Thu phí vỉa hè: đánh giá kỹ các hệ lụy

11/02/2023 08:03

Đề án thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè ở TP.HCM đang được Sở Giao thông vận tải gửi các quận huyện rà soát và đóng góp ý kiến để hoàn chỉnh.

anhviahejpg-10-2-4read-only-16760418517181852103055-1676077334.jpeg
Lòng đường, vỉa hè đường Lê Thánh Tôn (quận 1) bị chiếm dụng làm chỗ để xe máy và cả ô tô (ảnh chụp chiều 8-2) - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Việc quản lý vỉa hè, lòng đường đang là vấn đề nóng, đề án trên có thể giúp TP phát triển được kinh tế đường phố, chỉnh trang, sắp xếp đô thị hiệu quả. 

Tuy nhiên nhiều chuyên gia và người dân cho rằng cần chuẩn bị để xử lý các vấn đề phát sinh. Tuổi Trẻ giới thiệu một số ý kiến của chuyên gia và người dân xoay quanh vấn đề trên.

* Tiến sĩ Phạm Viết Thuận (viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và Môi trường):

Không được ảnh hưởng việc đi lại

Nếu TP.HCM phát triển đề án này thì cần xác định rõ mục tiêu cho thuê để làm gì - tăng ngân sách hay phát triển kinh tế lòng lề đường. Bởi công năng hạ tầng giao thông đô thị là đáp ứng lưu thông của người dân, vỉa hè là tạo cảnh quan đô thị trong đó có lối đi riêng cho người đi bộ. 

Do đó dù phát triển các nội dung khác thì vẫn phải chú ý tới việc đi lại và sinh hoạt của người dân khu vực cũng như khách du lịch.

Ngoài ra, nếu cho thuê vỉa hè và lòng đường thì sẽ phát sinh khá nhiều vấn đề về quản lý trật tự đô thị và quy hoạch. Không quản lý chặt có thể khiến khu trung tâm TP trở nên bát nháo. 

Điều này cần phải đặc biệt chú ý. Không để xảy ra chuyện triển khai một thời gian không hiệu quả lại phải thay đổi lại hạ tầng, kết cấu đã thay đổi trước đó để phục vụ đề án.

Nếu cho thuê thì hộ buôn bán và hộ dân có quyền để nhiều trang thiết bị và dụng cụ để buôn bán. Do đó, lúc đầu cần có cam kết rõ ràng giữa TP và người dân, doanh nghiệp. 

Còn đối với phần lòng đường, giới hạn lòng đường ở TP 72% là 7m, vậy cho thuê thì lòng đường còn bao nhiêu? Phải tính toán sao không để ảnh hưởng việc đi lại, lưu thông. 

Do vậy, tôi lưu ý TP cần đánh giá cụ thể những hệ lụy khi cho thuê. Và đặc biệt là quy hoạch khu nào thuận lợi phát triển đề án, khu nào không được.

* Kiến trúc sư Khương Văn Mười (nguyên chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM):

Cần đơn vị quản lý chung

Trước kia lề đường, vỉa hè là lối đi bộ, mặt đường để xe chạy. Quá trình phát triển đô thị thì có những điều chỉnh khác nhau như khai thác lề đường, lòng đường để làm chỗ để xe, đậu xe... 

Tôi ví dụ ở Pháp những đường rộng thì cho phép các nhà hàng sử dụng để kinh doanh thêm. 

Ở Thái Lan vỉa hè cho phát triển các cửa hàng và đảm bảo đúng quy chuẩn, đồng bộ, trật tự, không ảnh hưởng người đi bộ...

Khách du lịch khi đến mỗi địa phương muốn trải nghiệm cái riêng. Ở TP.HCM nếu phát triển được kinh tế đường phố thì cũng có thể xem đây là nét riêng của TP.

Tuy nhiên khi cho thuê rồi thì TP cần có giới hạn để người đi bộ đi được, an toàn, thoải mái. Ngoài ra TP, các đơn vị, người dân kinh doanh đảm bảo vệ sinh thực phẩm, an ninh cho du khách, có các tiện ích như WiFi, nhà vệ sinh công cộng...

