Giang.

Cuộc cạnh tranh không khoan nhượng

Nhờ vào ưu thế nắm bắt tốt nhu cầu của người tiêu dùng về sự tiện lợi trong mua sắm, siêu thị mini hiện là phân khúc có mức tăng trưởng khá cao, ngày càng phát triển về số lượng, tăng về quy mô. Điều này khiến cho khả năng cạnh tranh của mô hình này càng mạnh mẽ hơn.

"Theo ghi nhận của Thương Gia, ngoài Bách Hóa Xanh và một số DN khác đang có những con số doanh thu triển vọng nhưng cũng không ít DN đang tính chuyện thu hẹp cửa hàng, chuyển nhóm ngành kinh doanh. Lý do là phần lớn các DN đang miệt mài chạy đua mở rộng hệ thống, nên lỗ lã và gánh nặng chi phí thuê mặt bằng.

Hiện Thế Giới Di Động, Vingroup, Saigon Co.op… đang tích cực chạy đua tìm mặt bằng cho các chuỗi Bách hóa Xanh, Vinmart+, Co.op Food, Cheers, Satrafoods… Cuộc chạy đua này mở chuỗi đã đẩy giá cho thuê mặt bằng tăng chóng mặt, có nơi giá cho thuê đã tăng gấp đôi so với trước.

Một số hệ thống như Family Mart… mở chuỗi rất nhanh nhưng cũng đóng không ít cửa hàng vì kinh doanh không hiệu quả, chi phí thuê cao hoặc bị thu hồi mặt bằng.

Một quản lý hệ thống Co.op Food chia sẻ: “Yếu tố quan trọng nhất khi kinh doanh siêu thị mini vẫn là phải tìm được vị trí tốt ở trung tâm các khu vực dân sinh hoặc gần chợ với giá thuê hợp lý. Đồng thời phải tìm nguồn hàng phải ổn định và đa dạng để làm sao khách cần gì cũng có.

Bên cạnh đó, ngoài việc hàng hóa phải chất lượng, giá bán chỉ nên ngang bằng hoặc cao hơn giá chợ một chút thì mới cạnh tranh được”.

Phân khúc siêu thị mini, dự kiến sẽ tiếp tục bùng nổ mạnh trong thời gian tới. Đây không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức cho các DN, bởi nếu không có sự đầu tư và tầm nhìn đúng đắn, các DN có thể “hụt hơi” trong thị trường được ví như “miếng bánh” béo bở này.

Ngọc Tân

Theo Thương Gia