Tiền của Tập đoàn Hoa Sen có chảy về 'túi' công ty riêng của Chủ tịch Lê Phước Vũ?

10/12/2018 13:36

Việc giao dịch mua bán giá trị lớn với một công ty "Hoa Sen" khác - Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen do chính Chủ tịch HĐQT Lê Phước Vũ vừa làm chủ sở hữu kiêm Chủ tịch, lại là cổ đông lớn nhất thì khó có thể đảm bảo lợi ích của Hoa Sen không chuyển sang cho công ty này.

Một "Hoa Sen" khác

Tháng 6/2018, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) công bố thông tin về việc Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu HSG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, nhằm tăng số lượng nắm giữ lên 25,38% vốn, tương đương 88,8 triệu cổ phiếu.

Năm 2017, Đầu tư Hoa Sen cũng tích cực mua vào cổ phiếu HSG. Việc mua vào cổ phiếu HSG của công ty này đều diễn ra vào thời gian HSG giảm sâu.

Đáng chú ý, việc mua vào cổ phiếu HSG của Đầu tư Hoa Sen cũng như Chủ tịch HĐQT Lê Phước Vũ đều ở thời kỳ cổ phiếu HSG giảm sâu.

Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen được thành lập vào ngày 12/07/2010, ban đầu có  tên là Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen. Công ty có địa chỉ trụ sở tại thôn 2, Xã Đạ M'Ri, Huyện Đạ Huoai, Tỉnh Lâm Đồng; ngành nghề kinh doanh chính là trồng rừng và chăm sóc rừng. Công ty hiện có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng với 243 chi nhánh.

Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen là công ty do ông Lê Phước Vũ làm chủ sở hữu và giữ vị trí Chủ tịch (sở hữu 25,1% vốn).

le phuoc vu aa

Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen (HSG), Chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen.

Thay đổi đăng ký kinh doanh ngày 11/8/2017 cho thấy, người đại diện theo pháp luật của Đầu tư Hoa Sen bao gồm 3 cá nhân: ông Lê Phước Vũ (Chủ tịch); ông Hồ Văn Thành (Phó tổng giám đốc); ông Lê Hữu Hùng (Phó tổng giám đốc).

Trước đó, người đại diện theo pháp luật của công ty là ông Lê Phước Vũ (Chủ tịch) và bà Trần Thị Mỹ Hạnh (Phó tổng giám đốc).

Tại HSG, ông Vũ cũng đang làm Chủ tịch Tập đoàn với tỷ lệ sở hữu cổ phiếu hơn 37,4 triệu đơn vị, tương ứng 10,7% vốn.

Không chỉ dừng lại ở việc tăng cường sở hữu và trở thành cổ đông lớn nhất (25,37%), Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen còn là khách hàng có giao dịch thân thiết với HSG.

Điển hình như trong năm tài chính 2016-2017 (kết thúc ngày 30/9/2017), HSG đã phát sinh giao dịch mua bán hàng hóa với Đầu tư Hoa Sen lên tới gần 7.200 tỷ đồng. Cụ thể, HSG giao dịch bán hàng hóa 4.147 tỷ đồng, mua 2.868 tỷ đồng, phí vận chuyển 72 tỷ đồng, chiết khấu thương mại 73 tỷ đồng, bán tài sản 36 tỷ đồng... với Đầu tư Hoa Sen. Doanh thu bán hàng qua Đầu tư Hoa Sen chiếm đến 15,7% tổng doanh thu của HSG trong năm tài chính 2016-2017 (26.300 tỷ đồng).

Theo BCTC hợp nhất quý III niên độ 2017-2018 (từ 1/4/2018 - 30/6/2018), doanh thu của HSG khoảng hơn 10.300 tỷ thì giao dịch bán hàng hóa và dịch vụ cho Tập đoàn đầu tư Hoa Sen hơn 2.567 tỷ đồng (chiếm gần 25%). Trong quý II/2018, con số này vào khoảng 2.824 tỷ đồng (chiếm 18% doanh thu).

Giao dịch nội bộ: Của Caesar, trả về Caesar?

Như vậy có thể thấy, sự tăng trưởng doanh thu của Hoa Sen có đóng góp rất lớn từ khách hàng là Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen. Một câu hỏi được đặt ra là vì sao HSG phải mua bán hàng với Đầu tư Hoa Sen?

Về vấn đề này, lãnh đạo HSG từng giải thích việc bán hàng cho Đầu tư Hoa Sen vì hiện công ty này chỉ bán hàng độc quyền của Tập đoàn. Bên cạnh đó, Tập đoàn mua nguyên liệu của Đầu tư Hoa Sen vì nguồn nguyên liệu này đảm bảo giá tốt so với thị trường, đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất và chất lượng.

Dù vậy, những giao dịch mua và bán của HSG với công ty do Chủ tịch HSG vừa làm chủ sở hữu kiêm Chủ tịch, lại là cổ đông lớn nhất, thì khó có thể đảm bảo việc lợi ích của HSG không chuyển sang cho Đầu tư Hoa Sen.

SSI Research nhận định sự phụ thuộc ngày càng tăng vào đối tác nội bộ này có thể là một nhân tố kém tích cực cho lợi nhuận của Công ty và cũng có thể gây lo ngại cho nhà đầu tư về tính minh bạch và trách nhiệm của Tập đoàn Hoa Sen.

Ngoài ra, trong nội dung công bố Nghị quyết (được thông qua ngày 25/10/2018) của HĐQT Tập đoàn Hoa Sen, Hoa Sen thừa nhận tình hình trị trường đang gặp nhiều khó khăn, bất ổn và cho biết sẽ phải nhờ trợ giúp của Đầu tư Hoa Sen.

Cụ thể, để thực hiện các mục tiêu đề ra, HSG sẽ đàm phán, làm việc với Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen để nhận chuyển nhượng các chi nhánh thuộc quyền sở hữu, quản lý, khai thác của HSG tại một số tỉnh thành, để đảm bảo tại tỉnh thành đó sẽ hiện diện 100% chi nhánh cửa hàng thuộc HSG.

Các tỉnh thành mà HSG nhận chuyển nhượng sẽ tập trung chủ yếu tại các "điểm nóng" là khu vực Miền Bắc và Miền Trung.

Ở chiều hướng ngược lại, để hài hòa lợi ích, HSG sẽ chuyển nhượng cho Đầu tư Hoa Sen một số ít chi nhánh/cửa hàng tại 9 tỉnh/thành tại Miền Nam nhằm thuận tiện cho công tác quản lý của hai bên.