Đề án này nên làm nhưng tùy theo trục đường có đáp ứng được hay không mới triển khai và có quản lý chặt để tránh mất kiểm soát. TP quản lý người dân, người dân tự quản lý lẫn nhau để không xảy ra lấn chiếm sai với quy hoạch chung tạo nên sự bát nháo. 

TP cần xây dựng một bộ quy tắc để chia sẻ với người dân. Người dân ngoài trách nhiệm thì cũng cần biết nhận được quyền lợi ra sao, ảnh hưởng ra sao khi triển khai. Đây có thể là hợp đồng giữa người dân và TP. 

Thêm một yếu tố cần lưu ý là cần có ban quản lý điều hành chung vì khối lượng công việc rất nhiều.

* Ông Phan Thế Huy (trưởng Phòng quản lý đô thị quận 3):

Tôn trọng dân sẽ làm được

Người dân ở đây là dân địa phương và người dân đi lại qua khu vực. Tại quận 3, những tuyến đường rộng như Tú Xương, Lê Quý Đôn, Trương Định, Lý Chính Thắng, Hồ Xuân Hương... cũng được quận cho làm nơi đậu xe tự quản nhằm đảm bảo trật tự đô thị, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân.

Trước khi thực hiện, quận đã gửi kế hoạch cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận và 12 phường để lấy ý kiến người dân. Lắng nghe họ cần gì, lưu ý gì khi triển khai để không ảnh hưởng tới họ. 

Tóm lại, bước đầu tiên là phải thuận lòng dân. Sau đó quận tiếp tục lấy ý kiến người có uy tín, chuyên môn và lựa chọn vị trí thuận lợi nhất để làm. 

Đối với các cơ quan, doanh nghiệp, công ty, nhà hàng sử dụng các vị trí trên để đậu xe thì quận cho họ làm cam kết đảm bảo trật tự không để xảy ra các hành vi lấn chiếm, tranh giành...

Mặt khác, vỉa hè thuần túy vẫn là nơi đi bộ của người dân, do đó quận cũng lưu ý cần phải đảm bảo lối đi bộ thoải mái cho họ. Các vỉa hè xuống cấp, hư hỏng hoặc có vật cản quận đều cho kiểm tra, đề xuất sửa chữa. 

Các hộ kinh doanh được yêu cầu cam kết không đậu xe lấn chiếm vỉa hè gây khó khăn cho người đi bộ.

* Bạn đọc Tuyết Trinh (TP Thủ Đức):

Không để xảy ra thâu tóm, trục lợi

Bản thân tôi thấy việc TP triển khai Đề án thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè là hợp lý. Vì không cho thuê thì nhiều vỉa hè, lòng đường cũng bị chiếm dụng gây ảnh hưởng cảnh quan và đi lại của người dân. 

Nếu có đề án, kế hoạch cụ thể sẽ giải quyết được vấn đề trên.

Tuy nhiên, tôi nghĩ khi cho thuê rồi thì phải làm sao các đơn vị, người dân thuê không "bành trướng", chiếm dụng thêm diện tích ngoài khu vực được thuê gây ảnh hưởng người đi bộ. 

Yếu tố cần lưu ý nữa là tránh việc có người đứng ra "thâu tóm" thuê nhiều điểm rồi cho thuê lại trục lợi.

Sẽ được tính toán kỹ

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, việc quản lý sử dụng lòng đường, vỉa hè sẽ được tính toán kỹ lưỡng nhằm giảm thiểu tác động đến người dân cũng như giao thông.

Trong quá trình triển khai, việc quản lý các tuyến đường sẽ được phân cấp cho quận, huyện nhằm phù hợp đặc thù từng địa phương.

Về mức phí cụ thể với các trường hợp thuê sử dụng tạm vỉa hè, lòng đường đang được xây dựng trước khi hoàn thiện trình TP phê duyệt.

Theo Lê Phan Ghi/Tuổi trẻ
Bạn đang đọc bài viết "Thu phí vỉa hè: đánh giá kỹ các hệ lụy" tại chuyên mục Tài chính.