Không phải hết vốn là nghĩ đến ngân hàng
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua. Trong đó, đáng chú ý là quy định liên quan đến việc giảm tỷ lệ giới hạn tín dụng, ảnh hưởng trực tiếp tới việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp.
Cụ thể, Điều 136 Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) ghi rõ: giảm tỷ lệ giới hạn tín dụng đối với một khách hàng từ 15% xuống còn 10% vốn tự có của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô theo lộ trình tới năm 2029; giảm tỷ lệ giới hạn tín dụng một khách hàng từ 25% về mức 15% vốn tự có của tổ chức phi ngân hàng theo lộ trình tới năm 2029.
Tại toạ đàm “Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Phân bổ hiệu quả nguồn lực", TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nhận định, thay đổi kể trên giúp tạo tiền đề cho thị trường tài chính phát triển cân bằng hơn, giúp doanh nghiệp đa dạng hóa kênh huy động vốn trung và dài hạn cũng như giảm phụ thuộc quá nhiều vào tổ chức tín dụng.
“Chúng ta cần đẩy mạnh và phát triển thị trường vốn một cách ổn định để các tổ chức và doanh nghiệp huy động được vốn trong sản xuất kinh doanh trên thị trường vốn. Không thể đặt áp lực vốn kinh doanh lên các tổ chức tín dụng.
Vốn tín dụng ngân hàng chỉ là vốn bổ sung chứ không phải là vốn đầu tư trung, dài hạn vì ngân hàng huy động vốn phần lớn là ngắn hạn cho nên không thể có đủ nguồn lực cho đầu tư vốn trung, dài hạn. Vì vậy, việc đặt tất cả các nhu cầu vốn vào các tổ chức tín dụng ngân hàng là không hợp lý, cần phải mở rộng ra các nguồn vốn khác", ông Hùng nhận định.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp sống dựa vào nguồn vốn vay tín dụng. Đơn cử như đối với các doanh nghiêp bất động sản, tín dụng ngân hàng chiếm tới 54% tổng nguồn vốn, tỷ trọng cao nhất trong số các kênh huy động vốn.
Tuy nhiên, việc thị trường bất động sản trong nước chững lại trong thời gian qua khiến tình trạng nợ xấu gia tăng, từ đó khiến các ngân hàng thương mại thắt chặt, thậm chí là giảm hạn mức cho vay do quan ngại nợ xấu. Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), vốn tín dụng năm 2023 của các doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ lệ 54%, giảm mạnh so với 74% của năm 2022.
Không riêng các doanh nghiệp bất động sản, nhiều doanh nghiệp sản xuất khác cũng rơi vào cảnh “đói vốn”. Theo báo cáo doanh nghiệp mới nhất của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, tiếp cận vốn vay là khó khăn xếp thứ 2 trong tổng số 5 khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt. Những rào cản về lãi suất, chính sách cho vay, tình hình tài chính chưa minh bạch, tài sản thế chấp còn vướng mắc,… khiến ngân hàng và các tổ chức tín dụng trở thành “cửa hẹp” trong việc huy động vốn của doanh nghiệp.
Việc tập trung quá nhiều vào kênh huy động vốn từ ngân hàng khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khi không thể tiếp cận nguồn vốn này. Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp đã phải rời bỏ thị trường do thiếu vốn và không thể tiếp cận vốn.
Để thị trường TPDN giữ vai trò quan trọng
Khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải tìm hướng đi mới, trong đó phải kể đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
VARS cho biết, nếu như trong năm 2022 nguồn vốn TPDN chỉ chiếm 7,7% trong cơ cấu vốn của lĩnh vực bất động sản thì đến năm 2023, con số này đã tăng lên 26%.
Những doanh nghiệp bất động sản tích cực huy động vốn trên thị trường TPDN năm 2023 có thể kể đến như Công ty TNHH Capitaland Tower với 4 đợt phát hành và huy động được 12.240 tỷ đồng, hay Công ty TNHH đầu tư và phát triển đô thị Hưng Yên phát hành 2 đợt trái phiếu doanh nghiệp, huy động khoảng 7.200 tỷ đồng.
Trong tháng đầu tiên của năm 2024, hai doanh nghiệp trong ngành bất động sản bao gồm Vingroup và Tổng công ty Đầu tư và Phát triển (DIG) cũng phát hành hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu.
Bên cạnh các doanh nghiệp bất động sản, nhiều doanh nghiệp trong các ngành khác cũng bắt đầu huy động vốn trên thị trường TPDN. Theo báo cáo mới nhất của Fiinratings, thị trường TPDN trong năm 2024 đã và đang có sự tham gia của nhiều tổ chức phát hành trong các ngành mới như hàng tiêu dùng, thực phẩm, logistics,…
Theo nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, sau giai đoạn suy yếu vừa qua, TPDN vẫn là kênh huy động vốn trung và dài hạn rất quan trọng của doanh nghiệp, góp phần cân đối cơ cấu thị trường vốn, giảm sự phụ thuộc vốn trung, dài hạn quá lớn vào kênh tín dụng ngân hàng.
Trong năm 2024, tiềm năng của thị trường TPDN trong việc trở thành kênh huy động trung, dài hạn chính của các doanh nghiệp là rất lớn. Theo ông Nguyễn Đình Duy, CFA, Giám đốc - Chuyên gia phân tích cấp cao tại VIS Rating, thị trường TPDN năm 2024 có cơ hội tăng trưởng mạnh.
“Mặt bằng lãi suất thấp, tâm lý nhà đầu tư dần hồi phục cùng các chính sách và quy định có hiệu lực từ đầu năm 2024 như Nghị định 65 là những yếu tố giúp kênh TPDN thực hiện đúng vai trò là kênh cấp vốn dài hạn cho doanh nghiệp, góp phần giúp thị trường vốn phát triển bền vững”, ông chia sẻ.
Tuy vậy, để thị trường TPDN thực sự phát huy hết vai trò kênh huy động vốn của mình, theo ông Duy, các doanh nghiệp cần phải duy trì tính kỉ luật thị trường trong phát hành TPDN cũng như chi trả các nghĩa vụ thanh toán đúng hạn và công bố thông tin một cách đầy đủ.
Trong khi đó, các chuyên gia của Fiinratings cho rằng, cần cải thiện những quy định hiện nay để có thể tạo điều kiện cho các quỹ đầu tư trái phiếu và các định chế đầu tư được cấp phép và hoạt động có thể mở rộng tham gia vào kênh TPDN như các thị trường trong khu vực.